Xác minh, điều tra hoạt động từ thiện của một số nghệ sĩ: Những vấn đề pháp lý cần quan tâm làm rõ

17/10/2021 19:47

(Pháp lý) – Dư luận đang rất quan tâm đến việc Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an (C02) đang xác minh, điều tra phản ánh một số nghệ sĩ lợi dụng việc quyên góp từ thiện, thiếu minh bạch trong quá trình giải ngân, có dấu hiệu lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trao đổi với PV Pháp lý,  Luật sư Lê Cao -  Chủ tịch HĐTV Công ty Luật FDVN (Đoàn Luật sư TP. Đà Nẵng) cho rằng, sự vào cuộc tiến hành điều tra, xác minh cơ quan công an là rất cần thiết và kịp thời. Theo đó, cơ quan công an cần làm rõ các giao dịch liên quan đến hoạt động kêu gọi từ thiện của một số cá nhân, nguồn tiền được chuyển đến từ nhiều cá nhân tổ chức trong và ngoài nước. Đặc biệt cơ quan công an cũng cần làm rõ có hay không việc lợi dụng danh nghĩa làm từ thiện để rửa tiền… 

11-1634474704.jpg
Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an, cho biết Bộ đã chỉ đạo Cục Cảnh sát hình sự kiểm tra, xác minh, làm rõ việc tiếp nhận quyên góp và quá trình giải ngân tiền từ thiện của một số cá nhân.

Bộ Công an vào cuộc xác minh, điều tra

Ngày 15/10, theo một nguồn tin cho biết Cục C02 đã mời làm việc đối với ca sĩ Thủy Tiên, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, diễn viên hài Trấn Thành, MC Đại Nghĩa.

"Cơ quan điều tra đang xác minh làm rõ vụ việc. Việc điều tra được diễn ra công tâm, khách quan. Tất cả biện pháp công an thực hiện đều đúng theo quy định pháp luật và sẽ sớm có kết luận đúng sai", nguồn tin cho biết.

Liên quan đến vấn đề trên, căn cứ điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự, Cục C02 yêu cầu cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng phối hợp rà soát tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với tài khoản của các cá nhân gồm: bà Trần Thị Thủy Tiên (ca sĩ Thủy Tiên); ông Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng), ông Huỳnh Trấn Thành (danh hài Trấn Thành).

Đồng thời, Cục C02 đề nghị các đơn vị trên cung cấp bản sao hồ sơ mở tài khoản và toàn bộ thông tin cá nhân liên quan đến chủ tài khoản của các tài khoản đã rà soát, xác định (nếu có); thống kê tổng số tiền giao dịch, số dư hiện có trong tài khoản, sao kê chi tiết tất cả những giao dịch của tài khoản từ thời điểm mở tài khoản đến nay; thông tin họ tên, địa chỉ của số tài khoản đối ứng, người nộp tiền vào và người nhận tiền từ các tài khoản nói trên.

Trước đó, mạng xã hội “nóng” vì câu chuyện thiện nguyện của một số cá nhân, nghệ sĩ. Trong đó, có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng bị dân mạng đặt nghi vấn về tính minh bạch trong hoạt động quyên góp, giải ngân.

Liên quan đến thông tin trên, trước đó tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2021, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an, cho biết Bộ Công an nhận được tin báo tố giác tội phạm và tin báo liên quan đến một số cá nhân có hoạt động gây quỹ quyên góp từ thiện thời điểm xảy ra bão lũ miền Trung năm 2020.

Bộ Công an đã chỉ đạo Cục Cảnh sát hình sự thụ lý, kiểm tra, xác minh các nguồn tin. Hiện Cục Cảnh sát hình sự đang phối hợp với các ngân hàng tiến hành rà soát các tài khoản đã huy động từ thiện để làm rõ việc tiếp nhận quyên góp và quá trình giải ngân.

12-1634474704.jpg
Thủy Tiên là 1 trong những nghệ sĩ vướng phải lùm xùm trong việc làm từ thiện.

Cục Cảnh sát hình sự cũng phối hợp với UBND và MTTQ các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi để xác minh làm rõ số tiền các cá nhân đã tiến hành cứu trợ, làm từ thiện tại đó. Đồng thời, đơn vị này đã mời một số tổ chức, cá nhân làm việc, đề nghị cung cấp thông tin có liên quan để có kết luận chính xác về vấn đề này theo đúng quy định của pháp luật.

Cơ quan công an điều tra căn cứ vào qui định pháp luật nào? 

Luật sư Lê Cao -  Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty Luật FDVN (Đoàn Luật sư TP. Đà Nẵng) cho rằng, hoạt động từ thiện của các cá nhân ở nước ta thực tế là những quan hệ dân sự tự nhiên, những hoạt động tự phát giữa các cá nhân trong hoạt động tương trợ, làm việc thiện vào những lúc thiên tai, dịch bệnh. 

Hiện nay, Nghị định số 93/2019/NĐ-CP là cơ sở pháp lý để quản những nhà làm từ thiện chuyên nghiệp. Theo đó, có thể thành lập Quỹ từ thiện để triển khai những hoạt động từ thiện vốn là điều rất cần trong cuộc sống. Lập quỹ từ thiện để làm việc có ích cho cộng đồng cũng là điều mà nhiều doanh nhân, người nổi tiếng trên thế giới thường làm và họ làm từ thiện với bộ máy quản lý quỹ chuyên nghiệp nên những chuyện minh bạch tài chính, vấn đề ủng hộ cho quỹ, thu chi tài chính quỹ được làm bằng cơ chế bài bản. 

Tuy nhiên, hoạt động quyên góp tiền từ thiện của những người nổi tiếng ở ta đang được thực hiện khá tự phát, không lập quỹ theo quy định, mang tính kêu gọi cá nhân, mỗi người góp được ít nhiều tùy vào lượng người hâm mộ ủng hộ, rồi việc thu chi không được tổ chức quy củ, tài khoản gây quỹ lại là tài khoản của cá nhân. Khi có những vấn đề về niềm tin xảy đến, chuyện ồn ào đòi xác minh, đòi sao kê, đòi xử lý dường như là tất yếu của cái gốc làm từ thiện không chuyên nghiệp. “Do đó, trước yêu cầu, mong mỏi của dư luận xã hội về tính minh bạch trong hoạt động từ thiện, sự vào cuộc tiến hành điều tra, xác minh cơ quan công an là cần thiết và kịp thời” - Luật sư Lê Cao nói

Cũng theo vị luật sư, khi có tin báo, tố giác về tội phạm, thì cơ quan điều tra cần phải xác minh, thu thập chứng cứ theo trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Theo Điều 143 Bộ luật tố tụng hình sự thì tố giác, tin báo của cá nhân, cơ quan, tổ chức và cơ quan có thẩm quyền tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm là một trong những căn cứ để khởi tố vụ án hình sự. Do đó, theo khoản 1 Điều 145 Bộ luật tố tụng hình sự thì mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải được tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận không được từ chối tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm. 

13-1634474704.jpg

Luật sư Lê Cao -  Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty Luật FDVN (Đoàn Luật sư TP. Đà Nẵng) trao đổi với PV Pháp lý

Về mặt xác minh điều tra nguồn tin để xử lý thì về nguyên tắc, cơ quan điều tra có thẩm quyền khi có các nguồn tin từ tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của cơ quan, tổ chức, cá nhân và thông tin về tội phạm do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện thì cơ quan có thẩm quyền sẽ phải tiến hành hoạt động thu thập chứng cứ theo quy định tại Điều 88 Bộ luật tố tụng hình sự. 

Do đó, cơ quan công an đang yêu cầu cung cấp các thông tin về tài khoản ngân hàng của các cá nhân đã huy động tiền từ thiện để kiểm tra, xác minh thông tin là hoạt động cần thiết, đúng luật. Bởi lẽ, khi đã khởi động công việc điều tra xác minh thì theo Điều 85 Bộ luật tố tụng hình sự, cơ quan có thẩm quyền phải chứng minh làm rõ có hay không có hành vi phạm tội hoặc có hay không các hành vi vi phạm pháp luật khác và các vấn đề liên quan quan trọng khác để chứng minh các vấn đề liên quan đến thông tin tố giác, tin báo hoặc thông tin mà các cơ quan điều tra trực tiếp phát hiện được. Việc làm rõ nguồn tiền quyên góp rồi xác minh được nguồn chi từ thiện là một cách để xác nhận được vấn đề sử dụng dòng tiền từ thiện - Luật sư Lê Cao phân tích.

Vị luật sư cho biết thêm, Điều 147 Bộ luật tố tụng hình sự cũng quy định, trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định: Quyết định khởi tố vụ án hình sự; Quyết định không khởi tố vụ án hình sự; Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố…

Những vấn đề pháp lý cần quan tâm làm rõ

Như đã phân tích ở trên, hoạt động làm từ thiện tự phát có thể dẫn đến quá trình quyên góp và chi tiền từ thiện sẽ khó mà minh bạch, rõ ràng. Nếu không có sự chuẩn chỉ và chuyên nghiệp từ khi thực hiện, thì sẽ có những hệ lụy không đáng có. Hiện nay, vấn đề quyên góp tiền từ thiện không qua việc thành lập quỹ để hoạt động, nên về phương diện so sánh với các quy định bị cấm theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 93/2019/NĐ-CP không được áp dụng cho trường hợp các cá nhân tự làm từ thiện mà không lập quỹ. Thế nhưng, bản thân các giao dịch dân sự về quyên góp quỹ, thu chi quỹ cũng có thể được điều chỉnh bằng các quy định của pháp luật khác có liên quan đến các vấn đề sở hữu tài sản, chiếm hữu tài sản. 

Theo Luật sư Lê Cao, có thể có các vấn đề pháp lý có thể xảy ra, nếu như các bên có giao ước với nhau về việc giao tiền để ủy thác làm từ thiện, mà người được nhận thực hiện không đúng thỏa thuận thì có thể vi phạm nghĩa vụ dân sự, như thế bên giao tiền có thể yêu cầu hoặc khởi kiện để yêu cầu cá nhân vi phạm nghĩa vụ phải thực hiện đúng nghĩa vụ hoặc hoàn trả lại tiền từ thiện được sử dụng không đúng. Tuy nhiên, vấn đề này phải chứng minh được có sự thỏa thuận, trong khi chuyện góp tiền từ thiện sơ sài nên rất khó chứng minh giao ước giữa hai bên, chỉ có hành vi, thông tin chuyển khoản hoàn toàn tự nguyện rất đơn giản là điều rất khó ràng buộc trách nhiệm. 

Trường hợp nếu có các hành vi gian dối, lừa đảo để chiếm đoạt tiền từ người khác thông qua hoạt động kêu gọi quyên góp, tuy nhiên lại có động cơ, mục đích vụ lợi, không dùng tiền được người ủng hộ để thực hiện mục đích từ thiện mà tiêu dùng cá nhân, chiếm đoạt trái phép thì tùy theo mức độ hành vi, tình tiết cụ thể của hành vi người vi phạm còn có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự về các tội danh như tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) hoặc tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 175 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). 

Cũng theo luật sư Lê Cao, khi điều tra, xác minh thông tin liên quan đến hoạt động từ thiện này, cơ quan chức năng cũng cần xác minh được nguồn nguồn tiền cũng như thông tin liên quan đến những tài khoản đã chuyển tiền đến. Bởi theo vị luật sư, các giao dịch liên quan đến hoạt động kêu gọi từ thiện của các cá nhân hết sức phức tạp, nguồn tiền được chuyển đến từ nhiều cá nhân tổ chức trong và ngoài nước và không loại trừ trường hợp lợi dụng danh nghĩa làm từ thiện để rửa tiền, trốn thuế hoặc che dấu đường đi của các nguồn thu nhập…

Hiện nay, vấn đề thu nhập của nhiều cá nhân ở Việt Nam có các khoảng trống pháp lý chưa được làm rõ, cụ thể để bao quát hết được các lĩnh vực khác nhau, chẳng hạn thu nhập qua hoạt động kinh doanh trực tuyến, thu nhập từ các nguồn tài trợ bất hợp pháp từ nước ngoài hoặc có những hoạt động chuyển tiền từ trong nước ra nước ngoài, và vấn đề kiểm soát thu nhập của các cá nhân, đặc biệt là những nguồn tiền lớn là vấn đề nhạy cảm, cũng rất đáng lưu tâm. Do đó, nếu trong quá trình điều tra, xác minh, nếu phát hiện ra những dấu hiệu bất minh, trái pháp luật, thì tùy theo tính chất mức độ của hành vi, các cơ quan có thẩm quyền có thể xem xét đến các vấn đề có liên quan khác mà không chỉ là vấn đề từ thiện... 

Tất nhiên, ở một khía cạnh khác, theo quy định tại Điều 157 Bộ luật tố tụng hình sự thì cơ quan điều tra sẽ không khởi tố vụ án hình sự nếu không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm … Khi không có sự việc phạm tội hoặc hành vi đang được xác minh, điều tra không cấu thành tội phạm thì cơ quan điều tra sẽ có quyết định không khởi tố vụ án. Các vấn đề pháp lý phát sinh nếu có sẽ được xử lý phương diện hành chính hoặc hướng dẫn các bên tranh chấp khởi kiện bằng vụ án dân sự theo quy định của pháp luật. Luật sư Lê Cao phân tích.

Như vậy, hoạt động thu thập chứng cứ hiện nay đang được triển khai theo các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Hoạt động này là công việc bình thường, không chỉ trong vấn đề từ thiện mà nhiều vấn đề khác tương tự cũng sẽ được tiến hành. Chúng tôi cho rằng, để chấm dứt những câu chuyện ồn ào về hoạt động từ thiện của nghệ sĩ vừa qua, thì điều tốt nhất là tiến hành điều tra xác minh làm rõ trắng đen, thực hư xung quanh các cáo buộc, giúp giải tỏa nghi vấn, giải oan cho người vô tội, hoặc trừng trị thích đáng người có tội. Từ đó cũng chấn chỉnh hoạt động từ thiện nhân đạo, loại trừ những hiện tượng biến tướng, tiêu cực, răn đe những kẻ bất lương có ý định trục lợi, hoặc lợi dụng hoạt động từ thiện để tham gia vào việc rửa tiền cho tội phạm...

Nam Kiên
 

Bạn đang đọc bài viết "Xác minh, điều tra hoạt động từ thiện của một số nghệ sĩ: Những vấn đề pháp lý cần quan tâm làm rõ" tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin