John T.Scopes, một giáo viên trung học Mỹ bị kết tội vi phạm luật cấm dạy Thuyết tiến hóa trong các trường công lập của bang Tennessee. Sự cố gây ra tranh cãi nảy lửa và được các nhà sử học về luật pháp coi là "vụ xét xử thế kỷ" của Mỹ lúc bấy giờ.
Vào ngày 21/3/1925, tiểu bang Tennessee của Hoa Kỳ thông qua Đạo luật Butler (the Butler Act) cấm đoán việc giảng dạy Thuyết tiến hóa vốn bị coi là phỉ báng kinh thánh tại các trường công lập trong tiểu bang. Các vụ chống đối đã diễn ra và một vụ kiện được đưa ra trước công lý, đỉnh điểm là vụ xét xử John T. Scopes.
Theo các sử gia, vụ Scopes được coi là án điểm về hành vi vi phạm luật mới, được đưa ra xét xử tại Tennessee vào thời điểm đó. Vụ án này cũng là tiêu đề lớn nhất trên toàn quốc Hoa Kỳ, đã chế ngự mọi loại thông tin báo chí, hệ thống truyền thanh, đã làm sáng tỏ các lý lẽ liên quan tới Hiến pháp Hoa Kỳ, tương tự như vấn đề ngăn cách nhà thờ và quốc gia (separation of church and state), như nền tự do học vấn (academic freedom) cũng như việc diễn đạt Tu chính án thứ Nhất (the First Amendment). Nhưng chính các nhân vật trong vụ tranh cãi đã khiến cho vụ án trở thành một màn kịch.
Mọi chuyện bắt đầu ngày 4/5/1925, khi Liên đoàn Tự do dân quyền Mỹ (ACLU) cho đăng tải một quảng cáo trên báo, đề nghị giúp đỡ bất kỳ giáo viên nào ở Tennessee muốn chống lại luật cấm cản việc dạy Thuyết tiến hóa.
George W. Rappleyea, một người New York di cư đến Dayton, Tennessee đã đọc được quảng cáo trên và thuyết phục người dân địa phương rằng, Dayton cần phải tổ chức một vụ xét xử nhằm thu hút sự quan tâm của dư luận đến thị trấn. Các lãnh đạo của thị trấn Dayton nhanh chóng tán đồng ý tưởng của Rappleyea. Giám sát các trường học ở Dayton ủng hộ luật mới nhưng cũng muốn hút sự chú ý của công chúng đến thị trấn. Ngay cả các Công tố viên của Dayton cũng tham gia vào thỏa thuận. Mảnh ghép cuối cùng của kế hoạch là phải tìm ra một bị cáo.
Đúng lúc này, John T. Scopes (24 tuổi), một giáo viên dạy môn khoa học kiêm huấn luyện viên bóng đá ở một trường trung học địa phương đã nhất trí đảm nhiệm vai trò này, do anh không có ý định ở lại Dayton một thời gian dài.
Theo sự sắp xếp, Scopes sử dụng quyển sách sinh học Hunter’s Civic Biology trong lớp “dạy thử” của mình. Quyển sách này hầu như đề cập đến tiến hóa một cách rõ ràng, và thế là Scopes bị bắt và đưa ra xét xử vào mùa hè. Mặc dù phần còn lại của bang Tennessee không hài lòng với kế hoạch của Dayton, nhưng giới chức địa phương đã phải bố trí thêm 500 chỗ ngồi tại phòng xử án của thị trấn dành cho báo chí và những người quan tâm. Các loa phóng thanh cũng được lắp đặt ở bãi cỏ bên ngoài phòng xử án và 4 khán phòng quanh thị trấn. Sự chuẩn bị này đã chứng minh là cần thiết, khi các nhân vật hàng đầu Mỹ trong cuộc tranh cãi nảy lửa về Thuyết tiến hóa đã can thiệp vào vụ xét xử.
William Jennings Bryan, một cựu nghị sĩ đã hai lần tranh cử Tổng thống trước khi đảm trách chức Ngoại trưởng cho Tổng thống Woodrow Wilson đứng ra nắm quyền công tố. Chính ông Bryan đã khởi xướng chiến dịch chống Thuyết tiến hóa ở Mỹ. Luật cấm dạy học thuyết của Darwin ở Tennessee là thành công quan trọng đầu tiên của ông.
Nhận thức rằng đây sẽ là diễn đàn hoàn hảo để tranh luận với ông Bryan về vấn đề tiến hóa và sáng tạo, luật sư cấp tiến nổi tiếng Clarence Darrow đã đăng ký đứng ra bào chữa cho bị cáo Scopes.
Giới truyền thông đổ xô tới thị trấn Dayton để đưa tin về cuộc đối đầu giữa hai nhân vật "máu mặt". Một đài phát thanh của Chicago cũng cho phát sóng trực tiếp quá trình xét xử, động thái đầu tiên kiểu này ở Mỹ.
Vụ xét xử diễn ra ở Dayton vào thứ Sáu ngày 10/7/1925. Dayton, một thị trấn nhỏ với dân số thưa thớt đã trở thành tâm điểm chú ý của cả nước Mỹ. Hàng trăm người từ các bang khác đổ về. Hàng chục bài báo viết về vụ án. Tất cả đều quan tâm đến diễn tiến của vụ án có một không hai này.
Thẩm phán John T. Raulston mở đầu vụ xét xử bằng việc đọc Đạo luật Butler. Tuy nhiên, người ta nhanh chóng nhận ra, chủ tọa phiên tòa tỏ ra không thiện chí. Ông ngăn chặn mọi nỗ lực tranh luận của luật sư Darrow về tính đúng đắn của quá trình tiến hóa. Sau đó, ông ta đưa ra chỉ dẫn cho Bồi thẩm đoàn là không đưa ra phán quyết dựa trên đạo luật Butler, mà chỉ quyết định xem việc Scopes dạy tiến hóa là có tội hay là không.
Phiên tòa hoàn toàn không có gì bất thường, ngoại trừ một chiến thuật sáng tạo của luật sư Darrow nhằm chứng minh Đạo luật Butler vi phạm Hiến pháp. Khi đó, ông Darrow đã triệu ông Bryan làm nhân chứng. Mặc dù Chánh án không bao giờ đồng ý để một Công tố viên đứng ra làm nhân chứng, nhưng ông Bryan sẵn sàng chấp nhận thử thách.
Trong màn tranh tụng kịch tính, luật sư Darrow chất vấn ông Bryan về cách diễn giải theo nghĩa đen phần đề cập đến sự khởi đầu của thế giới trong kinh thánh. Với kỹ năng chất vấn sành sỏi, luật sư Darrow đã buộc ông Bryan phải thừa nhận rằng, “quá trình sáng tạo ra con người có thể cần tới hàng triệu năm, chứ không phải trong 6 ngày như nêu trong sách Sáng Thế”. Sau đó, Darrow phê phán Bryan vì đã thông qua một đạo luật như vậy, đồng thời chỉ ra rằng trước đây, Bryan đã có thâm niên chống tiến hóa và đã cố gắng đưa ra một đạo luật chống tiến hóa ở Floria nhưng không thành công. Bryan im lặng.
Tuy nhiên, Thẩm phán Raulston đã bác bỏ các luận điểm trên.Vào buổi chiều xét xử cuối cùng, tất cả đều tập trung vào bị cáo - John Scopes. Theo ông Raulston, vấn đề ở đây rất đơn giản đó là có một đạo luật chống dạy tiến hóa, và Scopes đã vi phạm đạo luật này. Đây là điều ai cũng có thể công nhận, do đó không nên mở rộng vấn đề ra thêm nữa.
Cuối cùng những nỗ lực của luật sư Darrow đã không thể cứu được bị cáo Scopes. Ngày 21/7/1925, chàng giáo viên trẻ bị kết tội vi phạm Đạo luật Butler và bị phạt 100 USD. Song, báo chí chính thống ở Mỹ đều đồng loạt đăng tải các thông tin khẳng định, Thuyết tiến hóa của Darwin rõ ràng đã giành chiến thắng trong cuộc tranh cãi. Có thể thấy, mục đích của bên bào chữa là không nhằm chứng minh sự vô tội của Scopes, mà chứng minh sự vi phạm Hiến pháp của Đạo luật Butler. Nhưng mục đích của bên công tố là chứng minh Scopes đã dạy tiến hóa, từ đó vi phạm luật Butler và dĩ nhiên được xem như có tội. Điều đáng chú ý là quyển sách mà Scopes dạy tiến hóa cũng là quyển sách đã được bang Tennessee chấp nhận cho dạy trong các trường trung học của bang.
Trước khi vụ án xảy ra, quyển sách với nội dung tiến hóa vẫn được dạy trong nhà trường, nhưng chẳng có phụ huynh hay giáo viên nào chống lại nội dung trong đó cả, phần lớn tất cả mọi người ở Tennessee vào thời điểm đó đều theo chủ nghĩa nền tảng.
Mặt khác, nội dung của đạo luật Butler là nhằm ngăn chặn việc tiến hóa làm suy đồi giới trẻ. Nhưng bản chất của sự suy đồi này là thế nào? Có phải tiến hóa sẽ làm đứa trẻ nói dối nhiều hơn, phá phách nhiều hơn, tỷ lệ phạm tội tuổi vị thành niên cao hơn? Nếu có thì các cha mẹ và giáo viên đã lên tiếng phản đối rồi, đâu cần phải có đạo luật Butler. Hay sự suy đồi này chỉ đơn giản là việc không tin Chúa? Có lẽ mọi người ở Tennessee không cần biết tiến hóa có thật sự làm suy đồi giới trẻ hay không mà chỉ biết là nó đi ngược với nội dung của Kinh Thánh.
Sau vụ án, John Scopes không cần phải đóng khoản phạt 100USD vì đây là khoản tiền do Thẩm phán đưa ra, chứ không phải của Bồi thẩm đoàn nên được xem như vô giá trị. Về phía ACLU tuy thua kiện, nhưng lại gây được sự chú ý của cả nước Mỹ. Sau 5 năm thành lập, ACLU không hề có một hoạt động nào đáng kể trong việc đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân. Nhưng sau vụ án Scopes, ACLU đã được sự ủng hộ của công chúng.
Năm 1927, Tòa án tối cao Tennessee đã đảo ngược phán quyết vụ xử Scopes về mặt kỹ thuật. Song mãi tới năm 1968, các tranh cãi về việc cấm dạy Thuyết tiến hóa mới ngã ngũ, khi Tòa án tối cao Mỹ bác bỏ một luật tương tự Đạo luật Butler của bang Arkansas, với lý do văn bản này vi phạm Tu chính án thứ nhất.
Sau hơn 90 năm, có lẽ chỉ còn ít người Mỹ còn nhớ về sự kiện này. Thị trấn nhỏ bé Dayton một thời là tâm điểm chú ý của cả nước Mỹ, nay đã quay lại dáng vẻ bình yên của nó. Câu chuyện về vụ án Scopes chỉ còn là những hồi ức của những người đi trước, và thường được đưa ra kể cho con cháu nghe như nhắc lại về một thuở huy hoàng của thành phố.
Theo Hà Kim (congly.vn)
Nguồn bài viết: https://congly.vn/the-gioi/vu-an-noi-tieng/vu-xet-xu-the-ky-di-vao-lich-su-nuoc-my-267910.html