Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo phân tích, trong vụ án VN Pharma, việc nhập thuốc không rõ nguồn gốc về bằng giấy tờ giả xuất phát từ việc làm tắc trách của Bộ Y tế. Trách nhiệm của cá nhân Bộ trưởng trong việc để xảy ra vụ việc? Bộ trưởng Y tế không trả lời thẳng câu hỏi này…
Ngày 27.4, cổng thông tin điện tử Quốc hội công bố văn bản số 6665 của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo (Lâm Đồng).
Đại biểu Tạo đặt vấn đề chất vấn Bộ trưởng Y tế, thời gian qua, cử tri rất lo lắng, bức xúc về việc thuốc chữa bệnh giả trên thị trường như vụ án liên quan đến Công ty VN Pharma; vụ buôn bán thuốc và thực phẩm chức năng giả điều trị bệnh ung thư bị phát hiện gần đây tại Hà Nội...
Theo đại biểu, trong vụ án liên quan đến Công ty VN Pharma, việc nhập thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ vào Việt Nam tiêu thụ bằng hàng loạt giấy tờ giả... là xuất phát từ việc làm tắc trách, thiếu trách nhiệm của cán bộ Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế trong việc thẩm định, cấp phép hồ sơ nhập khẩu. Không những vậy, ông Đỗ Văn Đông – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) - đơn vị cấp phép cho lô thuốc H-Capita - tham gia thành viên Hội đồng giám định tư pháp lô hàng do chính mình cấp phép.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết trách nhiệm cá nhân của Bộ trưởng trong việc để xảy ra những vụ việc nêu trên? Bộ Y tế đã xử lý như thế nào đối với những cá nhân có liên quan? Vấn đề cử tri băn khoăn liệu số thuốc giả, hoặc kém chất lượng đã đưa ra thị trường để chữa bệnh người bị ung thư theo kê toa của bác sỹ chưa? Hậu quả của bệnh nhân khi sử dụng thuốc này? Đề nghị Bộ Y tế báo cáo rõ vấn đề này? Bộ đã đề ra những giải pháp gì để hạn chế tình trạng thuốc chữa bệnh giả?".
Trong văn bản trả lời, đầu tiên, nói về vụ việc liên quan đến Công ty VN Pharma, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, sau khi có nghi ngờ về thuốc H-Capita của Công ty Cổ phần VN Pharma, Bộ Y tế đã quyết liệt chủ động phát hiện, phối hợp chặt chẽ, hết sức trách nhiệm, kịp thời ngăn chặn không để một viên thuốc H-Capita nào được lưu thông ra thị trường và quyết liệt, nhanh chóng chuyển toàn bộ hồ sơ, thông tin cho cơ quan chức năng điều tra...
Về thông tin cho rằng người của đơn vị cấp phép tham gia Hội đồng giám định lô thuốc do chính mình cấp phép, Bộ trưởng nhận định, đây là thông tin không chính xác. Việc thành lập Hội đồng giám định tư pháp dựa trên cơ sở quyết định trưng cầu giám định của cơ quan điều tra đối với Bộ Y tế. Đại diện của Cục quản lý Dược không tham gia vào việc đánh giá chất lượng lô thuốc, chỉ tham gia với vai trò giám sát. Việc đánh giá chất lượng lô thuốc là do Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương thực hiện...
Về những giải pháp để hạn chế tình trạng thuốc chữa bệnh giả nhập khẩu vào Việt Nam, văn bản trả lời của Bộ trưởng nêu rõ, để tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước đối với thuốc nhập khẩu, trong Luật Dược 2016 và các văn bản hướng dẫn, Bộ Y tế đã bổ sung một số quy định và đang nghiên cứu bổ sung quy định liên hệ với cơ quan quản lý dược của nước có thuốc xuất khẩu vào Việt Nam trước khi cấp phép lưu hành thuốc tại Việt Nam.
Câu chất vấn trách nhiệm cá nhân của Bộ trưởng trong việc để xảy ra những vụ việc về thuốc như VN Pharma không có nội dung trả lời.
Tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội (cuối năm 2017), có 11 đoàn đại biểu Quốc hội cùng đề nghị chất vấn Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến về trách nhiệm quản lý Nhà nước, công tác giám sát, kiểm tra trong việc cấp phép sản xuất, nhập khẩu, quản lý phân phối, lưu hành, kiểm định thuốc. Nhưng Bộ trưởng Y tế không được chọn đăng đàn trả lời chất vấn. Các đại biểu quan tâm đến vấn đề này thực hiện quyền chất vấn với Bộ trưởng bằng văn bản.
Theo Danviet