Tập tùy bút của Phạm Đình Hổ được viết khoảng thời Lê mạt Nguyễn sơ, ghi lại nhiều sự việc xảy ra vào cuối đời Lê và đời Tây Sơn.
Phạm Đình Hổ gọi tác phẩm của mình là tùy bút, nhưng nó không phải được viết theo lối tùy bút bây giờ, mà với nghĩa nôm na là tùy hứng, "muốn viết cái gì thì viết, không cần hệ thống, kết cấu và mạch lạc"…
Đúng như tên gọi,"tùy theo ngọn bút mà viết trong khi mưa", Vũ trung tùy bút như quyển sổ tay ghi chép lại bất cứ điều gì gợi cảm hứng cho tác giả, từ những ghi chép việc xảy ra trong xã hội, kể chuyện nhân vật lịch sử, di tích lịch sử đến bàn về các thứ lễ, phong tục, văn hóa, nghệ thuật.
Trong 91 đề mục của sách, có những mục ông viết khá dài nhưng có những mục chỉ dăm ba dòng, có cái viết theo trí nhớ hoặc lời kể, có cái trích dẫn thư tịch...
Tác phẩm chủ yếu tập trung vào những ghi chép về các danh nhân, những nhân vật phi thường trong lịch sử, như Phạm Ngũ Lão, Lý Đạo Tái, truyện vua Lê Lợi, Đoàn Thượng,...Ghi chép các cuộc du lãm, những nơi có danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Cảnh chùa Sơn Tây, Đền Đế Thích... Các việc xảy ra ở cuối đời Lê: Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh, Cuộc bình văn trong nhà Giám…
Khảo cứu về duyên cách, địa lý như Thay đổi địa danh, Xứ Hải Dương, Xứ Đường An, Tên làng Châu Khê... Khảo về phong tục trong đời sống xã hội như Hoa thảo, Cách uống chè, Nón đội, Mẹo lừa, Trộm cắp, Thần trẻ con, Tệ tục, Thần hổ... Khảo về học thuật như Học thuật, Lối chữ viết, Bàn về âm nhạc, Các thể văn...
Mỗi ghi chép đều đã trở thành những tư liệu vô giá về đời sống tinh thần vào thời bấy giờ. Những ghi chép về tập tục địa phương trong đó giúp nhiều nhà nghiên cứu lịch sử thời nay hiểu được địa lý hành chính thời xưa. Đây là một tài liệu văn hóa mà mỗi người đều nên đọc qua để biết về những nét truyền thống xưa đẹp đẽ thanh tao của dân tộc.
Những “lạc thú nhân sinh” khiến cho văn hóa kẻ sĩ trở nên phong phú và đa dạng. Thưởng hoa, thưởng rượu, thưởng trà, bình văn, thả thơ, chơi chữ, đánh cờ, nuôi chim... là những thú chơi tao nhã đã đi vào đời sống thường nhật của người trí thức.
Phạm Đình Hổ có mối quan tâm đặc biệt đến việc khảo cứu về hoa, trà, âm nhạc, chữ viết... Cái hào hoa của kẻ sĩ kinh kỳ được thể hiện ở sự yêu mến, say mê tìm đến tận ngọn nguồn các phương diện làm cao nhã hơn cuộc sống của người trí thức.
Trong chương bàn về cách uống trà, Phạm Đình Hổ viết:
"... Từ đời Khang Hy trở về sau, uống chè tàu mới đổi ra pha từng chén nhỏ, chứ không hãm trong ấm to nữa, vì uống chè, ấm chén cốt cho nhỏ, mỏng, khi pha mới nổi hương vị.
Vòi ấm thẳng thì nước không đọng, mặt đĩa phẳng thì đặt chén không nghiêng, rế lò dầy mà lỗ thưa thì than lửa không bốc nóng quá, lòng ấm siêu lồi lên và mỏng thì sức lửa dễ thấu, chóng sôi. Ấy, cái cách pha chè uống nước, mới đầu còn thô, sau tinh dần mãi ra.
Gần đây lại có chế ra thứ siêu đồng cũng khéo, nhưng kim khí bị hỏa khí nó hấp hơi, thường có mùi tanh đồng, không bằng dùng siêu đất nung, pha chè tốt hơn. Song các nhà quyền môn phú hộ khi uống chè lại lười không muốn pha lấy. Thường thường họ giao cho tiểu đồng pha phách tất cả, dùng siêu đồng cho tiện và lâu vỡ, như thế không phải bàn làm chi nữa..."
Phạm Đình Hổ đã miêu tả tỉ mỉ cách uống trà, với một sự uyên bác và hào hứng. Uống một chén trà, thật phức tạp mà cũng tinh tế biết dường nào. Uống trà cũng thực là một nghệ thuật, là một nét đẹp văn hóa.
Trong tập Vũ Trung tùy bút, Phạm Đình Hổ cũng đã giới thiệu về các loại nhạc cụ, các làn điệu, tổ chức âm nhạc... rất tỉ mỉ. Ông khẳng định âm nhạc không đơn thuần để mua vui, giải trí. Âm nhạc chính là thể hiện sự giao hòa của tâm hồn con người với xa hội, thể hiện giữa hòa hợp giữa con người với “hòa khí của đất trời”.
Thêm nữa, tác giả cũng đã có những áng văn tuyệt đẹp về hoa lan trong trường ca Thiên Hoa thảo. Đây là một loại hoa được coi là “vương giả hương”, “thanh nhã bất phàm”. Tác giả viết về cách trồng, chăm bón hoa lan với những hiểu biết sâu sắc, thể hiện cái nho nhã, nâng niu như chăm sóc cái đẹp, “Duy chỉ việc bắt sâu cho lan là không thể thiếu, vì cái tính cây cỏ, nó đạm bạc thì hay ưa tĩnh, thơm tho thì hay ghét ướt...”.
Thưởng lan là thưởng thức cái Đẹp – không chỉ là vẻ bề ngoài “Có người lại đánh cuộc xem là lan của ai dài hay ngắn, hoa lan của ai nhiều hay ít. Ôi! Như thế có phải là bản sắc của hoa đâu! Đó chỉ là lấy cái màu sắc rực rỡ, vẻ nùng diễm mà thưởng lan, chứ không biết lấy cái phẩm cách của lan mà thưởng lan”
Cái đẹp không chỉđược ngắm nhìn, cảm nhận bằng mắt mà tự bản thân nó sẽ có mối tương giao hồn, cốt với những bậc quân tử trong thiên hạ.
Tiếp cận với Vũ trung tùy bút, độc giả ngày nay sẽ được sống lại không khí của những hoài vọng xa xăm với đầy những phong lưu tao nhã đẹp đẽ của đất kinh kỳ.
Dù mang nặng dấu ấn của khảo cứu, nhưng Vũ trung tùy bút vẫn ẩn chứa những nét lãng mạn thanh tao của văn chương cổ. Đến nay, tác phẩm này vẫn là một cuốn sách mang nhiều ý nghĩa sâu sắc với đời sống xã hội và lịch sử của dân tộc, như lời nhà nghiên cứu từng nhận xét: "Đọc tác phẩm của Phạm Đình Hổ ta thấy có chiều sâu của người uyên thâm Hán học, có chất lịch thiệp của người trải đời, có cái ngạo nghễ, hóm hỉnh của bậc hàn nho thanh bạch, có cái tinh tế của trí thức kinh kì biết thưởng thức ăn chơi..."
Vũ trung tùy bút được viết bằng chữ Hán, và đã được nhà nghiên cứu lịch sử và văn học dân tộc Nguyễn Hữu Tiến hiệu là Đông Châu dịch ra tiếng Việt.
Theo Zing