Trong gần 100 năm, người Pháp đã khảo sát, nghiên cứu về Tây Nguyên một cách khoa học, liên tục, kỹ càng và đầy đủ nhất. Đó là kho tài liệu quý để hiểu mảnh đất này.
Các nhà truyền giáo, nhà thám hiểm là những người phương Tây đầu tiên đến Tây Nguyên. Sau đó là những nhà cai trị, và cuối cùng là những nhà khoa học thực thụ và chuyên nghiệp.
Họ đã để lại nhiều công trình có giá trị cao, hoặc tổng quát và cơ bản về vùng đất và người độc đáo này, hoặc chuyên sâu về từng lĩnh vực, từng vấn đề, từng tộc người.
Những dấu chân đầu tiên
Các tác giả Việt Nam nghiên cứu Tây Nguyên không nhiều, người Mỹ hay một số nhà khoa học Hà Lan… cũng có sách viết về Tây Nguyên nhưng chỉ mang tính sơ lược.
Có thể nói trong suốt gần 100 năm (thế kỷ XX), nghiên cứu về Tây Nguyên một cách khoa học, toàn diện, kỹ càng và khách quan nhất là người Pháp. “Gia tài” đó là hàng trăm công trình có giá trị tổng quát và cơ bản hoặc chuyên sâu về từng lĩnh vực, vấn đề, từng tộc người ở vùng đất độc đáo này.
Người Pháp đầu tiên lên nghiên cứu Tây Nguyên là các nhà truyền giáo. Do dưới thời kỳ Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức, các nhà truyền giáo không được “hoan nghênh” nên họ phải chạy trốn lên Tây Nguyên, trước nhất là ở vùng Kon Tum. Điều đó cũng lý giải đến nay xứ đạo Kon Tum là xứ đạo quan trọng, lớn nhất của công giáo ở Tây Nguyên.
Do được chuẩn bị rất kỹ khi sang phương Đông nên họ tích cực nghiên cứu, để lại tác phẩm đáng kể viết về đối tượng mà họ truyền giáo. Ví dụ Piere Dourisboure với sách Les sauvages Bahnar - Souvenirs d’un missionnaire (Những người Mandi Bahnar và ký ức của nhà truyền giáo), được Tòa giám mục Kon Tum dịch với tên Chuyện làng Hồ.
Đáng chú ý là linh mục Émile Kemlin viết 3 công trình nghiên cứu quan trọng về người Rongao, là một nhánh trong tộc người Bahnar: Alliances chez les Rongao nói về tục kết ước của người Rongao, một tục kết ước đặc biệt với người khác và với thần linh; Les songes et interprétations chez les Rongao nói về những giấc mơ và cách giải giấc mơ của người Rongao và cuốn Rites agraires Rongao là những lễ tục nông nghiệp của người Rongao.
Trong số tác phẩm của các nhà truyền giáo thời đó, có lẽ những tác phẩm của Kemlin có giá trị cao về mặt khoa học, dân tộc học nhưng tới giờ chưa được dịch.
Song song với nhà truyền giáo là các nhà thám hiểm. Trước khi vào Đông Dương, Pháp chuẩn bị những phái đoàn khám phá trước. Trong đó, một phái bộ có người cầm đầu là viên chức Henri Maitre đến Tây Nguyên khoảng những năm 1909-1911.
Ông để lại tác phẩm Les jungles Moi, dịch là Rừng Mọi gồm 3 phần như nhật ký hành trình khắp Tây Nguyên. Hay Jean Cupet với Voyages au Laos et chez les sauvages du Sud tức Du hành ở làng và vùng của những người mandi phía Nam.
Đặc biệt, Prosper Oden’hal là nhà thám hiểm đã gặp hai nhân vật quan trọng ở Tây Nguyên là Vua nước và Vua lửa. Rất tiếc do một hiểu lầm, ông bị Vua lửa giết chết. Nhật ký hành trình cuối cùng của ông còn ghi lại ông được Vua lửa mời ông ăn một thức nhưng từ chối.
Người Giarai cho rằng đó là thái độ thù địch, cuối cùng ông rơi vào bi kịch nhưng nghiên cứu từ quá trình khám phá Tây Nguyên đến giờ vẫn là tài liệu quý giá cho những ai muốn hiểu về vùng đất này.
Đến các nhà khoa học thực thụ
Phải nói ngay đến Geoges Condominas là nhà dân tộc học lớn, tác giả của Nous avons mangé la forêt de Génie Gô tức Chúng tôi ăn rừng (đúng ra là Chúng tôi ăn rừng đá Thần Gô).
Ông kể câu chuyện về cách người Mnôngar lấy không gian để đo thời gian. Ví dụ, nếu hỏi hai vợ chồng lấy nhau vào năm nào thì họ nói: "Hai vợ chồng lấy nhau vào cái năm làng của tôi ăn ở rừng đá Thần Gô".
Tác phẩm là một khảo sát công phu về chu kỳ một năm nông nghiệp của người Mnôngar ở một ngôi làng phía Nam Đắc Lắck (giờ thuộc tỉnh Đắck Nông).
Từ một ông Tây mũi cao da trắng, Geoges Condominas vào Tây Nguyên, dựng một ngôi nhà giữa làng, sống giữa cộng đồng dân tộc. Ông còn để lại tác phẩm L’espace social, à propos de l’Asie du Sud-Est tức Không gian xã hội về Đông Nam Á.
Ở đó chỉ ra khái niệm về văn hóa, tộc người không đủ cho một nhà dân tộc học trong công việc khảo sát, điền dã của mình mà phải mở rộng không gian xã hội ấy thông qua tiếp xúc hằng ngày.
Hay cuốn L’exotique est quotidien tức Kỳ lạ mỗi ngày kể những câu chuyện về Tây Nguyên trong suốt quá trình thâm nhập cuộc sống với dân tộc ở đây.
Nhắc đến các học giả Pháp nghiên cứu về Tây Nguyên không thể không kể đến Jacques Dournes. Đây là một linh mục nhưng thực tế những tác phẩm về Tây Nguyên cho thấy ông như một nhà Tây Nguyên học hàng đầu.
Sang Việt Nam khoảng 1948 - 1949, ông mải mê nghiên cứu Tây Nguyên đến nỗi bị đoàn truyền giáo “đuổi” về Paris vì “lơ là trách nhiệm truyền giáo”.
Tác phẩm của Jacques Dournes như Forêt, Femme, Folie tức Rừng, đàn bà, điên loạn có những phân tích thú vị, như ông bảo người Tây Nguyên không thể sống không có rừng nhưng người Tây Nguyên cũng sẽ điên khi có quá nhiều rừng.
Đó là một chỉ dẫn về mối quan hệ cơ bản nhất của các tộc người ở Tây Nguyên là lừng và làng. Mất rừng thì cơ cấu xã hội sẽ bị rối loạn, con người khô khốc đi nhưng nếu con người cứ mải mê đi sâu vào rừng thì cũng bị cái hoang dã kéo trở lại. Sự níu kéo giữa văn minh và tự nhiên hoang dã ấy là cái gốc của Tây Nguyên.
Có những nhà khoa học nghiên cứu vấn đề chung Tây Nguyên nhưng cũng có nhà dân tộc học chuyên về một tộc người. Ví dụ Boulbet chuyên nghiên cứu về người Mạ, hay Albert-Marie Maurice chuyên nghiên cứu về người Mnông.
Đó là điển hình cho hàng trăm công trình, hàng nghìn bài nghiên cứu trong gần 100 năm người Pháp ở Đông Dương. Tiếc rằng tới giờ, chỉ chưa đầy 20 tác phẩm trong kho tài liệu ấy được dịch sang tiếng Việt.
Theo Zing