“Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX” của Nguyễn Văn Uẩn là công trình lịch sử - địa chỉ kiểu bách khoa thư, cung cấp kiến thức đa dạng, phong phú về Hà Nội.
Tác giả Nguyễn Văn Uẩn (1912-1991) vốn là một nhà giáo. Thực hiện một bộ sách về Hà Nội là điều ông ấp ủ, tâm huyết và chuẩn bị trong suốt cuộc đời dạy học. Mãi tới năm 1975, khi về hưu, ông mới có điều kiện thực hiện.
Trong nhiều năm ròng rã lao động vất vả, nghiêm túc, nhiệt tâm, đến năm 1985, bản thảo bộ sách hoàn thành. Sách xuất bản lần đầu năm 1995, tới năm 1996 được giải thưởng Thăng Long. Năm 2016, bộ sách được NXB Hà Nội và công ty Nhã Nam liên kết xuất bản.
Bộ sử bất kỳ ai muốn tìm hiểu về Hà Nội cũng phải đọc
Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX từ lâu được coi như một bộ Hà Nội sử mà bất kỳ ai muốn hiểu về Hà Nội đều phải đọc. Cuốn sách thể hiện Hà Nội trong quá trình biến đổi từ đô thị phong kiến sang một thành phố thuộc địa.
Trong sách, tác giả viết: “Hà Nội mà tôi đi điều tra tìm hiểu đây là Hà Nội của thời Tự Đức để lại (những năm thập niên 90 của thế kỷ XIX) và Hà Nội của thời thực dân Pháp thống trị một nửa thế kỷ (cụ thể là từ năm 1895 đến năm 1945), thời kỳ mà Hà Nội chịu sự đổi lốt, quá trình không khỏi có những sự việc đau khổ, mất mát, song theo tôi nghĩ nó có một mặt khác, đó là giai đoạn đầy thử thách đối với người người Hà Nội, với dân tộc ta”.
Theo tác giả Nguyễn Văn Uẩn, viết bộ sách địa chí về Hà Nội là một thành phố, thì bắt đầu giới thiệu thành, rồi đến phố là hợp lý. Phố ở đây là những đường phố cổ của khu cửa Đông đã từ lâu đời gắn liền đời sống với thành.
Cũng có thể giới thiệu thành với cửa Tây trước và cửa Tây cùng với thành có quan hệ mật thiết về mặt lịch sử hình thành của Hà Nội từ nguồn gốc xa xưa đến nay.
Hà Nội có thành và có lũy, Đại La là tiền thân của thành Thăng Long cũng như Thăng Long với Hà Nội. Bởi vậy, việc tìm lại cội nguồn là cần thiết. Hà Nội có nhiều khu vực, đi từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây…
GS.TS. Hồ Sĩ Quý nhận xét bộ sách là công trình lịch sử - địa chí kiểu bách khoa thư về Hà Nội: “Bộ sách đã cung cấp những kiến thức bổ ích, đa dạng, phong phú và chính xác về Hà Nội, dưới các góc độ nghiên cứu về lịch sử hay địa lý, chính trị hay văn hóa, kiến trúc hay làng mạc cổ xưa, địa danh hay ngôn ngữ…"
"Bộ sách cung cấp kiến thức nền tảng về Hà Nội học, bù đắp những tri thức thiếu hụt về Hà Nội xưa và mở ra những hướng nghiên cứu, tìm tòi mới về Hà Nội. Những người đi sau nghiên cứu về Hà Nội, theo chúng tôi không thể bỏ qua bộ sách này”, GS. TS. Hồ Sĩ Quý đánh giá.
"Đọc liên tục, mê mải"
Để thực hiện cuốn sách này, tác giả khai thác những tài liệu mà người Pháp và những người đi trước đã viết về Hà Nội. Ông dành nhiều thời gian đến các thư viện như Thư viện Quốc gia, Thư viện Hà Nội… để lên danh mục các tài liệu về Hà Nội, tìm đọc suy ngẫm, phát hiện các vấn đề cần tham khảo, tìm hiểu thêm.
Tác giả phải bỏ ra một năm (1977) để đi thư viện. Đầu tiên, ông lên một danh sách thư mục về Hà Nội trong số sách có ở những thư viện. Các đầu sách, báo ở đây cho ông một nguồn thông tin phong phú.
Tác giả viết: “Tôi đã đọc liên tục, mê mải. Vừa đọc vừa nghĩ. Có những sự việc đã được biết, đọc lại để xác minh cũng không thừa; có những sự kiện đến nay tôi mới phát hiện thấy”.
Không chỉ tìm tòi tư liệu, trong khoảng 10 năm, tác giả dày công đi thực địa, trò chuyện, phỏng vấn khoảng 350 người, là những người đã sinh sống hoặc công tác trong đường phố, thôn xóm, có hiểu biết về Hà Nội. Những cuộc trò chuyện đó cho tác giả thông tin thực tế, đối chiếu với tài liệu và tri thức.
Nguyễn Văn Uẩn viết: “Đi săn tài liệu thật giống như anh chàng đi săn con chim, đi câu con cá, có phải đúng cái ngày ‘gặp gái’, cũng như có ngày gặp may không. Công phu chuẩn bị bản đồ, giấy tờ, tư liệu, đạp xe đường dài, đến nơi lại không gặp người định gặp".
"Đi các làng ngoại thành mới mất công chứ: họ đi họp, đi chơi vắng nhà. Bực mình nhất là gặp những người mình đặt nhiều hy vọng, mà khi gặp thì có người không chịu nói: ‘Bây giờ chuyện bát gạo mớ rau no cái bụng đã, rỗi hơi đâu mà nhắc lại chuyện đời xưa!’ Có người lại quá cảnh giác: ‘Thời buổi này tin ai được. Dò la chuyện ông cha nhà người ta để làm gì?’”, tác giả viết, kể lại quá trình mình đi gặp, trò chuyện với những nhân chứng sống của Hà Nội.
Trong quá trình tìm hiểu, đối chứng thông tin, tác giả còn phải chạy đua với thời gian. Hầu hết người ông tìm hỏi đều trên 70 tuổi, có người đã ngoài 90, nếu không hỏi nhanh, năm tháng của họ không còn nhiều, mà khi họ mất đi thì không còn nhân chứng.
Quá trình hỏi chuyện trên 350 người được tác giả Nguyễn Văn Uẩn ghi chép vào gần 40 quyển vở nhưng những tư liệu bổ sung cho thông tin lấy trong sách đã đọc ở thư viện. Ông coi tất cả những người mình gặp hỏi chuyện đều như đồng tác giả của cuốn sách Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX.
Sách Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX của tác giả Nguyễn Văn Uẩn do NXB Hà Nội và Nhã Nam phát hành.
Cuốn sách tham dự Giải thưởng Sách Quốc gia Việt Nam lần thứ nhất, hạng mục Sách Hay. Đây là giải thưởng về sách quy mô nhất Việt Nam, thu hút hầu hết nhà xuất bản tham dự, quy tụ hội đồng giám khảo có chuyên môn, uy tín.
Giải thưởng Sách quốc gia do Hội Xuất bản Việt Nam và Bộ Thông tin Truyền thông tổ chức. Lễ trao giải sẽ diễn ra vào sáng 19/4 tại hội trường Thư viện quốc gia, 31 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Đơn vị đồng hành: Tập đoàn Sun Group và Tập đoàn Trung Nguyên Legend.
Theo Zing