'Bao giờ cho đến tháng Mười': Kinh điển từ những điều giản dị

"Bao giờ cho đến tháng Mười" trở thành một kiệt tác kinh điển của điện ảnh Việt Nam sau chiến tranh và giành nhiều giải thưởng quốc tế.

Chỉ một năm sau bộ phim truyện dài đầu tay Thị xã trong tầm tay giành giải Bông sen vàng tại LHP Việt Nam lần thứ 6 năm 1983, đạo diễn Đặng Nhật Minh tiếp tục giành giải Bông sen vàng lần 2 với bộ phim thứ 2 Bao giờ cho đến tháng Mười tại LHP Việt Nam lần thứ 7 năm 1985.

Không chỉ vậy, bộ phim này còn trở thành một kiệt tác kinh điển của điện ảnh Việt Nam sau chiến tranh, giành nhiều giải thưởng quốc tế và năm 2008. Bao giờ cho đến tháng Mười được kênh CNN của Mỹ vinh danh là một trong 18 bộ phim châu Á xuất sắc nhất mọi thời đại.

Trong danh sách đó có những tác phẩm kinh điển của các tên tuổi lớn như Akira Kurosawa (Nhật Bản), Trương Nghệ Mưu, Giả Chương Kha (Trung Quốc), Vương Gia Vệ (Hong Kong), Bong Joon-ho (Hàn Quốc), Apichatpong Weerasethakul (Thái Lan)...

 Bao giờ cho đến tháng Mười là một trong 18 phim châu Á xuất sắc nhất mọi thời đại.
Bao giờ cho đến tháng Mười là một trong 18 phim châu Á xuất sắc nhất mọi thời đại.)

Vì sao Bao giờ cho đến tháng 10 là phim Việt kinh điển

Cũng giống bộ phim đầu tay, sau khi tìm được cho mình một chí hướng (chỉ làm những bộ phim do chính ông viết kịch bản, với những đề tài làm ông rung động), một phong cách riêng biệt trong một nền điện ảnh vẫn còn mang màu sắc tuyên truyền, Đặng Nhật Minh hướng ống kính của ông đến những thân phận của con người bình dị trong xã hội.

Kịch bản được ông viết từ những trải nghiệm thực tế, vừa là nỗi đau của gia đình ông (bố ông, giáo sư- bác sĩ Đặng Văn Ngữ hy sinh trong chiến tranh) vừa là nỗi đau của hàng triệu gia đình mất con, hàng trăm ngàn người phụ nữ trở thành những hòn vọng phu chờ chồng trở về.

Câu chuyện diễn ra ở một làng quê nghèo, với dòng sông chảy qua, với cánh đồng lúa thẳng tắp, với sân đình, chiếu chèo, miếu Thành hoàng... thấm đẫm không gian văn hóa Bắc Bộ.

Phim mở đầu với hình ảnh Duyên (Lê Vân đóng), một người phụ nữ đang đi bộ trên cánh đồng làng, tay xách nách mang. Máy quay cận cảnh gương mặt với nỗi buồn u uẩn và dường như đang tính toán xa xăm điều gì đó. Chị trở về nhà sau chuyến đi thăm chồng ở biên giới Tây Nam và trở về với nỗi đau phải chôn giấu: người chồng đã hy sinh trên mặt trận.

Trên chiếc thuyền qua sông, khi nhìn lại tấm giấy báo tử, Duyên bị ngất và ngã xuống sông rồi được thầy giáo Khang (Hữu Mười) nhảy xuống cứu. Trở về nhà, Duyên phải giấu cái chết của chồng với gia đình, đặc biệt là người bố chồng đang bị bệnh nặng và đứa con trai nhỏ đang mong ngóng người cha trở về.

Chôn chặt nỗi đau vào trong, cũng có thể cùng với một niềm hi vọng mong manh người ta báo tin nhầm, Duyên nhờ Khang thay chồng viết những lá thư gửi về cho gia đình, đặc biệt là trong ngày giỗ của người mẹ, vốn là thời điểm cả gia đình, dòng họ cùng đoàn tụ.

Ngoài Duyên, chỉ có thầy giáo Khang là người duy nhất biết bí mật của chị. Thương chị phải chịu đựng nỗi đau một mình, Khang viết cho Duyên một lá thư khuyên chị hãy nói sự thật với gia đình nhà chồng.

Nhưng lá thư này lại không đến tay Duyên mà rơi vào tay của người chị dâu, khiến vợ chồng họ nghi ngờ Duyên và thầy giáo Khang có quan hệ yêu đương bất chính, trong khi người chồng đang phục vụ ngoài mặt trận...

Dù có nhiều chất liệu của một bộ phim bi kịch nhiều kịch tính và nước mắt, cũng như dễ dàng rơi vào tuyên ngôn, rao giảng đạo đức nếu vào tay một đạo diễn kém tài nhưng muốn giương cao ngọn cờ tuyên truyền như không khí phim ảnh thời điểm đó; đạo diễn Đặng Nhật Minh tiết chế bộ phim tối đa và dẫn dắt người xem đi vào thế giới nội tâm và vẻ đẹp cao thượng của một người phụ nữ Việt Nam.

Nhẹ nhàng và đầy xúc cảm, bộ phim là nỗi lòng của Duyên trước sự trớ trêu của số phận cũng như vẻ đẹp nhuần nhị, vừa đầy chất thơ vừa mang màu sắc truyền thống, tâm linh của làng quê Bắc Bộ Việt Nam. Bao giờ cho đến tháng Mười có đầy đủ yếu tố để trở thành một bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam và dường như nó cũng được làm ra để trở thành kinh điển.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh sử dụng rất nhiều thủ pháp điện ảnh để mô tả nỗi đau và tình thế ngang trái, trớ trêu của Duyên. Khi trở về nhà, một mặt chị phải nuốt nước mắt vào trong, một mặt chị phải giả vờ thể hiện niềm vui của một người vợ vừa vào chiến trường thăm chồng trở về trước mặt người cha già đang ốm yếu, đứa con trẻ ngây thơ và hàng xóm láng giềng hiếu kỳ.

Để rồi khi còn lại một mình, chị đối diện với nỗi đau không thể chia sẻ cùng ai. Ở những cảnh này, đạo diễn sử dụng thủ pháp hồi ức, dẫn dắt khán giả trở về quá khứ để tái hiện lại sự trong trẻo của Duyên và mối tình lãng mạn của cô với người chồng (do Đặng Lưu Việt Bảo đóng), một chàng thanh niên đam mê thả diều trên bến sông.

Tiếng cười lanh lảnh hồn nhiên của Duyên ở bến sông lúc đang trêu đùa người chồng có tính cách trẻ con và nỗi đau của người góa phụ với giọt nước mắt trên mi là hai hình ảnh đối lập, dù với một thủ pháp điện ảnh cổ điển, nhưng vẫn tạo hiệu quả tuyệt vời về mặt cảm xúc.

 Đặng Nhật Minh sử dụng rất nhiều thủ pháp điện ảnh để mô tả nỗi đau và tình thế ngang trái, trớ trêu của Duyên
Đặng Nhật Minh sử dụng rất nhiều thủ pháp điện ảnh để mô tả nỗi đau và tình thế ngang trái, trớ trêu của Duyên)

Một cảnh khiến khán giả phải rơi nước mắt khác cũng được dàn dựng xuất sắc với sự hóa thân tinh tế của Lê Vân là lúc Duyên nép mình đằng sau cánh cửa để lắng nghe đứa cháu bên chồng đọc to lá thư giả của người chồng (do thầy giáo Khang viết) cho cả gia đình nghe trong ngày giỗ.

Trong niềm vui hân hoan của cả gia đình vì lá thư được gửi về đúng thời điểm, chỉ có Duyên phải nuốt nghẹn vào trong vì sự giằng xé nội tâm mà chị phải chịu đựng.

Không chỉ vậy, phim cũng thành công khi sử dụng nhiều hình ảnh mang tính biểu tượng hoặc ẩn dụ. Khi đến nhà Khang để nhờ anh viết thư thay chồng gửi về cho gia đình, dưới ngọn đèn đêm, thay vì đặc tả gương mặt của Duyên, đạo diễn lại quay bóng của Duyên trên vách tường, một cảnh gợi nhớ đến câu chuyện dân gian Việt Nam về nỗi oan của người phụ nữ khi chồng ra trận.

Sự đồng điệu với Bá vương biệt Cơ

Một trong những cảnh xuất sắc nhất là cảnh Duyên diễn cảnh chèo ở sân đình, với trường đoạn một người vợ tiễn chồng lên đường ra trận, nguyện thay mặt anh ở nhà chăm sóc mẹ già. Đang trong tâm trạng rối bời và nỗi đau khôn tả, tâm trạng của người vợ trong trích đoạn chèo Trương Viên cũng chính là tâm trạng của Duyên.

“Lưu li đôi hạt chia nhau, ai gây mà ngăn cách?”, người vợ (hay Duyên) úp mặt vào hai bàn tay. Và không chịu đựng được nỗi đau này, Duyên đã không diễn hết trích đoạn chèo mà bỏ chạy ra khỏi sân khấu và chạy đến miếu thờ Thành hoàng.

Mượn một trích đoạn chèo cổ để thể hiện tâm trạng của nhân vật là thủ pháp lồng ghép chuyện trong chuyện, kịch trong phim. Nó có thể không mới về thủ pháp, nhưng là một sáng tạo về dàn cảnh và diễn xuất của nhân vật, và ở cao trào của nó, nỗi đau của nhân vật (ở đây là người vợ trong vở chèo) và nỗi đau của diễn viên (Duyên) như hòa làm một và khiến khán giả nhòa lệ.

Mãi đến sau này khi xem Bá Vương biệt Cơ (1994) của đạo diễn Trần Khải Ca, tôi mới gặp lại một cảnh dàn dựng chuyện trong chuyện, kịch trong phim (cảnh Ngu Cơ - do Trương Quốc Vinh đóng vĩnh biệt người chồng là Sở Bá Vương Hạng Vũ - do Trương Phong Nghị đóng) đạt đến hiệu quả thẩm mỹ và xúc cảm tương tự. Bá Vương biệt Cơ ra mắt sau Bao giờ cho đến tháng Mười gần một thập kỷ!

Và ngay sau cảnh trích đoạn vở chèo dang dở trên sân đình làng, Đặng Nhật Minh tiếp tục sử dụng một chất liệu tâm linh mang tính dân gian cho cảnh sau đó - cảnh phiên chợ Âm Dương ở miếu Thành Hoàng, nâng bộ phim lên một tầm cao mới.

Ở chốn linh thiêng của làng này (được đạo diễn cài cắm trước đó với chi tiết người chồng đốt chiếc diều tại đây trước ngày nhập ngũ ra trận, như dự báo cho cái chết của anh), Duyên được Thành hoàng cho biết, nếu muốn gặp chồng, hãy đợi đến Rằm tháng 7 sẽ có phiên chợ Âm Dương, nơi một năm một lần người sống và người chết sẽ được gặp nhau.

Trong màu sắc lảng bảng khói sương huyền bí, Duyên đã được gặp lại chồng, lúc này đã là một vong hồn giữa một phiên chợ âm phủ đông đúc. Dù đứng cạnh nhau nhưng họ không thể nắm tay nhau, khi Duyên hỏi, “anh có điều gì muốn dặn dò em không?”.

 Phim có bóng dáng của Bá vương biệt Cơ ra sau đó gần một thập kỷ.
Phim có bóng dáng của Bá vương biệt Cơ ra sau đó gần một thập kỷ.)

Nam, người chồng đã trả lời: “Anh chỉ muốn những người còn sống được hạnh phúc. Chỉ những người đang sống mới làm được điều đó. Anh đã làm hết phần việc của mình rồi”.

Cảnh tái diễn phiên chợ Âm Dương này là một trong những cảnh siêu thực đặc sắc nhất trong điện ảnh Việt Nam đến nay, đồng thời cũng nâng tầm tư tưởng và tính nhân bản của Bao giờ cho đến tháng Mười, cho dù lúc mới làm xong, bộ phim đã gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình kiểm duyệt vì Giám đốc Hãng phim Truyện Việt Nam lúc đó cho rằng “bộ phim mang màu sắc huyền bí và tuyên truyền mê tín dị đoan”.

Trong cuốn Hồi ký Điện ảnh (NXB Văn nghệ 2005), đạo diễn Đặng Nhật Minh kể lại rằng, ông nhất quyết không cắt đoạn “phiên chợ Âm phủ” ra khỏi bộ phim vì muốn bảo toàn tính nguyên vẹn của nó, bộ phim đã trải qua tổng cộng 13 lần kiểm duyệt và bản thân ông cảm thấy mình như “kẻ tội phạm bị các phiên tòa lôi ra xét xử liên tục”.

Con số 13 cuối cùng lại là con số may mắn của đạo diễn Đặng Nhật Minh khi bộ phim được chiếu duyệt lần cuối cùng tại nhà Tổng Bí thư Trường Chinh . Cuối bộ phim, ông Tổng bí thư không nói gì mà tiến lại phía nữ diễn viên Lê Vân đang hồi hộp chờ, bắt tay cô và nói hai từ ngắn ngủi “Thương lắm”.

Sau lần ấy, bộ phim được “tha bổng” (chữ của Đặng Nhật Minh) và bắt đầu một cuộc hành trình rất dài chinh phục khán giả từ trong nước đến quốc tế. Và tất nhiên, một trong những cảnh được khán giả yêu thích cũng như giới phê bình quốc tế ca ngợi nhiều nhất là phiên chợ Âm Dương trong bộ phim.

Nếu chọn một bộ phim Việt Nam để giới thiệu với bạn bè quốc tế, một bộ phim hoàn hảo từ nội dung đến nghệ thuật, từ những sáng tạo của đạo diễn đến diễn xuất tinh tế của diễn viên; một bộ phim mang đậm bản sắc và tâm hồn của người Việt Nam, với tôi, Bao giờ cho đến tháng Mười có lẽ là lựa chọn xác đáng nhất.

Một bộ phim về nỗi đau và sự hàn gắn, về sự mất mát của người ở lại và lòng bao dung của người đã ra đi. Một bộ phim về nàng Tô Thị của Việt Nam trong những năm hậu chiến, nhưng ta tin rằng nàng không hóa đá như nàng Tô Thị năm xưa, như những câu thơ của thầy giáo Khang để lại:

Bao giờ cho đến tháng Mười
Lúa chín trên cánh đồng giông bão

Ta để lại sau lưng những ngày dài mong đợi

Những mất mát hy sinh chịu đựng khổ đau

Khi trời thu vẫn xanh mãi trên đầu...

Kịch bản và Đạo diễn: Đặng Nhật Minh

Quay phim: Nguyễn Mạnh Lân, Phạm Phúc Đạt

Âm nhạc: Phú Quang

Diễn viên: Lê Vân, Nguyễn Hữu Mười, Đặng Lưu Việt Bảo, Hoàng Yến, Trịnh Phong

Giải thưởng: Giải Bông sen vàng; Nữ diễn viên chính xuất sắc (Lê Vân), Nam diễn viên chính xuất sắc (Hữu Mười) tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 7 năm 1985.

Giải đặc biệt tại Liên hoan phim Quốc tế châu Á - Thái Bình Dương năm 1989.

Bằng khen của Ủy ban Bảo vệ Hòa bình, tại Liên hoan phim quốc tế Moskva năm 1985.

Giải thưởng đặc biệt của Ban giám khảo tại Liên hoan phim Quốc tế Hawaii năm 1985.

Một trong mười tám phim châu Á hay nhất mọi thời đại do kênh truyền trình CNN bầu chọn

Đứng thứ 4 trong 100 bộ phim xuất sắc nhất của điện ảnh Đông Nam Á do Letterboxd.com bình chọn.

 

Theo Zing

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin