Người giàu Nhật sống khác đại gia Việt: Không thành trọc phú

Người giàu Nhật có cách sống "lẫn trong đám đông", không thích xây biệt thự, sắm siêu xe...

Theo Atsushi Miura, tác giả cuốn sách The New Rich (Thế hệ người giàu mới), một người được xếp vào dạng giàu ở Nhật là có thu nhập trung bình hàng năm trên 30 triệu yên (hơn 6 tỷ đồng), và có tổng tài sản tối thiểu là 100 triệu yên (hơn 20 tỷ đồng).

Hiện có khoảng 1,3 triệu người Nhật (chiếm 1% dân số) đạt ngưỡng giàu theo tiêu chí này.

Tác giả cuốn sách trên chỉ ra rằng, người giàu ở Nhật có xu hướng tránh phô trương sự giàu có của họ. Họ không xây biệt thự, lâu đài, luôn giữ tâm niệm rằng “không ném tiền ra cửa sổ một cách bừa bãi”.

 Người giàu Nhật không thích sở hữu biệt thự, siêu xe.
Người giàu Nhật không thích sở hữu biệt thự, siêu xe.)

Tuy nhiên, giới thượng lưu Nhật sẽ tiêu tiền vào những thứ họ thích, đặc biệt là những thứ không thể cầm nắm. Họ sẽ thích tiêu tiền để bảo trợ cho các môn nghệ thuật, đi nghe hoà nhạc hơn là siêu xe hay đồ trang sức đắt tiền. Họ đi du lịch thường xuyên, đặc biệt là đi biển bằng tàu thuỷ.

Đáng chú ý, người giàu Nhật thường mua các sản phẩm nội địa và đi du lịch trong nước. Hành động này không đơn thuần là sở thích mà còn thể hiện trách nhiệm công dân của họ đối với đất nước. Người giàu Nhật nhận thức được vị trí của họ trong xã hội, và biết rằng nước Nhật cần tiền của họ.

Một đặc điểm khác của thế hệ người giàu mới ở Nhật là họ ý thức được sự giàu có, trong khi những người giàu trước đây không để tâm đến sự giàu của họ. Lý do chính bởi người giàu ngày nay giàu lên bằng sự nỗ lực và tài năng của chính họ.

Ngay cả những người giàu nhờ thừa kế từ cha ông thì họ vẫn kiếm việc làm và làm việc suốt đời. Không có khái niệm “người giàu ăn không ngồi rồi” ở Nhật.

Từ những thông tin trên có thể thấy người giàu Nhật khác hoàn toàn với người giàu Việt Nam. Tại Việt Nam, rất nhiều người trở thành đại gia nhờ sở hữu một khu đất vàng, đất kim cương không qua đấu thầu mà qua bán chỉ định, bán hóa giá...

Bởi giàu siêu tốc nên nhiều đại gia chơi hoang, đặc biệt là thế hệ thứ hai.

Chuyên gia bất động sản Nguyễn Văn Đực từng lý giải nguyên nhân đại gia Việt ít đóng góp cho xã hội mà chỉ chăm chăm giữ tài sản cho con cháu mình.

"Nó xuất phát từ truyền thống Đông Á "hy sinh đời bố, củng cố đời con". Người ta có thể làm giàu bằng mọi cách, kể cả những cách bất chính vô lương nhục nhã, để rồi cuối cùng số tiền ấy được dành cho con cháu họ", ông chỉ rõ.

Đặc biệt, bởi thấp văn hóa nên tuy nhiều tiền của nhưng nhiều người giàu ở Việt Nam không tự tin và càng không tự tin thì càng phải đắp điếm bằng những thứ xa xỉ.

Từ cách sống của người giàu nước ngoài, ông Nguyễn Văn Đực cho rằng, những người siêu giàu ở Việt Nam nên học tập, từ cách kiếm tiền chân chính, có trí tuệ, có ích cho xã hội đến cách tiêu tiền, để giành tiền và cách truyền ngôi cho con như thế nào.

Theo Bao Datviet

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin