Vụ tiệm vàng ở Cà Mau bị điều tra trốn thuế 100 tỉ, chuyện 1 cá nhân ở Hà Nội nộp hơn 23 tỷ tiền thuế và giải pháp chặn thất thoát thuế hộ kinh doanh lớn.

28/05/2021 12:43

(Pháp Lý) - Mới đây, theo thông tin trên báo CAND, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Cà Mau vừa khởi tố vụ án để điều tra hành vi “trốn thuế” đối với Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Hoàng Khiêm, thị trấn Đầm Dơi, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau.

Trước đó trong kết luận của Chi cục Thuế huyện Đầm Dơi (Cà Mau) chỉ rõ, trong 3 năm, tiệm vàng Hoàng Khiêm đã bán ra hơn 680.000 lượng vàng, doanh thu trên 20.000 tỷ. Trong khi tiệm vàng này chỉ nộp thuế khoán dưới 10 triệu/tháng. Vụ việc một lần nữa khiến dư luận choáng váng không chỉ về nghi án trốn thuế khủng của một hộ kinh doanh, mà còn giật mình về công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh lớn hiện nay. Đặc biệt đang có lỗ hổng lớn trong thuế thu nhập cá nhân lồng ghép vào trong hình thức hộ kinh doanh theo phương thức khoán ….

Tiệm vàng Hoàng Khiêm với nghi án trốn thuế trên 100 tỉ đồng.

Tiệm vàng bán cả ngàn lượng/ngày, chỉ nộp thuế khoán dưới 10 triệu/tháng , trốn thuế trên 100 tỉ đồng

Theo thông tin trên báo CAND, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Cà Mau vừa khởi tố vụ án để điều tra hành vi “trốn thuế” đối với Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Hoàng Khiêm, thị trấn Đầm Dơi, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau.

Trước đó trong kết luận của Chi cục Thuế huyện Đầm Dơi (Cà Mau) chỉ rõ, trong 3 năm, tiệm vàng Hoàng Khiêm đã bán ra hơn 680.000 lượng vàng, doanh thu trên 20.000 tỷ. Trong khi tiệm vàng này chỉ nộp thuế khoán dưới 10 triệu/tháng.

DNTN Hoàng Khiêm do ông Nguyễn Bỉnh Khiêm (SN 1977) làm chủ. Trước đó, năm 2011, Chi cục thuế huyện Đầm Dơi phát hiện DNTN Hoàng Khiêm (tức tiệm vàng Hoàng Khiêm) có doanh số “siêu khủng”, có ngày bán ra cả ngàn lượng vàng.

Chi cục thuế huyện Đầm Dơi kết luận tiệm vàng Hoàng Khiêm có dấu hiệu trốn thuế số tiền 61,6 tỉ đồng. Cụ thể, trong 3 năm, từ 2008 đến 2011, tiệm vàng Hoàng Khiêm đã bán ra hơn 680.000 lượng vàng, doanh thu trên 20.000 tỉ đồng nhưng Hoàng Khiêm là tiệm vàng được nộp thuế khoán, mỗi tháng dưới 10 triệu đồng.

Ngay sau đó, Chi cục thuế huyện Đầm Dơi báo cáo Cục Thuế tỉnh Cà Mau, chuyển hồ sơ sang Công an tỉnh Cà Mau để điều tra làm rõ dấu hiệu trốn thuế.

Đến tháng 11/2011, Thanh tra tỉnh Cà Mau kết luận, tiệm vàng Hoàng Khiêm có dấu hiệu trốn thuế khoảng 54 tỉ đồng và vụ việc được chuyển cho cơ quan CSĐT Công an Cà Mau thụ lý.

Theo điều tra ban đầu của cơ quan Công an, từ tháng 11/2008 đến tháng 3/2011, ông Khiêm xuất hóa đơn thông thường của DNTN Hoàng Khiêm và nhái chữ ký của bà Nguyễn Thị Xuân Trang (chị ruột ông Khiêm là chủ DNTN Xuân Trang, xuất hóa đơn thông thường) của DNTN Xuân Trang bán vàng nguyên liệu tổng cộng 882.081 lượng với tổng giá trị trên 20.753 tỉ đồng.

Trong đó, xuất bán cho Công ty SJC 676.718 lượng, với hơn 20.000 tỉ đồng; ngân hàng ACB 5.333 lượng, với hơn 140 tỉ đồng; công ty trang sức Bạch Kim Việt Nam 30 lượng, với hơn 794 triệu đồng.

Qua điều tra, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Cà Mau có căn cứ xác định nguồn vàng đầu vào của 3 doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh có quan hệ mua bán với DNTN Hoàng Khiêm, nhưng đều thực hiện tại TP Hồ Chí Minh nên không thuộc thẩm quyền của cơ quan CSĐT Công an tỉnh Cà Mau.

Ngày 1/5/2015, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Cà Mau chuyển hồ sơ vụ việc DNTN Hoàng Khiêm đến cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh thụ lý theo thẩm quyền.

Sau đó, cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh chuyển vụ việc cho cơ quan CSĐT Công an Cà Mau điều tra theo thẩm quyền đối với hành vi trốn thuế của tiệm vàng Hoàng Khiêm là hơn 100 tỉ đồng như đã nói.

Kết luận của Chi cục Thuế huyện Đầm Dơi (Cà Mau) chỉ rõ, trong 3 năm, tiệm vàng Hoàng Khiêm đã bán ra hơn 680.000 lượng vàng, doanh thu trên 20.000 tỷ. Trong khi tiệm vàng này chỉ nộp thuế khoán dưới 10 triệu/tháng.

Lỗ hổng lớn trong quản lý thuế qua chuyện 1 cá nhân ở Hà Nội nộp hơn 23 tỷ đồng tiền thuế do có nguồn thu khủng từ các ứng dụng di động .

Chuyện một cô gái 9X ở Hà Nội năm 2020 vừa qua nộp hơn 23 tỷ đồng tiền thuế, do có nguồn thu từ các ứng dụng di động trên 330 tỷ đồng trong năm 2020 đã gây xôn xao dư luận.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Công ty luật ANVI, mức thuế suất cá nhân nêu trên được áp dụng là thuế suất với hộ kinh doanh cá thể ngành nghề dịch vụ, bao gồm 5% thuế Giá trị gia tăng và 2% thuế Thu nhập cá nhân.

“Áp dụng mức thuế này là do ngành thuế đang định nghĩa như vậy. Bán hàng qua Facebook cũng được coi như hộ kinh doanh cá thể chứ không phải doanh nghiệp hay là thu nhập từ tiền công, tiền lương. Nếu quy định là tiền lương thì số thu sẽ khác hẳn khi phần thu nhập trên 1 tỷ đồng sẽ phải chịu thuế suất 35%”, ông Đức nói.

Trường hợp tính thuế suất theo dạng doanh nghiệp, mức thuế suất phải chịu sẽ là 20%, tương ứng mức thu nhập 330 tỷ đồng trong trường hợp này phải nộp khoảng 66 tỷ tiền thuế.

Theo LS. Đức, người nộp thuế được xếp vào diện tính thuế nào là do cơ quan thuế quy định với các điều kiện cụ thể. Trong trường hợp này, các cá nhân được xem là người gia công phần mềm, hộ kinh doanh cá thể bán hàng cho người khác chứ không phải doanh nghiệp và cũng không có hợp đồng lao động để thu theo dạng tiền công, tiền lương.

Nhiều chuyên gia khác cùng nhận định, đây không phải là thuế thu nhập cá nhân vì thuế suất trung bình chỉ là 7%. Còn nếu xem trường hợp này là áp dụng cho hộ kinh doanh cá thể thì đây là lỗ hổng rất lớn trong thuế thu nhập cá nhân và hình thức hộ kinh doanh.

Sở dĩ khoản thuế 23 tỷ đồng trên thu nhập 330 tỷ đồng không phải là thuế thu nhập cá nhân trong trường hợp cá nhân thông thường, vì thu nhập từ trên 960 triệu đồng/năm đã phải đóng thuế suất 35%. Nếu có tính các khoản giảm trừ tối đa, thì cô gái này phải nộp thuế 35% cho gần 330 tỷ đồng, tức hơn 110 tỷ đồng.

Đó là lý do tại sao những người có thu nhập rất cao phải chuyển sang hình thức doanh nghiệp (DN) để tối ưu thuế. Ở các quốc gia có hệ thống thuế thu nhập cá nhân chặt chẽ, những người có thu nhập cao phải tìm cách tối ưu thuế, và đó là một mảng thị trường lớn của các dịch vụ tư vấn thuế.

Theo quy định tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 (hiệu lực từ 1/7/2020), cá nhân có thu nhập từ hoạt động kinh doanh với doanh thu trên 100 triệu đồng/năm sẽ nộp 2% thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và 5% thuế giá trị gia tăng (GTGT), tổng cộng sẽ nộp 7% tính trên doanh thu. Điều này đang đặt ra những quan ngại về các chính sách thuế hiện nay.

Trở lại câu chuyện cô gái 9X, với thuế suất trung bình tính ra là 7%, rất nhiều khả năng cô gái này đã chọn (hoặc được tư vấn) hình thức thuế khoán cho hộ kinh doanh. Theo đó, cô đăng ký hộ kinh doanh với danh mục ngành nghề là dịch vụ, để từ đó đóng 5% thuế giá trị gia tăng và 2% thuế thu nhập cá nhân.

Với lựa chọn này, rõ ràng số thuế lẽ ra phải đóng của cô gái này đã giảm đi rất nhiều, điều đó cũng có nghĩa là ngân sách nhà nước đã thất thu một khoản lớn tương tự. Điều này cho thấy, một sự bất bình đẳng rất lớn giữa những cá nhân chọn hình thức hộ kinh doanh để có thuế suất thuế thu nhập cá nhân thấp và những cá nhân chịu thuế thu nhập cá nhân thông thường, một nhà quản lý cấp cao có thu nhập chính từ tiền lương chẳng hạn.

Sự lúng túng còn ở cơ quan thuế khi trước đây, đã có người chủ động đến khai và nộp thuế khi có nguồn thu nhập lớn từ các hoạt động trực tuyến nhưng cơ quan thuế không biết hướng dẫn thực hiện như thế nào. Điều này không chỉ làm cho người muốn đóng thuế bất an, có thể vi phạm pháp luật, mà nhà nước cũng bị thất thu thuế.

Theo nhận định của TS.Võ Đình Trí, Đại học Kinh tế Tp.HCM, IPAG Business School Paris và AVSE Global: lỗ hổng lớn nhất ở đây chính là thuế thu nhập cá nhân lồng ghép vào trong hình thức hộ kinh doanh theo phương thức khoán

Còn theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), mức thuế suất áp dụng trong trường hợp này là mức thuế suất cho các hộ kinh doanh, nghĩa là mức thuế sẽ được hỗ trợ nhiều hơn so với loại hình doanh nghiệp. Cụ thể, thuế GTGT của hộ kinh doanh chỉ từ 1 - 2 - 5% doanh thu, trong khi doanh nghiệp siêu nhỏ chịu thuế suất 0 - 5 - 10% (có được khấu trừ thuế). Doanh nghiệp siêu nhỏ cũng phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp suất phổ thông 20% trong khi hộ kinh doanh chỉ chịu thuế TNCN từ 0,5 - 2 - 5% doanh thu.

Câu hỏi đặt ra là nếu với thu nhập chịu thuế là 330 tỷ đồng, mức thuế suất áp dụng như trên liệu có hợp lý và đây có phải là "lỗ hổng" được nhiều người tận dụng để tránh thuế, né thuế?

Ông Hiếu cho rằng, đây không phải là lỗ hổng vì mục đích ban hành chính sách thuế ưu đãi cho hộ kinh doanh nhằm hỗ trợ khu vực vốn chiếm hơn 5 triệu hộ kinh doanh ngày càng lớn mạnh. "Song ở đây lại đặt ra câu chuyện về công bằng thuế, công bằng cho hộ kinh doanh hay cho doanh nghiệp", ông Hiếu nói.

TS. Phan Đức Hiếu cho rằng, phải điều chỉnh lại cách đánh thuế theo quy mô (doanh thu) thay vì theo hình thức kinh doanh như hiện nay (nhiều hộ kinh doanh có doanh thu cao hơn doanh nghiệp siêu nhỏ); tránh trường hợp áp mức thuế cao cho các hộ kinh doanh vì những trường hợp có doanh thu lớn chiếm tỷ lệ không nhiều. "Đặc biệt, tránh trường hợp "thúc" hộ kinh doanh chuyển sang mô hình doanh nghiệp một cách cơ học để thu thuế, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19", ông Hiếu nhấn mạnh.

Các giải pháp chặn thất thoát thuế hộ kinh doanh lớn

Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) được thông qua tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV và có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 đã bỏ chương quy định về hộ kinh doanh. Tuy nhiên, lại có dự định ban hành một luật riêng và trong lúc chờ đợi, nếu cần thiết thì Chính phủ ban hành hướng dẫn. Tuy nhiên, mô hình hộ kinh doanh không còn phù hợp với tình hình thực tế và xu hướng trong tương lai. Do đó, có lẽ nên bãi bỏ hình thức hộ kinh doanh, bắt buộc chuyển từ hộ kinh doanh sang một loại hình DN phù hợp với nhu cầu và mục đích của chủ DN. Việc bỏ đi hình thức hộ kinh doanh, chuyển sang DN là một chính sách cần thực hiện sớm để tạo sự hiệu quả trong việc thực hiện thuế thu nhập cá nhân.

Thực tế cho thấy có những hộ kinh doanh có doanh thu hàng trăm triệu đồng/ngày nhưng mức thuế khoán phải nộp chỉ từ 6 - 30 triệu đồng/năm. Số thuế này quá chênh lệch so với việc họ kê khai doanh thu rồi nộp thuế theo một tỉ lệ nhất định.

Trong khi chờ Luật, ngày 12 tháng 4 vừa qua, Bộ Tài chính đã có Dự thảo thông tư mới cho phép ngành thuế xem xét không áp dụng thuế khoán đối với hộ kinh doanh có doanh thu lớn. Việc này kì vọng nhằm bảo đảm công bằng trong nộp thuế, tránh thất thu thuế
Theo đó, tùy theo từng lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh, nhóm đối tượng này nộp thuế GTGT theo tỉ lệ 1%-5%/doanh thu, nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN) với tỉ lệ 0,5%-5%/doanh thu.

Theo Bộ Tài chính, trong nhiều năm qua, công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh chưa hiệu quả. Cách đây 4 năm, ngành thuế từng đưa ra số liệu 100.000 hộ kinh doanh có doanh thu trên 1 tỉ đồng/năm, trong đó có nhiều hộ sử dụng hóa đơn thường xuyên với doanh thu vài trăm tỉ đồng/năm. Ngoài ra, nhiều hộ kinh doanh quán ăn, nhà hàng, vật liệu xây dựng, thiết bị y tế, máy móc, cho thuê nhà… với quy mô lớn, nhưng vẫn đăng ký mô hình hoạt động hộ kinh doanh để được hưởng thuế khoán gắn liền số tiền thuế rất ít.

Thực tế cho thấy có những hộ kinh doanh có doanh thu hàng trăm triệu đồng/ngày nhưng mức thuế khoán phải nộp chỉ từ 6 - 30 triệu đồng/năm. Số thuế này quá chênh lệch so với việc họ kê khai doanh thu rồi nộp thuế theo một tỉ lệ nhất định.

Để khắc phục tình trạng này, dự thảo sẽ nâng cao trách nhiệm của cơ quan thuế trong công tác kiểm soát dữ liệu, quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, trong đó tập trung những nhóm đối tượng có quy mô doanh thu lớn, ngành nghề đặc thù, tiềm ẩn rủi ro cao.

Một lãnh đạo của Cục Thuế TP HCM giải thích rằng đích ngắm của dự thảo mới là tăng cường quản lý thuế đối với hộ kinh doanh quy mô lớn, cá nhân kinh doanh các lĩnh vực, ngành nghề đặc thù. Còn đối với hộ kinh doanh nhỏ lẻ, ngành thuế vẫn tiếp tục áp dụng thuế khoán, đồng thời các mức thuế khoán được điều chỉnh theo doanh thu thực tế hằng năm.

Cũng theo vị lãnh đạo này, hiện nay, một số hộ kinh doanh nộp thuế khoán nhưng vẫn sử dụng hóa đơn để cung cấp cho khách hàng. Hằng năm, cán bộ thuế và chính quyền địa phương căn cứ vào các hóa đơn này và nhiều yếu tố khác để xác định doanh thu, từ đó ấn định mức thuế khoán. "Thế nhưng, các chứng từ bán hàng hóa, dịch vụ vẫn không phản ánh hết dòng tiền của hộ kinh doanh. Bởi lẽ, nhiều người mua hàng hóa không yêu cầu hộ kinh doanh cung cấp hóa đơn. Từ đó, việc xác định doanh thu không chính xác, dẫn đến các mức thuế khoán đối với hộ kinh doanh không hợp lý làm thất thu về thuế" - lãnh đạo của Cục Thuế TP HCM phân tích.

Một số chuyên gia về thuế cho rằng dự thảo thông tư sẽ cho phép ngành thuế xem xét không áp dụng thuế khoán đối với hộ, cá nhân kinh doanh quy mô lớn. Theo đó, nếu người nộp thuế kê khai doanh thu không đúng thực tế, cơ quan thuế sẽ căn cứ vào các hóa đơn bán hàng, cùng với các nguồn dữ liệu mà ngành thuế có được để ấn định doanh thu tính thuế. Tuy nhiên, đây là biện pháp hành chính nhằm giải quyết tình thế, có thể phát sinh tiêu cực hoặc ảnh hưởng đến quyền lợi của cá nhân, hộ kinh doanh một khi có sự áp đặt chủ quan từ cơ quan thuế.

Việc buộc các hộ kinh doanh lớn phải kê khai thuế như doanh nghiệp như dự thảo thông tư hướng dẫn quản lý thuế, theo nhiều chuyên gia là giải pháp đảm bảo công bằng giữa các đối tượng nộp thuế và hạn chế tiêu cực. Song cần áp dụng đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là kết nối máy tính tiền của hộ kinh doanh với cơ quan thuế, công khai doanh thu của hộ kinh doanh, có chính sách khuyến khích người mua hàng lấy hóa đơn…

Tuy nhiên , cũng có ý kiến quan ngại , nhiều hộ kinh doanh lớn sẽ đối phó bằng cách lập doanh nghiệp và khai thuế ở quận khác, biến cửa hàng kinh doanh tại quận 1 thành một điểm bán hàng. Họ dùng chiêu "ve sầu thoát xác", nhằm tránh sự quản lý của cơ quan thuế trên địa bàn . Khi quận này làm căng, những hộ kinh doanh lớn lại chuyển hoạt động sang quận khác.

Do đó, theo chúng tôi , giải pháp căn cơ nhất là cần luật hóa hoạt động kinh doanh của loại hình hộ kinh doanh, đặc biệt cần qui định rõ doanh thu bao nhiêu thì phải chuyển thành Doanh nghiệp , không thể gọi là hộ kinh doanh được và phải hoạt động theo Luật doanh nghiệp. Đặc biệt cần nghiên cứu điều chỉnh lại cách đánh thuế theo quy mô (doanh thu) thay vì theo hình thức kinh doanh như hiện nay nhằm đảm bảo công bằng và cũng là giải pháp ngăn chặn chốn thuế. Ngoài ra cần xử nghiêm , xử hình sự việc bán hàng không xuất hóa đơn. Và một giải pháp căn cơ nữa là sớm thanh toán không dùng tiền mặt.

Phúc Trang ( T/h)

Bạn đang đọc bài viết "Vụ tiệm vàng ở Cà Mau bị điều tra trốn thuế 100 tỉ, chuyện 1 cá nhân ở Hà Nội nộp hơn 23 tỷ tiền thuế và giải pháp chặn thất thoát thuế hộ kinh doanh lớn." tại chuyên mục Pháp lý và Kinh doanh. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin