Vụ “Thiếu trách nhiệm tại Cục Quản lý dược”: Luật sư phân tích trách nhiệm pháp lý nếu phát hiện tiêu cực…

(Pháp lý) - Vụ án “Thiếu trách nhiệm tại Cục Quản lý dược” đến hiện tại mới chỉ ở giai đoạn khởi tố vụ án, chưa khởi tố bị can. Tuy nhiên, luật sư cho rằng không loại trừ khả năng có sự tác động tiêu cực. Do vậy, cơ quan điều tra cần quyết liệt đấu tranh làm rõ, xử lý đúng người đúng tội, không bỏ lọt tội phạm.

Vì sao khởi tố vụ án “Thiếu trách nhiệm tại Cục Quản lý dược” ?

Liên quan đến vụ án thuốc ung thư giả tại VN Pharma, ngày 18/9, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) - Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố điều tra vụ án thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Cục Quản lý dược – Bộ Y tế và các cơ quan liên quan.

Trước đó, ngày 26/3/2019, Viện kiểm sát nhân dân (KSND) tối cao có văn bản yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố vụ án thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, liên quan đến trách nhiệm của cán bộ, chuyên gia thẩm định cấp giấy phép đối với hồ sơ đơn hàng nhập khẩu thuốc H-Capita của Công ty VN Pharma.

Viện KSND tối cao yêu cầu điều tra, làm rõ về việc thẩm định cấp số đăng ký lưu hành cho 7 loại thuốc do Công ty Helix Canada sản xuất, do Công ty VN Pharma đứng tên đăng ký và thẩm định cấp giấy phép hoạt động về thuốc và nguyên liệu làm thuốc cho Công ty Helix Canada.

 Vụ án VN Pharma gây chấn động dư luận
Vụ án VN Pharma gây chấn động dư luận)

Ngoài ra, Viện KSND tối cao yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các cán bộ hải quan trong việc làm thủ tục thông quan cho lô hàng 9.300 hộp thuốc H-Capita.

Tuy nhiên, trong quá trình điều tra vụ án VN Pharma, cơ quan điều tra đã tiến hành điều tra, xác minh để làm rõ trách nhiệm của cá nhân có liên quan nhưng cho đến thời điểm ra kết luận điều tra, cơ quan điều tra nhận thấy chưa đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự, và cần phải tiếp tục xem xét. Sau quá trình mở rộng điều tra, cơ quan điều tra Bộ Công an đã quyết định khởi tố vụ án.

Theo nội dung vụ án, Công ty cổ phần VN Pharma được thành lập từ tháng 10/2011 do Nguyễn Minh Hùng làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc. Từ năm 2012, Nguyễn Minh Hùng nhận thấy nhu cầu về thuốc ung thư tăng cao nên đã nhập khẩu loại thuốc chữa ung thư H-Capita 500mg về Việt Nam.

Do thiếu một số giấy tờ về tiêu chuẩn thuốc mà phía Công ty ở Canada không cung cấp được nên Hùng đã chỉ đạo nhân viên làm giả các giấy tờ này. Sau khi làm giả các giấy tờ, Hùng chỉ đạo cho cấp dưới trình Cục Quản lý dược để xin cấp phép.

Trên cơ sở hồ sơ của công ty VN Pharma cung cấp, Cục Quản lý dược đã thành lập tổ thẩm định do ông Nguyễn Tất Đạt (khi đó là Trưởng phòng quản lý kinh doanh dược) làm tổ trưởng gồm: nhóm thẩm định tiêu chuẩn chất lượng, nhóm thẩm định dược lý và nhóm thẩm định pháp lý hồ sơ. Căn cứ kết quả thẩm định, ông Trương Quốc Cường (khi đó là Cục trưởng Cục Quản lý dược) đồng ý cho Công ty VN Pharma nhập khẩu thuốc.

Cục Quản lý dược và các cơ quan, đơn vị có liên quan có dấu hiệu “thiếu trách nhiệm” trong việc thẩm định, xét duyệt, cấp phép và cho thông quan nhập khẩu đối với các thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Công ty Helix Canada và nhãn mác Công ty Health 2000 Canada.

Nhiều sai phạm trong thẩm định, cấp phép

Ngày 16/9, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã thông báo kết luận thanh tra việc cấp giấy phép nhập khẩu, giấy đăng ký lưu hành đối với 10 loại thuốc của Công ty Helix Pharmaceuticals - Canada (Công ty Helix), cấp giấy phép hoạt động cho Công ty Helix và việc trúng các gói thầu cung cấp thuốc cho các bệnh viện của Công ty Cổ phần VN Pharma.

TTCP nhận định, thuốc chữa bệnh là một loại hàng hóa đặc biệt, nhưng trong thời gian qua ngành y tế còn để xảy ra những thiếu sót, vi phạm trong khâu cấp số đăng ký thuốc; khâu cấp phép nhập khẩu thuốc; khâu cấp phép hoạt động về thuốc, nguyên liệu làm thuốc cho doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam; công tác đấu thầu cung cấp thuốc cho các cơ sở khám, chữa bệnh.

Cụ thể, việc thẩm định, cấp số đăng ký đối với 7 loại thuốc: Thời hạn thẩm định và cấp số đăng ký chậm so với quy định từ 100-150 ngày. Biên bản thẩm định chỉ ghi tuần thẩm định, không ghi ngày thẩm định lần đầu. Bộ Y tế ban hành Thông tư số 22/2009/TT-BYT còn bất cập, nội dung chưa đầy đủ, đây là một trong những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý dẫn đến việc trong hồ sơ xin cấp số đăng ký có tài liệu bị làm giả nhưng không được phát hiện kịp thời.

Trong đó, 3 năm (2012, 2013 và 2014), Bộ Y tế đã cấp 607 giấy phép nhập khẩu thuốc chưa có số đăng ký, cũng không yêu cầu doanh nghiệp nộp giấy phép hoạt động về thuốc và nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam, trong đó có 3 loại thuốc (H-Capita, H-Epra 40 và H-Lastapen 500 mg).

"Trách nhiệm này thuộc lãnh đạo Bộ Y tế, Cục Quản lý dược thời điểm năm 2009 trong việc tham mưu, xây dựng và ban hành thông tư; đồng thời lãnh đạo Bộ Y tế, Cục Quản lý dược thời kỳ 2011-2014 cũng chịu trách nhiệm chính trong việc thiếu sự quan tâm, chỉ đạo để sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh nội dung Thông tư số 22/2009/TT-BYT cho phù hợp" - kết luận thanh tra chỉ rõ.

Việc thẩm định, cấp giấy phép nhập khẩu đối với 3 loại thuốc, TTCP cho rằng thời hạn xét duyệt, cấp giấy phép nhập khẩu chậm từ 28-60 ngày là vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 11 Thông tư số 47/2010/TT-BYT.

Theo kết luận thanh tra, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Y tế chịu trách nhiệm quy định chi tiết về hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu thuốc chưa có số đăng ký (Điều 12 Quyết định số 151/2007/QĐ-TTg). Tuy nhiên, khi Bộ Y tế ban hành Thông tư số 47 nội dung quy định còn bất cập, chưa đầy đủ.

"Những bất cập, chưa đầy đủ của Thông tư số 47/2010/TT-BYT nêu trên là một trong những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý dẫn đến việc thuốc H-Capita được cấp giấy phép nhập khẩu ngày 30/12/2013 nhưng giấy phép hoạt động của Công ty Austin Hồng Kông đã hết hạn từ ngày 6/10/2013 và ngày 11/4/2014, Chi cục Hải quan cửa khẩu Quốc tế Tân Sơn Nhất đã cho phép nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita vào Việt Nam" - kết luận thanh tra chỉ rõ.

Từ việc ban hành Thông tư số 47 không đúng nội dung với Quyết định số 151 dẫn đến việc cấp giấy phép nhập khẩu 200.000 hộp thuốc H-Capita và cho phép nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita vào Việt Nam là vi phạm Điều 5 Quyết định số 151.

Đối với việc thẩm định, cấp phép hoạt động cho Công ty Helix năm 2014, TTCP cho hay, trong thời hạn xét duyệt cấp giấy phép hoạt động chậm 53 ngày là vi phạm quy định Thông tư số 47. Cùng với đó, quá trình thanh tra, TTCP cũng phát hiện một số vi phạm khác về đấu thầu mua thuốc, như thiếu sót trong xây dựng kế hoạch đấu thầu mua thuốc, thiếu tiêu chí theo quy định, kế hoạch thuốc xây dựng chưa sát với tình hình sử dụng thuốc; việc chấm, xét, chọn thầu, thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu vượt quy định.

Nếu thiếu trách nhiệm do có tác động tiêu cực, trách nhiệm pháp lý sẽ thế nào?

Trao đổi với Phóng viên Pháp lý, Luật sư Trần Hồng Cường – Công ty Luật Hợp danh Đông Nam Á nhận định: “Vụ án thuốc giả của VN Pharma đã xảy ra từ lâu gây chấn động dư luận. Tôi cho rằng, đây là vụ án rất nghiêm trọng trong lĩnh vực y tế, ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân đặc biệt đối với những bệnh nhân sử dụng những loại thuốc này để chữa bệnh”.

Hiện nay, căn cứ vào những chứng cứ, tài liệu thu thập được, cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Cục Quản lý dược nhằm điều tra làm rõ những dấu hiệu vi phạm trong việc thẩm định hồ sơ cấp phép, cá nhân tôi cho rằng điều này hoàn toàn phù hợp, đáp ứng mong mỏi của dư luận.

 Luật sư Trần Hồng Cường – Công ty Luật Hợp danh Đông Nam Á trao đổi với PV Pháp lý
Luật sư Trần Hồng Cường – Công ty Luật Hợp danh Đông Nam Á trao đổi với PV Pháp lý)

Vụ án mới chỉ ở giai đoạn khởi tố điều tra, đến nay chưa khởi tố bị can đối với bất kỳ đối tượng liên quan nào. Do đó, chưa thể chắc chắn được điều gì cho đến khi có kết luận chính thức của cơ quan điều tra - Luật sư Hồng Cường nói.

Tuy nhiên, theo luật sư, chúng ta cũng không thể loại trừ khả năng có sự tác động tiêu cực dẫn đến những sai phạm nghiêm trọng xảy ra tại Cục quản lý Dược. Do đó, nếu trong quá trình điều tra, nếu có căn cứ chứng minh được cán bộ, chuyên gia thẩm định, cấp phép có nhận một lợi ích nào đó (tiền, hoặc vật chất…) để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật thì các đối tượng có thể sẽ bị khởi tố về tội “nhận hối lộ” hoặc “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ để trục lợi”.

Theo Điều 354 BLHS 2015, tội nhận hối lộ được quy định như sau: “Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì có thể bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm…”

Tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” được quy định tại Điều 356 BLHS 2015: “người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại …. thì có thể bị phạt tù từ 1 đến 5 năm…”

Luật sư Cường phân tích thêm: một khả năng khác cũng có thể xảy ra, nếu cơ quan điều tra có căn cứ chứng minh được những cán bộ, chuyên gia này đã chịu sự tác động nào đó từ người khác, sự chỉ đạo từ cấp trên chẳng hạn. Thì ngoài những người nhận sự chỉ đạo đã có hành vi vi phạm quy định pháp luật trong việc thẩm định xét duyệt hồ sơ, cấp phép sẽ bị khởi tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Đối với người chỉ đạo nếu chứng minh được họ đã nhận một lợi ích nào đó thì cũng sẽ bị khởi tối về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi - Luật sư Cường nêu quan điểm.

Liên quan đến việc Bộ Y tế ban hành các quy định, chính sách còn hạn chế, thiếu sót dẫn đến việc cấp phép nhập khẩu thuốc H-Capita vào Việt Nam theo kết luận thanh tra của TTCP, Luật sư Cường cho rằng cần phải xử lý nghiêm , nhẹ thì phê bình kiểm điểm, nặng hơn thì cảnh cáo hạ mức lương, nặng hơn nữa thì sa thải, miễn nhiệm. Nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì xử lý theo hướng hình sự. Vì phải xử lý nghiêm thì họ mới nâng cao trách nhiệm và làm gương cho những người sau thực hiện tốt hơn, làm việc tốt hơn.

Thiết nghĩ, để có câu trả lời cho dư luận, làm yên tâm người dân, cơ quan điều tra cần phải vào cuộc, xử lý quyết liệt, đúng quy định, nêu cao tinh thần "thượng tôn pháp luật", không có vùng cấm, không bỏ lọt tội phạm, không để oan, sai, xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Liên quan đến vụ buôn bán thuốc ung thư giả tại Công ty Cổ phần VN Pharma, ngày 1/10 vừa qua, TAND TP.HCM đã tuyên xử phạt bị cáo Võ Mạnh Cường 20 năm tù; bị cáo Nguyễn Minh Hùng (nguyên Tổng Giám đốc VN Pharma) 17 năm tù về tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh theo khoản 4, Điều 157 Bộ luật Hình sự.

Hội đồng xét xử đã triệu tập gần 200 người liên quan. Đáng chú ý, trong số những người bị triệu tập có ông Trương Quốc Cường (hiện là Thứ trưởng Bộ Y tế, thời điểm vụ án xảy ra là Cục trưởng Cục Quản lý dược). Tuy nhiên, vị này được cho là đã vắng mặt.

Trước đó, tháng 7/2017, tại phiên tòa sơ thầm lần 1, TAND TP HCM đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường mỗi bị cáo 12 năm tù về tội “Buôn lậu”. Các bị cáo còn lại bị kết án về tội “Buôn lậu” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” với mức án từ 2 đến 5 năm tù. Tuy nhiên, đến tháng 10.2017, TAND Cấp cao tại TP HCM đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị điều tra, xác định lại về tội danh và xác định thêm đồng phạm.

Văn Chiến

 

 

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin