Vụ án xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội cho thấy lỗ hổng trong quản lý tài sản công và công tác cán bộ.

24/10/2021 11:01

(Pháp lý) – Trao đổi với Phóng viên Tạp chí điện tử Pháp lý xung quanh vụ án xảy ra tại BV Tim Hà Nội, TS. Ls Đặng Văn Cường cho rằng, qua những vụ án này thì nhiệm vụ của cơ quan tố tụng không chỉ là xử lý tội phạm, xác định tội danh để áp dụng hình phạt mà còn phải tìm ra nguyên nhân, điều kiện phạm tội để kiến nghị hoàn thiện chính sách pháp luật, sửa đổi pháp luật, bịt kín các khe hở trong công tác quản lý kinh tế, quản lý cán bộ, tránh các vụ việc tương tự có thể xảy ra.

9-1635047985.jpg
Nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội  Nguyễn Quang Tuấn cùng hàng loạt thuộc cấp tại Bệnh viện Tim Hà Nội bị khởi tố

Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng 

Sau một thời gian khởi tố, điều tra đối với nhiều bị can là thuộc cấp của ông Nguyễn Quang Tuấn nguyên giám đốc bệnh viện tim Hà Nội về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, thì mới đây Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Quang Tuấn về tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, theo Điều 222 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. 

Liên quan vụ án này, C03 cũng ra quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Nguyễn Đức Đảng - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần thiết bị y tế Hoàng Nga. Ông Đảng bị khởi tố điều tra về tội "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".

"Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tập trung lực lượng điều tra, làm rõ hành vi vi phạm của các bị can, mở rộng vụ án, triệt để thu hồi tài sản cho Nhà nước và người bệnh.

Đây là những diễn biến mới nhất trong quá trình C03 điều tra mở rộng vụ án "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội và một số đơn vị liên quan

Kết quả điều tra đến nay xác định, một số lãnh đạo, cán bộ tại Bệnh viện Tim Hà Nội và một số cán bộ Công ty CP đầu tư định giá AIC VN đã có các hành vi vi phạm hoạt động đấu thầu trong việc mua sắm vật tư, hóa chất, thiết bị y tế tại Bệnh viện Tim Hà Nội.

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí điện tử Pháp lý, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, Cơ quan cảnh sát điều tra ra quyết định khởi tố ông Nguyễn Quang Tuấn, giám đốc bệnh viện Bạch mai là thông tin bất ngờ với nhiều người. 

Tuy nhiên, theo TS. Cường, với những người theo dõi vụ án xảy ra tại bệnh viện tim Hà Nội thì sự việc này hoàn toàn có thể xảy ra, bởi thời điểm vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại bệnh viện tim Hà Nội thì khi đó ông Nguyễn Quang Tuấn đang giữ chức giám đốc bệnh viện.

Theo quy định của pháp luật thì hành vi mua sắm máy móc, thiết bị y tế phải thực hiện thông qua hình thức đấu thầu, một số trường hợp thì được thực hiện theo quy định của pháp luật về chỉ định thầu. Tất cả các trình tự, thủ tục, căn cứ phải tuân theo quy định của luật đấu thầu và các văn bản pháp luật có liên quan. Hành vi vi phạm quy định về đấu thầu như thông thầu, không công khai minh bạch, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu là các hành vi vi phạm pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Bộ luật hình sự năm 2015 quy định các hành vi vi phạm quy định về đấu thầu sau đây sẽ gây thiệt hại cho nhà nước từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc thiệt hại dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự:  Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu; Thông thầu; Gian lận trong đấu thầu; Cản trở hoạt động đấu thầu; Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu; Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu; Chuyển nhượng thầu trái phép.

Về nguyên tắc thì cơ quan điều tra sẽ làm rõ các gói thầu mua sắm thiết bị có dấu hiệu sai phạm, làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan trong hoạt động đấu thầu. Các lãnh đạo, cán bộ có tham gia vào hoạt động đấu thầu đó để xảy ra sai phạm và những người có yếu tố tư lợi khi biết rõ hoạt động đấu thầu đó là có sai phạm thì đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm.

TS.Ls Đặng Văn Cường cho biết thêm, trong vụ án này, cơ quan điều tra sẽ xác định vai trò đối với từng bị can, sẽ xác định những thiệt hại mà các bị can đã gây ra đối với xã hội, sẽ làm rõ số tiền thu lợi bất chính từ hoạt động vi phạm quy định về đấu thầu để có hình thức xử lý phù hợp, làm căn cứ áp dụng chế tài và xác định trách nhiệm dân sự bồi thường thiệt hại.

Hiện nay mới trong giai đoạn điều tra vụ án, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi của từng bị can, làm rõ phương thức thủ đoạn phạm tội, làm rõ hậu quả và trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan, làm cơ sở để truy tố và xét xử đối với các bị can trước pháp luật.

Theo TS. Cường, trường hợp vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng mà thiệt hại đối với nhà nước từ 1 tỷ đồng trở lên thì các đối tượng phạm tội sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất được quy định tại khoản ba, điều 222 bộ luật hình sự năm 2015 là: "Phạm tội gây thiệt hại 1 tỷ đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm".

Nguyên căn từ yếu kém trong quản lý kinh tế hay do đạo đức cán bộ sa sút ?

Mục đích của hoạt động đấu thầu là để lựa chọn nhà thầu tốt nhất, lựa chọn được loại hàng hóa, sản phẩm dịch vụ tốt nhất, đồng thời tiết kiệm chi phí tối đa cho nhà nước - Nhà nước bỏ ra một khoản chi phí thấp nhất có thể nhưng lại có được sản phẩm hàng hóa dịch vụ tốt nhất có thể. Nếu không tuân thủ các quy định về đấu thầu thì có thể nhà nước sẽ phải chi phí ra một khoản tiền rất lớn nhưng lại mua về các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng, gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước, tài sản của nhân dân.

Để đảm bảo việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công có hiệu quả, việc mua sắm thiết bị y tế hợp lý, tiết kiệm chi phí cho nhà nước thì việc tổ chức đấu thầu phải tuân thủ các quy định của Luật Đấu thầu. Trường hợp cơ quan, tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm quy định về đấu thầu nêu trên thì sẽ ảnh hưởng đến kết quả đấu thầu, không đảm bảo tính khách quan, công bằng, công khai, minh bạch. 

Bởi vậy, hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng là hành vi nguy hiểm cho xã hội, gây thất thoát tài sản của nhà nước, làm mất niềm tin của người dân đối với cán bộ, làm suy thoái đạo đức cán bộ và bất bình đẳng trong xã hội. Đối với các máy móc thiết bị y tế thì việc nhà nước bỏ ra số tiền lớn nhưng lại mua phải máy móc kém chất lượng không những gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước, làm giảm sút uy tín của đảng, của nhân dân đối với công tác cán bộ mà còn ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người bệnh, gây bức xúc trong dư luận. TS. Ls. Đặng Văn Cường phân tích.

TS. Ls. Đặng Văn Cường cho rằng, khi mà những vụ việc vi phạm quy định về đấu thầu, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, gian lận, tiêu cực trong các bệnh viện được cơ quan chức năng phát hiện, phanh phui, xử lý ngày càng nhiều thì cho thấy sự việc không còn là đơn lẻ, không còn là cá biệt  của một vài cán bộ mà nó đã trở thành vấn đề xã hội, cần phải đấu tranh để loại bỏ.

Thực tiễn hoạt động tố tụng trong thời gian gần đây cho thấy tất cả các vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng thì số tiền thất thoát của nhà nước rất lớn, rất ít vụ án mà số tiền thiệt hại dưới 1 tỷ đồng, thiệt hại về tài sản có thể hàng chục tỷ đồng và kéo theo đó rất nhiều cán bộ bị khởi tố, bị bắt giam, uy tín của cán bộ, của cơ quan tổ chức bị giảm sút, làm suy giảm niềm tin của người dân đối với chính quyền. 

image002-1635048046.jpg

Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội)

Điều này cho thấy đang có những lỗ hổng trong công tác quản lý tài sản công, thiếu sự kiểm tra giám sát đối với hoạt động đấu thầu dẫn đến vi phạm, thất thoát tài sản nhà nước. 

Dù vụ án có diễn biến theo hướng nào chăng nữa thì việc khởi tố một loạt cán bộ  trong lĩnh vực y tế, trong đó có cả giáo sư, tiến sĩ, những người có chuyên môn rất cao trong ngành y tế, những người đứng đầu bệnh viện lớn tại Việt Nam là câu chuyện hết sức đau lòng cho ngành y tế. Liên tục hai giám đốc bệnh viện ( Tim và Bạch Mai) kế tiếp bị khởi tố là câu chuyện hết sức đau lòng đối với ngành y nói riêng và đối với xã hội nói chung. 

Ngoài ra, đây không phải là vụ án cá biệt, trước đó nhiều cán bộ, lãnh đạo trong ngành y tế bị khởi tố, nhiều cơ sở y tế để xảy ra những vụ án hình sự đã cho thấy không ít cán bộ trong ngành y tế nói riêng có biểu hiện suy thoái, vi phạm đạo đức, lối sống, những cám dỗ vật chất đã đánh gục nhiều cán bộ có tầm cỡ của ngành này. 

Đây là tiếng chuông cảnh tỉnh cho các cán bộ khi quyết định đến các vấn đề sử dụng tài sản, nguồn vốn ngân sách nhà nước, đồng thời cũng là cảnh báo cho công tác quản lý kinh tế, cho vấn đề mua sắm tài sản công phải thực hiện đúng quy định của Luật Đấu thầu. 

Theo TS. Ls Đặng Văn Cường, qua những vụ án như thế này thì nhiệm vụ của cơ quan tố tụng không chỉ là xử lý tội phạm, xác định tội danh để áp dụng hình phạt mà còn phải tìm ra nguyên nhân, điều kiện phạm tội để hoàn thiện chính sách pháp luật, sửa đổi pháp luật, bịt kín các khe hở trong công tác quản lý kinh tế, quản lý cán bộ, tránh các vụ việc tương tự có thể xảy ra. 

Phải thực hiện đồng thời hai việc là: đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao đạo đức, bản lĩnh chính trị của cán bộ (chứ không đơn giản chỉ là đào tạo chuyên môn). Lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ đúng tiêu chuẩn, không những có chuyên môn giỏi mà còn phải có đạo đức tốt. 
Đồng thời cần phải tăng cường công tác quản lý kinh tế, quản lý tài sản công, giám sát hoạt động đấu thầu để tránh những vụ việc đáng tiếc như những vụ án này. Với những cán bộ có chuyên môn giỏi nhưng không có khả năng lãnh đạo thì tốt nhất chỉ nên làm công tác chuyên môn để tránh lãng phí, thiệt hại chất xám. Người lãnh đạo phải là người có trình độ quản lý, am hiểu pháp luật và biết tuân thủ pháp luật. TS. Ls Đặng Văn Cường kiến nghị.

Xuân Trường
 

Bạn đang đọc bài viết "Vụ án xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội cho thấy lỗ hổng trong quản lý tài sản công và công tác cán bộ." tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin