Qui định của pháp luật về các biện pháp điều tra đặc biệt trong chống tham nhũng

(Pháp Lý) - Kết quả điều tra vụ án Phan Văn Anh Vũ  và một số vụ án đã được điều tra truy tố thời gian qua, cho thấy quyết tâm rất cao của các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc thu thập, truy tìm chứng cứ để chứng minh tội phạm đưa nhận hối lộ. Bên cạnh đó, một nguyên nhân nữa  cũng tích cực  giúp các cơ quan bảo vệ pháp luật khám phá ra các vụ án đưa nhận hối lộ, đó là nhờ Bộ Luật tố tụng hình sự sửa đổi năm 2015, có hiệu lực năm 2018 đã cho phép các cơ quan bảo vệ pháp luật được áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt trong đấu tranh chống tham nhũng. Vậy các biện pháp điều tra tố tụng này được pháp luật qui định đặc biệt thế nào?

image001-1624616539.jpg
Phan Văn Anh Vũ bị cáo buộc đưa tiền tỉ hối lộ  nhằm chạy tội

Qui định của pháp luật về các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt 

Bộ Luật tố tụng hình sự sửa đổi năm 2015, có hiệu lực năm 2018 đã cho phép các cơ quan bảo vệ pháp luật được áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt trong đấu tranh chống tham nhũng. Các biện pháp điều tra đặc biệt này được qui định tại Chương XVI, từ Điều 223 đến 228.

image002-1624616877.jpg
 

Ngày 1/1/2018, BLTTHS 2015 sửa đổi, bổ sung có hiệu lực, theo đó, Bộ luật có bổ sung một quy định mới, quy định về các cuộc điện thoại, dữ liệu điện tử, ghi âm, ghi hình , nghe điện thoại bí mật, thu thập bí mật dữ liệu điện tử... được sử dụng làm chứng cứ trong giải quyết các vụ án. Đặc biệt, Bộ luật bổ sung quy định về các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, quy định tại chương XVI gồm 06 điều (từ Điều 223 đến Điều 228). Điều đáng nói là phạm vi áp dụng các biện pháp điều tra này được áp dụng để đấu tranh với tội phạm tham nhũng.

Điều 223, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt như sau: “Sau khi khởi tố vụ án, trong quá trình điều tra, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt: (1). Ghi âm, ghi hình bí mật; (2). Nghe điện thoại bí mật; (3). Thu thập bí mật dữ liệu điện tử”.

3 biện pháp điều tra bí mật đặc biệt

Theo quy định tại BLTTHS 2015, có 03 biện pháp điều tra bí mật đặc biệt, bao gồm: ghi âm, ghi hình bí mật; nghe điện thoại bí mật; thu thập bí mật dữ liệu điện tử. 

So với các biện pháp điều tra bí mật mà pháp luật quốc tế khuyến nghị sử dụng, nhà làm luật Việt Nam mới chỉ bước đầu thừa nhận những biện pháp cơ bản, thiết yếu. Ngoài ra, còn có các biện pháp phổ biến chưa được thừa nhận là: vận chuyển có kiểm soát; đưa người thâm nhập tổ chức và tiếp cận cá nhân phạm tội để thu thập chứng cứ .

Có thể thấy, các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt trong tố tụng hình sự chủ yếu là các biện pháp nhằm bí mật thu thập chứng cứ: ghi âm bí mật, ghi hình bí mật, nghe điện thoại bí mật hoặc thu thập bí mật dữ liệu điện tử. 

Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể áp dụng kết hợp nhiều biện pháp điều tra này nhằm đảm bảo mục đích thu thập chứng cứ, phục vụ cho việc đấu tranh phòng, chổng tội phạm.

Đồng thời với quy định liệt kê các biện pháp điều tra đặc biệt trong tố tụng hình sự, nhà làm luật đưa ra một nguyên tắc đối với nhóm biện pháp này. Đó là, các biện pháp này chỉ được sử dụng “sau khi khởi tố vụ án hình sự, trong quá trình điều tra". 

Khác với một số biện pháp điều tra khác như khám nghiệm hiện trường có thể tiến hành trước khi khởi tố vụ án hình sự, biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt chỉ được áp dụng trong giai đoạn điều tra.

Giai đoạn điều tra là giai đoạn quan trọng trong mô hình tố tụng hình sự của Việt Nam. Nhiệm vụ của giai đoạn này, về cơ bản, là thu thập chứng cứ để xác định tội phạm và người phạm tội, thu thập chứng cứ về các vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án hình sự. Do biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt được áp dụng đổi với các tội phạm nguy hiểm, đặc biệt nghiêm trọng nên ngoài yêu cầu điều tra, giải quyết đối với vụ án đã khởi tố, hoạt động phòng ngừa tội phạm cũng được ưu tiên đặt lên hàng đầu.

Mức độ áp dụng, thời điểm áp dụng, thời hạn áp dụng, trường hợp và loại biện pháp điều tra đặc biệt áp dụng cần được nhà làm luật cân nhắc kĩ, một mặt đảm bảo yêu cầu đấu tranh chống, phòng ngừa tội phạm, mặt khác đảm bảo không lạm quyền, xâm phạm đến quyền cơ bản của công dân.


Những trường hợp nào áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt ? Điều 224, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định trường hợp áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt như sau: “Có thể áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt đối với các trường hợp:  1. Tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng, tội khủng bố, tội rửa tiền;  2. Tội phạm khác có tổ chức thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.

Các nội dung cơ bản của biện pháp điều tra đặc biệt trong BLTTHS 2015

- Thời điểm áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt: Các biện pháp này có thể được áp dụng sau khi khởi tố vụ án. 

- Các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt gồm: (1) Ghi âm, ghi hình bí mật; (2) Nghe điện thoại bí mật; và (3) Thu thập bí mật dữ liệu điện tử.

- Các loại tội có thể áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt: (1) Tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng, tội khủng bố, tội rửa tiền; và (2) Tội phạm khác có tổ chức thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

- Thẩm quyền quyết định áp dụng: Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu trở lên tự mình hoặc theo yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu có quyền ra quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt phải được Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.

- Thời hạn áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt: Không quá 02 tháng kể từ ngày Viện trưởng Viện kiểm sát phê chuẩn. Trường hợp phức tạp có thể gia hạn nhưng không quá thời hạn điều tra theo quy định của Bộ luật này.

- Sử dụng thông tin, tài liệu thu thập được bằng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt: Căn cứ Điều 226, thông tin, tài liệu thu thập được bằng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt chỉ được sử dụng vào việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự và có thể dùng làm chứng cứ để giải quyết vụ án.

Nghiêm cấm sử dụng thông tin, tài liệu, chứng cứ thu thập được vào mục đích khác. Đồng thời, thông tin, tài liệu không liên quan đến vụ án phải tiêu hủy kịp thời.

Cơ quan điều tra có trách nhiệm thông báo ngay kết quả việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt cho Viện trưởng Viện kiểm sát đã phê chuẩn. Đối với các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt như bí mật ghi âm, ghi hình, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 là văn bản đầu tiên ghi nhận và cho phép cơ quan điều tra thực hiện.

Do đây là những biện pháp điều tra có tính chất nhạy cảm, khi thực hiện sẽ có thể có những tác động lớn tới các quyền cơ bản của con người, của công dân nên việc giám sát chặt chẽ trong quá trình áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt là nội dung quan trọng nhằm bảo đảm các quyền con người, quyền công dân không bị xâm phạm.

Cơ quan điều tra được quyền bí mật ghi âm, nghe điện thoại khi nào?

Điều 223 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định, sau khi khởi tố vụ án, trong quá trình điều tra, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt:  Ghi âm, ghi hình bí mật;  Nghe điện thoại bí mật; Thu thập bí mật dữ liệu điện tử.

Tuy nhiên, không phải với bất cứ tội phạm nào cơ quan điều tra cũng được áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Theo Điều 224 Bộ luật Tố tụng hình sư, các biện pháp này chỉ được áp dụng đối với:  Tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng, tội khủng bố, tội rửa tiền;  Tội phạm khác có tổ chức thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Phúc Anh ( T/h)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin