Vụ 36 lô hạt điều có nguy cơ mất trắng: Cần khắc phục "lỗ hổng" trong thương mại quốc tế

22/03/2022 08:20

(Pháp Lý) - Hiện tại Cảnh sát Kinh tế - Tài chính (Cảnh sát Kinh Tài) của Italia đã hỗ trợ Việt Nam, can thiệp để các hãng tàu tạm thời giữ lại, chưa giao 16 container nhân hạt điều xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam cho người mua ở phía Italia. Tuy nhiên, đây chỉ là tạm giữ và nếu các doanh nghiệp không làm các thủ tục nhanh chóng để có phán quyết của tòa án kinh tế giao lại cho các doanh nghiệp Việt Nam, thì rủi ro đối với 16 lô hàng hạt điều vẫn hiện hữu. Sự vụ khiến chúng ta cần nhìn lại có hay không những lỗ hổng trong thương mại quốc tế hiện nay để tháo gỡ cho các doanh nghiệp.

2-1647854314.jpg
Nếu không lo kịp thủ tục pháp lý và kịp thời gian, thì các container hạt điều xuất khẩu có thể bị “mất trắng

Rủi ro cao nhất sẽ xảy ra nếu không lo kịp các thủ tục pháp lý và kịp thời gian

Qua Công ty môi giới Kim Hạnh Việt, nhiều doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu điều đến các đối tác tại Ý, nhưng rồi, các bên đã không thể xác định chính xác người mua và không biết ai đang giữ bộ chứng từ gốc. Theo Quy tắc thực hành thống nhất về tín dụng chứng từ (UCP600), ai có bộ hồ sơ gốc thì hãng tàu sẽ giao hàng cho người ấy.

Khi có dấu hiệu mất kiểm soát các lô hàng, doanh nghiệp xuất khẩu cùng với Hiệp hội Điều Việt Nam đã phản ứng rất nhanh, Bộ Ngoại giao vào cuộc và Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo.

Tuy nhiên, việc phán quyết ai là chủ thực sự của lô hàng trong trường hợp mất kiểm soát chứng từ gốc là không hề đơn giản. 

Theo các chuyên gia tài chính, việc “mất trắng” các lô hàng nhân hạt điều có thể xảy ra bởi theo Luật Hàng hải, nếu quá thời hạn câu lưu hai tuần mà doanh nghiệp không có chứng từ hợp lệ để chứng minh lô hàng đó của mình thì hãng tàu sẽ giao cho người có bộ chứng từ gốc hợp pháp. Bởi theo luật, nếu hãng tàu không giao hàng cho người có chứng từ gốc, các hãng tàu còn bị kiện tại nơi sở tại, thậm chí còn có khả năng có thể bị cấm hành nghề ở quốc gia đó. 

Vì vậy, VINACAS đang tiếp tục kêu gọi các bộ, ngành liên quan vào cuộc hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong thời gian sớm nhất, bởi, hiện nay, các Tham tán thương mại với chức năng nhiệm vụ của mình chỉ tác động được với Cảng vụ và Hải quan các cảng tại Italia câu lưu hàng hóa, kéo dài thêm chứ không thể giải quyết vấn đề pháp lý được.

Các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, ngoài việc lo đủ giấy tờ pháp lý, các doanh nghiệp còn phải đảm bảo thời gian quy định, bởi các hoạt động xuất nhập khẩu đều phải tuân thủ thông lệ quốc tế.

Phương thức thanh toán nào cũng có rủi ro ?

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, nếu có dấu hiệu lừa đảo với thủ đoạn tinh vi, thì hình thức thanh toán nào cũng bị rủi ro. Vụ 36 container hạt điều đang bị "mất quyền kiểm soát" là một ví dụ. 

Cùng phân tích một số phương thức thanh toán quốc tế và khả năng áp dụng trong thực tế.

Điện chuyển tiền (T/T)

Ngân hàng người mua chuyển tiền cho ngân hàng người bán khi được người mua yêu cầu, nôm na giống như việc chuyển khoản giữa hai cá nhân với nhau. Phương thức này có ưu điểm là thực hiện nhanh chóng, dễ dàng, không có nhiều điều kiện, thủ tục, không phải chuyển bộ chứng từ gốc thông qua ngân hàng, không phải ký quỹ (và do đó không bị đọng vốn).

Tuy nhiên, nhược điểm của phương thức này nằm ở thời điểm chuyển tiền. Nếu chuyển tiền trước khi nhận được hàng thì rủi ro sẽ nằm ở người mua vì có thể hàng hóa không đủ số lượng, không đạt chất lượng yêu cầu. Nếu để người mua nhận được hàng rồi mới chuyển tiền thì rủi ro chuyển sang người bán vì việc thanh toán lúc đó phụ thuộc thiện chí của người mua, nếu người mua không thanh toán hoặc nại lý do để trừ tiền thì người bán rơi vào thế khó xử.

Để tăng sự tin tưởng và chia sẻ rủi ro, hai bên có thể thỏa thuận người mua chuyển tiền trước 20-30%, số tiền còn lại chuyển sau khi scan bộ chứng từ và trước khi hàng tới cảng người mua. Thường phương thức này được áp dụng với những đối tác đã làm lâu năm, có độ tin cậy cao.

Trả tiền nhận chứng từ (D/P)

Người bán và người mua sử dụng ngân hàng như một đơn vị trung gian, đảm bảo. Sau khi giao hàng, người bán gửi bộ chứng từ đến ngân hàng người mua. Ngân hàng chỉ giao chứng từ cho người mua sau khi người mua đã thanh toán tiền hàng.

Với phương thức này, khả năng rủi ro của người bán sẽ thấp hơn vì nếu người mua không trả tiền thì sẽ không thể lấy được hàng. Trong trường hợp đó, người bán không mất hàng, nhưng sẽ mất thêm công sức, chi phí để đưa hàng về hoặc tìm khách hàng khác để bán lại lô hàng đó.

Ngoài ra, còn có phương thức khác cũng tương tự như phương thức D/P là phương thức CAD - Cash against Documents.

Thư tín dụng ( L/C)

Ngân hàng người mua phát hành L/C, với các nội dung chi tiết tương ứng với các điều khoản trong hợp đồng, như một văn bản cam kết trả tiền cho bên bán. Khi ngân hàng nhận được bộ chứng từ do người bán gửi đến và kiểm tra bộ chứng từ đó phù hợp với quy định trong L/C thì ngân hàng sẽ trả tiền cho người bán.

Để đảm bảo việc thanh toán thì ngân hàng thường yêu cầu người mua phải ký quỹ trước một số tiền nào đó, thậm chí là 100% giá trị của hợp đồng. Do vậy, người mua trong trường hợp này sẽ bị chôn vốn ở ngân hàng. Như vậy, L/C là phương thức thanh toán đảm bảo nhất cho người bán, nhưng đồng thời cũng bất lợi nhất cho người mua.

Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), nhấn mạnh: “Bản chất của D/P, CAD hay L/C đều là nhờ thu qua ngân hàng. Tất cả phương thức này đều phải trả tiền cho bộ chứng từ trước khi nhận hàng nên xét về mặt chứng từ thì tính an toàn tương đương nhau. Còn một khi đã có ý đồ lừa đảo để lấy mất chứng từ thì rủi ro đó nằm ngoài phương thức thanh toán, kể các L/C” 

Cần khắc phục "lỗ hổng" trong thương mại quốc tế

Ông Trần Thanh Hải cũng cho biết, L/C là một phương thức thanh toán ít rủi ro nhất, nhưng tiếc thay, lại không phải là phương thức thanh toán phổ biến nhất trong thương mại nông sản.

Dẫn lời một doanh nghiệp có hàng bị “mắc kẹt” tại Italia, ông Trần Thanh Hải cho hay, hàng nông sản giá trị thấp, mỗi lô hàng có trị giá vài trăm nghìn USD. Người mua thì không mua nhiều một lúc, mà mua gối đầu, từng lô nhỏ. Nếu lô hàng nào cũng mở L/C thì mỗi tháng có khi đến vài chục L/C. Mở L/C thì phải ký quỹ ngân hàng, không 100% thì cũng phải một tỉ lệ nào đó. Như vậy, người mua sẽ bị đọng vốn ở ngân hàng trong suốt thời gian chờ nhận hàng, lên đến cả tháng trời. Không người mua nào muốn như thế, nếu mình cứ khăng khăng đòi L/C thì họ sẽ đi tìm người bán khác.

Đó là chưa kể thời gian để nhận được L/C của ngân hàng người mua cũng khá dài, ít nhất phải một tuần mà giá thị trường thì biến động từng ngày. Trong khi phải nhận được L/C thì người bán mới có thể giao hàng. Đã mua bán thì ai cũng muốn kết thúc thương vụ nhanh chóng, dứt điểm.

“Do đó, theo doanh nhân trên, L/C chỉ chiếm khoảng 5% tỉ lệ thanh toán trên thực tế đối với hàng nông sản. Khi được hỏi, vì sao biết là rủi ro hơn L/C mà sao vẫn chấp nhận, thì doanh nhân này cho hay: Họ dùng T/T, D/P và CAD. Biết là có rủi ro hơn, nhưng cả thị trường đều như vậy. Thế mới có cái gọi là thông lệ quốc tế trong kinh doanh. Khi lựa chọn các phương thức này, mình cũng phải có thêm một số biện pháp để tăng thêm độ tin cậy của giao dịch” - ông Trần Thanh Hải thông tin.

Đồng thời, ông Hải nhấn mạnh, qua trao đổi với doanh nghiệp, có thể thấy thế mạnh đàm phán thuộc về ai. Khi thị trường là của người mua thì họ sẽ đưa ra phương thức thanh toán tiện nhất cho họ. Nếu thị trường thuộc về người bán thì người bán mới có thể áp đặt được phương thức có lợi cho mình.

Do đó, phải kiểm tra người mua kỹ hơn, qua nhiều kênh thông tin khác nhau. Đặc biệt là giành quyền thuê tàu, vì khi thuê tàu thì ta sẽ chủ động hơn trong việc nắm lịch trình và có vấn đề gì thì ta làm việc với hãng tàu cũng dễ hơn vì ta là người trả tiền cho họ.

Điều đáng nói là, quay trở lại với vụ việc 36 container nhân hạt điều xuất khẩu của Việt Nam đang bị "mất quyền kiểm soát", nếu đúng đây là một vụ lừa đảo, thì hành vi lừa đảo này có thể diễn ra với bất kỳ hình thức thanh toán nào, chứ không phải chỉ với D/P hay CAD mà kể cả với L/C cũng "dính". Đây là một "lỗ hổng" trong thương mại quốc tế mà sau vụ này cơ quan chức năng cần phải nghiên cứu khắc phục.

Hà Trang ( T/h)
 

Bạn đang đọc bài viết "Vụ 36 lô hạt điều có nguy cơ mất trắng: Cần khắc phục "lỗ hổng" trong thương mại quốc tế" tại chuyên mục Pháp lý và Kinh doanh. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin