Vụ 19 tàu vỏ thép nằm bờ và trách nhiệm của “ông đăng kiểm”: Không thể chỉ kiểm điểm rút kinh nghiệm là xong (?!)

(Pháp lý) – Trong một diễn biến khác, liên quan đến vụ 19 tàu vỏ thép trị giá hàng trăm nghìn tỷ đồng của ngư dân Bình Định vừa đưa vào khai thác đã phải nằm bờ, trả lời với báo chí, ông Đào Hồng Đức - Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm tàu cá thuộc Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) thừa nhận năng lực của đăng kiểm viên (ĐKV) yếu kém, và cho biết hiện Trung tâm đã tổ chức họp và kiểm điểm các ĐKV, còn xử lý trách nhiệm chờ cấp trên.

Xung quanh vấn đề này, ông Lê Hồng Sơn – Giám đốc điều hành Chi nhánh Công ty Luật hợp danh FDVN tại Huế, tiếp tục dành cho Pháp lý Online cuộc trao đổi:

Ông Lê Hồng Sơn – Giám đốc điều hành  Chi nhánh Công ty Luật hợp danh FDVN tại Huế
Ông Lê Hồng Sơn – Giám đốc điều hành  Chi nhánh Công ty Luật hợp danh FDVN tại Huế)

Phóng viên: Trả lời PV Báo Tuổi trẻ về lý do ĐKV không phát hiện được 9/18 máy tàu không chính hãng Mitsubshi ngay trong quá trình chạy thử mà phải đợi đến khi có trục trặc trên biển, ngư dân kiểm tra thấy hỏng, rồi hãng mới kiểm tra xác nhận… ông Đào Hồng Đức - người đứng đầu Cơ quan Đăng kiểm tàu cá đã đổ lỗi cho năng lực ĐKV yếu kém, thiếu kinh nghiệm. Trả lời theo kiểu “cả vú lấp miệng em” của ông Đức phải chăng để làm nhẹ hành vi vi phạm của các ĐKV ?

Ông Lê Hồng Sơn: Trước hết, nhìn từ Thông tư 13/2013/TT-BNNPTNT của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về ĐKV tàu cá cho thấy, văn bản này quy định rất rõ về đào tạo, bồi dưỡng, tiêu chuẩn, trình tự thủ tục để được cấp thẻ ĐKV, cũng như quy định rõ quyền hạn và trách nhiệm của ĐKV tàu cá. Theo đó, các ĐKV tàu cá là những người được đào tạo tập huấn về nghiệp vụ đăng kiểm, đáp ứng được yêu cầu về nhân lực kiểm tra an toàn kỹ thuật tàu cá. Được Nhà nước giao nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến vấn đề đăng kiểm tàu cá.

Cần phải thẳng thắn nhìn nhận một cách khách quan, sau quá trình điều tra, cần làm rõ, sai phạm của Cơ quan Đăng kiểm trong trường hợp này cụ thể như thế nào, lỗi nào thuộc về chủ quan, cố ý sai phạm, có hay không hành vi cố ý làm ngơ cho sai phạm hay không ? Lỗi nào thuộc về khách quan, do năng lực hạn chế. Chứ không thể như ông Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm đổ lỗi cho năng lực yếu kém, thiếu kinh nghiệm của đăng kiểm viên. Nhà nước đã quy định, muốn làm ĐKV, anh phải đáp ứng những điều kiện nhất định, phải qua bồi dưỡng, đạo tạo, không thể cứ có sai sót là nói do năng lực kém. Vậy những lỗi cơ bản, nhìn vào thấy rõ sai ngay, sao anh vẫn đăng kiểm, vẫn bỏ qua ? Liệu có phải anh cố ý làm sai chứ không phải do năng lực anh kém?

Một vấn đề nữa, ĐKV là những người thực hiện trực tiếp việc đăng kiểm, hoàn thiện hồ sơ thủ tục ban đầu, nhưng thủ trưởng đơn vị, là người phải trực tiếp phê duyệt các giấy tờ liên quan đến kết quả đăng kiểm. Do đó, không loại trừ trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp này.

image003

Ông Trần Châu – Phó CT UBND tỉnh Bình Định cho biết, UBND tỉnh Bình Định vừa có Công văn gửi Thủ tướng và Bộ NNPTNT báo cáo kết quả thẩm định 18 tàu vỏ thép hư hỏng và công tác chỉ đạo khắc phục. Theo đó, UBND tỉnh Bình Định kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an chỉ đạo phối hợp với Công an tỉnh Bình Định để điều tra, xử lý, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các cơ sở đóng tàu có hành vi gian lận trong thực hiện hợp đồng với ngư dân.

Phóng viên: Đề cập đến nhiều linh kiện của máy không chuẩn, ông Đức giải thích ĐKV chỉ kiểm tra về an toàn và kỹ thuật, không kiểm tra chi tiết, đó là lỗi của bên cung cấp máy không cung cấp máy chính hãng. Nhưng mặt khác ông Đức lại nói, bên cạnh ĐKV còn “có nhiều đơn vị giám sát khác nữa như nhà máy, chủ tàu. Nếu quá trình giám sát được đầy đủ cũng có thể phát hiện”. Giải thích của ông Đức cho thấy có sự lòng vòng, “ đá bóng trách nhiệm” ?

Ông Lê Hồng Sơn: Như chúng tôi đã phân tích trong bài phỏng vấn lần trước, cần phải xem xét trách nhiệm của Cơ quan Đăng kiểm theo các quy định của Quyết định 96/2007/QĐ-BNN về việc ban hành quy chế đăng kiểm tàu cá cũng như Quyết định số 641/QĐ-TCTS-VP ngày 15/12/2014 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm đăng kiểm tàu cá (Sửa đổi, bổ sung tại Điều 9 của Quyết định số 578/QĐ-TCTS-VP ngày 21 tháng 9 năm 2015 Sửa đổi, bổ sung quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của một số đơn vị thuộc Tổng cục Thủy sản). Ông Đức không nên thoái thác, đùn đẩy trách nhiệm trong trường hợp này.

Tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định nằm bờ vì hư hỏng động cơ và vỏ thép chờ khắc phục hậu quả
Tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định nằm bờ vì hư hỏng động cơ và vỏ thép chờ khắc phục hậu quả)

Phóng viên: Cũng theo ông Đức, thực hiện theo quy trình đăng kiểm, ĐKV kiểm tra toàn bộ, kiểm tra hồ sơ gốc là đủ điều kiện. Còn liên quan đến chất lượng thì căn cứ vào chứng thư. Toàn bộ hồ sơ này đi qua Hải quan, qua chứng thư giám định về chất lượng thì ĐKV mới cho phép chứ không phải không có cơ sở mà ĐKV cho phép hoạt động. Hiểu theo ý ông Đức, chứng thư giám định là bằng chứng của chất lượng máy và vỏ thép mà không cần các điều kiện khác, cụ thể là không cần quan sát, kiểm tra, đối chiếu với thực tế. Ông nghĩ sao về vấn đề này ?

Ông Lê Hồng Sơn: Quá trình đăng kiểm sẽ phải thẩm định chất lượng rồi mới cho phép đưa vào hoạt động. Trách nhiệm của Cơ quan Đăng kiểm không chỉ kiểm tra trên hồ sơ giấy tờ, mà phải kiểm tra thực tế, xem xét quá trình vận hành, chạy thử có bảo đảm chất lượng, theo đúng quy chuẩn, kỹ thuật như hồ sơ hay không? Chứ nếu chỉ kiểm tra trên hồ sơ, giấy tờ thì ý nghĩa của việc đăng kiểm không còn nữa. Hồ sơ, giấy tờ ghi máy thủy, hãng Mitsubishi của Nhật, trong khi thực tế người ta lắp máy bộ cải hoán, hàng Trung Quốc, anh vẫn đăng kiểm, cho phép lưu hành là điều không thể chấp nhận được.

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ (30/6), Bộ NN&PTNT cho biết, đã chỉ đạo tạm đình chỉ công tác các đăng kiểm viên có liên quan đến vụ 19 tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định bị hư hỏng nằm bờ, kiểm điểm trách nhiệm, chờ có kết luận chính thức để xử lý theo quy định.

Phóng viên: Để xảy ra hậu quả, ông Đức cho biết, Trung tâm đã tổ chức họp và kiểm điểm các ĐKV, còn xử lý trách nhiệm ĐKV phải chờ ý kiến của lãnh đạo Tổng cục Thủy sản. Dư luận hoài nghi rất có thể các ĐKV rồi sẽ bị xử lý theo kiểu “giơ cao đánh khẽ”, trong khi hành vi và hậu quả mà các ĐKV gây ra không hề nhỏ. Được biết bình quân mỗi chiếc tàu vỏ thép ngư dân phải trả chi phí đăng kiểm lên tới 60 triệu đồng/ chiếc, chưa kể tới những thiệt hại khổng lồ đang đổ lên đầu ngư dân trong thời gian tàu nằm bờ ?

Ông Lê Hồng Sơn: Theo quy định tại Điều 15 Thông tư 13/2013/TT-BNNPTNT của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT thì trường hợp ĐKV vi phạm các quy định của pháp luật khi thực thi nhiệm vụ với mức độ bị xử lý kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên thì bị miễn nhiệm và thu hồi Thẻ ĐKV. Theo đó, tại Điều 12 Thông tư 13/2013 cũng quy định, thẩm quyền miễn nhiệm thuộc về Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản. Sau khi Tổng cục trưởng ra quyết định miễn nhiệm đơn vị chủ quản có trách nhiệm phải thu hồi Thẻ ĐKV của người đã bị miễn nhiệm.

Trường hợp này, khi có kết luận cuối cùng về các sai phạm của ĐKV, nếu mức xử lý kỷ luật là cảnh cáo trở lên thì cần áp dụng các quy định tại Thông tư 13 để miễn nhiệm và thu hồi Thẻ ĐKVcủa những ĐKV đã sai phạm. Tôi tin là Tổng cục Thủy sản sẽ xem xét xử lý các ĐKV thỏa đáng, để lấy lại niềm tin cho ngư dân và toàn xã hội.

Ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, yêu cầu 2 doanh nghiệp khắc phục hậu quả dứt điểm từ nay đến cuối tháng 8 để ngư dân sớm ra khơi. Sở cũng đã công bố lập Tổ kỹ thuật để giám sát việc sửa chữa, kiểm định chất lượng tàu thép trước khi đưa vào hoạt động.

Phóng viên: Tại cuộc họp chiều 30/6, do Sở NN&PTNT chủ trì, hai bên đã tìm được tiếng nói chung, các chủ tàu vỏ thép đồng ý để 2 đơn vị đóng tàu (Công ty Nam Triệu và Công ty Đại Nguyên Dương) khắc phục hậu quả: Thay mới toàn bộ 11 máy chính hiệu Mitsubshi, thay máy phát điện, khắc phục hầm bảo quản; thay vỏ thép nếu vị trí đó không đảm bảo đạt cấp A (thanh toán phần chênh lệch giá trị thép Hàn Quốc đối với vị trí thép Trung Quốc giữ lại), trả lại tiền thiết kế tàu… Điều đó cũng đồng nghĩa, trước mắt các ngư dân không còn nhu cầu khởi kiện nữa. Trong khi đó những băn khoăn về thiệt hại kinh tế trong suốt thời gian nằm bờ của ngư dân Trương Hoài Khánh (Hoài Nhơn, Bình Định) được ông Trần Văn Phúc – Phó GĐ Sở NN&PTNT cho biết UBND tỉnh đang chỉ đạo thống kê, xem xét và xử lý sau. Như vậy nếu như quá trình khắc phục hậu quả, các cơ sở đóng tàu “tiền hậu bất nhất” thì khi đó ngư dân còn sự chọn lựa nào khác ?

Ông Lê Hồng Sơn: Hiện nay, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 có quy định về thủ tục yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành. Theo đó, trong vòng 6 tháng, kể từ ngày các bên đạt được thỏa thuận hòa giải thành, một trong các bên có quyền gửi yêu cầu đề nghị Tòa án ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành của các bên. Và quyết định công nhận kết quả hòa giải thành này của Tòa án được tổ chức thi hành theo các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, cho nên người dân có thể yên tâm vì đã có cơ chế cưỡng chế của Nhà nước để buộc các Công ty nêu trên phải thực thi các cam kết tại thỏa thuận hòa giải của mình.

Còn về thời hiệu khởi kiện, theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 và Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì thời hiệu khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết về tranh chấp hợp đồng (trường hợp này người dân tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại do các công ty đóng tàu vi phạm hợp đồng) là 03 năm, kể từ ngày biết được quyền và lợi ích xâm phạm.

Phóng viên: Rất cảm ơn ông đã dành cho Pháp lý Online cuộc trao đổi trên !

Sau khi sự cố này xảy ra tại Bình Định, Bộ đã chỉ đạo các địa phương rà soát về chất lượng và hiệu quả họat động của tàu cá vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP. Kết quả, tỉnh Phú Yên có 2/5 tàu vỏ thép bị hư hỏng máy phát điện và cần cẩu, cơ sở đóng tàu và chủ tàu đã kịp thời khắc phục, sửa chữa và tàu đã hoạt động bình thường. Tỉnh Thanh Hóa có 18/23 tàu bị trục trặc về máy phát điện, cần cẩu, tời, hầm bảo quản. Chủ tàu đã phối hợp với cơ sở đóng tàu khắc phục sửa chữa, đa số tàu đã hoạt động bình thường. Hiện còn 2 tàu đang còn đậu ở cảng để sửa chữa máy phát điện. Tỉnh Quảng Nam đóng mới 35 tàu vỏ thép hiện, đã có 34 tàu đi vào hoạt động bình thường. Chỉ có một tàu đã hạ thủy, chưa đi hoạt động vì chủ tàu không chấp nhận máy chính do cơ sở đóng tàu lắp đặt. Các tỉnh còn lại hiện vẫn đang tiếp tục kiểm tra, rà soát.

 

MINH TRUNG
(thực hiện)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin