Trước khi ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chính thức được được điều chuyển công tác về Bộ Công thương vào ngày 9/3/2017 vừa qua, vợ ông – bà Vũ Thúy Huệ cũng đã về công tác tại Bộ Công thương.
Ngày 9/3/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 308/QĐ-TTg về thôi giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đối với ông Nguyễn Quốc Khánh để về nhận nhiệm vụ tại Bộ Công thương.
Ông Nguyễn Quốc Khánh sinh năm 1960 tại Thạch Việt, Thạch Hà, Hà Tĩnh và đảm nhiệm cương vị Chủ tịch HĐTV PVN từ ngày 12/1/2016.
Tại thời điểm đó, ông Khánh được bổ nhiệm chức Chủ tịch HĐTV PVN sau khi người tiền nhiệm là ông Nguyễn Xuân Sơn bị thôi chức và bị bắt sau đó do liên quan tới những sai phạm tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank).
Trước đó ông Khánh giữ vị trí Tổng giám đốc PVN từ ngày 19/11/2014 theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công thương tại thời điểm đó là ông Vũ Huy Hoàng. Trước đó nữa, vào tháng 7/2009, ông Khánh đã được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc PVN.
Trước khi làm Phó tổng giám đốc PVN, ông Nguyễn Quốc Khánh từng giữ vị trí Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), sau khi đơn vị này được thành lập trên cơ sở hợp nhất của Công ty Chế biến và Kinh doanh sản phẩm dầu (PDC) và Petechim.
Ông Nguyễn Quốc Khánh từng tốt nghiệp kỹ sư Địa Vật lý chuyên ngành Thăm dò địa chất Dầu khí tại Đại học Dầu khí Ba Cu - Liên Xô cũ.
Ông cũng từng giữ nhiều vị trí quan trọng tại Công ty Thăm dò khai thác Dầu khí (PVEP) và Công ty Liên doanh Dầu khí Mê Kông trước khi về PVN.
Thời điểm ông Khánh đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc PV Oil, đơn vị này cũng là một cổ đông chính để thành lập ra các doanh nghiệp đầu tư 3 dự án xăng nhiên liệu sinh học của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam mà hiện đang không phát huy được hiệu quả.
Khi đảm nhiệm vị trí Phó tổng giám đốc PVN, ông Khánh phụ trách mảng sản xuất điện và gắn với hàng loạt các dự án điện do PVN đầu tư trong đó đáng chú ý là các dự án điện lớn gồm Nhiệt điện Vũng Áng I (1.200 MW), Nhiệt điện Thái Bình 2 (công suất 1.200 MW), nhiệt điện Sông Hậu 1 (1.200 MW) và Dự án nhiệt điện Long Phú 1 (1.200 MW) được xem là có ảnh hưởng lớn đối với an ninh năng lượng.
Tuy nhiên, hiện mới chỉ có Nhiệt điện Vũng Áng 1 đi vào hoạt động.
Các Dự án còn lại gồm Nhiệt điện Thái Bình 2 (công suất 1.200 MW), Nhiệt điện Sông Hậu 1 (1.200 MW) hay Nhiệt điện Long Phú 1 (1.200 MW) vẫn đang trong quá trình thi công, dù tiến độ hoàn thành công trình đã qua từ khá lâu.
Vợ: làm công chức Bộ rồi xin thôi việc
Ngoài ông Khánh về nhận nhiệm vụ mới tại Bộ Công thương trong tháng 3/2017, vợ ông, bà Vũ Thúy Huệ trước đó cũng đã chuyển từ ngành dầu khí sang làm công chức của Bộ Công thương.
Bà Vũ Thuý Huệ từng là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Công nghệ Năng lượng Dầu khí Việt Nam (PV EIC) thuộc PVN.
Vào tháng 9/2013, Tổng giám đốc PVN khi đó là ông Đỗ Văn Hậu đã ra Quyết định số 6412/QĐ-DKVN lập Đoàn Kiểm tra các dấu hiệu sai phạm tại PV EIC do HĐQT đương nhiệm của PV EIC “tố” bà Vũ Thúy Huệ có hàng loạt sai phạm và tiêu cực, liên quan đến công tác quản lý và sử dụng vốn, điều hành doanh nghiệp...
PV EIC hình thành năm 2008, trong đó PVN là cổ đông lớn. Giai đoạn từ 2009-2011, PV EIC đã đầu tư nhiều dự án bất động sản, dự án sản xuất và mua bán cổ phần trong các công ty khác không đúng mục đích dẫn đến nhiều sai phạm về tài chính.
Sau đó, PVN đã có kết luận về những sai phạm nói trên và đã có công văn số 186/DKVN-TTr ngày 6/12/2013 yêu cầu người đại diện phần vốn của Tập đoàn cùng HĐQT kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể gây ra những sai phạm trên. Tuy nhiên cũng không có các thông tin liên quan đến kết quả xử lý các sai phạm này trên công luận.
Bà Huệ sau đó về làm việc tại PVN. Vào tháng 2/2014, bà Vũ Thuý Huệ đã được ra mắt là Kiểm soát viên chuyên trách phụ trách chung tại Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) theo quyết định bổ nhiệm của Bộ Công Thương thời điểm đó là ông Vũ Huy Hoàng.
Được biết, thời gian bà Huệ là Kiểm soát viên phụ trách chung tại Vinacomin là từ tháng 12/2013 đến tháng 5/2015.
Tiếp đó, bà Huệ được điều động và bổ nhiệm giữ chức vụ Phó vụ trưởng Bộ Công Thương, đại diện Tổng cục Năng lượng tại TP.HCM.
Dẫu vậy thì tới cuối tháng 12/2016, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ triển khai rà soát và thống nhất ban hành Nghị quyết xử lý một số trường hợp cán bộ được bổ nhiệm không đúng quy định nêu tại Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong đó có nhắc tới trường hợp của bà Huệ. Cụ thể với trường hợp của bà Vũ Thúy Huệ, Bộ Công thương đã chỉ đạo thu hồi Quyết định điều động và bổ nhiệm bà Vũ Thúy Huệ giữ chức vụ Phó Vụ trưởng Bộ Công Thương, đại diện Tổng cục Năng lượng tại thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, đồng ý để bà Vũ Thúy Huệ được thôi việc theo nguyện vọng cá nhân.
Theo ANTT