Việc dạy học Luật Hiến Pháp của một số trường Luật tại thành phố Hồ Chí Minh

23/12/2020 10:00

Luật Hiến pháp là một học phần bắt buộc với thời lượng 3 tín chỉ, thuộc nhóm kiến thức cơ sở của ngành luật trong chương trình đào tạo cử nhân luật tại các cơ sở đào tạo luật. Học phần này trang bị cho sinh viên những vấn đề lý luận, pháp lý và thực tiễn về Hiến pháp nói riêng, về ngành luật Hiến pháp nói chung. Sau dây, chúng tôi phân tích việc dạy học Luật Hiến pháp của một số trường luật tại tại thành phố Hồ Chí Minh (sau đây viết tắt là TP HCM) dựa trên hai tiêu chí: nội dung chương trình môn học và phương pháp dạy học.

1. Nội dung chương trình môn học

Qua khảo sát nội dung chương trình môn học Luật Hiến pháp của một số trường luật tại TP HCM, chúng tôi nhận thấy có hai mô hình như sau:

1.1. Mô hình thứ nhất

Mô hình thứ nhất có thể gọi là mô hình truyền thống và hiện nay đang được áp dụng phổ biến nhất tại các trường luật tại TP HCM với đại diện là Trường Đại học Luật. Theo đó, ngoài phần lý luận nhập môn, nội dung chương trình môn học bám sát tên gọi các chương và cấu trúc bản văn Hiến pháp Việt Nam hiện hành. Do vậy, nếu Hiến pháp thay đổi thì nội dung chương trình sẽ thay đổi tương ứng; ví dụ: sự thay đổi tên gọi của chương 10 trong chương trình môn học Luật Hiến pháp từ “Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân” (năm 2012) thành “Chính quyền địa phương” (năm 2014) phản ánh sự thay đổi của Hiến pháp năm 2013 so với Hiến pháp năm 1992. Như vậy, chương trình này chú trọng minh họa pháp luật thực định, đề cao việc am hiểu Hiến pháp và Luật Hiến pháp Việt Nam. Nhận thức của sinh viên sẽ bị giới hạn phần nào bởi nhận thức của các nhà lập hiến, lập pháp bản địa. Đây cũng chính là một trường phái dạy học pháp luật nói chung ở Việt Nam hiện nay.

1.2. Mô hình thứ hai

Mô hình thứ hai có thể gọi là mô hình đổi mới với người tiên phong là Trường Đại học Kinh tế. Hiện nay, mô hình này cũng từng bước được áp dụng tại Trường Đại học Kinh tế - Luật (ĐHQG-HCM). Theo đó, nội dung chương trình chú trọng việc trang bị cho người học kiến thức căn bản về: quá trình hình thành và phát triển, các chủ đề chính, các phương pháp tiếp cận của khoa học Luật Hiến pháp; các vấn đề Hiến pháp tổng quát và các vấn đề Hiến pháp Việt Nam được đặt trong một bối cảnh so sánh. Như vậy, chương trình này được đặt trên nền tảng nhận thức chung của nhân loại về Hiến pháp, khoa học Luật Hiến pháp trong bối cảnh hội nhập. Do vậy, nó giúp người học xây dựng được tư duy hệ thống, phản biện cũng như tăng cường khả năng nghiên cứu so sánh về Hiến pháp các quốc gia khác nhau. Về mặt thái độ, sinh viên có khả năng tôn trọng những giá trị chân thực của Hiến pháp học: Hiến pháp thành văn, Nhà nước pháp quyền, nhân quyền, cơ chế phân quyền, tài phán Hiến pháp, tư pháp độc lập…

2. Phương pháp dạy học

Việc dạy học Luật Hiến pháp phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như triết lý giáo dục của mỗi trường luật, năng lực giảng viên, số lượng sinh viên dự học, thời lượng khóa học, cơ sở học liệu… Hiện nay, giảng viên các trường luật tại TP HCM đang sử dụng nhiều phương pháp dạy học. Sau đây, chúng tôi tập trung giới thiệu một số phương pháp dạy học tích cực gồm: thảo luận theo chủ đề, giải quyết tình huống, mô phỏng và đóng vai. Thực tiễn này được tham khảo từ hoạt động dạy học Luật Hiến pháp của chúng tôi trong nhiều năm qua tại Trường Đại học Luật, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Trường Đại học Kinh tế, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Trường Đại học Sài Gòn…

2.1. Thảo luận theo chủ đề

Yêu cầu và mục tiêu dạy học: Giảng viên nêu ra các chủ đề, nhóm sinh viên tìm hiểu nội dung chi tiết ở nhà và thảo luận tại lớp dưới sự hướng dẫn của giảng viên. Từ đó, mỗi sinh viên tự rút ra cho mình những bài học cần thiết, nhận thức được bản chất pháp lý của chủ đề. Thông qua thảo luận, sinh viên được tiếp cận với nhiều quan điểm, thể hiện thái độ rõ ràng; giảng viên sẽ nhận được phản hồi về cách học của sinh viên để có những điều chỉnh hợp lý nhằm hướng đến mục tiêu rèn luyện cho sinh viên khả năng phân tích, phê phán và giải quyết vấn đề. Một số chủ đề thảo luận cụ thể như sau:

Những giá trị cần kế thừa của Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1946: Hiến pháp năm 1946 là bản Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam. Quá trình lập hiến, nội dung hiến định và quá trình thực thi bản Hiến pháp này đã để là nhiều bài học lớn. Bạn hãy phân tích những giá trị cần kế thừa của quá trình lập hiến, nội dung hiến định và quá trình thực thi bản Hiến pháp này.

Hoàng đế thoái vị: Trong những năm qua, nhà vua của một số quốc gia quân chủ lập hiến đã thoái vị (Nhà vua Campuchia, Nữ hoàng Hà Lan, Nhà vua Bỉ, Nhà vua Tây Bỉ, Nhà vua Tây Ban Nha, Nhật Hoàng…). Bạn hãy tìm hiểu bối cảnh nhà vua thoái vị ở các quốc gia tương ứng. Hành vi này ảnh hưởng tới thể chế Hiến pháp của các nước đó như thế nào? Bạn nghĩ gì về tương lai của chính thể quân chủ lập hiến trên thế giới?

Luận tội Tổng thống: Năm 2017, bà Park Geun-hye bị Tòa án Hiến pháp phế truất chức vụ Tổng thống Hàn Quốc và sau đó bị kết án tù do tham nhũng và lạm dụng quyền lực. Ngày 24/9/2019, cuộc điều tra luận tội Donald Trump - tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ - đã được bắt đầu khi bà Nancy Pelosi - Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ - tuyên bố trong một bài phát biểu trên truyền hình bắt đầu một cuộc điều tra luận tội chính thức đối với ông. Bạn hãy tìm hiểu quy trình luận tội và lịch sử luận tội Tổng thống ở hai quốc gia trên. Theo bạn, quy trình này có mối liên hệ gì với cơ chế kiểm soát và cân bằng quyền lực được ghi nhận trong Hiến pháp Hoa Kỳ và Hàn Quốc? Bạn hãy liên hệ với quy trình xử lý trách nhiệm đối với các quan chức cấp cao ở Việt Nam hiện nay.

2.2. Mô phỏng và đóng vai

Yêu cầu dạy học: Buổi học sẽ được mô phỏng như một phiên chất vấn các Bộ trưởng tại nghị trường Quốc hội. Giảng viên chia lớp học thành các nhóm sinh viên (khoảng 5 sinh viên/ nhóm), mỗi nhóm sinh viên sẽ đóng vai trò đoàn chủ tịch (điều khiển phiên chất vấn), các đại biểu Quốc hội (người chất vấn), các Bộ trưởng và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (người trả lời chất vấn). Qua đó, sinh viên sẽ có trải nghiệm về quy trình chất vấn và trả lời chất vấn tại nghị trường nói riêng, hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội nói chung; nhận diện rõ hơn về địa vị pháp lý của các đại biểu Quốc hội và Bộ trưởng. Thành phần trả lời chất vấn kèm nội dung chất vấn như sau:

• Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trả lời chất vấn về việc xét xử một số vụ án gây nhiều bức xúc trong xã hội vì có dấu hiệu oan sai.

• Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo trả lời chất vấn về việc biên soạn, thẩm định và dạy học sách giáo khoa lớp một năm học 2020 - 2021.

• Bộ trưởng Bộ Nội vụ trả lời chất vấn về việc phát hiện và xử lý cán bộ cao cấp, việc Đoàn chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cách chức Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

• Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải trả lời chất vấn về việc tổ chức thu phí đường bộ tại các trạm thu phí BOT trên các tuyến quốc lộ.

• Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Công thương trả lời chất vấn về việc quy hoạch mạng lưới thủy điện và hiện tượng sạt lở đất trong mùa mưa bão vừa qua tại các tỉnh miền Trung.

Mục tiêu dạy học: Buổi học mô phỏng cung cấp kinh nghiệm gián tiếp nhưng được bắt chước sao cho giống với tình huống trực tiếp của một phiên chất vấn Chính phủ tại nghị trường. Việc mô phỏng đặc biệt có ích đối với thực tiễn hành nghề luật cũng như phát triển nhiều đặc tính cá nhân như quản trị thời gian, sự quyết đoán, tinh thần cầu thị cũng như giải quyết các khía cạnh cảm xúc trong hành nghề luật. Việc thực hành bài tập đóng vai thì hướng tới ba mục tiêu giáo dục như sau: khả năng nhận thức hay phân tích, các kỹ năng thực hành luật, các đặc tính cảm xúc trong kinh nghiệm hành nghề luật. Tóm lại, buổi học mô phỏng và đóng vai giúp sinh viên tăng cường khả năng thuyết trình, tranh luận; giúp họ động não qua kinh nghiệm thực tiễn nghị trường; ứng dụng tri thức về chức năng giám sát tối cao của Quốc hội đối với hoạt động Chính phủ cũng như quy chế hoạt động chất vấn của Quốc hội; mở mang và hệ thống hóa kiến thức xã hội của sinh viên.

2.3. Giải quyết tình huống

Nội dung tình huống:

Tối 01/4/2019, ông NHL (61 tuổi, cựu Phó Viện kiểm sát TP Đà Nẵng, luật sư Đoàn luật sư Đà Nẵng) có hành động sàm sỡ một bé gái trong thang máy chung cư Galaxy 9 (Quận 4, Tp. HCM). Camera trong thang máy ghi lại sự việc và đoạn video ngắn sau đó lan truyền trên mạng xã hội khiến dư luận phẫn nộ. Các chuyên gia pháp lý cũng tranh cãi gay gắt về các dấu hiệu của tội dâm ô trẻ em trong vụ việc này. Ngày 21/4, Công an Quận 4 ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông NHL về hành vi Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi theo Điều 146 BLHS năm 2015. Chiều 22/4, VKSND Quận 4 phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông này.

Ngày 24/4, bà TTTT (55 tuổi), vợ ông NHL gửi Đơn tố cáo đến công an quận Hải Châu (Đà Nẵng) về việc gia đình mình “bị làm nhục”. Trong đơn, bà TTTT yêu cầu cơ quan công an vào cuộc điều tra nhiều cá nhân, tổ chức đã xịt sơn, ném chất bẩn vào nhà và có những lời lẽ xúc phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian qua. Những hành vi này có dấu hiệu phạm tội làm nhục người khác theo điều 155 BLHS năm 2015. Ngày 26/4, trong một bức thư gửi đến “Cộng đồng mạng”, bà TTTT cho biết 25 ngày vừa qua là khoảng thời gian khó khăn và đau khổ nhất trong cuộc đời. Khi gửi lá thư này, bà và con đã tạm rời nơi đang sinh sống một thời gian. Vợ ông NHL mong mọi người chia sẻ vì cuộc sống của bà và các con, cháu đã bị đảo lộn, tinh thần bị tổn thương kinh khủng. “Tôi mong rằng mọi chuyện sẽ kết thúc tại đây, các bạn không nên có những hành vi gây tổn thương cho bản thân tôi và các con tôi, sự chịu đựng của chúng tôi đã vượt quá giới hạn của bản thân mình” - bà viết. Chiều 27/4, đại tá Trần Phước Hương - Trưởng công an quận Hải Châu cho biết bà TTTT đã rút lại đơn tố cáo về việc gia đình bà “bị làm nhục”. Hiện chưa rõ lý do bà này rút đơn.

Từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 7/2019, một nhóm phụ huynh hành nghề luật tại Tp. HCM đã phát động một phong trào in và phát áo thun với thông điệp “Trừng trị ấu dâm – Bảo vệ trẻ em” và “Khi trẻ bị xâm hại, hãy gọi ngay 111 (24/7) – Tổng đại điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em”. Nhiều cơ quan báo chí đã đưa tin về phong trào, khiến cho hàng vạn người biết và ủng hộ.

Ngày 25/6/2019, phiên tòa sơ thẩm lần đầu xét xử ông NHL đã diễn ra. Gia đình bị hại đã có đơn gửi tòa án xin được xét xử vắng mặt và từ chối luật sư bảo vệ. Tòa án yêu cầu trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Ngày 25/7/2019, VKSND Quận 4 đã ban hành cáo trạng bổ sung, tiếp tục truy tố bị can NHL về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi. Ngày 23/8/2019, TAND Quận 4 đã tuyên phạt bị cáo NHL 1 năm 6 tháng tù giam về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi. Bị cáo NHL đã kháng cáo ngay sau phiên tòa.

Yêu cầu giải quyết tình huống: Giảng viên chia lớp học thành các nhóm sinh viên (khoảng 5 sinh viên/ nhóm), mỗi nhóm sinh viên sẽ được phân vai, tự thảo luận trong nội bộ nhóm và trình bày, tranh luận trước lớp về các câu hỏi sau đây:

1. Bạn hãy bình luận về cách ứng xử của các chủ thể có liên quan nêu trên để làm rõ những biểu hiện của Nhà nước pháp quyền.

2. Bạn hãy đóng vai những chủ thể sau đây để xử lý tình huống trên: gia đình người bị hại; nghi phạm và người thân; các nhà chức trách (cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án); cư dân và ban quản lý chung cư; công chúng khác.

3. Theo bạn, để phòng chống nạn xâm hại trẻ em nói chung, xâm hại tình dục đối với trẻ em nói riêng, chính quyền và người dân cần cấp bách thực hiện biện pháp gì?

Mục tiêu dạy học: giúp sinh viên nhận diện và giải quyết vấn đề pháp lý bằng những trải nghiệm thực tế trong lớp học. Từ đó, sinh viên rèn luyện kỹ năng phân tích và giải thích luật, điều tra sự việc, thu thập thông tin, quan hệ công chúng, tư vấn và giải quyết các vấn đề thuộc phạm trù đạo đức nghề nghiệp dựa trên tư duy phản biện. Bởi học luật là học cảm nhận về công lý, lẽ đúng sai và công bằng. Nhân bản là nền tảng quan trọng của luật.

Tóm lại, theo chúng tôi, hoạt động dạy học luật nói chung, Luật Hiến pháp nói riêng cần hướng tới mục tiêu không chỉ trang bị cho người học những kiến thức pháp luật thực định mà đặc biệt hơn cả là cần phải giúp họ trui rèn tư duy pháp lý. Bởi luật pháp thay đổi theo thời gian và không gian nên điều quý giá nhất mà trường luật có thể mang lại chính là giúp cho người học tư duy như một luật gia (như lời tuyên bố của một giáo sư luật trước sinh viên năm thứ nhất trong bộ phim Mỹ nổi tiếng truyền cảm hứng cho người theo đuổi nghề luật - “The Paper chase”).

Lưu Đức Quang

Giảng viên Khoa Luật – Trường Đại học Kinh tế - Luật (ĐHQG-HCM)

Bạn đang đọc bài viết "Việc dạy học Luật Hiến Pháp của một số trường Luật tại thành phố Hồ Chí Minh" tại chuyên mục Khoa học Pháp Lý. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin