Vì sao Ủy ban Kiểm tra TW yêu cầu thanh tra toàn diện Cảng Quy Nhơn?

Chỉ trong vòng hai năm, Khoáng sản Hợp Thành đã thâu tóm thành công 86,23% cổ phần Cảng Quy Nhơn, qua đó nắm quyền điều hành tại một trong những cảng biển quan trọng nhất cả nước.

 

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị thanh tra toàn diện quá trình cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị thanh tra toàn diện quá trình cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn)

Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa đề nghị Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo thanh tra toàn diện việc cổ phần hóa cảng Quy Nhơn. Lần lại quá trình cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn, dần hé lộ những tình tiết đáng lưu ý.

Tháng 7/2013, Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam (Vinalines) phê duyệt phương án cổ phần hóa và chuyển Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn thành Công ty CP Cảng Quy Nhơn (QNP).

Theo đó tiến trình cổ phần hóa QNP sẽ được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn I: Nhà nước nắm giữ 75% vốn điều lệ, bán cho người lao động và nhà đầu tư trong nước khác 25% vốn điều lệ, thực hiện trong năm 2013. Giai đoạn II: Nhà nước thoái 26% vốn điều lệ, giảm tỷ lệ nắm giữ xuống còn 49%, thực hiện trong khoảng thời gian 2014-2015.

Tháng 9/2013, QNP đã tổ chức bán đấu giá thành công, bán ra 10% vốn điều lệ cho cổ đông tự do, tương đương 4,04 triệu CP với mức giá bình quân 12.792 đồng/ cổ phần. Ngoài ra cũng bán 4,04 triệu cổ phần khác cho nhà đầu tư chiến lược được lựa chọn là Công ty CP Đầu tư và Khoảng sản Hợp Thành, với mức giá tương tự.

Năm 2015, Vinalines liên tiếp thực hiện các cuộc chuyển nhượng vốn cho Hợp Thành, đợt đầu vào tháng 4, chuyển nhượng 10,5 triệu cổ phần, tương đương 26,01% tỷ lệ sở hữu QNP. Chỉ hơn 3 tháng sau, đầu tháng 9, Vinalines bán toàn bộ phần còn lại vốn góp trong QNP (19,8 triệu CP – 49%) cho Hợp Thành, giúp doanh nghiệp này gia tăng tỷ lệ nắm giữ trong QNP lên 86,23%.

Mức giá giao dịch không được tiết lộ, song khả năng không chênh lệch nhiều với con số 12.792 đồng trong đợt bán vốn trước đó của Vinalines. Giả sử điều này là đúng, thì trong vòng 2 năm, Hợp Thành đã nắm quyền kiểm soát hoàn toàn QNP với số tiền bỏ ra chỉ vào khoảng 440 tỷ đồng.

Đây không phải là chi phí lớn so với quy mô của một trong những cảng biển lớn và quan trọng nhất cả nước.

Cảng Quy Nhơn là một trong những cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại 1) của nhóm cảng biển Nam Trung bộ với hệ thống 20.960 kho, 12.000 m3 bãi, 48.000 m2 bãi chứa container, trên 306.568 m2 mặt bằng; 6 cầu tàu với tổng chiều dài 824m, hàng trăm thiết bị, phương tiện, công cụ xếp dỡ hiện đại có thể tiếp nhận tàu trọng tải 30.000 DWT với tần suất bình thường, tàu 50.000 DWT giảm tải ra vào làm hàng 24/24h. Sản lượng hàng hóa thông qua Cảng năm 2015 là 7,5 triệu tấn. Được biết, QNP đang sử dụng gần 300.000 m2 đất các loại dưới hình thức thuê đất 50 năm hoặc giao đất không thu tiền sử dụng đất.

Trong quá trình thoái vốn của Vinalines tại QNP, xuất hiện nhiều ý kiến, cả từ giới phân tích lẫn một số cựu lãnh đạo tỉnh Bình Định cho rằng không nên cổ phần hóa 100% cảng Quy Nhơn, mà chỉ nên CPH 49%, 51% còn lại vẫn do nhà nước nắm giữ.

Bởi Cảng Quy Nhơn là một cảng biển nước sâu, kín gió, nên ngoài nhiệm vụ phát triển kinh tế thì khu vực này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với an ninh quốc phòng (trước đây được chế độ cũ sử dụng làm quân cảng). Do vậy, nếu cổ phần hoá 100% cho nhà đầu tư thì việc sử dụng cảng biển phục vụ quốc phòng an ninh sẽ khó khăn.

Ngoài ra, cũng có ý kiến băn khoăn rằng, tại sao trong Quyết định số 276 Phê duyệt đề án tái cơ cấu Vinalines giai đoạn 2012-2015 được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 04/02/2013, Cảng Quy Nhơn nằm trong diện nhà nước (thông qua Vinalines) phải nắm giữ 75% vốn điều lệ, song như đã phân tích, Vinalines lại xây dựng phương án thoái vốn chỉ còn giữ lại 49%, và trong hơn 3 tháng giữa năm 2015 đã chuyển nhượng toàn bộ 75,01% cổ phần cho Công ty Hợp Thành.

Đáng lưu ý, kể từ khi Hợp Thành nắm quyền kiểm soát tại QNP, tình hình kinh doanh của cựu thành viên Vinalines đi xuống đáng kể. Điều này không quá bất ngờ bởi Hợp Thành không phải là doanh nghiệp có kinh nghiệm điều hành cảng biển. Theo giới thiệu, các lĩnh vực hoạt động chính của Hợp Thành là sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác khoáng sản hay bất động sản.

6 tháng đầu năm 2016, QNP ghi nhận lãi sau thuế 30,9 tỷ đồng, so với mức 40,6 tỷ đồng cùng kỳ 2015 (LNST cả năm 2015 là 82 tỷ đồng). Tình hình kinh doanh giảm sút ảnh hưởng tới đời sống của hàng trăm công nhân của doanh nghiệp. Ngày 30/6/2016, gần 600 công nhân QNP đòi tăng lương và tăng đơn giá bốc xếp hàng hóa đã khiến Cảng Quy Nhơn gần như đình trệ toàn bộ.

Theo ANTT

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin