Vì sao TTCP rút yêu cầu thu hồi dự án 25.000 tỷ đồng ở Lâm Đồng của Công ty Sài Gòn- Đại Ninh?

12/07/2021 07:45

Sau hơn 1 năm ra kết luận yêu cầu chấm dứt hoạt động, thu hồi dự án 25.000 tỷ đồng ở Lâm Đồng của Công ty Sài Gòn – Đại Ninh, mới đây, Thanh tra Chính phủ đã có văn bản cho giãn tiến độ, tiếp tục thực hiện dự án trên.

TTCP rút yêu cầu thu hồi dự án 25.000 tỷ đồng ở Lâm Đồng

21-1626050636.jpg

Một phần dự án Nam Đà Lạt. Ảnh: VTC News

Chiều ngày 8/7, ông Trần Văn Minh - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) ký văn bản thông báo Kết luận 1081 sửa đổi một số nội dung Kết luận thanh tra 929/KL-TTCP ngày 12/6/2020 (KLTT 929) về việc quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Kết luận thanh tra số 929/KL-TTCP của TTCP có nội dung yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng chấm dứt hoạt động, thu hồi đất đối với 3 dự án có vi phạm về pháp luật đất đai và đầu tư, trong đó có dự án Dự án xây dựng Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh (tên thương mại Khu đô thị Nam Đà Lạt).

Tại Kết luận 1081, TTCP rút yêu cầu chấm dứt hoạt động, thu hồi Dự án xây dựng Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh do Công ty cổ phần đầu tư du lịch Sài Gòn - Đại Ninh (gọi tắt Công ty Sài Gòn – Đại Ninh, Sài Gòn Đại Ninh Corp) là chủ đầu tư.

"UBND tỉnh Lâm Đồng căn cứ thẩm quyền, hướng dẫn công ty thực hiện thủ tục giãn tiến độ, điều chỉnh dự án theo Luật Đầu tư năm 2014, gia hạn sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 2013, hoàn thành dự án theo đúng cam kết; đầu tư theo quy mô đã được phê duyệt. Trường hợp công ty vi phạm cam kết hoặc không có khả năng thực hiện nghĩa vụ tài chính thì chấm dứt hoạt động dự án, thu hồi đất theo quy định.

Đồng thời, rà soát, kiểm tra lại tính pháp lý của Quyết định số 2020/QĐ-UBND ngày 9/10/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh để quyết định thu tiền sử dụng đất theo thẩm quyền; chỉ đạo rà soát, yêu cầu công ty nộp thuế chuyển nhượng cổ phần, chuyển nhượng dự án (nếu có) theo quy định", kết luận 1081 của TTCP nêu rõ.

Trước đó, vào cuối tháng 6/2021, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã có ý kiến về kết quả kiểm tra, xác minh nội dung kiến nghị của Công ty Sài Gòn - Đại Ninh.

Phó Thủ tướng Thường trực đồng ý kiến nghị của TTCP về kết quả kiểm tra, xác minh, giải quyết kiến nghị của Công ty Sài Gòn – Đại Ninh. Đồng thời, Phó Thủ tướng Thường trực giao UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo thực hiện kiến nghị của TTCP theo đúng quy định của pháp luật.

TTCP chịu trách nhiệm về nội dung và kiến nghị; theo dõi, kiểm tra việc xử lý sau thanh tra theo quy định.

Chân dung "ông lớn" đứng sau Sài Gòn- Đại Ninh

Dự án khu đô thị Nam Đà Lạt được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Sài Gòn Đại Ninh từ cuối năm 2010, quy mô 3.595ha, tổng mức đầu tư 25.243 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai rầm rộ, hàng loạt hạng mục chính vẫn chưa được xây dựng.

22-1626050690.jpeg

Đại gia Nguyễn Cao Trí. Ảnh: Capella Holding

Theo tìm hiểu, Công ty Sài Gòn - Đại Ninh được thành lập vào tháng 1/2010, có địa chỉ tại số 2/8 Phạm Hồng Thái, phường 10, TP. Đà Lạt, với ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản.

Ban đầu, doanh nghiệp có vốn điều lệ 600 tỷ đồng, các cổ đông sáng lập gồm: Công ty TNHH Xây dựng Kinh doanh Nhà ở Phương Nam (Công ty Phương Nam Group nắm giữ 85%) và 7 cá nhân khác nắm giữ 15% cổ phần còn lại gồm: Hoàng Văn Thọ (2%), Đào Thúy Hằng (5%), Phan Văn Đức (5%), Nguyễn Văn Lam (0,5%), Trần Tấn Công (1%), Trần Hồng Thắng (0,5%) và Nguyễn Đình Tùng (1%).

Tháng 8/2016, bà Phan Thị Hoa nắm giữ 85% cổ phần Sài Gòn Đại Ninh thay Công ty Phương Nam.

Đến tháng 10/2017, doanh nghiệp tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông cũng thay đổi. Thời điểm này, bà Hoa nắm giữa 88,5% vốn cổ phần và giữ vị trí Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật tại Công ty Phương Nam.

Tuy nhiên, về bản chất chưa có gì thay đổi, bởi nữ doanh nhân sinh năm 1958 vẫn là chủ sở hữu của Phương Nam Group.

Cuối tháng 1/2021, bà Phan Thị Hoa khiến không ít người bất ngờ khi không còn là người đại diện theo pháp luật tại Sài Gòn - Đại Ninh mà được thay bằng ông Nguyễn Cao Trí với vai trò Tổng Giám đốc.

Ông Nguyễn Cao Trí là gương mặt quen thuộc trong giới đại gia Sài Gòn từ nhiều năm nay khi sở hữu hệ sinh thái Capella trải rộng trên nhiều lĩnh vực, từ bất động sản, kinh doanh quán bar, nhà hàng, giáo dục...

Ngoài Capella Holdings, ông Nguyễn Cao Trí hiện còn đứng tên tại loạt pháp nhân khác như: CTCP Thái Bình Dương Đà Lạt, CTCP Thương mại Dịch vụ ô tô Bến Thành, CTCP Đầu tư Địa ốc Bến Thành, Công ty TNHH US Talent International – Uti, CTCP Salla, CTCP Dịch vụ và Nhân lực Quốc tế Văn Lang, Công ty TNHH Văn Lang HealthCare.

Tại Sài Gòn- Đại Ninh Corp còn có sự xuất hiện của ông Nguyễn Cao Đức- nhân sự cấp cao của Bến Thành Holdings- một trong những nhân tố quan trọng trong hệ sinh thái của đại gia Nguyễn Cao Trí.

Bến Thành Holdings là tập đoàn từng gây xôn xao khi gắn với tên tuổi của nữ doanh nhân 9x Đào Ngọc Bảo Phương- người thực hiện thương vụ mua bán 2 tòa lâu đài triệu USD của Khải Silk và rót 7.600 tỷ vào Bến Thành Holdings.

Theo doisongphapluat.com

Nguồn bài viết: https://www.doisongphapluat.com/vi-sao-ttcp-rut-yeu-cau-thu-hoi-du-an-25-000-ty-dong-o-lam-dong-cua-cong-ty-sai-gon-dai-ninh-a506693.html

Bạn đang đọc bài viết "Vì sao TTCP rút yêu cầu thu hồi dự án 25.000 tỷ đồng ở Lâm Đồng của Công ty Sài Gòn- Đại Ninh?" tại chuyên mục Pháp lý và Kinh doanh. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin