THAAD là vấn đề rất hệ trọng, nếu tiếp tục không minh bạch, chính quyền mới tại Seoul có thể gặp rắc rối như chính quyền tiền nhiệm.
Reuters ngày 31/5 đưa tin, Tổng thống Moon Jae-in vừa ra lệnh cho Bộ Quốc phòng Hàn Quốc điều tra về việc 4 bệ phóng cho THAAD của Mỹ đã được mang vào nước này mà Nhà Xanh không được thông báo.
Theo người phát ngôn của Nhà Xanh, Yoon Young-chan, cho hay Tổng thống Moon Jae-in đã rất sốc khi biết 4 bệ phóng còn lại của THAAD được đưa vào Hàn Quốc để lắp đặt mà không có báo cáo cho chính phủ mới tại Seoul và thông báo cho người dân tại xứ Nam Hàn được biết.
Theo hồ sơ kỹ thuật, THAAD chỉ có tối đa 6 bệ phóng và đợt triển khai hồi tháng 3/2017 tại khu vực Seongju đã có 2 bệ phóng được lắp đặt.
Thêm 4 bệ phóng THAAD được đưa vào Hàn Quốc cho thấy việc lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại xứ kim chi coi như hoàn tất.
Phản ứng với tình huống này, Lầu Năm Góc cho biết đã "rất minh bạch" với Hàn Quốc trong việc triển khai THAAD. Với tư cách lãnh đạo tối cao Hàn Quốc nhưng Tổng thống Moon Jae-in không được báo cáo, cho thấy sự việc rất nghiêm trọng, vì vậy cần phải điều tra.
Trong quá trình vận động tranh cử, ông Moon Jae-in từng yêu cầu Quốc hội Hàn Quốc xem xét lại THAAD. Và gần đây lãnh đạo đảng cầm quyền cũng đề nghị xem xét vấn đề thủ tục pháp lý của việc lắp đặt THAAD, trong đó có nêu khả năng trả lại hệ thống phòng thủ này cho Mỹ.
THAAD đang gặp vấn đề rắc rối tại xứ Nam Hàn, vậy mà Lầu Năm Góc vẫn nhanh chóng hoàn tất việc lắp đặt THAAD. Điều đó khiến giới phân tích đặt câu hỏi: Phía sau sự vội vã của Mỹ trong việc hoàn tất lắp đặt THAAD tại Hàn Quốc là gì?
Lo ngại vấn đề thủ tục pháp lý có thể khiến THAAD không thể hoàn tất?
Ông Moon Jae-in chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống tại Hàn Quốc không chỉ mang ý nghĩa chấm dứt cuộc đại khủng hoảng trong đời sống chính trị tại xứ Nam Hàn xoay quanh cuộc khủng hoảng quyền lực của cựu Tổng thống Park Geun-hee.
Việc chiến thắng của ứng viên đảng Dân chủ còn là một khởi đầu cho những đổi thay căn bản trong đời sống chính trị tại Hàn Quốc. Đó là giảm tối đa sự lệch pha giữa đời sống chính trị với đời sống xã hội, mà hậu quả là dẫn đến cuộc đại khủng hoảng vừa qua tại quốc gia này.
Căn nguyên của vấn để được nhận diện là chính quyền cựu Tổng thống Park Geun-hee thiếu minh bạch chính trị.
Việc lãnh đạo đảng cầm quyền phải yêu cầu làm rõ vấn đề thủ tục pháp lý trong việc lắp đặt THAAD cho thấy vấn đề này dường như cũng không được minh bạch.
Một vấn đề rất hệ trọng mà chỉ là thoả thuận giữa hai chính phủ sẽ khiến vấn đề trở nên nhạy cảm. Nếu tiếp tục không minh bạch, chính quyền mới tại Seoul có thể gặp rắc rối như chính quyền tiền nhiệm.
Khi minh bạch về THAAD - Quốc hội Hàn Quốc xem xét tính hợp hiến, hợp pháp của thoả thuận giữa Seoul và Washington về lắp đặt THAAD - có thể xảy ra 2 tình huống.
Thứ nhất, các đại biểu dân cử tại xứ Nam Hàn đồng thuận với việc lắp đặt THAAD và có nghị quyết thông qua vấn đề này thì mọi việc sẽ thông suốt và việc hoàn tất lắp đặt THAAD sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian.
Thứ hai, các đại biểu dân cử tại xứ Nam Hàn không đồng thuận với chính quyền của cựu Tổng thống Park Geun-hee về lắp đặt THAAD thì, hoặc Washington và Seoul sẽ phải đàm phán lại, hoặc THAAD sẽ phải được tháo dỡ mang về Mỹ.
Tình huống này có khả năng cao hơn là việc thoả thuận về THAAD được thông qua, vì lợi ích chính trị và kinh tế của Hàn Quốc dường như “mất nhiều hơn được” từ khi THAAD xuất hiện tại xứ kim chi.
THAAD là một trong những nguyên nhân khiến bán đảo Triều Tiên bất ổn hơn khi Bình Nhưỡng xem đây là cái cớ khiêu khích, để thúc đẩy chương trình vũ khí và tên lửa đạn đạo của Kim Jong-un.
THAAD đã khiến kinh tế Hàn Quốc phải trả giá rất đắt khi Trung Quốc trả đũa bằng trừng phạt kinh tế.
Cải thiện tình hình với Triều Tiên và nối lại các hoạt động kinh tế với Trung Quốc, tại Trung Quốc đang là ưu tiên hàng đầu của chính phủ mới tại Hàn Quốc. Điều đó khiến cho việc hoàn tất THAAD sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Phải chăng vì vậy mà Washington phải vội vã, đưa Seoul vào thế đã rồi?
Bất ngờ trước sự phát triển quá nhanh của kỹ thuật tên lửa và hạt nhân tại xứ Bắc Hàn?
Việc Mỹ chưa có biện pháp quân sự đối với vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, được cho là có nhiểu nguyên nhân từ chính chiến lược của Washington và từ tác động của những nhân tố khác khiến Washington phải thay đổi chiến thuật.
Đổi thay quan trọng trong đời sống chính trị tại xứ Nam Hàn với chiến thắng của “phe chủ hoà”, việc Trung Quốc “làm thay Mỹ” bằng những biện pháp cứng rắn và dứt khoát với Bắc Hàn hay những lợi ích hoán đổi có được trong ngoại giao nước lớn khiến Mỹ chưa cần ra tay.
Không loại trừ khả năng Washington đã bất ngờ trước kỹ thuật hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên đã có bước tiến nhanh nên lúng túng trong việc đưa các giải pháp và biện pháp ứng xử trong vấn đề này. Mỹ đã phải thay đổi lối hành xử với Triều Tiên.
Hôm 21/5, Triều Tiên đã thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm trung nhiên liệu rắn Pukguksong-2, đánh dấu một bước nhảy vọt lớn trong năng lực tên lửa.
Đây được nhận diện là điều bất ngờ với giới tình báo Mỹ cũng như các chuyên gia về vũ khi và quân sự.
Kỹ sư hàng không vũ trụ John Schilling, chuyên gia phân tích về Triều Tiển, hồi tháng 3/2016 từng nhận định rằng Bình Nhưỡng sẽ chỉ có thể sở hữu tên lửa dùng nhiên liệu rắn trong vòng 5 năm nữa. Nay Schilling nhìn nhận chỉ hơn một năm nữa Bình Nhưỡng có thể đạt được điều đó.
Ông Schilling ước tính Triều Tiên sẽ có tên lửa đạn đạo liên lục địa sử dụng nhiên liệu lỏng có khả năng bắn tới Mỹ vào năm 2020 và tên lửa dùng nhiên liệu rắn vào năm 2025.
Điều đó sẽ giúp Triều Tiên nâng cao khả năng tấn công vào các mục tiêu ở Hàn Quốc và Nhật Bản.
Đặc biệt, kỹ thuật tên lửa mới của Bình Nhưỡng sẽ khiến khả năng bị đánh chặn khó hơn. Mỹ đã sử dụng công nghệ nhiên liệu rắn cho tên lửa đạn đạo của mình nên đã chứng minh được điều đó.
Kéo tàu sân bay đến gần bán đảo Triều Tiên là biện pháp khả dĩ nhất của Mỹ trong việc để răn đe Kim Jong-un, buộc Triều Tiên phải có những nhượng bộ, nhưng đáp lại là Bình Nhưỡng liên tiếp phô diễn những thành tựu trong chương trình vũ khí của mình.
Đó là một thách thức với THAAD của Mỹ trong việc bảo vệ đồng minh trước sự đe doạ của Kim Jong-un. Không sớm hoàn tất lắp đặt có thể khiến THAAD mất tác hiệu trước kỹ thuật của Bình Nhưỡng, nếu bán đảo Triều Tiên có biến.
Phải chăng vì nguy cơ ấy nên Washington vội vã đưa thêm 4 bệ phóng của THAAD vào Hàn Quốc, mà không chờ đợi sự thông suốt tại đây?
Theo Bao Datviet