Ủng hộ Iran, Qatar bị đảo chính hoặc tấn công quân sự?

Giới phân tích không loại trừ khả năng có một đòn tấn công quân sự hoặc một cuộc đảo chính lật đổ chính quyền Al-Thani để “Lập lại trật tự” Qatar.

Theo giới truyền thông, nước thứ 9 cắt quan hệ ngoại giao với Qatar là quốc gia Tây Phi Mauritania, là một thành viên của Liên đoàn Arab.

Nước này tuyên bố cắt quan hệ ngoại giao với Qatar vì những cáo buộc chính quyền Doha "ủng hộ khủng bố".

"Nhà nước Qatar thực thi các chính sách ủng hộ các tổ chức khủng bố và tuyên truyền các tư tưởng cực đoan. Điều này dẫn đến tổn thất sinh mạng lớn tại những quốc gia Arab, châu Âu và trên khắp thế giới", hãng thông tấn MIA đăng thông báo từ Bộ Ngoại giao Mauritania cho biết ngày 6/6.

Theo Arab News, với quyết định trên, Mauritania trở thành quốc gia thứ 9 cắt quan hệ ngoại giao với Qatar. Trước đó, Saudi Arabia, Bahrain, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Ai Cập hôm 5/6 đồng loạt cắt quan hệ ngoại giao với Qatar vì Doha "ủng hộ phiến quân Hồi giáo và Iran".

Từ lâu, Qatar và kênh truyền hình Al Jazeera đã bị coi là những cái gai trong mắt của các nước Ả rập đồng minh. Chính quyền Doha bị cáo buộc tội dung túng và cung cấp cơ sở cho các nhóm khủng bố và các phần tử cực đoan, trong đó có tổ chức “Anh em Hồi giáo” và Hamas.

Căn thẳng leo thang vào cuối tháng 5, khi trên trang web của hãng thông tấn nhà nước lớn nhất Qatar (QNA), đã phát đi một bản tin của Quốc vương Tamim bin Hamad Al Thani, trong đó tuyên bố sẽ hỗ trợ Iran và phát triển mối quan hệ tốt với Israel - 2 đối thủ chính trong khu vực, không chỉ đối với Saudi Arabia mà của cả thế giới Ả rập.

Chính quyền các nước trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), gồm Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia và UAE đã cáo buộc Quốc vương Qatar Tamam bin Hamad Al Thani đã cử Ngoại trưởng Mohammed bin Abdulrahman Al Thani đến Tehran.

 Các nước Ả rập đã đồng loạt cắt đứt quan hệ với Qatar vì “cả gan” bắt tay Iran
Các nước Ả rập đã đồng loạt cắt đứt quan hệ với Qatar vì “cả gan” bắt tay Iran)

Ông Mohammed bin Abdulrahman Al Thani đã bí mật gặp gỡ tướng Qassem Soleimani, chỉ huy của lực lượng quân sự Iran ở Iraq và Syria, được mệnh danh là “Vị tướng trong bóng tối”, kiến trúc sư của các kế hoạch chống lại Mỹ và các đồng minh Ả rập ở Syria.

Theo cáo buộc của các quốc gia này, hai bên đã đưa ra một kế hoạch phá hoại các hoạt động của Mỹ tại Iraq và Syria. Đồng thời, họ cũng đã thảo luận về những lợi ích của Doha trong quá trình hợp tác với Iran.

Bất chấp việc chính quyền Doha phủ nhận cáo buộc này và cho biết, trang web của Thong tấn xã nước này đã bị hacker xâm nhập và phát đi các thông điệp giả, Yemen và chính phủ ở miền đông Libya, rồi sau đó là Maldives cũng quyết định cắt quan hệ với Qatar.

Chính quyền Jordan sáng 6/6 cũng thông báo sẽ hạ cấp quan hệ với Qatar sau khi xem xét "nguyên nhân khủng hoảng" giữa chính quyền Doha và một số quốc gia Ả rập, đồng thời còn thu hồi giấy phép của kênh truyền hình Al Jazeera, có trụ sở ở thủ đô Doha của Qatar.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 6/6 cũng lên tiếng ủng hộ việc Arab Saudi cùng các đồng minh cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar.

Trong khi đó, các quan chức và cựu quan chức Mỹ cho biết Washington sẽ thầm lặng tìm cách xoa dịu căng thẳng giữa Saudi Arabia và Qatar, bởi Doha rất quan trọng đối với lợi ích ngoại giao và quân sự của Mỹ.

Qatar có bị đảo chính để “nắn đường”?

Trong bài bình luận của mình, Tạp chí Mỹ Foreign Policy nhận định rằng, tình hình Qatar có thể là khởi đầu của một cuộc chiến tranh mới, không loại trừ khả năng xảy ra một cuộc đảo chính để lật đổ chính quyền của Quốc vương al-Thani, nắn Qatar đi đúng đường lối phương Tây.

Việc cô lập ngoại giao Qatar có thể là sự khởi đầu của một cuộc chiến tranh mới - ông Simon Henderson, Giám đốc Chương trình quan hệ chính trị với các quốc gia vùng Vịnh Ba Tư và về các vấn đề năng lượng tại Đại học Washington, viết trên tạp chí Foreign Policy.

"Các quốc gia hệ phái Sunni từ lâu đã tìm cách gây chiến với quốc gia ‘lãnh tụ’ của dòng Shi’a là Iran. Vấn đề Qatar có lẽ chỉ là cái cớ để họ quyết định gia tăng áp lực nhắm vào chính quyền Tehran" - vị chuyên gia về Chính sách vùng Cận Đông nói.

Từ quan điểm của tác giả, hiện nay thế giới đang mấp mé ngưỡng cửa của một thời khắc lịch sử, có thể so sánh với vụ ám sát hoàng tử nước Áo Franz Ferdinand tại Sarajevo vào năm 1914 - sự kiện được coi là một cái cớ chính thức cho sự bùng nổ của cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất.

Trong trường hợp này, mục tiêu chủ chốt của Saudi Arabia và UAE là Iran, còn mục tiêu đầu tiên là Qatar, quốc gia từ lâu đã đứng ngoài thỏa thuận chung của các nước Ả Rập vùng Vịnh liên quan đến việc cắt đứt quan hệ và siết chặt “vòng kim cô” phong tỏa đối với Tehran.

Hôm 5/6, một số nước Ả Rập đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Doha, cáo buộc vương quốc này hỗ trợ bọn khủng bố.

Bên cạnh đó, Riyadh công bố lệnh cấm bay đối với hãng hàng không Qatar Airways, đóng cửa biên giới và các cảng của mình với nước này.

Ngay sau khi các nước Ả Rập cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, chính quyền Teheran đã ngỏ ý hỗ trợ và sẵn sàng cung cấp 3 cảng của mình cho nước này sử dụng.

Riyadh và Abu Dhabi lập tức tuyên bố coi động thái này như là sự xác nhận của “mối quan hệ nguy hiểm” giữa Doha và Teheran.

 Ông al-Thani có thể bị đảo chính để tránh” đi chệch đường”?
Ông al-Thani có thể bị đảo chính để tránh” đi chệch đường”?)

Theo quan điểm của ông Henderson, Washington có thể đóng vai trò quan trọng trong việc xoa dịu tình hình có khả năng bùng nổ này, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ở một vị trí thuận lợi, vì trước khi nhậm chức, ông đã lãnh đạo ExxonMobil - công ty nước ngoài chính hoạt động trong lĩnh vực năng lượng ở Qatar và lợi ích của công ty này ở Qatar là rất lớn.

Theo ông Henderson, Washington cần phải đưa ra những hành động nhanh chóng và ngăn chặn các bước tiến theo xu hướng chiến tranh giữa các quốc gia đồng minh, còn nếu “cuộc chém giết bắt đầu”, tất cả có lẽ đã muộn.

Theo giới phân tích, những cảnh báo của Saudi Arabia đối với Quốc vương Qatar không chỉ bao gồm những “hình phạt” ông phải đối mặt vì “không vâng lời thế giới Ả rập”.

Cuộc phong tỏa được công bố hôm 5/6 có thể chỉ là những bước đi đầu tiên để cảnh báo Doha không được “đi chệch hướng”.

Mehran Kamrava, giám đốc trung tâm nghiên cứu quốc tế và khu vực của Đại học Georgetown ở Qatar, nhận định:

“Đối lập tư tưởng và bất đồng nội bộ thế giới Ả rập không có gì mới. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là mức độ của áp lực và thời gian diễn biến nhanh chưa từng có. Điều đó cho thấy Saudi Arabia và UAE muốn sự khuất phục của Qatar”.

Trang tin DEBKAfile của Israel tiết lộ rằng, rất có thể một chiến dịch quân sự quy mô nhỏ nhằm vào một mục tiêu của Qatar sẽ nổ ra, nhằm cảnh cáo chính quyền Doha không được bước qua “Lằn ranh đỏ” trong mối quan hệ với Iran, nếu không, một đòn tấn công quân sự rất dễ xảy ra.

Giới phân tích vùng Vịnh cũng không loại trừ việc các cơ quan tình báo của Ai Cập, Saudi Arabia và UAE liên kết lại để thực hiện một cuộc đảo chính để hạ gục Quốc vương Al-Thani và phe cánh của ông, nhằm tái lập một GCC “thuần chất”, một vùng Vịnh “không dung thứ” Iran.

Theo Bao Datviet

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin