Từ vụ tranh chấp nhãn hiệu rượu Vodka Belenkaya: Bài học bảo vệ tài sản trí tuệ chưa bao giờ cũ

Mở rộng thị trường sản phẩm là việc tất yếu mà các nhà quản trị sẽ nghĩ đến vào những thời điểm nhất định trong quá trình xây dựng, phát triển doanh nghiệp. Uy tín nhãn hiệu với một sản phẩm trong tâm trí người tiêu dùng là điều kiện vô cùng thuận lợi để doanh nghiệp mở rộng chủng loại.

Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp coi nhẹ việc xúc tiến thủ tục đăng ký bảo hộ tài sản sở hữu trí tuệ tại các thị trường mới, đây chính là kẽ hở cho một số cá nhân, đơn vị lợi dụng để tự nộp đơn đăng ký chính những nhãn hiệu đó. Sự việc Beluga Vodka International Limited Company đấu tranh giành lại quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu “Belenkaya” tại Việt Nam thời gian gần đây đã gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh.

(Nguồn: belugagroup.ru/en/)

Xuất xứ và tên gọi của rượu Vodka Belenkaya

Vodka vốn được sản xuất ở Nga từ thế kỷ 12 và là loại rượu được ưa chuộng khắp nơi trên thế giới. Đến cuối thế kỷ 19, Vodka Nga được đưa vào sản xuất công nghiệp và trở thành một ngành kinh tế đáng kể với rất nhiều tên tuổi, trong đó phải kể đến tập đoàn Synergy, một trong những công ty hàng đầu tại thị trường rượu Nga chuyên sản xuất đồ uống có cồn với các nhãn hiệu chính như “Russian Ice”, “Soft”, “Beluga“”, “White Lake”…

Trong thế kỷ 19, một cụm từ thường được sử dụng thay cho từ Vodka đó chính là “Беленькая” (với phiên âm La-tinh là “Belenkaya”), có nghĩa là “rõ ràng nhất và tinh khiết nhất”. Ngày nay Belenkaya là một trong những loại rượu vodka truyền thống hàng đầu của Nga và là một trong những nhãn hiệu phát triển lớn nhất và nhanh nhất Thế giới.

(Nguồn: phanphoiruoungoai.com)

Tranh chấp nảy sinh

Năm 2012, sản phẩm rượu Vodka “Belenkaya” của Beluga Vodka International Limited Company (Công ty Beluga) thuộc tập đoàn Synergy chính thức có mặt tại Việt Nam. Do tin rằng, nhãn hiệu “Belenkaya” đã được sử dụng rộng rãi và biết đến ở nhiều nơi trên thế giới, nên Công ty Beluga chưa đăng ký bảo hộ tại Việt Nam.

Mầm mống nảy sinh tranh chấp khi ngày 12/03/2018, Công ty TNHH nhà bếp Intel (Công ty Intel) có trụ sở tạiNhà 35D, ngõ số 71, đường Hoàng Mai, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội nộp đơn tới Cục Sở hữu trí tuệ (NOIP) đề nghị đăng ký nhãn hiệu “Belenkaya” cho sản phẩm: Rượu gạo, đồ uống có cồn (trừ bia), rượu vỏ cam, rượu gin, rượu vodka, rượu uýt ki.

(Thông tin tra cứu tại website Cục sở hữu trí tuệ)

Ngày 02/07/2020, Công ty Intel được NOIP cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (GCNĐKNH) số “355424”.

Đáng chú ý rằng, theo đại diện Công ty Beluga, nhãn hiệu “Belenkaya” đã được Công ty Beluga sử dụng từ trước thời điểm Công ty Intel nộp đơn đăng ký nhãn hiệu “Belenkaya” tại Việt Nam (ngày 12/03/2018) tới gần chục năm. Đồng thời, các sản phẩm gắn nhãn hiệu “Belenkaya” của Công ty Beluga đã thực sự được phân phối với số lượng lớn tại thị trường Việt Nam cũng như đã được quảng cáo rộng khắp thông qua rất nhiều kênh thông tin đa dạng từ rất lâu. Các sản phẩm được đăng ký cho nhãn hiệu “Belenkaya” của Công ty Intel tương tự hoặc trùng với các sản phẩm mà Công ty Beluga đang sản xuất và kinh doanh.

Không những thế, điều đáng nói ở đây là Công ty Intel đã dùng chính quyền sở hữu đối với nhãn hiệu “Belenkaya” nêu trên để gửi thư khuyến cáo tới Công ty Beluga, yêu cầu chấm dứt ngay hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu các sản phẩm gắn nhãn hiệu “Belenkaya” tại Việt Nam.

Công ty Beluga cần làm gì để bảo vệ quyền của mình?

Nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và giành lại quyền sở hữu chính đáng đối với nhãn hiệu “Belenkaya” tại Việt Nam, Công ty Beluga đã ủy quyền cho Công ty Luật TNHH WINCO (Công ty WINCO) bảo vệ quyền lợi hợp pháp về sở hữu trí tuệ và tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết.

Theo đó, căn cứ vào các quy định pháp lý hiện hành về việc thừa nhận thực tế liên quan đến nhãn hiệu đã được sử dụng, công nhận rộng rãi từ trước thời điểm nộp đơn đăng ký, Công ty WINCO đã nộp đơn đề nghị hủy bỏ hiệu lực của GCN ĐKNH số 355424 bảo hộ nhãn hiệu “Belenkaya” đã được cấp cho Công ty Intel.

Xung quanh tranh chấp trên, Phóng viên chuyên trang Pháp luật và Bản quyền đã có trao đổi với Luật sư Lương Thị Thu – Phó Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Đông Nam Á, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.

Luật sư Lương Thị Thu –Công ty Luật Hợp danh Đông Nam Á

Với kinh nghiệm xử lý tranh chấp sở hữu trí tuệ nhiều năm, Luật sư Lương Thị Thu chia sẻ, chưa biết ai đúng ai sai trong vụ việc trên, tuy nhiên, Công ty Beluga có thể căn cứ vào điểm c Khoản 1 Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) để yêu cầu NOIP hủy Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu của Công ty Intel.

Tuy nhiên, Công ty Beluga cần phải cung cấp các chứng cứ để chứng minh nhãn hiệu “Belenkaya” đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi từ trước thời điểm Công ty Intel nộp đơn đăng ký nhãn hiệu.

Cụ thể, theo điểm g Khoản 2 Điều 74 Luật SHTT:

“Điều 74. Khả năng phân biệt của nhãn hiệu

Nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt nếu nhãn hiệu đó là dấu hiệu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

g) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự từ trước ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên”

Từ đó, bằng các chứng cứ và lập luận, chứng minh được Nhãn hiệu “Belenkaya” của Công ty Intel không có khả năng phân biệt và vì vậy không đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ nhãn hiệu tại thời điểm cấp văn bằng bảo hộ.

Ngoài ra, căn cứ Khoản 5 Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ, Công ty Beluga có quyền yêu cầu Tòa án buộc Công ty Intel phải bồi thường cho những thiệt hại do việc xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ gây ra, trong đó có bao gồm chi phí hợp lý để thuê luật sư.

Bài học đắt giá cho các doanh nghiệp trong việc bảo vệ tài sản trí tuệ

Câu chuyện chủ sở hữu phải đi tìm lại nhãn hiệu của chính mình không còn mới nhưng bài học về việc bảo vệ tài sản trí tuệ vẫn chưa hề cũ.

Có một thực tế tồn tại nhiều năm nay, đó là nhiều doanh nghiệp, một phần do thiếu kiến thức pháp luật, một phần ngại tốn kém cho việc đăng ký bảo hộ, mà tự bản thân các doanh nghiệp đã đánh mất đi nhãn hiệu nhiều năm gây dựng. Đây là điều hết sức đáng tiếc, vì thực tế chi phí cho việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở Việt Nam là rất nhỏ so với những gì mà doanh nghiệp có thể đánh mất hoặc so với chi phí doanh nghiệp bỏ ra để xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu của mình trên thị trường.

Thay lời kết

Nhãn hiệu chính là một trong những căn cứ để nhận diện hàng hóa, dịch vụ. Nhãn hiệu đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa sản phẩm đến gần với người tiêu dùng. Với những nhãn hiệu nổi tiếng, được nhiều người biết đến thì hành vi xâm phạm càng dễ xảy ra. Chính vì vậy, trước khi thâm nhập thị trường mới, các doanh nghiệp cần ưu tiên xúc tiến, thực hiện các thủ tục đăng ký để xác lập, bảo vệ tài sản trí tuệ.

Theo phapluatbanquyen.phaply.vn

Nguồn bài viết: https://phapluatbanquyen.phaply.vn/tu-vu-tranh-chap-nhan-hieu-ruou-vodka-belenkaya-bai-hoc-bao-ve-tai-san-tri-tue-chua-bao-gio-cu-bv241/

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin