Cần một Luật chuyên biệt điều chỉnh hoạt động cung cấp dịch vụ công

02/06/2020 14:05

(Pháp lý) - Dịch vụ công then chốt như cung ứng nước giao cho tư nhân hóa hoàn toàn được không? Khung pháp luật để quy trách nhiệm chính quyền và doanh nghiệp kinh doanh nước sạch có đủ mạnh? Hành lang pháp lý bảo vệ quyền lợi người dân có hạn chế ?

TS. Nguyễn Sĩ Dũng và Luật sư Nguyễn Tiến Lập cùng Phóng viên Pháp lý sẽ “mổ xẻ” phân tích những vấn đề trên và kiến nghị các giải pháp pháp luật gửi tới các cơ quan chức năng.

[caption id="attachment_214336" align="aligncenter" width="410"]Thau rửa bể chứa nước chung cư, người dân phát hiện cặn dầu. Thau rửa bể chứa nước chung cư, người dân phát hiện cặn dầu.[/caption]

Thị trường dịch vụ công nhiều bất cập: Trách nhiệm thuộc ai?

Sự cố nước sông Đà là vấn đề lớn của đô thị Việt Nam trong thời gian qua. Một lần nữa, đây là cơ hội để nhà nước nhìn lại dịch vụ công cung cấp cho người dân và việc ủy thác cho các doanh nghiệp tư nhân thực hiện các dịch vụ công cùng những vấn đề phát sinh từ đó.

Lấy sự cố tại Nhà máy nước sạch sông Đà làm ví dụ, TS. Nguyễn Sĩ Dũng nhận định về trách nhiệm: Dịch vụ công cho tư nhân cung cấp, nhưng chính quyền cần có vai trò, trách nhiệm rất lớn. Chính quyền phải quản lý, giám sát chất lượng dịch vụ công và phản ứng trước việc cung cấp dịch vụ công của tư nhân. Tuy nhiên, ở vụ việc sông Đà, chính quyền phản ứng rất chậm trễ. Trách nhiệm, đạo đức của người cung cấp dịch vụ công, của các cơ quan quản lý đơn vị cung cấp dịch vụ công và động lực thúc đẩy dịch vụ công ở nước ta đang có nhiều vấn đề.

Theo TS. Dũng, doanh nghiệp tư nhân có nhiều thế mạnh nếu được tạo điều kiện tham gia cung cấp dịch vụ công. Tuy nhiên, vì tư nhân thường chạy theo lợi nhuận nên họ thường bỏ qua những giá trị khác. Nếu trong thị trường dịch vụ công không có cạnh tranh về chất lượng thì rủi ro của việc chất lượng không đảm bảo sẽ rất lớn. Doanh nghiệp sẽ đặt tiêu chí chất lượng xuống dưới lợi nhuận và vụ việc sông Đà có thể lại xảy ra một lần nữa.

Ông Dũng khuyến cáo: Thực tế đặt ra nếu có sự tham gia của tư nhân trong cung cấp dịch vụ công thì bắt buộc phải có sự tham gia giám sát chặt chẽ của Nhà nước. Nhà nước là chủ thể áp đặt các quy chế pháp lý của dịch vụ công, các chuẩn mực, quy định chất lượng mà đơn vị cung cấp dịch vụ tuân thủ. Cung cấp dịch vụ công bắt buộc phải đảm bảo 3 quy chế pháp lý. Thứ nhất là tính liên tục, ổn định của dịch vụ công, thứ hai là quyền tiếp cận bình đẳng cho mọi người dân và thứ ba là mức giá rẻ để mọi người dân tiếp cận.

[caption id="attachment_214337" align="aligncenter" width="410"]Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, trách nhiệm của chính quyền là rất lớn trước những sự cố nước như vừa qua. Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, trách nhiệm của chính quyền là rất lớn trước những sự cố nước như vừa qua.[/caption]

TS. Nguyễn Sỹ Dũng cũng cho rằng, thị trường dịch vụ công là “miếng bánh béo bở”, động lực thao túng thị trường dịch vụ công là rất lớn. Phân tích lại về lí do vì sao nhiều doanh nghiệp lại tham gia vào thị trường cung cấp nước sạch, ông Dũng cho rằng trong những hàng hóa dịch vụ công, thì nước sạch là thị trường có thương quyền "cho không". Thương quyền trong việc kinh doanh nước sạch là quyền được bán nước sạch cho hàng triệu người. Với một thương quyền lớn như vậy thì giá cả đang chưa cân bằng và người dân đang phải mua nước với cái giá quá cao, trong khi đó họ còn không có quyền lựa chọn", ông Dũng lý giải.

Khung luật bảo vệ người dân với dịch vụ công còn nhiều hạn chế

Trao đổi với Phóng viên, Luật sư Nguyễn Tiến Lập chia sẻ về các quy định pháp luật để bảo vệ người dân khi sử dụng những dịch vụ công. Có thể nêu ra hàng loạt các văn bản pháp luật từ Luật Bảo vệ môi trường, Bộ Luật Dân sự đến Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân và cả Luật Thủ đô áp dụng riêng cho Hà Nội. Các cơ sở pháp lý chung đều có, tuy nhiên khi áp dụng vào các tình huống cụ thể như thiệt hại do sự cố nhiễm độc thuỷ ngân từ Nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông hay sự cố nước bẩn sông Đà, thì lại rất khó hay thậm chí không thể tìm được các cơ chế cụ thể có tính thực tế trong việc chỉ ra một con đường rõ ràng cho các nạn nhân đi tới cái đích được bồi thường.

Vẫn còn đó hàng loạt những câu hỏi rất xác đáng được đặt ra. Tôi khởi kiện ai, nhà cung cấp dịch vụ hay cơ quan chính quyền? Cơ quan nào sẽ tiếp nhận hàng ngàn, hàng vạn đơn kiện cho cùng một sự việc và có cơ chế nào để giải quyết chúng, một khi chế định “khởi kiện tập thể” không được pháp luật nước ta thừa nhận? Làm sao để những người dân yếu thế có thể chứng minh được lỗi vi phạm của các đại gia doanh nghiệp trong từng sự cố? Các bằng chứng pháp lý sẽ được thu thập thế nào và ai sẽ phải bỏ các chi phí tốn kém ra để kiểm định chúng...?

Nếu đọc Luật Thủ đô, có lẽ người dân sẽ còn ngỡ ngàng bởi các quy định quá chung. Liệu rằng Luật này ra đời chỉ nhằm xin các cơ chế hành động đặc thù từ Trung ương cho chính quyền thủ đô, hay nó cần có cả các cơ chế cụ thể nhằm bảo vệ người dân thủ đô trước các rủi ro và thảm hoạ tiềm tàng ở một môi trường đô thị lớn như Hà Nội? Câu hỏi này hy vọng sẽ được trả lời trong lần sửa đổi Luật Thủ đô sắp tới.

Hay trong Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân tại Điều 8 quy định: Vệ sinh nước và các nguồn nước dùng trong sinh hoạt của nhân dân. Các cơ quan, xí nghiệp cấp nước phải bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh nước dùng trong sinh hoạt của nhân dân; Nghiêm cấm các tổ chức Nhà nước, tập thể, tư nhân và mọi công dân làm ô nhiễm các nguồn nước dùng trong sinh hoạt của nhân dân. Người dân thậm chí còn có thể khởi kiện cả nhà nước, nhưng việc khởi kiện lại không hề dễ dàng…

Theo Luật sư Nguyễn Tiến Lập, người dân muốn khởi kiện vụ việc ra tòa phải chứng minh được Nhà máy nước sông Đà có vi phạm và chứng minh thiệt hại. Tuy nhiên, việc chứng minh cả 2 điều này đối với mỗi người dân đều không khả thi. Công ty sông Đà họ vẫn cho rằng nước đủ điều kiện, còn người dân bảo nước có mùi cháy khét. Nhưng làm gì có điều khoản nào là nước có mùi khét thì người dân có quyền kiện. Còn về thiệt hại, người dân phải chứng minh được nước đấy không dùng được nên phải đi mua. Còn ảnh hưởng về sức khỏe thì gần như không chứng minh được", ông Lập nêu quan điểm và cho rằng việc đòi công lý trong những vụ việc dạng này hầu như là không thể.

Cần một đạo luật chuyên biệt về cung cấp dịch vụ công để truy trách nhiệm chính quyền và doanh nghiệp

Theo dõi sự kiện, thì thấy nguyên nhân của sự cố không phải do bên nào sở hữu mà do không kiểm soát được quá trình cung ứng dịch vụ. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng dịch vụ công đặc thù như thế thì không nên giao cho tư nhân hoàn toàn mà nhà nước nên giữ cổ phần chi phối của nhà máy nước đó để có thể giám sát từ bên trong. Cơ chế như vậy, sẽ có trách nhiệm của người đứng đầu kèm theo khi có sự cố xảy ra.

Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Tiến Lập cho rằng: Chúng ta đã nhầm lẫn giữa chính sách cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thông thường và tư nhân hóa các hoạt động cung cấp dịch vụ công. Bởi đây là lĩnh vực đặc thù và nhạy cảm. Đặc biệt đối với dịch vụ nước sạch ở đô thị, nó liên quan chặt chẽ không chỉ đến sức khoẻ mà còn cả vấn đề lớn là an ninh con người, thậm chí sau đó là an ninh chính trị đến từ rủi ro niềm tin và bất ổn dân sự. Sau sự cố môi trường vừa rồi, theo tôi vấn đề này cần được thức tỉnh để khắc phục ngay.

Nhìn từ góc độ thị trường, nếu ở vị thế độc quyền, lĩnh vực cung cấp nước sạch thu về siêu lợi nhuận và bền vững, bởi ngay cả khi có sự cố vi phạm như vừa qua thì chính quyền ở Hà Nội cũng không thể đơn giản cắt nguồn cung của Công ty nước sông Đà được. Không chỉ là vấn đề hợp đồng mà còn nếu vậy thì nguồn thay thế ở đâu ? Có thể nói rằng khi cho tư nhân đầu tư nước sạch đến bán cho người dân đồng nghĩa với việc nhà nước bán hay cho họ thương quyền. Vấn đề oái oăm ở chỗ dù anh có cho không nhà đầu tư cái thương quyền quý giá ấy thì cái anh thu về vẫn là những trách nhiệm không tương xứng. Với một công ty chịu trách nhiệm hữu hạn, làm sao anh có thể đòi hỏi nó chịu trách nhiệm về sức khoẻ và tính mạng của hàng triệu con người, chưa nói tới một khi rủi ro về nhiễm bẩn và nhiễm độc nguồn nước lại đang được tách ra do mấy cá nhân vãng lai đổ dầu thải nào đó gây ra và chỉ họ mới bị truy cứu trách nhiệm ?

[caption id="attachment_214338" align="aligncenter" width="410"]Luật sư Nguyễn Tiến Lập cho rằng: Cần một đạo luật chuyên biệt về cung cấp dịch vụ công Luật sư Nguyễn Tiến Lập cho rằng: Cần một đạo luật chuyên biệt về cung cấp dịch vụ công[/caption]

Quay lại trường hợp sự cố nước bẩn sông Đà, khi cho tư nhân hóa ngành kinh doanh nước sạch, hiện không có cơ chế nào để đòi hỏi hay bắt buộc Công ty cổ phần nước sạch Sông Đà phải đầu tư chi phí để kiểm soát chống ô nhiễm toàn bộ vùng lưu vực của con sông mà Công ty sẽ lấy nước. Trong khi đó, ai cũng biết rằng kinh doanh nước sạch chắc chắn sinh lời cao bởi không phải cạnh tranh với ai cả, đơn giản bởi người tiêu dùng không có khả năng lựa chọn nhà cung cấp. Không thể minh định trách nhiệm (việc phải làm) và quyền lợi (sẽ nhận được) khi tư nhân hóa hoàn toàn một dịch vụ công như cấp nước. Có ý kiến cho rằng, nhà nước nên giữ cổ phần chi phối để chủ động đầu tư chi phí kiểm soát, chống ô nhiễm lưu vực sông vì nhà nước không thể ép một công ty tư nhân làm việc này.

Nhìn lại sự cố, Luật Sư Nguyễn Tiến Lập cho rằng việc ô nhiễm nguồn nước có thể do nhiều khâu: i) Người gây ô nhiễm nguồn nước ngoài khu vực nhà máy quản lý; ii) Nước trong hồ chứa thuộc nhà máy quản lý bị ô nhiễm; iii) Khâu lọc nước không đảm bảo; iv) Khâu vận chuyển nước đến người dân không đảm bảo; vi) Khâu chứa nước trong bể ở các chung cư không đảm bảo; vii) Trách nhiệm quản lý nhà nước đối với tất cả các công đoạn trên? Từ lập luận đó, Luật sư Lập kiến nghị: nếu giao cho tư nhân làm thì chính quyền vẫn chịu trách nhiệm quản lý nhà nước, tuy nhiên nếu tham gia đầu tư thì sẽ có cơ hội cùng quản lý, giám sát từ bên trong.

Kinh nghiệm

Theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng, từ sự cố trên cho thấy việc xác lập các nguyên tắc dịch vụ công và tuân thủ là rất quan trọng. Hiện Việt Nam chưa có đạo luật mang tính khuôn khổ pháp lý cho dịch vụ công. Ở các nước, ngoài pháp luật để điều chỉnh dịch vụ công thì còn có cơ quan quản lý tổng thể về dịch vụ công.

Luật sư Nguyễn Tiến Lập cũng cho rằng ở các nước trên thế giới, việc tư nhân hóa phải được chính quyền kiểm soát chặt chẽ bằng nhiều biện pháp khác nhau và Nhà nước không từ bỏ trách nhiệm cung cấp các dịch vụ công, đặc biệt là các dịch vụ thiết yếu với người dân như nước sạch. Điều này có nghĩa là khi có sự cố xảy ra thì nhà nước phải đứng ra chịu trách nhiệm đầu tiên chứ không phải là các công ty tư nhân với tư cách là các chủ đầu tư thông thường.

Tại sao có điều này? Vì bản chất của dịch vụ công là những dịch vụ phi lợi nhuân nên không phụ thuộc vào thị trường, không lấy lợi nhuận làm tiêu chí ưu tiên. Dịch vụ công không thể được điều chỉnh bởi các quy luật thị trường mà buộc nhà nước phải đứng ra chịu trách nhiệm. Nếu tư nhân hóa, phải có điều kiện rõ ràng về việc tư nhân hóa như thế nào, nhà nước sẽ chịu trách nhiệm ra sao bởi người dân đã trả thuế duy trì các dịch vụ công này.

Tôi cho rằng, cái chúng ta đang rất cần chính là một đạo Luật chuyên biệt về cung cấp dịch vụ công, hướng tới trách nhiệm của chính quyền và bảo vệ quyền của người dân, đặc biệt sức khoẻ và an toàn cuộc sống của họ. Xin lưu ý rằng trong những vấn đề như thế này thì vai trò và trách nhiệm của chính quyền ở đô thị sẽ nhạy cảm hơn rất nhiều so với chính quyền ở những nơi khác. Chẳng hạn, về vấn đề bảo vệ nguồn nước trong những lưu vực lớn phải do Nhà nước đảm nhiệm, tư nhân không làm được. Nếu chính quyền thiếu ngân sách, tôi tin rằng nhân dân sẵn sàng đóng thêm để bảo vệ nguồn nước đó, bởi đó chính là bảo vệ nguồn sống của họ.

Phan Tĩnh

 

Bạn đang đọc bài viết "Cần một Luật chuyên biệt điều chỉnh hoạt động cung cấp dịch vụ công" tại chuyên mục Khoa học Pháp Lý. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin