Ngân hàng đòi nợ thế nào để không phạm luật ?

28/05/2021 15:42

Theo quy định pháp luật thì hoạt động cho vay tài sản là một hoạt động dân sự. Mối quan hệ này diễn ra rất phổ biến trong đời sống xã hội. Việc cho vay chắc chắn sẽ phát sinh nghĩa vụ trả nợ và quyền được đòi nợ của bên cho vay. Tuy nhiên, khi thực hiện hoạt động đòi nợ, pháp luật nghiêm cấm việc đòi nợ theo kiểu đe doạ, sử dụng "xã hội đen", xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp của người đi vay hoặc người liên quan hay gia đình họ.

Ngân hàng phá sản thì người gửi tiền có nhận lại được tiền?

Ảnh minh hoạ

Chuyện xử lý nợ đảm bảo của một ngân hàng tại Thạch Thất, Hà Tây

Năm 2011, ông Nguyễn Văn Minh ở Thạch Thất, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội) có thế chấp tài sản để ký hợp đồng tín dụng với ngân hàng Techcombank cho khoản vay 900 triệu đồng và đã trả nợ gốc 217 triệu đồng. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, do làm ăn thua lỗ cộng với dịch bệnh Covid nên kinh tế gia đình gặp khó khăn chưa trả được đúng hạn, gia đình có làm 4 lần đơn xin giảm lãi phạt để trả dần làm nhiều đợt. 

Trong tháng 3/2021, ông Minh đã trả thêm 250 triệu đồng. Theo đó, số nợ gốc còn lại là 433 triệu và tính đến thời điểm sau ngày 30/4, số tiền phạt + tiền lãi + tiền gốc ngân hàng là 1,2 tỷ đồng. Ngày 13/5/2021, một cán bộ ngân hàng đã dẫn 6 người về làm việc tại gia đình ông Minh để yêu cầu trả nợ.

Đại diện ngân hàng Techcombank cho biết, ngày 06/05/2011, ông Nguyễn Văn Minh và Bà Đỗ Thị Bằng đã ký kết Hợp đồng tín dụng số 47969/HĐTD/TH-TN/TCB- TLG-LHA với Techcombank để vay số tiền 900.000.000 đồng (Chín trăm triệu đồng). Để bảo đảm nghĩa vụ trả nợ của Bên vay vốn theo Hợp đồng tín dụng trên, hộ gia đình ông Nguyễn Văn Minh đã thế chấp tài sản là bất động sản tại thửa đất số 735 tờ bản đồ số 02 có diện tích 194 m2 tại địa chỉ: xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội. 

Trong quá trình thực hiện Hợp đồng tín dụng đã ký kết, ông Nguyễn Văn Minh và Bà Đỗ Thị Bằng đã vi phạm nghĩa vụ trả nợ theo Hợp đồng tín dụng và đến nay khoản nợ đã quá hạn 2.886 ngày (gần 08 năm). Tính đến ngày 17/05/2021, tổng dư nợ gốc và nợ lãi của Ông Nguyễn Văn Minh và Bà Đỗ Thị Bằng tại Techcombank là hơn 2,1 tỷ đồng, chứ không phải 1,2 tỷ như ông Nguyễn Văn Minh nêu. 

Theo đại diện Techcombank, kể từ khi phát sinh nợ quá hạn, Techcombank đã tạo điều kiện thuận lợi cho Ông Nguyễn Văn Minh và Bà Đỗ Thị Bằng thực hiện nghĩa vụ trả nợ, song Khách hàng không thực hiện.

Căn cứ Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc Hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và thỏa thuận tại Hợp đồng thế chấp đã ký kết.

Techcombank đã tiến hành các thủ tục và triển khai thu giữ tài sản bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật. Trong quá trình triển khai thu giữ tài sản bảo đảm, ngày 08/3/2021, ông Nguyễn Văn Minh làm Đơn đề nghị Techcombank cho gia đình ông thanh toán nợ gốc và 150 triệu đồng nợ lãi. Để đảm bảo, gia đình ông Minh đã nộp trước vào tài khoản số tiền là 250 triệu đồng.

Trên cơ sở xem xét đến điều kiện, hoàn cảnh của gia đình khách hàng, để hỗ trợ khách hàng trong lúc khó khăn, Techcombank đã chấp thuận miễn giảm cho Khách hàng 65% tổng số tiền lãi (tạm tính đến ngày 17/05/2021 là 943. 388.169  đồng), cùng toàn bộ các loại phí, chi phí phát sinh. Với phương án này, Techcombank đồng ý cho Ông Nguyễn Văn Minh và Bà Đỗ Thị Bằng nộp số tiền 1,2 tỉ đồng để tất toán khoản vay và giải chấp tài sản bảo đảm. Như vậy, con số 1,2 tỉ đồng là sau khi Techcombank đã hỗ trợ miễn giảm 65% tổng số tiền lãi và các loại phí, chi phí cho Khách hàng.

Tuy nhiên, gia đình ông Nguyễn Văn Minh và Bà Đỗ Thị Bằng không thực hiện phương án trả nợ đã được phê duyệt. Vì vậy, Techcombank đã tiến hành các thủ tục và triển khai thu giữ tài sản bảo đảm nêu trên để xử lý, thu hồi nợ theo đúng quy định của pháp luật. Cán bộ ngân hàng đã cung cấp đầy đủ hồ sơ pháp lý chứng minh quyền thu giữ, quản lý Tài sản đảm bảo của TCB AMC, và cung cấp hợp đồng với công ty Kỹ An, giấy điều động của công ty Kỹ An và giấy tờ tùy thân của toàn bộ lực lượng Bảo vệ Kỹ An đi cùng khi có yêu cầu với CA xã Chàng Sơn.

Ngân hàng đòi nợ thế nào để không phạm luật ?

Trao đổi với Phóng viên Pháp lý, luật sư Nguyễn Mạnh Thuật (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định pháp luật thì hoạt động cho vay là một hoạt động dân sự. Mối quan hệ này diễn ra rất phổ biến trong đời sống xã hội. Việc cho vay chắc chắn sẽ phát sinh nghĩa vụ trả nợ và quyền đòi nợ của bên cho vay. Khi hết hạn vay thì người vay phải có nghĩa vụ trả nợ.

Nếu trong trường hợp đến hạn trả nợ, nhưng vì một lý do nào đó mà khách nợ không trả được nợ, thì đó là hành vi vi phạm quy định của hợp đồng. Thực hiện quyền đòi nợ trên cơ sở nhắc nợ, thỏa thuận phương án trả nợ, khởi kiện…

Theo quy định pháp luật thì hoạt động cho vay tài sản là một hoạt động dân sự. Mối quan hệ này diễn ra rất phổ biến trong đời sống xã hội. Việc cho vay chắc chắn sẽ phát sinh nghĩa vụ trả nợ và quyền được đòi nợ của bên cho vay.

Khi đến thời hạn thì người vay phải có nghĩa vụ trả nợ. Đây không chỉ là vấn đề pháp luật mà còn là vấn đề đạo đức xã hội. Nếu trong trường hợp đến hạn trả nợ, nhưng vì một lý do nào đó mà khách hàng không trả được nợ, thì đó là vi phạm quy định của hợp đồng tín dụng. Lúc này sẽ phát sinh các quyền đòi nợ của bên cho vay.

Quyền đòi nợ trên cơ sở nhắc nợ, xác minh đối tượng nợ và thỏa thuận phối hợp phương án trả nợ. Ngoài ra, pháp luật cho phép bên cho vay có thể tự mình đòi nợ, hoặc ủy quyền cho bên thứ ba.

Cũng theo Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật, Điều 299 Bộ luật Dân sự 2015 quy định tài sản thế chấp có thể bị xử lý trong các trường hợp như: đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ; Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật…

Theo quy định của Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của bên bảo đảm, bên giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây: Khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại Điều 299 của Bộ luật Dân sự; Tại hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật; Giao dịch bảo đảm hoặc biện pháp bảo đảm đã được đăng ký theo quy định của pháp luật; Tài sản bảo đảm không phải là tài sản tranh chấp trong vụ án đã được thụ lý nhưng chưa được giải quyết hoặc đang được giải quyết tại Tòa án có thẩm quyền; không đang bị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; không đang bị kê biên hoặc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật…

Tuy nhiên, để có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu phải hoàn thành nghĩa vụ công khai thông tin theo quy định: Đăng tải thông tin trên trang thông tin điện tử của mình; Gửi văn bản thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan Công an nơi có tài sản bảo đảm; Niêm yết văn bản thông báo tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi bên bảo đảm đăng ký địa chỉ theo hợp đồng bảo đảm và trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có tài sản bảo đảm; Thông báo cho bên bảo đảm bằng văn bản theo đường bưu điện có bảo đảm đến địa chỉ của bên bảo đảm theo hợp đồng bảo đảm hoặc gửi trực tiếp cho bên bảo đảm…

Theo đó, Bên cho vay có thể tự mình đòi nợ hoặc ủy quyền cho luật sư/tổ chức dịch vụ pháp lý đại diện giải quyết tranh chấp nợ… không được thuê dịch vụ đòi nợ do dịch vụ này đã bị cấm đầu tư kinh doanh theo Luật đầu tư 2020.

“Khi thực hiện hoạt động đòi nợ, pháp luật nghiêm cấm việc đòi nợ theo kiểu đe doạ, sử dụng "xã hội đen", xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp của người đi vay hoặc người liên quan hay gia đình họ” – Luật sư Thuật cho hay.

Bùi Lộc - Đinh Chiến

Bạn đang đọc bài viết "Ngân hàng đòi nợ thế nào để không phạm luật ?" tại chuyên mục Pháp lý và Kinh doanh. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin