(Pháp lý) - Theo giới chuyên môn nhận định, một trong những chiến lược trốn thuế phổ biến mà những “gã khổng lồ” sử dụng dựa trên cái gọi là “Chuyển giá” (Transfer Pricing). Cụ thể, đây là những giao dịch trên giấy tờ giữa những công ty con nhằm chuyển giao số thu nhập đến những quốc gia có mức thuế thấp, trong khi phí tổn lại rơi vào những quốc gia có mức áp thuế cao hơn. Nhờ những mánh khóe đó mà các công ty đa quốc gia đã gian lận hàng tỷ USD tiền thuế.
Loạt “ông lớn” phải hầu tòa vì những cáo buộc gian lận hàng tỉ đô la tiền thuế…
Ngày 18/2, trang mạng xã hội Facebook phải hầu tòa trong một vụ kiện bạc tỷ với cơ quan thuế vụ Mỹ về cáo buộc gian lận thuế. Theo truyền thông Mỹ, Cơ quan Thuế vụ liên bang Mỹ (IRS) cáo buộc Facebook đã trốn thuế khoảng 9 tỷ USD.
Người phát ngôn của Facebook, ông Bertie Thomson, cho biết: "Vụ kiện này liên quan tới các giao dịch diễn ra trong năm 2010, khi Facebook không có doanh thu quảng cáo trên thiết bị di động, hoạt động kinh doanh quốc tế còn non trẻ và các sản phẩm quảng cáo kỹ thuật số của Facebook chưa được chứng minh. Chúng tôi mong muốn trình bày trường hợp của mình tại tòa án và chấm dứt tranh chấp kéo dài nhiều năm này."
Trên thực tế, thời điểm vụ kiện trên đề cập đã cách đây gần 10 năm, trước khi Facebook trở thành một công ty giao dịch công khai và điện thoại thông minh trở thành thiết bị chính để gắn kết với phương tiện truyền thông xã hội.
IRS cho rằng Facebook đã đánh giá thấp công nghệ mà họ cấp phép cho công ty con ở Ireland, do đó đã chuyển một phần doanh thu Facebook tại Mỹ tới công ty con này hòng tránh bị đánh thuế cao.
Trước đó, hồi trung tuần tháng 9/2019, Apple cũng đã phải ra tòa để giải quyết cáo buộc hành vi trốn thuế 13 tỷ euro (khoảng 14,4 tỷ USD) do Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra vào năm 2016.
EC cho rằng doanh nghiệp Mỹ nhận nhiều lợi ích thuế “bất hợp pháp” trong 20 năm. Cả chính phủ Ireland lẫn Apple đều phản đối yêu cầu này.
Theo EC, Apple đã lợi dụng chính sách “Double Irish” (Hai người Ireland) để “lách luật” hưởng lợi từ thuế bất hợp pháp khi chỉ trả một khoản thuế doanh nghiệp rất nhỏ so với lợi nhuận khổng lồ thu được. Cơ chế Double Irish là chính sách thuế thân thiện với doanh nghiệp nước ngoài đã được Ireland áp dụng hơn hai thập kỷ qua, theo đó chính phủ nước này chỉ đánh thuế các công ty được thành lập và đặt trụ sở tại Ireland.
Apple khẳng định mọi thứ đều hợp pháp và Chính phủ Ireland cũng đứng về phía Apple. Công ty đã kháng cáo quyết định của EC. Mỹ cũng chỉ trích yêu cầu của Ủy ban châu Âu, cho rằng Apple chỉ phải tuân theo luật thuế của Mỹ.
Luật sư của Apple, Daniel Beard khẳng định yêu cầu của EC “đi ngược lại với thực tế”, đồng thời nhấn mạnh “kết luận của EC là sai lầm”. Ông Beard lập luận rằng trên thực tế iPhone, iPad, App Store và các sản phẩm và dịch vụ khác cũng như quyền sở hữu trí tuệ của Apple đều được phát triển tại Mỹ, không phải ở Ireland. Các hoạt động của hai chi nhánh tại Ireland không liên quan đến việc sáng tạo, phát triển hoặc quản lý các quyền này, và đơn giản là không tạo ra hầu hết lợi nhuận của Apple bên ngoài nước Mỹ.
Với việc trả mức thuế trung bình toàn cầu 26%, Apple cho biết mình là công ty trả thuế nhiều nhất thế giới và đang nộp khoảng 20 tỷ USD vào quỹ thuế của Mỹ từ những lợi nhuận mà EC cho là phải trả cho Ireland.
Ireland vốn không phải là quốc gia nghiêm khắc trong việc kiểm soát doanh nghiệp. Theo một báo cáo của Nghị viện châu Âu, quốc gia này có nhiều đặc điểm của một thiên đường thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều doanh nghiệp lập kế hoạch thuế tích cực (aggressive tax planning).
Nhiều doanh nghiệp, kể cả các đại gia công nghệ như Apple, Facebook và Google đều đặt trụ sở châu Âu tại đây.
… Đến những nghi án “chuyển giá” trốn thuế của nhiều “ ông lớn” nước ngoài có trụ sở tại Việt Nam
Cuối năm 2019, công ty TNHH nước giải khát Coca-Cola, đã bị cơ quan thuế của Việt Nam truy thu và phạt hơn 821,4 tỷ đồng (hơn 35 triệu USD) sau đợt thanh tra dài với giai đoạn 9 năm (2007-2015) với nhiều sắc thuế khác nhau, trước những nghi vấn chuyển giá, trốn thuế trong nhiều năm khi báo lỗ lớn trong khi liên tục mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Đại diện phía Coca-Cola Việt Nam nhận định, Coca-Cola Việt Nam đã mắc phải những sai sót nhỏ mới dẫn đến việc bị truy thu thuế trên và công ty sẽ hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ được yêu cầu.
Đây là lần đầu tiên Coca-Cola Việt Nam bị truy thu thuế. Kể từ khi bước chân vào Việt Nam từ năm 1995 cho đến nay, Coca-Cola liên tục báo lỗ. Trong hơn 25 năm hoạt động của mình, doanh nghiệp này báo lỗ tới hơn 20 năm liên tục.
Việc doanh nghiệp báo lỗ tương ứng với việc không phải đóng các khoản thuế thu nhập doanh nghiệp. Điều này đã khiến Công ty Coca-Cola Việt Nam từng bị Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh xếp vào vị trí số 1 trong danh sách doanh nghiệp nghi vấn có dấu hiệu chuyển giá do liên tục kê khai lỗ trong nhiều năm.
Ngoài Coca-Cola, Heineken cũng bị cơ quan thuế của Việt Nam truy thu và phạt hơn 917,2 tỷ đồng (gần 40 triệu USD) liên quan đến hoạt động chuyển nhượng vốn của Công ty Heineken.
Theo thông tin từ cơ quan thuế, cuối năm 2018, Công ty Heineken Asia Pacific Pte. Ltd (trụ sở tại Singapore) có ký hợp đồng chuyển nhượng vốn 100% cổ phần tại Công ty TNHH nhà máy bia Heineken Việt Nam – Hà Nội cho Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam. Giá trị giao dịch này lên đến hơn 4.800 tỷ đồng.
Phía Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam đã nộp tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp (nộp thay) từ giá trị chuyển nhượng nói trên là hơn 823 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty Heineken Asia Pacific Pte. Ltd đã có văn bản gửi Cục thuế TP.Hà Nội đề xuất được miễn, giảm số thuế này theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa 02 Chính phủ Việt Nam - Singapore.
Theo Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần giữa 2 Chính phủ Việt Nam và Singapore, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp khác được quyền chọn nộp thuế ở Việt Nam hoặc Singapore. Thông thường, doanh nghiệp hay chọn nộp thuế ở nước có mức thuế phải nộp thấp hơn.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Vụ Thanh tra Thuế, quy định tại Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam - Singapore và Luật Dân sự nêu rất rõ trường hợp giá trị bất động sản trên tổng tài sản chuyển nhượng cao hơn 50% thì nghĩa vụ thuế đối với hoạt động chuyển nhượng nói trên phải thực hiện kê khai và nộp thuế ở nước sở tại (tức là tại Việt Nam).
Qua thanh tra, vụ thanh tra (Tổng cục thuế) kết luận, giá trị bất động sản trên tổng tài sản chiếm hơn 50%. Do đó, Heineken phải có nghĩa vụ nộp số thuế trên tại Việt Nam.
Các mánh khóe giúp những “ông lớn” gian lận thuế hàng tỷ USD
Theo giới chuyên môn nhận định, một trong những chiến lược trốn thuế phổ biến mà những gã khổng lồ sử dụng dựa trên cái gọi là “Chuyển giá” (Transfer Pricing). Cụ thể, đây là những giao dịch trên giấy tờ giữa những công ty con nhằm chuyển giao số thu nhập đến những quốc gia có mức thuế thấp, trong khi phí tổn lại rơi vào những quốc gia có mức áp thuế cao hơn.
Điển hình như Facebook, Cơ quan Thuế vụ liên bang Mỹ cho rằng Facebook đã hạ thấp giá trị tài sản trí tuệ mà họ đã bán cho một công ty con của Facebook tại Ireland. Ireland có mức thuế doanh nghiệp thấp hơn Mỹ, do đó, việc này giúp làm giảm hóa đơn thuế của công ty.
Theo thỏa thuận, các công ty con của Facebook trả tiền bản quyền cho công ty mẹ ở Mỹ để sử dụng nhãn hiệu, người dùng và công nghệ nền tảng của công ty. Hồ sơ tòa án cho biết từ năm 2010 đến 2016, Facebook Ireland đã trả cho Facebook Mỹ hơn 14 tỷ USD tiền bản quyền và các khoản thanh toán chia sẻ chi phí.
Chiến lược sử dụng 2 công ty với một thỏa thuận nhượng quyền như thế được gọi là “Double Dutch”, “Double Irish”, hoặc “Dutch Sandwich”, hoàn toàn hợp pháp và rất phổ biến trong các công ty như Starbucks, Google, Facebook, Apple, Microsoft, Ikea và Amazon suốt nhiều năm qua.
Trước đó, trong vụ rò rủ hồ sơ mật Paradise (thiên đường thuế) hồi cuối năm 2017, một thông tin đáng chú ý đã được tiết lộ: những tên tuổi mạng xã hội hàng đầu như Twitter, Facebook, hay các tập đoàn đa quốc gia như Nike, Apple, Uber đã lợi dụng phương pháp tương tự để tránh phải đóng thuế.
Mặc cho nỗ lực của chính quyền nhiều quốc gia, hiện nay ước tính có khoảng trên 2 nghìn tỷ USD lợi nhuận của các tập đoàn đa quốc gia như Silicon, Microsoft hay Apple được cất giấu ở nước ngoài.
Cơ quan Thuế vụ liên bang Mỹ cho rằng Facebook đã hạ thấp giá trị tài sản trí tuệ mà họ đã bán cho một công ty con của Facebook tại Ireland. Ireland có mức thuế doanh nghiệp thấp hơn Mỹ, do đó, việc này giúp làm giảm hóa đơn thuế của công ty.
Chiến lược sử dụng 2 công ty với một thỏa thuận nhượng quyền như thế được gọi là “Double Dutch”, “Double Irish”, hoặc “Dutch Sandwich”, hoàn toàn hợp pháp và rất phổ biến trong các công ty như Starbucks, Google, Facebook, Apple, Microsoft, Ikea và Amazon suốt nhiều năm qua.
Đinh Chiến (tổng hợp)