Một số hạn chế, bất cập cần quan tâm
Trong bối cảnh cách mạng 4.0 đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ngày càng giữ vị trí, vai trò hết sức quan trọng. Đặc biệt phải kể đến vai trò của việc tích hợp thông tin cá nhân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Thực hiện Đề án 06 “phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, đến nay nhiều giấy tờ như giấy phép lái xe, sổ hộ khẩu, thẻ bảo hiểm y tế, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn, thẻ bảo hiểm xã hội đã được tích hợp vào thẻ căn cước và có thể được sử dụng qua ứng dụng VNeID.
Có thể nói tích hợp thông tin cá nhân vào cơ sở dữ liệu quốc gia là bước quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần vào việc xây dựng một hệ thống hành chính công hiệu quả, giảm thiểu sự cồng kềnh và phức tạp trong quản lý dữ liệu, đồng thời nâng cao sự hài lòng của người dân với các dịch vụ công.
Tuy nhiên sự phát triển của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đang gặp phải một số thách thức. Dù đã có những nỗ lực đáng kể trong việc xây dựng và triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, việc tích hợp thông tin cá nhân vào hệ thống vẫn còn một số bất cập. Các vấn đề nổi cộm bao gồm sự phân tán của các nguồn dữ liệu, thiếu đồng bộ giữa các cơ quan quản lý và những vấn đề liên quan đến bảo mật và quyền riêng tư. Trong đó đáng chú ý là:
+ Về quy trình lưu trữ và bảo mật thông tin cá nhân, theo quy định tại Điều 39 Luật Căn cước năm 2023 và Điều 4 Nghị định 70/2024/NĐ-CP, sau khi tích hợp vào CSDLQG về dân cư, bước tiếp theo sau khi hoàn tất việc kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa CSDLQG về dân cư với các CSDL khác, việc lưu trữ và bảo mật thông tin cá nhân được thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho thông tin cá nhân đã được thu thập.
Thực tế triển khai quy trình này vẫn đối mặt những hạn chế nhất định. Trước hết, khả năng đồng bộ hóa và quản lý dữ liệu trên quy mô lớn vẫn là một thách thức, đặc biệt trong bối cảnh khối lượng thông tin ngày càng gia tăng. Các lỗ hổng bảo mật nội bộ, như việc phân quyền truy cập không rõ ràng, dễ dẫn đến nguy cơ rò rỉ hoặc lạm dụng dữ liệu. Bên cạnh đó, rủi ro mất mát dữ liệu từ sự cố kỹ thuật hoặc các cuộc tấn công mạng ngày càng tinh vi khiến hệ thống phải liên tục nâng cấp, tạo áp lực lớn về tài chính và công nghệ. Việc thiếu nhân lực chuyên môn cao trong lĩnh vực bảo mật dữ liệu cũng là một trở ngại lớn, ảnh hưởng đến hiệu quả của quy trình lưu trữ và vận hành.
+ Về quy trình cập nhật thông tin cá nhân, thông tin về dân cư được thu thập và cập nhật thường xuyên sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của công tác quản lý dân cư, xác minh về nhân thân của công dân hay đảm bảo an ninh xã hội. Quy trình cập nhật thông tin cá nhân bao gồm những điểm lưu ý như sau:
Thứ nhất, về quyền yêu cầu cập nhật thông tin, công dân Việt Nam, người gốc Việt Nam và người đại diện hợp pháp có quyền yêu cầu cập nhật hoặc điều chỉnh thông tin cá nhân, bảo đảm thông tin chính xác và kịp thời. Hiện nay, với sự trợ giúp của ứng dụng VNeID, người dân có thể dễ dàng sửa đổi thông tin mà không cần trực tiếp ra các cơ quan quản lý. Tuy nhiên mỗi người chỉ được thay đổi 1 lần để đảm bảo tính trung thực, chính xác. Như vậy, tuy quy trình cập nhật đã được tinh gọn nhưng người dân vẫn có nguy cơ bị lọt thông tin bởi cả quá trình đều diễn ra trực tuyến. Ngoài ra một số người dân vẫn chưa tiếp cận được với công nghệ hiện đại dẫn đến khó khăn trong quá trình thay đổi, thậm chí họ bỏ qua quyền được yêu cầu cập nhật thông tin của mình.
Thứ hai, cơ quan quản lý căn cước có trách nhiệm bảo đảm rằng mọi thông tin được thu thập đầy đủ, chính xác và được nhập liệu một cách kịp thời . Quá trình này không chỉ đòi hỏi các bước thu thập và chuẩn hóa dữ liệu mà còn bao gồm việc phối hợp, kiểm tra đối chiếu thông tin với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác nhằm đảm bảo tính thống nhất. Với cơ sở hạ tầng như hiện nay, việc nhập liệu thông tin vẫn phải trải qua nhiều bước phức tạp và chưa kịp thời, gây ra một số bất cập cho người dân.
Thứ ba, để hỗ trợ công dân và các cơ quan liên quan, cơ quan quản lý căn cước có trách nhiệm niêm yết công khai các thủ tục hành chính và hướng dẫn cụ thể cách thức cập nhật, điều chỉnh thông tin (khoản 4 Điều 11 Luật Căn cước 2024). Bên cạnh đó, cơ quan quản lý căn cước cũng phải bảo đảm bảo mật thông tin cá nhân, ngăn chặn các hành vi truy cập, sử dụng trái phép trong suốt quá trình quản lý và vận hành hệ thống. Bảo vệ thông tin cá nhân vẫn luôn là vấn đề được quan tâm, nhưng hiện nay vẫn chưa có một hành lang pháp lý đầy đủ và rõ ràng để điều chỉnh vấn đề này, vì vậy quá trình cập nhật thông tin cũng không tránh khỏi việc để thông tin bị lộ , xâm nhập.
Thứ tư, trong các trường hợp đặc biệt, khi có sự không thống nhất giữa thông tin trong CSDLQG về dân cư và các CSDL chuyên ngành, cơ quan quản lý căn cước phải phối hợp với các cơ quan liên quan hoặc cá nhân đó để kiểm tra và điều chỉnh nhằm bảo đảm sự chính xác, nhất quán của thông tin cá nhân trong tất cả các cơ sở dữ liệu, qua đó giúp hạn chế rủi ro phát sinh trong các giao dịch hành chính và pháp lý.
Cơ chế giám sát cho quá trình cập nhật thông tin chưa được đề cập chi tiết trong các văn bản pháp luật. Bên cạnh đó, các chế tài cụ thể về vấn đề này cũng chưa rõ ràng dẫn đến việc kiểm tra, điều chỉnh của các cơ quan quản lý đem lại hiệu quả chưa cao. Quá trình nhập liệu vẫn xảy ra những thiếu sót, đặc biệt trong giai đoạn chuyển đổi số từ hồ sơ giấy sang dữ liệu điện tử.
Cần các quy định chi tiết hơn về tích hợp thông tin
Quy trình tích hợp thông tin hiện nay đang được quy định rải rác trong nhiều luật, cụ thể là Luật Căn cước 2024. Tuy nhiên chưa có một điều nào quy định cụ thể về các quy trình cơ bản của việc tích hợp hay các quy chuẩn riêng. Ở từng quy trình lại phải xem xét ở những luật khác nhau.
Ví dụ đối với quy trình bảo mật, cần xem các quy định trong Luật An ninh mạng 2018, những hướng dẫn này vẫn chưa đủ chi tiết để áp dụng cho việc tích hợp thông tin trên quy mô lớn. Vì vậy nên xây dựng các quy định chi tiết và thống nhất bằng cách ban hành thêm các văn bản dưới luật. Những văn bản này sẽ hướng dẫn chi tiết về quy trình chuẩn hóa, tích hợp và đồng bộ dữ liệu giữa các cơ quan quản lý Nhà nước.
Không chỉ vậy, cần các quy định cụ thể về trách nhiệm của từng bên trong việc kiểm tra, xác minh và cập nhật dữ liệu để đảm bảo tính chính xác và an toàn. Quy trình tích hợp thông tin này vô cùng mới mẻ nên cần các quy chuẩn rõ ràng đặc biệt là các quy chuẩn kỹ thuật bắt buộc đối với phần mềm và hệ thống để đảm bảo khả năng tương thích và bảo mật dữ liệu. Đối với người dân, cần có thêm các quy định để hướng dẫn về quyền và nghĩa vụ khi cung cấp thông tin cá nhân, quy trình yêu cầu chỉnh sửa hoặc bổ sung thông tin sai sót, cũng như bảo đảm quyền được thông báo về việc dữ liệu của họ được sử dụng như thế nào và vào mục đích gì. Đặc biệt cần bổ sung các chế tài xử phạt vi phạm dành riêng cho quy trình tích hợp thông tin nhằm đảm bảo tính răn đe và sự thực thi đúng, đầy đủ của cán bộ cũng như người dân.
Thứ hai, cần có những biện pháp cải thiện đối cơ sở hạ tầng, nên ưu tiên đầu tư nâng cấp hệ thống kỹ thuật với các thiết bị lưu trữ hiện đại, hệ thống quản trị cơ sở dữ liệu tiên tiến và xây dựng trung tâm dữ liệu dự phòng tại nhiều khu vực để tăng cường tính ổn định, giảm rủi ro mất mát, lộ lọt thông tin.
Đồng thời, cần đồng bộ hóa các tiêu chuẩn kỹ thuật giữa các cơ quan quản lý, thiết lập một bộ tiêu chuẩn chung của quốc gia về công nghệ thông tin nhằm đảm bảo khả năng kết nối và chia sẻ dữ liệu một cách hiệu quả. Ngoài ra, việc tăng cường năng lực đội ngũ chuyên môn thông qua các chương trình đào tạo chuyên sâu về quản lý dữ liệu lớn, an ninh mạng và vận hành hệ thống là rất cần thiết, kết hợp với cơ chế giám sát định kỳ để phát hiện và khắc phục kịp thời các lỗ hổng kỹ thuật. Cuối cùng, tăng cường hợp tác với các đối tác công nghệ trong và ngoài nước sẽ giúp tận dụng các giải pháp tiên tiến, đảm bảo tính bền vững và an toàn lâu dài cho hệ thống. Các biện pháp này không chỉ giải quyết những hạn chế hiện tại mà còn đặt nền tảng vững chắc cho việc vận hành hiệu quả của hệ thống CSDL quốc gia về dân cư.
Thứ ba, cần nâng cao năng lực và chuyên môn cho cán bộ trong việc tích hợp thông tin cá nhân. Trước hết, đối với cán bộ trực tiếp tham gia tích hợp, nên có thêm các chương trình đào tạo chuyên sâu về công nghệ thông tin và bảo mật thông tin cho cán bộ quản lý. Bên cạnh chuyên môn sẵn có, các cán bộ phải đảm bảo luôn cập nhật, nắm bắt các xu hướng công nghệ và biện pháp bảo mật mới nhất bởi công nghệ luôn phát triển từng ngày, các tội phạm về an ninh mạng ngày càng tinh vi hơn.
Đối với các cán bộ tham gia giải quyết các thủ tục hành chính cần đặc biệt chú trọng tập huấn về quy trình tiếp nhận, xác minh và xử lý yêu cầu cập nhật thông tin cá nhân của người dân sau khi thông tin đó đã được tích hợp. Tất cả các cán bộ ở mọi địa phương vùng miền nên được đào tạo kỹ năng ứng dụng công nghệ và quy trình nghiệp vụ giống nhau để tạo sự thống nhất, công bằng cho người dân khi giải quyết thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, cần khuyến khích việc học tập và trao đổi kinh nghiệm quốc tế cho các cán bộ.
Thứ tư, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và vận động để các cơ quan, tổ chức và người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng và cấp bách của việc xây dựng CSDLQG về dân cư. Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền để từ đó phổ biến rộng rãi việc tích hợp thông tin đến các tầng lớp nhân dân, nâng cao nhận thức của người dân cũng như của chính các cán bộ. Khi đó, quá trình tích hợp thông tin cá nhân trong CSDLQG sẽ ngày càng hoàn thiện, góp phần tăng hiệu quả trong quản lý nhà nước và đảm bảo an sinh xã hội cho quần chúng Nhân dân.
Minh Nghĩa, Kim Ngân, Mỹ Hà
(Sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội)