Các quốc gia có thu nhập trung bình đang tìm cách đạt đến mức thu nhập cao thường lấy cảm hứng từ mô hình đổi mới sáng tạo của Mỹ. Hiện nay, Mỹ dẫn đầu thế giới về số lượng bằng sáng chế tính trên đầu người cũng như tầm ảnh hưởng của những bằng sáng chế này. Trong Báo cáo phát triển thế giới mới nhất, ba bài học từ mô hình đổi mới sáng tạo của Mỹ đã được nhấn mạnh, có thể hữu ích cho các quốc gia có thu nhập trung bình.
Hãy suy nghĩ lớn
Đổi mới sáng tạo ngày nay không còn phụ thuộc vào những cá nhân làm việc trong gara mà được dẫn dắt bởi các công ty lớn và có uy tín. Câu chuyện truyền thống về đổi mới sáng tạo của Mỹ, từng được mô tả qua khái niệm “phá hủy sáng tạo” của Joseph Schumpeter, đã đề cao vai trò của các công ty nhỏ và nhà phát minh cá nhân trong thúc đẩy tiến bộ công nghệ. Hình ảnh người doanh nhân đơn độc trong gara với một ý tưởng cách mạng là biểu tượng của thời kỳ này.
Tuy nhiên, mô hình này đang dần lỗi thời. Hiện nay, các công ty lớn với quy mô, nguồn lực và khả năng thu hút nhân tài đã trở thành lực lượng chi phối trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo. Họ nắm vai trò chủ yếu trong việc nộp đơn xin bằng sáng chế, phản ánh sự phức tạp ngày càng tăng của công nghệ hiện đại, vốn đòi hỏi đầu tư lớn và chuyên môn cao mà các nhà phát minh cá nhân thường thiếu.
Sự thay đổi này mang lại cả lợi ích lẫn thách thức. Các công ty lớn có khả năng đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển, thúc đẩy đổi mới nhanh chóng và mở rộng quy mô ứng dụng công nghệ. Tuy nhiên, sự tập trung quyền lực ở các công ty lớn cũng có thể cản trở cạnh tranh, gây khó khăn cho những doanh nghiệp mới gia nhập và làm chậm quá trình đổi mới toàn diện.
Thu hút và phát triển nhân tài - bất kể họ ở đâu
Mỹ đã đạt được tiến bộ lớn trong việc phát triển và khen thưởng kỹ năng cho mọi tầng lớp lao động. Khoảng một phần ba mức tăng trưởng kinh tế của Mỹ từ năm 1960 đến 2010 được cho là nhờ giảm sự phân biệt chủng tộc và giới tính trong giáo dục và thị trường lao động. Ngoài ra, các ngành công nghệ tại Mỹ, từ năm 1880 đến 1940 đã được thúc đẩy mạnh mẽ bởi các nhà phát minh là người nhập cư và xu hướng này tiếp tục diễn ra cho đến thế kỷ 21.
Đối với các quốc gia thu nhập trung bình, việc mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục và kỹ năng nền tảng là điều thiết yếu. Họ cần đào tạo nhiều sinh viên tốt nghiệp trung học hơn và xây dựng nguồn nhân tài sâu rộng hơn. Đồng thời, cần tạo điều kiện tốt hơn để phát huy tài năng của phụ nữ và những người từ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Tuy nhiên, việc đầu tư vào kỹ năng nâng cao thường đòi hỏi chi phí lớn. Người lao động có kỹ năng cao tại các quốc gia thu nhập trung bình thường di cư để tìm kiếm cơ hội lớn hơn ở Tây Âu hoặc Bắc Mỹ. Dẫu vậy, sự di cư này có thể mang lại cơ hội nếu người lao động duy trì mối liên hệ với quê hương. Các quốc gia thu nhập trung bình có thể khai thác tri thức và kinh nghiệm của cộng đồng kiều bào để hỗ trợ phát triển trong nước.
Xây dựng thị trường để truyền bá đổi mới sáng tạo
Thị trường thứ cấp cho đổi mới sáng tạo, như việc bán lại hoặc cấp phép bằng sáng chế đóng vai trò không kém phần quan trọng so với hoạt động đổi mới. Tại Mỹ, từ năm 1870 đến 1910, các nhà phát minh đã tận dụng dịch vụ của hơn 500 đại lý bằng sáng chế chuyên biệt để thực hiện các giao dịch liên quan đến bằng sáng chế.
Ngược lại, tại các quốc gia có thu nhập trung bình, thị trường này vẫn còn kém phát triển. Báo cáo Phát triển thế giới chỉ ra rằng, dưới 10% công ty ở các quốc gia như Ai Cập, Ấn Độ và Tunisia sử dụng công nghệ được cấp phép. Ngay cả ở các nền kinh tế giàu có hơn như Croatia và Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ khoảng 20% doanh nghiệp tham gia cấp phép công nghệ.
Để thúc đẩy truyền bá đổi mới sáng tạo, cần có chính sách khuyến khích cạnh tranh, bảo vệ sở hữu trí tuệ và tạo điều kiện tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp sáng tạo. Điều này bao gồm đơn giản hóa quy định, xây dựng văn hóa minh bạch và trách nhiệm giải trình, đồng thời đảm bảo sân chơi bình đẳng cho mọi doanh nghiệp.
Các quốc gia có thu nhập trung bình ngày nay phải đối mặt với những thách thức lớn hơn nhiều so với Mỹ trong quá khứ, chẳng hạn như già hóa dân số, nợ công cao và biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, với những bài học từ mô hình đổi mới sáng tạo của Mỹ và việc điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh địa phương vẫn nằm trong tầm tay của họ.
Theo doanhnghiephoinhap.vn