(Pháp lý) - Vừa qua, dư luận cả nước lại “nóng” lên trước thông tin Cục CSĐT Tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) - Bộ Công an khởi tố thêm 4 bị can (trước đó hồi tháng 04/2020 đã khởi tố 3 bị can) liên quan đến việc chuyển nhượng đất và vốn góp xảy ra tại Tổng công ty Sản xuất – XNK tỉnh Bình Dương (còn gọi là Công ty 3-2). Cùng với vụ sai phạm trước đó xảy ra tại các doanh nghiệp trực thuộc Thành ủy TP.HCM có liên quan ông Tất Thành Cang, vụ án xảy ra tại Bình Dương đã gióng hồi chuông cảnh báo về kiểm soát “quyền lực mềm” …
1. Trước đó ngày 8/4/2020, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương khởi tố bị can và bị bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Nguyễn Văn Minh – nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty 3-2; ông Trần Nguyên Vũ – nguyên Tổng Giám đốc Công ty 3-2 và ông Huỳnh Thanh Hải, thành viên HĐQT, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương.
Tất cả 7 bị can đều bị khởi tố về tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” - theo quy định tại Điều 219 Bộ luật hình sự 2015 và sửa đổi năm 2017. Trong đó, ông Lý Thanh Châu - Phó Tổng giám đốc được xác định có hành vi thống nhất ký vào biên bản họp Hội đồng thành viên ngày 30/11/2016 và ngày 12/4/2017, giúp ông Nguyễn Văn Minh - Chủ tịch HĐQT và đồng phạm hoàn tất thủ tục chuyển nhượng khu đất 43ha cho Công ty TNHH xây dựng Tân Phú, góp vốn bằng quyền sử dụng đất 145ha vào Công ty CP Đầu tư và phát triển Tân Thành trái quy định pháp luật.
Việc chuyển nhượng 43ha đất do Công ty 3-2 thực hiện được xác định là không đúng quy định về thẩm định giá, đấu giá tài sản theo quy định tại Điều 27, Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp. Theo Cơ quan điều tra, các bên tự thỏa thuận giá chuyển nhượng 43ha hơn 250 tỉ đồng, thấp hơn bảng giá đất quy định của UBND tỉnh Bình Dương thời điểm năm 2016 khoảng hơn 376 tỉ đồng, làm thiệt hại tài sản nhà nước hơn 126,8 tỉ đồng…
Tuy nhiên nhìn từ kết quả điều tra của Công an tỉnh Bình Dương cho thấy, việc khởi tố 7 bị can trên chỉ mới sờ tới “phần ngọn”. Công ty CP Đầu tư phát triển Kim Oanh TP.HCM được sở hữu 43ha đất “vàng” tại phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) là kết quả của một quá trình diễn ra và kéo dài hơn 10 năm. Trong suốt quá trình đó, ở mỗi giai đoạn đều xuất hiện sự can thiệp của Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương “quá sâu” vào nội bộ doanh nghiệp.
Trước đó khu đất “vàng” 43ha được giao cho Tổng Công ty 3-2 (còn 60% vốn nhà nước), trực thuộc Tỉnh ủy Bình Dương quản lý, để sử dụng vào mục đích xây dựng Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương. Thế nhưng vào ngày 17/8/2010, Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương bất ngờ có Văn bản số 1830 – CV/TU đồng ý chủ trương cho phép Tổng Công ty 3-2 liên doanh góp vốn 30% với Công ty BĐS Âu Lạc để “đầu tư và kinh doanh dự án tại Khu B có diện tích 43ha”, thuộc khu đất dịch vụ. Từ “hợp hôn” này đã khai sinh ra Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tân Phú.
Tiếp đó, năm 2016, thực hiện cổ phần hóa, Công ty 3-2 xin Tỉnh ủy Bình Dương cho phép điều chỉnh phương án không chuyển giao khu đất trên cho Công ty TNHH MTV Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương mà cho giữ lại khu đất 43ha để thực hiện theo cam kết liên doanh với Công ty Tân Phú, diễn ra hơn 6 năm trước.
Ngày 29/8/2016, Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương phát hành Công văn số 477- CV/TU: “Đồng ý không chuyển giao khu đất 43 ha cho Công ty TNHH MTV Đầu tư và Quản lý Dự án Bình Dương, để Tổng Công ty 3-2 tiếp tục thực hiện chủ trương tại Công văn số 1830 – CV/TU ngày 17/8/2010 của Thường trực Tỉnh ủy”. Dựa vào văn bản này, cuối năm 2016, Tổng Công ty 3-2 hoàn thành việc chuyển nhượng 43ha đất cho liên doanh Tân Phú.
Sau khi được Sở TNMT tỉnh Bình Dương cấp 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (BK 075229 và số BK 075230 vào ngày 01/03/2017) đối với khu đất 43ha, Công ty Tân Phú (do Công ty CP Cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim Oanh TP Hồ Chí Minh làm chủ) đã làm thủ tục thế chấp tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông - Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh bảo lãnh cho Công ty CP Đầu tư xây dựng Công nghiệp Nam Kim, vay 350 tỷ đồng. Việc đăng ký thế chấp này chưa được đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai theo quy định tại Điều 188 Luật Đất đai năm 2013.
Tuy nhiên đến ngày 10/10/2018, Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương bất ngờ ban hành Thông báo số 512 thu hồi chủ trương đã cho Tổng Công ty 3-2 chuyển nhượng 30% vốn góp tại Tân Phú. Lý do được Tỉnh ủy Bình Dương giải thích: “Qua những lần lãnh đạo Tổng Công ty 3-2 báo cáo trực tiếp Thường trực Tỉnh ủy và trong Công văn số 101 ngày 10/10/2018 của Công ty về việc xin điều chỉnh chi tiết phương án sử dụng đất có thể hiện việc góp vốn bằng QSDĐ mà không phải góp vốn bằng tiền”.
Như vậy “con đường” để Công ty Kim Oanh sở hữu 43ha đất tại vị trí đắc địa ở TP. Thủ Dầu Một không khác gì phi vụ Công ty TNHH MTV Đầu tư & xây dựng Tân Thuận (có 100% vốn Thành ủy TP.HCM) giúp Công ty Quốc Cường (Gia Lai) lấy được khu dân cư Phước Kiển rộng 32,4ha, có giá thấp hơn thị trường 2.400 tỷ đồng; hay vụ thất thoát tài sản nhà nước 153 tỷ đồng xảy ra tại Sadecco do chênh lệch giá trị cổ phiếu. Sự giống nhau trong các vụ việc trên còn là tài sản của nhà nước bị “bốc hơi” có sự can thiệp bằng văn bản của những cán bộ nhân danh “Thường trực Thành ủy”, “Thường trực Tỉnh ủy”.
2. Trong vụ án xảy ra tại Công ty TNHH MTV Đầu tư & xây dựng Tân Thuận , kết luận của CQĐT cho thấy, ông Tất Thành Cang đã lạm dụng danh nghĩa Thường trực Thành ủy TP.HCM để phát hành 2 văn bản. Việc làm của ông Cang, Thường trực Thành ủy hoàn toàn không biết. Không những qua mặt tổ chức Đảng mà ông Cang còn chỉ định hợp tác, chuyển nhượng không qua đấu thầu, với giá bán thấp hơn giá thị trường và giá do Hội đồng thẩm định giá thành phố thẩm định.
Mặc dù xộ khám có muộn màng so với mong đợi của dư luận nhưng “lưới trời lồng lọng”, ông Cang cũng đã bị khởi tố bắt giam với tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” (theo quy định tại Điều 219 Bộ luật hình sự 2015). Sắp tới đây, ông Cang sẽ phải hầu tòa để trả giá đắt cho hành vi lạm quyền của mình.
Trong khi đó liên quan đến vụ chuyển nhượng 43 ha đất vàng tại Bình Dương gây thất thoát tài sản Nhà nước với số tiền hơn 126 tỷ đồng, đến thời điểm này mới chỉ 07 cán bộ thuộc các DN sai phạm đã bị khởi tố. Nhìn từ quá trình diễn biến vụ việc cho thấy, động thái “sửa sai” ngày 10/10/2018 của Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương không thể chối bỏ trách nhiệm liên can đối với những người đã từng ký văn bản chỉ đạo ?
Thứ nhất, văn bản thu hồi chủ trương của Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương được ban hành vào ngày 10/10/2018, trong khi đó Tổng Công ty 3-2 đã hoàn thành thủ tục công chứng chuyển nhượng quyền sử dụng 43ha đất cho liên doanh Tân Phú được gần 2 năm; và Sở TN&MT tỉnh Bình Dương đã cấp đổi 2 Giấy chứng nhận QSDĐ cho liên doanh Tân Phú vào ngày 01/03/2017 (tức sau hơn 01 năm). Điều đó có nghĩa giao dịch chuyển QSDĐ, giao dịch chuyển nhượng vốn góp đều đã hoàn tất thủ tục pháp lý. Do đó văn bản thu hồi chủ trương của Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương chỉ có giá trị về mặt thủ tục, không làm thay đổi được bản chất vụ việc.
Thứ hai, hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý sử dụng tài sản công của các bị can nguyên là lãnh đạo Tổng Công ty 3-2 là quá rõ. Tuy nhiên cần phải thấy rằng đây là một DN trực thuộc Tỉnh ủy Bình Dương nên không thể nói là không phải chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Thường trực Tỉnh ủy.
Rõ ràng, nếu ngay từ đầu, kiến nghị liên doanh góp vốn 30% với Công ty BĐS Âu Lạc Bình Dương không được Thường trực Tỉnh ủy đồng ý về mặt chủ trương (tại Văn bản số 1830 – CV/TU ngày 17/8/2010) thì Tổng Công ty 3-2 sẽ không có “cơ hội” vi phạm pháp luật. Cũng như vậy, nếu Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương không có Công văn số 477 ngày 29/8/2016 đồng ý giữ lại khu đất 43ha để thực hiện với liên doanh Tân Phú như đã cam kết; thì những người đứng đầu Công ty 3-2 không thể và không dám “vượt rào” pháp luật (bỏ qua thẩm định giá và đấu giá tài sản) tự thỏa thuận và hoàn tất thủ tục chuyển nhượng 43ha đất vàng về tay tư nhân với giá thấp hơn giá nhà nước (chứ không phải giá thị trường) tới 126,8 tỷ đồng.
Mặt khác, tại Thông báo ban hành ngày 24/8/2018 của Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương đã cho biết: “Quá trình chuyển nhượng 43ha đất và 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú là phù hợp với quy định pháp luật, tình hình thực tế và có tình, có lý”. Như vậy, có thể nói việc Tổng Công ty 3-2 góp vốn bằng quyền sử dụng đất cũng như chuyển nhượng đất dự án đều được thông qua Tỉnh ủy Bình Dương (chính xác là Thường trực Tỉnh ủy) nên không thể nói là Tỉnh ủy Bình Dương không biết và không có liên can trách nhiệm.
3. Hiện vụ án đang được C03 Bộ Công an điều tra mở rộng trong bối cảnh công cuộc PCTN của Đảng và Nhà nước không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Dư luận và nhân dân cả nước đang dõi theo và mong mỏi những “con cá lớn” núp bóng dưới danh nghĩa Thường trực Tỉnh ủy phải chịu trách nhiệm pháp lý.
Từ vụ án có liên quan đến ông Tất Thành Cang, đến vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Tổng Công ty 3-2 (có liên quan đến Tỉnh ủy Bình Dương) , và một số vụ án khác,… đã làm phát lộ khoảng trống pháp lý về kiểm soát “quyền lực mềm” trong quản lý sử dụng tài sản công. Xuất phát từ động cơ vụ lợi, một số cán bộ lãnh đạo chủ chốt đã lạm dụng vai trò của tổ chức Đảng can thiệp “quá sâu” vào nội bộ DN, can thiệp trực tiếp việc phê duyệt dự án, công trình, chỉ định thầu hay đấu thầu tài sản công làm cho hoạt động của DN bị lệch pha và hậu quả là gây thất thoát tài sản công.
Thời gian qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành nhiều quy định nhằm để khống chế và kiểm soát quyền lực của cán bộ, đảng viên như Quy định số 47 – QĐ/TW về 19 điều cấm đảng viên không được làm; Quy định số 30-QĐ/TW về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng; Quy định số 102 - QĐ/TW về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm; đặc biệt là Quy định số 08 - QĐi/TW về nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH TW… Tuy nhiên trên thực tế, vẫn có những cán bộ không biết sợ, vẫn lạm dụng quyền lực được giao , cố ý làm trái để trục lợi.
Việc xử lý nghiêm minh đến nơi đến chốn để răn đe các đối tượng “nhúng chàm” như thời gian qua Bộ Chính trị đã làm quyết liệt là cần thiết, nhưng tới đây cần có những giải pháp thật căn cơ để giải quyết được tận gốc, triệt tiêu cội nguồn của tội phạm tham nhũng. Chúng tôi muốn nhắc đến những quy định của Đảng, tới đây cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi bổ sung để làm vô hiệu hóa “quyền lực mềm” của những cán bộ, đảng viên có chức có quyền.
Tuy nhiên pháp luật dù có hoàn thiện và nghiêm minh đến đâu cũng không ngăn chặn được lòng tham trổi dậy của con người. Lòng tham khiến người ta rất dễ dùng quyền lực để thu vén cho cá nhân và sẵn sàng móc ngoặc, thỏa hiệp với những kẻ xấu để vụ lợi. Vì vậy, mấu chốt sâu xa của vấn đề vẫn nằm ở chỗ cần phải có cơ chế phù hợp để chọn lựa được một đội ngũ công bộc thực sự có đức, có tài, đức làm trọng và đặt lên hàng đầu.
VŨ LÊ MINH