Trường THCS Nguyễn Quý Đức (Nam Từ Liêm – Hà Nội): Tăng cường tuyên truyền giáo dục pháp luật cho học sinh

Thời gian qua, bằng cách thức tuyên truyền sinh động, dễ hiểu, Trường THCS Nguyễn Quý Đức đã phối hợp với các ngành chức năng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các em học sinh. Qua đó, góp phần giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh; phòng ngừa, ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào học đường.

Theo cô giáo Đỗ Thị Xuân - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Quý Đức, để thực hiện tốt công tác an ninh trật tự, an toàn trong trường học và để đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân viên của nhà trường tham gia có hiệu quả việc phòng, chống bạo lực học đường; phòng, chống ma túy, chấp hành Luật Giao thông đường bộ, ngay từ đầu mỗi năm học, nhà trường đã chủ động quy chế phối hợp giữa trường với cơ quan chức năng trong các hoạt động của đơn vị. Hoạt động phối hợp này được thể hiện trong nhiều nội dung, vừa mang tính chất thường xuyên, vừa mang tính chất chuyên đề, nhằm ngăn chặn bạo lực học đường, ngăn chặn tệ nạn xã hội xâm nhập vào nhà trường, đảm bảo an ninh trường học. Bên cạnh việc đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo”...để phát triển toàn diện học sinh, nhà trường luôn gắn giáo dục văn hóa với giáo dục nhân cách, kỹ năng sống. Mỗi giờ trên lớp, trong từng bài giảng,  học sinh nào còn chưa hiểu, chưa rõ đều được các thầy, cô giáo chỉ bảo, hướng dẫn tận tình. Đồng thời, nhà trường quan tâm tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp, tạo nhiều sân chơi bổ ích, lý thú, thu hút sự tham gia tích cực của các em học sinh. Bên cạnh đó, để quản lý tốt học sinh, nhà trường còn phối hợp thường xuyên với gia đình, ban đại diện cha mẹ học sinh của trường, của lớp nắm bắt tâm tư, khích lệ các em học sinh có thành tích học tập tốt cũng như có biện pháp giáo dục hiệu quả đối với những học sinh yếu kém.Từ những việc làm thiết thực này mà phong trào thi đua dạy và học trong nhà trường trở nên sôi nổi, theo đó chất lượng giáo dục không ngừng được nâng lên qua từng năm học.

Để hiện thực hoá Kế hoạch xây dựng môi trường làm việc và học tập với phương châm “Tình thương – Kỷ cương – Trách nhiệm – Sáng tạo – Hiệu quả”, nhà trường luôn chú trọng, nâng cao công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Nội dung, hình thức tuyên truyền từng bước đổi mới theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu, sinh động và phù hợp với tâm lý, nhận thức của các em học sinh. Trong các buổi chào cờ đầu tuần hay các hoạt động giáo dục ngoại khóa, giáo dục ngoài giờ lên lớp, nhà trường tổ chức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật với các hình thức, như: Thi tìm hiểu pháp luật, sinh hoạt theo chủ đề pháp luật, sân khấu hóa với các tiểu phẩm, trò chơi... Trường THCS Nguyễn Quý Đức cũng phát động học sinh tham gia các cuộc thi, hội thi tìm hiểu pháp luật, lồng ghép nội dung phổ biến giáo dục pháp luật vào hoạt động văn hóa, văn nghệ… Trong buổi ngoại khóa, các thầy cô, báo cáo viên pháp luật còn tổ chức hỏi-đáp các câu hỏi dễ nhớ, dễ hiểu, thực tế, gần gũi với đời sống, phù hợp tâm lý lứa tuổi; tổ chức các trò chơi "học mà chơi, chơi mà học" giúp cho các em học sinh yêu thích và hào hứng tham gia. Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền pháp luật đến học sinh, nhà trường kết hợp giáo dục chính khóa với các hoạt động ngoại khóa, lồng ghép giáo dục pháp luật với các cuộc vận động, các phong trào thi đua của ngành giáo dục và các hoạt động của nhà trường; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, internet và mạng xã hội, kết hợp giữa tuyên truyền trực tiếp và trực tuyến… nhằm nâng cao hiệu quả của công tác giáo dục pháp luật trong trường học.

Trước thực trang nguy cơ mất an toàn giao thông đang là vấn đề nhức nhối của xã hội, trong đó không ít nạn nhân là trẻ em, học sinh, ngay từ đầu năm học 2022-2023, ngành giáo dục quận Nam Từ Liêm, trường THCS Nguyễn Quý Đức đã triển khai mô hình "Cổng trường an toàn giao thông" và mô hình "Ðội tuyên truyền an toàn giao thông" trong các lớp học, "Hỗ trợ học sinh tham gia an toàn giao thông"… Từ mô hình, nhà trường đã đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục Luật Giao thông đường bộ, văn hóa giao thông cho học sinh. Đáng chú ý, nhận thấy thời gian gần đây, trên các nền tảng mạng xã hội liên tục xuất hiện những hình ảnh về kênh YouTube tên “Skibidi Toilet”, phổ biến với nhãn dán “For Kids” (dành cho trẻ em) nhưng nội dung và hình ảnh đều độc hại, bạo lực; ngày 03/10/2023, nhà trường đã đưa ra một số cảnh báo để bảo vệ học sinh khỏi những nguy cơ tiềm ẩn từ các video độc hại, bạo lực trên YouTube, Bên cạnh đó, nhà trường cũng lưu ý các phụ huynh cần quan tâm một số điều sau: Theo dõi, kiểm soát các nội dung mà con xem trên YouTube; giới hạn thời gian sử dụng YouTube của con; hướng dẫn con phân biệt nội dung phù hợp với lứa tuổi; trò chuyện, chia sẻ với con về những nguy cơ tiềm ẩn từ các video độc hại, bạo lực; cha mẹ cần ý thức được rằng, YouTube không phải là một môi trường an toàn tuyệt đối cho trẻ em; hãy luôn theo dõi, kiểm soát các nội dung mà trẻ em xem trên YouTube để bảo vệ con em mình khỏi những nguy cơ tiềm ẩn. Nếu cha mẹ phát hiện thấy trẻ em xem các video độc hại, bạo lực trên YouTube, hãy kịp thời ngăn chặn và giải thích cho trẻ em hiểu về những nguy cơ tiềm ẩn của những nội dung này.

1-1697173490.png

Hình ảnh độc hại, có nội dung xấu xuất hiện trên “Skibidi Toilet”, phổ biến với nhãn dán “For Kids” được nhà trường đưa ra cảnh báo

Nhà trường tiếp tục thực hiện hiệu quả nội dung thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, xây dựng “Trường học an toàn về an ninh, trật tự” gắn với cuộc vận động, phong trào thi đua do ngành Giáo dục phát động; từng bước đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Đội Thiếu niên tiền phong. Bên cạnh đó, tăng cường nắm, ngăn chặn kịp thời việc các đối tượng ngoài xã hội có biểu hiện gây rối, uy hiếp tinh thần, sức khỏe của các em học sinh hoặc dụ dỗ, lôi kéo các em thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Đăng Bao

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin