(Pháp lý) - Một yêu cầu đặt ra là tránh “hành chính hóa” khi quản lý các Hội nhưng cần có sự phân loại để không cào bằng hoặc làm hạn chế hiệu quả hoạt động của những Hội được thành lập do nhu cầu của Đảng và Nhà nước.
Giảm gánh nặng cho ngân sách
Hiện nay có 28 Hội có tính chất “đặc thù” với biên chế, hỗ trợ về kinh phí hoạt động, phương tiện và cơ sở vật chất. Cụ thể, ở TW có 28 Hội được giao 679 biên chế. Ở địa phương, đến 31/3/2013 có 62 tỉnh, thành xác định được 8.966 Hội hoạt động trong phạm vi địa phương cũng là Hội có tính chất “đặc thù”. Như vậy, số lượng Hội quần chúng có tính chất “đặc thù” là rất lớn, kéo theo đó là kinh phí và biên chế lên đến 6.771 người cho Hội có tính chất “đặc thù” này.
Theo tính toán của Bộ Nội vụ, với số lượng Hội có tính chất đặc thù nêu trên, mà mỗi Hội cấp tỉnh được giao 3 biên chế, cấp huyện 2 biên chế, cấp xã 1 định suất lương thì biên chế lên cho các Hội này bằng 11.542 người.
Mặt khác, các Hội sẽ có xu hướng tiếp tục đề nghị công nhận được là Hội có tính chất “đặc thù” để được hưởng các hỗ trợ trên trong hoạt động. Điều này tạo ra sự so bì, thiếu bình đẳng, không phù hợp với nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Hội là tự chủ, tự nguyện, tự trang trải và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Đó là xu hướng phát triển không phù hợp, cần phải được điều chỉnh. Theo báo cáo của Ủy ban Pháp luật, dự thảo Luật về Hội trình Quốc hội khoá XIII đã quy định “đối với các hội thành lập do nhu cầu của Đảng và Nhà nước, được ngân sách nhà nước (NSNN) bảo đảm kinh phí hoạt động”. Về vấn đề này, có hai loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất, tán thành quy định của dự thảo Luật. Loại ý kiến thứ hai, đề nghị thực hiện theo đúng quy định của Luật NSNN (năm 2015), nhằm bảo đảm sự bình đẳng giữa các hội, tránh cơ chế xin cho. Theo Luật NSNN, “kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp được thực hiện theo nguyên tắc tự bảo đảm; NSNN chỉ hỗ trợ cho các nhiệm vụ Nhà nước giao theo quy định của Chính phủ”.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cũng nêu quan điểm, việc xây dựng Luật về Hội phải phù hợp với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời bảo đảm thực hiện quyền lập hội của công dân, không hành chính hóa tổ chức và hoạt động của Hội, phát huy vai trò của hội phù hợp với lịch sử, văn hóa và điều kiện phát triển, hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay. Các quy định của Luật về Hội phải gắn với việc cải cách hành chính, đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, ít văn bản hướng dẫn, loại bỏ dần cơ chế xin cho.
Ủng hộ phương án dần xóa bỏ việc bao cấp ngân sách đối với các tổ chức đoàn thể, tuy nhiên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh Đỗ Thị Lan cho rằng, khi dự án Luật đưa ra trình Quốc hội cho ý kiến, cần có sự giải thích rõ ràng việc hỗ trợ kinh phí, NSNN đối với các tổ chức đặc thù, tránh gây sự so sánh giữa các hội.
Kết luận số 102-KL/TW ngày 22/9/2014 của Bộ Chính trị về hội quần chúng đã xác định “Đối với các hội đã được giao biên chế, kinh phí hoạt động giữ ổn định đến hết năm 2016; từ năm 2017 đến năm 2020 từng bước thực hiện khoán kinh phí hoạt động cho hội theo lộ trình phù hợp. Các hội còn lại hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự trang trải kinh phí hoạt động, Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động gắn với nhiệm vụ được giao”.
Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng chỉ rõ “Giữ ổn định biên chế của các tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp đến hết năm 2016. Từ năm 2017, thực hiện khoán hoặc hỗ trợ kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao”.
Vai trò đặc thù của các Hội có Đảng đoàn
Trong thời gian qua, với điều kiện về kinh tế - xã hội và chính trị của nước ta hiện nay thì một số hội có vai trò khá đặc biệt đã được Nhà nước cấp kinh phí hoạt động, cấp biên chế. Kết luận số 102-KL/TW ngày 22/9/2014 của Bộ Chính trị về hội quần chúng và Nghị quyết số 56/NQ-CP ngày 05/8/2015 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7/2015 cũng đã khẳng định quan điểm của Đảng và Nhà nước đối với các hội đặc thù này. Do đó, dự án Luật thể hiện lại theo hướng: Về nguyên tắc các hội tự nguyện, tự quản, tự trang trải kinh phí, còn một số hội được cấp kinh phí, hỗ trợ kinh phí là trường hợp ngoại lệ (chỉ nên áp dụng đối với các hội đã được thành lập), trừ các hội có Đảng đoàn được tiếp tục cấp kinh phí, các hội đặc thù khác thực hiện khoán kinh phí theo lộ trình; Nhà nước hỗ trợ kinh phí gắn với nhiệm vụ được giao (nếu có). Các hội còn lại khi được Nhà nước giao nhiệm vụ sẽ được giao kinh phí cho việc thực hiện nhiệm vụ đó.
Đơn cử như Hội Luật gia Việt Nam là Hội có Đảng đoàn, một tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp lớn nhất hoạt động trong lĩnh vực pháp luật ở Việt Nam. Được thành lập từ năm 1955, đến nay, hệ thống tổ chức của Hội đã được phát triển rộng khắp trên cả nước, với 63 Hội Luật gia cấp tỉnh, 52 Hội Luật gia các bộ, ngành, tổ chức ở trung ương, hội viên của Hội là 44.300 người.
Bên cạnh nhiệm vụ tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn giải quyết khiếu nại và hòa giải cơ sở là một trong những hoạt động cơ bản, thường xuyên của Hội Luật gia Việt Nam được các cấp Hội từ Trung ương đến cơ sở quan tâm, đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả tích cực. 5 năm qua, các trung tâm tư vấn pháp luật của Hội như: Trung tâm tư vấn pháp luật cho người nghèo và phát triển cộng đồng; Trung tâm tư vấn pháp luật và chính sách y tế HIV/AIDS; Trung tâm tư vấn pháp luật tái hòa nhập cộng đồng đã tổ chức tư vấn pháp luật cho hơn 370 ngàn vụ việc và trợ giúp pháp lý cho hơn 275 ngàn vụ việc. Đối tượng được tư vấn pháp luật chủ yếu là người dân, hộ gia đình, đối tượng xã hội, nhóm người yếu thế, người nghèo, người dân tộc thiểu số. Các hình thức tư vấn được tổ chức đa dạng, phong phú như: tư vấn trực tiếp, qua điện thoại, qua các phương tiện thông tin đại chúng, tư vấn lưu động, tư vấn tại cộng đồng; truyền thông và trợ giúp pháp lý.
Đồng chí Trương Tấn Sang khi còn làm Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương trong buổi làm làm việc ngày 14/8/2015 với Đảng đoàn, Ban Thường vụ Hội Luật gia Việt Nam để nắm tình hình, giải quyết khó khăn, thúc đẩy vai trò, vị trí của đội ngũ Luật gia Việt Nam trong tiến trình cải cách tư pháp đã ghi nhận những đóng góp to lớn của Hội Luật gia Việt Nam. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: “Vai trò của Hội Luật gia Việt Nam trong việc giám sát và tham gia phản biện chính sách xã hội là rất quan trọng. Thời gian qua Hội Luật gia Việt Nam đã tích cực tham gia công tác xây dựng chính sách, pháp luật, trực tiếp chủ trì, hoặc tham gia đóng góp nhiều dự thảo luật có chất lượng, công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn giải quyết khiếu nại tố cáo và hòa giải ở cơ sở khá hiệu quả”.
Đặc biệt, đồng chí Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Với kinh nghiệm và trình độ pháp lý, hội viên luật gia có khả năng góp phần cùng các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nâng cao hơn nữa vai trò giám sát, phản biện chính sách xã hội, một trong lĩnh vực quan trọng nhưng chưa hiệu quả thời gian qua. Về công tác đối ngoại, Hội Luật gia Việt Nam cần phải nâng cao hơn trình độ cho đội ngũ luật gia, tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế để có thể tham gia vào các định chế, các tổ chức quốc tế, có như vậy mới có thể bảo vệ quyền lợi ích chính đáng của quốc gia, của tổ chức và cá nhân Việt Nam, đồng thời nâng cao vai trò vị trí của luật gia Việt Nam.
Với chức năng, nhiệm vụ và vai trò đặc thù đó, Hội Luật gia Việt Nam nói riêng, các Hội có Đảng đoàn nói chung tới đây cần phải có chế độ đặc thù, với nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước để bảo đảm hiệu quả hoạt động.
Tránh hành chính hóa, giảm chi phí từ ngân sách nhà nước nhưng không cào bằng, đầu tư đúng đối tượng, không tràn lan là đòi hỏi hết sức cấp thiết đặt ra đối với Luật về Hội. Giải quyết hài hòa yêu cầu này sẽ giúp các Hội tại Việt Nam phát triển đúng hướng mà đỡ gánh nặng chu cấp từ phía Nhà nước.
Thái Đăng