Trách nhiệm của VNG trong việc Báo Mới, Zing và hàng loạt trang web không thể truy cập

Khi VNG không đảm bảo hệ thống máy chủ (trừ trường hợp bất khả kháng), gây thiệt hại đến các sản phẩm, đơn vị trực thuộc thì VNG có thể phải bồi thường thiệt hại.

Liên quan đến sự cố trang tin tổng hợp Báo Mới và hàng loạt tờ báo lớn như Zing, Thanh Niên, Tiền Phong, Pháp luật TP.HCM, VOV, An Ninh Thủ Đô... bất ngờ bị sự cố, không thể truy cập.

Cùng với đó, toàn bộ hệ thống kinh doanh trực tuyến của công ty Cổ phần VinaGame (VNG) như Zalo, các loại game... cũng bị vô hiệu hóa, không truy cập được.

Đến chiều nay, đại diện tập đoàn VNG cho biết hệ thống của đơn vị này gặp sự cố về điện trong thời điểm ngắt điện tại Công viên phần mềm Quang Trung. Và đây là lý do chính gây ảnh hưởng đến các sản phẩm và dịch vụ của VNG.

 VNG là một công ty công nghệ lớn có doanh thu năm 2017 là hơn 4.268 tỷ đồng
VNG là một công ty công nghệ lớn có doanh thu năm 2017 là hơn 4.268 tỷ đồng)

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này nhận định: "Về mặt lý thuyết, sự cố với datacenter diễn ra trong vòng 1 phút là bình thường, 5 phút là sự cố lớn, 15 phút là không thể nào chấp nhận được".

Sự cố xảy ra vào khoảng 10h50 sáng 23/9, đến thời điểm 3h chiều ngày 23/9, việc truy cập vào Zalo, Zing MP3 cùng các báo điện tử Thanh Niên, Zing News,... vẫn chưa thể trở lại như bình thường.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đinh Trần Nhật Minh (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng: Sự cố này đã gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến các sản phẩm và dịch vụ của VNG.

Để giải đáp câu hỏi của bạn đọc, liệu các sản phẩm và dịch vụ của VNG có được bồi thường thiệt hại trong sự cố này hay không? Luật sư Minh cho rằng cần phải xem trong hợp đồng giữa tập đoàn VNG với các sản phẩm, dịch vụ, đơn vị trực thuộc có quy định điều khoản về bồi thường hay không. Từ đó đối chiếu quy định trong hợp đồng mà các bên đã ký để giải quyết vấn đề bồi thường.

"Nếu như hai bên ký kết hợp đồng thì trong hợp đồng chắc chắn sẽ có điều khoản thỏa thuận về việc VNG đảm bảo hệ thống máy chủ hoạt động liên tục và VNG sẽ phải có những biện pháp kỹ thuật để đảm bảo việc hệ thống máy chủ hoạt động liên tục đó. Khi VNG không đảm bảo được việc này thì VNG đã để xảy ra lỗi và phải có trách nhiệm bồi thường", luật sư Minh nói.

Luật sư Minh nói thêm, trong chế định thương mại gồm 2 phần là lỗi và bồi thường thiệt hại.

 Luật sư Đinh Trần Nhật Minh (Đoàn luật sư TP.Hà Nội)
Luật sư Đinh Trần Nhật Minh (Đoàn luật sư TP.Hà Nội))

Cụ thể, tại Điều 301, luật Thương mại 2005 quy định về mức phạt vi phạm như sau: "Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 của Luật này".

Khi chứng minh được VNG có lỗi là không đảm bảo hệ thống máy chủ, gây thiệt hại đến các sản phẩm, đơn vị trực thuộc thì các sản phẩm, đơn vị trực thuộc phải chứng minh được thiệt hại của mình để yêu cầu bồi thường theo nguyên tắc trong chế định luật dân sự, cụ thể, thiệt hại đến đâu bồi thường đến đó.

"Tuy nhiên, trừ trường hợp bất khả kháng quy định trong Bộ luật Dân sự hay quy định trong hợp đồng giữa VNG với các sản phẩm, dịch vụ của VNG thì VNG không phải bồi thường thiệt hại", luật sư Minh nói thêm.

Theo Người Đưa Tin

Nguồn bài viết: http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/trach-nhiem-cua-vng-trong-viec-bao-moi-zing-va-hang-loat-trang-web-khong-the-truy-cap-a245113.html

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin