Tội phạm rửa tiền diễn biến phức tạp…

(Pháp lý) - Chỉ tính riêng tháng 11 vừa qua, nhiều nước liên tiếp phanh phui tội phạm rửa tiền với số lượng lớn. Đáng chú ý là thông tin một Giáo sư người Mỹ chuyên nghiên cứu về tham nhũng và tội phạm có tổ chức bị bắt vì rửa tiền.

Tiếp đến là tin cơ quan luật pháp Brazil đã kiến nghị bắt tạm giam đối với cựu Tổng thống Paraguay Horacio Cartes để điều tra về cáo buộc rửa tiền, cũng như đưa cựu chính trị gia này vào danh sách truy nã đỏ của Interpol trong khuôn khổ chiến dịch chống tham nhũng lớn kéo dài trong những năm qua mang tên Lava Jato tại quốc gia Nam Mỹ này.

Cùng với đó là tin Ngân hàng Westpac bị cáo buộc về tội danh vi phạm Luật chống rửa tiền và tài trợ khủng bố của Australia, đây được coi là vụ vi phạm tồi tệ chưa từng có trong lịch sử Australia, theo tin từ Bloomberg.

Diễn biến phức tạp: Không chỉ Ngân hàng, cả Chính trị gia và Giáo sư cũng phạm tội

Theo Bloomberg, một Giáo sư ở Miami (Mỹ) - chuyên gia nghiên cứu về hoạt động buôn ma tuý và tội phạm có tổ chức, bị cáo buộc tội rửa 2,5 triệu USD từ Venezuela. Cụ thể, hôm 18/11, các công tố viên ở Manhattan đã buộc tội Giáo sư Bagley rửa tiền khoảng 2,5 triệu USD từ Venezuela, đây là số tiền mà các công dân nước ngoài tham nhũng và nhận được từ hối lộ và biển thủ công quỹ. Theo các công tố viên, vị Giáo sư này đã "bỏ túi" 10% khoản tiền trên.

Giáo sư Bruce Bagley trước khi bị bắt. Ảnh: AP.
Giáo sư Bruce Bagley trước khi bị bắt. Ảnh: AP.)

Bruce Bagley, 73 tuổi, là một Giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Miami, đồng biên tập của cuốn sách xuất bản năm 2015 có tựa "Drug Trafficking, Organized Crime, and Violence in the Americas Today" (Tạm dịch: Buôn bán ma tuý, Tội phạm có tổ chức và bạo lực ở châu Mỹ hiện nay). Ông còn viết bài cho nhiều Tạp chí về đề tài này. Giáo sư này từng là cố vấn về chống rửa tiền cho FBI, Bộ Ngoại giao Mỹ, Cơ quan Chống Ma túy (DEA) và nhiều cơ quan liên bang khác.

Theo các công tố viên Mỹ, Bagley đã mở một tài khoản ngân hàng cho một công ty mà ông sở hữu, thực hiện 14 khoản thanh toán từ tháng 11/2017 đến tháng 10/2018. Các khoản thanh toán đến từ Thuỵ Sĩ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Các tài khoản ở nước ngoài được một "công ty thực phẩm" nắm giữ và một công ty quản lý tài sản khác do một người Colombia điều hành. Công ty của ông có tên Bagley Consultants, được thành lập năm 2005, hiện không còn tồn tại ở Florida.

Các công tố viên cáo buộc Bagely rút 90% các khoản thanh toán dưới dạng séc của nhân viên thu ngân cho một người tài khoản giấu tên và chuyển phần còn lại cho tài khoản của mình. Dù sau khi tài khoản ngân hàng này bị đóng do hoạt động chuyển tiền đáng ngờ vào năm 2018, Bagley mở thêm một tài khoản khác vào tháng 12 và ông nhận tiền vào 2 đợt riêng, theo các công tố viên. Bagley bị buộc tội với 2 tội danh là rửa tiền và âm mưu thực hiện hành vi rửa tiền, có thể đối mặt với án phạt 20 năm tù.
Ở một quốc gia khác, ngày 19/11, cơ quan luật pháp Brazil đã kiến nghị bắt tạm giam đối với cựu Tổng thống Paraguay Horacio Cartes để điều tra về cáo buộc rửa tiền, cũng như đưa cựu chính trị gia này vào danh sách truy nã đỏ của Interpol trong khuôn khổ chiến dịch chống tham nhũng lớn kéo dài trong những năm qua mang tên Lava Jato tại quốc gia Nam Mỹ này.

Quyết định trên do Thẩm phán bang Rio de Janeiro, ông Marcelo Bretas đưa ra nhằm truy tố tổ chức tội phạm liên quan tới doanh nhân Dario Messer, người bị bắt giữ hồi giữa năm nay và được cho là đứng đầu một mạng lưới rửa tiền hoạt động tại Brazil, Uruay và Paraguay.

Cựu Tổng thống Paraguay Horacio Cartes
Cựu Tổng thống Paraguay Horacio Cartes)

Theo kết quả điều tra, cựu Tổng thống Cartes, người nắm quyền điều hành đất nước Paraguay từ năm 2013 đến 2018, đã giúp đỡ Messer khi đối tượng này đang lẩn trốn sự truy bắt của cơ quan chức năng Brazil bằng một giao dịch khoảng 500.000 USD để sử dụng vào các "chi phí pháp lý" thông qua một người bạn chung.

Theo thông tin của cảnh sát liên bang Brazil, trong quá trình điều tra vụ án cơ quan chức năng đã xác định được khoảng 20 triệu USD bí mật, hơn 17 triệu được gửi tại một ngân hàng ở Bahamas và một số lượng lớn được chia cho các doanh nhân, chính trị gia và những kẻ đầu cơ đổi tiền ở Paraguay.

Hiện tòa án Brazil đã phát 17 lệnh tạm giữ và 3 lệnh tạm giam đối với các nhân vật liên quan đến vụ án tại Brazil, Paraguay và Mỹ.

Ngân hàng là nơi “gác cửa” quan trọng và thực hiện nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền. Tuy nhiên thời gian qua, một số ngân hàng đã bị cáo buộc vi phạm những phi vụ rửa tiền gây chấn động. Mới đây nhất, một Ngân hàng hàng đầu Australia bị cáo buộc vi phạm Luật chống rửa tiền, tài trợ khủng bố 23 triệu lần. Đây được coi là vụ vi phạm tồi tệ chưa từng có trong lịch sử Australia.

image003

Tính chung, ngân hàng Westpac bị cáo buộc đã vi phạm luật rửa tiền có hệ thống hơn 23 triệu lần, không báo cáo được một số lệnh chuyển tiền với tổng số tiền khoảng 7,5 tỷ USD, theo số liệu của Cơ quan Điều tra Australia.

Quy mô của vụ việc này như vậy cao hơn rất nhiều lần so với vụ việc trước đây không báo cáo 53 nghìn giao dịch dẫn đến án phạt kỷ lục 700 triệu đôla Australia và Giám đốc điều hành Ian Narev mất chức.

Các vụ vi phạm diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng 11/2013 đến tháng 6/2019, mỗi tội danh của ngân hàng phải chịu án phạt tối đa 21 triệu đôla Australia.

Liên quan đến tội phạm rửa tiền, không thể không nhắc đến một bê bối rửa tiền từng gây rúng động của ngân hàng lớn nhất Đan Mạch, theo đó ngân hàng này đã chủ động đưa vàng để giúp khách hàng che đậy khối tài sản khổng lồ .

Bloomberg cho biết, khi vụ bê bối rửa tiền của Danske Bank lên đến đỉnh điểm, nhà cho vay này bắt đầu gợi ý cho những khách hàng giàu có nắm giữ vàng, để giúp họ che đậy khối tài sản của mình.

Hơn 1 năm nay, Danske Bank đã chịu sự điều tra gắt gao của các cơ quan lập pháp khắp châu Âu và Mỹ. Chi nhánh ở Estonia bị cáo buộc là đã nhận những khoản tiền có nguồn gốc "mập mờ" từ Nga, với tổng giá trị lên đến 220 tỷ USD trong khoảng năm 2007 đến 2015. Sau đó, họ chuyển tiền lòng vòng để che giấu nguồn gốc. Chi nhánh này hoạt động riêng lẻ và không chịu giám sát như những nơi khác của Danske Bank.

Sự vụ xảy ra, sẽ khiến Danske Bank phải đối mặt với các khoản tiền phạt lên đến hàng tỉ đô la.

Chế tài luật pháp chưa theo kịp…?

Quốc hội Đan Mạch từ năm 2017 đã thắt chặt Luật chống rửa tiền sau vụ Hồ sơ Panama. Những người phạm tội tài chính giờ đây sẽ phải đối mặt với án tù dài hơn, nâng mức phạt tiền đối với tội danh rửa tiền lên 8 lần.

Mỹ là quốc gia có hệ thống luật pháp về phòng, chống rửa tiền toàn diện và nghiêm khắc nhất trên thế giới. Rất nhiều ngân hàng lớn của châu Âu đang hoạt động tại Mỹ đã phải nhận những án phạt nặng do không tuân thủ quy định pháp luật của quốc gia này. Chỉ riêng năm 2012, hai ngân hàng của Anh là HSBC và Standard Chartered Plc đã bị cơ quan chức năng kiểm tra. Trong đó, HSBC đã chuẩn bị sẵn 700 triệu USD để chi trả cho án phạt của Thượng viện Mỹ, còn Standard Chartered Plc đã chấp thuận nộp phạt 340 triệu USD cho cơ quan giám sát ngành ngân hàng bang New York.

Năm 2013, Hệ thống thanh toán điện tử chuyển tiền tại Mỹ, Liberty Reserve, đã phải đóng cửa ngay lập tức sau cáo buộc rửa tiền với giá trị lên tới 6 tỷ USD. Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố Liberty Reserve là tổ chức rửa tiền, theo đó ngân hàng quốc tế nào giao dịch với Liberty Reserve cũng có thể bị cấm giao dịch với các ngân hàng Mỹ.

Tại Mỹ, Luật Bí mật ngân hàng (BSA) năm 1970 và Luật sửa đổi, bổ sung BSA là văn bản pháp lý quan trọng trong việc tạo điều kiện điều tra tội phạm rửa tiền bằng việc yêu cầu các tổ chức tài chính phải lưu giữ những chứng từ liên quan đến giao dịch có trị giá tới 10.000 USD.

Luật pháp về phòng, chống rửa tiền tại Mỹ luôn được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với những thay đổi của tội phạm rửa tiền. Cơ quan quản lý Đan Mạch và Estonia cũng đã tăng cường các đội chống rửa tiền , nhưng xem ra tình hình vẫn chưa cải thiện nhiều, đòi hỏi những thay đổi trong luật pháp quốc gia và quốc tế để cải thiện tình hình chống tội phạm rửa tiền trong tình hình mới.

Hà Trang (tổng hợp)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin