(Pháp lý) - Từ việc tranh tụng và kết quả tranh tụng một số vụ án được dư luận quan tâm gần đây, có thể thấy rằng, muốn cải cách tư pháp một cách mạnh mẽ, góp phần xây dựng nền tư pháp trong sạch, bảo vệ công lý, xét xử nghiêm minh... thì các cơ quan tố tụng phải tạo điều kiện thực sự thông thoáng theo luật định để những người tham gia tố tụng được tham gia tranh tụng và phát huy hết quyền được nói và quyền im lặng của mình…
Người tham gia tố tụng: Được quyền nói và quyền không nói
Kết thúc phần tranh tụng đại án Oceanbank, nhiều chuyên gia luật đánh giá phiên tòa thực sự đã có một bước tiến mới trong cải cách tư pháp. Các bị cáo, các luật sư bào chữa, đại diện các nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã có điều kiện trình bày đầy đủ, dân chủ và toàn diện những quan điểm cá nhân.
Trước đó, HĐXX đã dành trọn thời gian 10 ngày (14/9 – 24/9) để những người tham gia tố tụng được tranh tụng “thoải mái” với các kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa. Đặc biệt là phần tranh luận giữa các luật sư bào chữa cho các bị cáo với đại diện VKS diễn ra khá căng thẳng, tưởng chừng như không tìm được tiếng nói chung. Hàng loạt các cơ quan báo chí có Phóng viên tham dự phiên tòa vào giai đoạn tranh tụng của đại án đã có bài đăng tải với những hàng tít cực nóng: “Tranh luận gay gắt tại phiên xử đại án Oceanbank (TTO ngày 23/9); “Luật sư tranh cãi nảy lửa” (vietnamnet.vn ngày 23/9); “Bốn cáo buộc gây tranh cãi tại đại án Oceanbank (VnExpress ngày 25/9)…
Tuy nhiên những bức xúc đã được giải tỏa ngay sau khi các KSV thực hành quyền công tố tại phiên tòa đã đối đáp thỏa đáng những câu hỏi của các luật sư đặt ra trước đó. Ngoài phần bào chữa của luật sư, bản thân các bị cáo cũng được HĐXX tạo điều kiện tự bào chữa, tự đưa ra các chứng cứ, phân tích hành vi nhằm gỡ tội cho mình. Bản thân các bị cáo trong quá trình tự bào chữa cũng nhận thấy rõ điều này và đánh giá đây là phiên tòa dân chủ, khách quan. Nói lời sau cùng trước tòa, thể hiện sự ăn năn hối cải, mong được giảm nhẹ hình phạt, bị cáo Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị OceanBank) tha thiết xin HĐXX cân nhắc khi tuyên án đảm bảo đúng bản chất sự việc xảy ra. Hành vi chi lãi ngoài của bị cáo bị truy tố tội danh: “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” có thực sự làm phát sinh thiệt hại hay không ? Đối với hành vi tham ô tài sản, bị cáo không phải chủ thể của tội danh này, nếu có vai trò đồng phạm với Nguyễn Xuân Sơn thì cũng rất mờ nhạt.
Bị cáo Thắm cũng đã dành những lời “có cánh” cảm ơn HĐXX, VKS, các cán bộ cơ quan điều tra, các cán bộ trại giam T16 trong suốt ba năm qua đã luôn tôn trọng bị cáo. Hà Văn Thắm xúc động nói: “Bị cáo luôn nhận được sự chia sẻ của cán bộ các cơ quan công tố. Đặc biệt, trong phiên tòa này, bị cáo nhận được ánh mắt chia sẻ của Hội đồng xét xử. Đôi lúc, bị cáo cảm thấy những ánh mắt chia sẻ đó đã đọng lại thành những giọt lệ”.
Trước đó hơn 3 tháng, phiên tòa xét xử hoa hậu Phương Nga can tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đại gia Cao Toàn Mỹ đã để lại dấu ấn đậm nét về tranh tụng theo tinh thần cải cách tư pháp. Sau nhiều ngày xét xử (chiều 29/6), TAND TP.HCM đã công bố quyết định cho phép hoa hậu Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung được tại ngoại.
Một vụ án được cho là tâm điểm gây xôn xao dư luận. Tâm điểm vì nhiều sự thật hé lộ thông qua phản biện của bị cáo kết hợp với sự “hỗ trợ” bào chữa đắc lực của đội ngũ luật sư có năng lực. Các diễn biến tại phiên tòa vừa thể hiện phiên xử đảm bảo tranh tụng, chứ không phải án tại hồ sơ (tức không phải hồ sơ có sao xử vậy). Lần đầu tiên “quyền im lặng” trong Bộ luật TTHS 2015 được bị cáo tận dụng và khai thác rất linh hoạt, triệt để. Khi cần lên tiếng, bị cáo đã biết chọn đúng thời điểm để “phản công”, cùng với nhiều bằng chứng được trưng ra, khiến cho bên nguyên – “đại gia” Cao Toàn Mỹ “khó đỡ”; còn cơ quan tố tụng đuối ý khi lập luận buộc tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với bị cáo.
Cơ quan tiến hành tố tụng: Lắng nghe và xem xét thấu đáo…
Nhận xét về phiên tòa xét xử vụ hoa hậu Phương Nga, dư luận và nhiều chuyên gia luật cho rằng đây là một phiên tòa kiểu mẫu vì đã diễn ra thật sự dân chủ, khách quan, công tâm. Thẩm phán, hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Đặc biệt, diễn biến phiên tòa thể hiện rất rõ nguyên tắc tranh tụng đã được ghi nhận tại khoản 5, Điều 103 của Hiến pháp 2013 và Điều 26 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Chủ tọa và HĐXX đã tôn trọng quyền tranh tụng, cho phép các luật sư tìm hỏi để làm sáng tỏ vụ việc, mà không hạn chế thời gian thẩm vấn.
HĐXX lắng nghe hết ý kiến của người bị hại, nhân chứng và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan để tìm ra sự thật và làm rõ ngay tại phiên tòa. Các vấn đề pháp lý liên quan đến tố tụng hình sự phát sinh khi các bên tranh tụng đã được Thẩm phán Vũ Thanh Lâm - Phó Chánh Tòa hình sự TAND TP.HCM, chủ tọa phiên tòa xử lý “nóng”. Điển hình là đã tạo điều kiện để bị cáo được sử dụng quyền im lặng tại tòa để bảo vệ quyền lợi của mình có hiệu quả. Lần đầu tiên tòa chấp nhận cho “nhân chứng bí ẩn” được thẩm vấn qua phòng kín, kết nối với phòng xét xử qua hệ thống âm thanh… để bảo vệ tính mạng của nhân chứng và tránh sự thông đồng lời khai.
Đặc biệt, chủ tọa phiên tòa đã có một quyết định hết sức bản lĩnh và dũng cảm đó là việc ra quyết định tuyên ngay tại phiên tòa không áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với bị cáo Phương Nga. Việc thay đổi biện pháp ngăn chặn còn thể hiện tính chất khoan hồng, nhân đạo, tiến bộ của pháp luật và đảm bảo quyền con người, các nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự... Những bằng chứng và “vùng tối” bên nguyên không thể giải thích thấu đáo, đó chính là cơ sở để HĐXX xem xét một cách công minh và đưa ra quyết định trả hồ sơ vụ án, cho các bị cáo Phương Nga, Thùy Dung tại ngoại.
Còn tại phiên toà sơ thẩm xét xử đại án Oceanbank (tháng 9/2017 vừa qua), HĐXX đã dành 10 ngày để thực hiện phần tranh tụng, các luật sư được trình bày đầy đủ quan điểm bào chữa cho thân chủ. Đại diện VKS giữ quyền công tố trước tòa không bảo lưu quan điểm truy tố theo cáo trạng “bỏ túi” mà đã có những điều chỉnh phù hợp trên cơ sở kết quả tranh tụng tại tòa, đã đề nghị theo hướng giảm nhẹ hình phạt cho một số bị cáo. Trong khi đó bản án mà HĐXX đã tuyên vào ngày 29/9 đối với nhiều bị cáo (trừ Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn) đã có sự điều chỉnh “nhẹ hơn” đáng kể so với mức đề nghị của VKS trước đó. Việc thay đổi mức đề nghị xử phạt của VKS và mức án mà HĐXX cấp sơ thẩm đã tuyên được thực hiện dựa trên cơ sở tranh luận, những quan điểm, luận cứ mà bị cáo, luật sư, người tham gia tố tụng đưa ra tại phiên tòa…
Liên quan đến hành vi chi lãi ngoài của bị cáo Hà Văn Thắm, có hay không làm thiệt hại số tiền hơn 1.500 tỷ đồng như các luật sư tranh tụng, đại diện VKS giữ quyền công tố tại phiên tòa cho biết: “Số tiền chi lãi ngoài chăm sóc khách hàng được lấy từ các tài khoản ngân hàng mà không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ, không có khả năng thu hồi, vi phạm quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN)”. Đại diện VKS cũng khẳng định toàn bộ tiền chi lãi ngoài cho Tập đoàn dầu khí quốc gia (PVN) (chiếm phần lớn trong tổng chi lãi ngoài của Oceanbank - PV) không ghi vào nguồn thu của tập đoàn, mà vào túi riêng của Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Tổng Giám đốc Oceanbank, nguyên Chủ tịch HĐTV PVN) và các mối quan hệ thân hữu của bị cáo... Đến nay theo VKS, không có căn cứ nào để xác định Nguyễn Xuân Sơn sử dụng số tiền trên vào hoạt động từ thiện, phúc lợi, quà biếu cho lãnh đạo bộ ngành với danh nghĩa chi đối ngoại. Vì vậy, giai đoạn 2 của vụ án, cơ quan điều tra sẽ làm rõ ai chiếm đoạt, chiếm đoạt như thế nào, nguồn tiền gửi hàng chục nghìn tỷ vào OceanBank có phải là nhàn rỗi không… để xử lý triệt để tội phạm.
Còn theo HĐXX, sự vi phạm của các bị cáo là cực kỳ nghiêm trọng, đã vi phạm các quy định của Bộ Tài chính và NHNN bởi lẽ toàn bộ số tiền 1.576 tỷ chi trái quy định nhà nước không thu hồi được, gián tiếp tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ, tạo các tiền lệ xấu.
Kết mở
Nhiều chuyên gia luật đánh giá, vụ án hoa hậu Phương Nga là một vụ án được xét xử theo tinh thần cải cách tư pháp mạnh mẽ. Theo đó, HĐXX rất coi trọng bằng chứng. Phiên tòa xét xử được diễn ra với nhiều kịch tính, gây cấn và bất ngờ…
Từ vụ án hoa hậu Phương Nga và đại án Oceanbank có thể thấy rằng, muốn cải cách tư pháp một cách mạnh mẽ, góp phần xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phụng sự nhân dân, thì ngoài nỗ lực tự cứu mình của các bị cáo, thì cần có sự góp sức tích cực, mạnh mẽ của giới luật sư, qua đó giúp hạn chế những oan sai.
Bài học rút ra từ 2 vụ án nói trên đó là, thực trạng án tại hồ sơ sẽ được chấm dứt chỉ khi không gian tranh tụng được bảo đảm. Hay nói cách khác, sẽ khó cải cách tư pháp thành công nếu không tạo điều kiện một cách thực sự và thông thoáng theo luật định cho giới luật sư tham gia tranh tụng và tham gia sâu trong vai trò phản biện, bảo vệ thân chủ theo đúng luật định chứ không thể cứ gây khó dễ bằng các rào cản kỹ thuật hay thủ tục…
Thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 suy cho cùng là hướng đến bảo vệ quyền con người được Hiến pháp quy định. Đó cũng là những mục tiêu cao cả mà Đảng và Nhà nước ta đang hướng đến.
Theo thống kê của TANDTC, hàng năm có khoảng 4% - 5% số vụ án được các Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung; trong đó phần lớn là thiếu các chứng cứ buộc tội, gây bất lợi cho bị can theo quyết định truy tố của VKS. Con số vụ án sau khi Tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung đã được đình chỉ điều tra; hoặc Tòa án xét xử tuyên bị cáo không phạm tội cũng đã khẳng định được nhiệm vụ bảo vệ quyền con người của bị can, bị cáo của Tòa án.
VŨ LÊ MINH