Theo đó, UBTVQH đề nghị Chính phủ có cách thức phù hợp để phản hồi ý kiến nhân dân, bảo đảm công khai, minh bạch; công bố, đăng tải toàn văn Báo cáo tổng hợp và Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến nhân dân trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và Cổng Thông tin Bộ Tài nguyên và Môi trường để người dân giám sát; các cơ quan truyền thông thông tin đầy đủ tới người dân về nội dung tiếp thu, giải trình ý kiến và nội dung chỉnh lý tại dự thảo Luật.
UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) chiều 11/5.
Bảo đảm tính khả thi và sự thống nhất với các luật khác
Về các nội dung thể chế hóa Nghị quyết số 18, tiếp tục rà soát để hoàn thiện sâu sắc hơn các quy định tại dự thảo Luật để thể chế hóa chủ trương; làm rõ các văn bản quy phạm pháp luật khác, bảo đảm đầy đủ và phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Đối với những nội dung chưa được tổng kết, chưa được đề cập trong Nghị quyết số 18, nay thực tiễn phát sinh đòi hỏi có cơ chế xử lý, nhân dân có ý kiến đề xuất cụ thể, quá trình nghiên cứu, đánh giá tác động cho thấy cơ sở hợp lý, Chính phủ nhận định cần thiết bổ sung quy định thì đề nghị Ban Cán sự đảng Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền để cho ý kiến, làm cơ sở hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội.
Nếu là những nội dung đã được tổng kết nhưng chưa đạt được sự đồng thuận, còn có ý kiến khác nhau, chưa đủ chín, đủ rõ về cơ sở lý luận và thực tiễn, không được kết luận tại Nghị quyết số 18 thì đề nghị không đưa vào dự thảo Luật.
Đối với các Luật được ban hành trước ngày Luật Đất đai có hiệu lực thi hành, UBTVQH đề nghị tiếp tục rà soát, Luật nào có quy định mâu thuẫn, xung đột thì quy định cụ thể về nội dung sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ ngay tại dự thảo Luật, bảo đảm có hiệu lực đồng bộ, bảo đảm tính khả thi;
Cân nhắc, không quy định về áp dụng pháp luật; có quy định dẫn chiếu cụ thể đối với các nội dung thực hiện theo các luật khác; tuân thủ nguyên tắc của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Rà soát, bảo đảm sự thống nhất giữa dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với các dự thảo luật đang trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến;
Trong đó, lưu ý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) (liên quan đến nhà ở, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội…), dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) (liên quan đến chuyển nhượng dự án bất động sản, mua, bán nhà ở của các chủ thể có ngành, nghề kinh doanh bất động sản…), dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) (liên quan đến đấu thầu dự án có sử dụng đất…).
Rà soát, hoàn thiện nhiều chế định quan trọng
Về các nội dung cụ thể của dự thảo Luật, đề nghị tiếp thu đầy đủ ý kiến của UBTVQH ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội, trong đó, tập trung:
Tiếp tục rà soát các trường hợp thu hồi đất, nhất là các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ Nghị quyết số 18 và tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013.
Hoàn thiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, đảm bảo chặt chẽ, phù hợp với đặc thù của từng vùng, miền, không để ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người có đất bị thu hồi.
Rà soát, hoàn thiện quy định về điều kiện giao đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần và hàng năm; đối với thuê đất trả tiền hằng năm, có cơ chế để bảo đảm cho nhà đầu tư tính toán được mức điều chỉnh giá thuê đất là cấu thành quan trọng trong chi phí đầu tư; điều tiết hợp lý, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và nhà đầu tư và lợi ích cho nền kinh tế.
UBTVQH đề nghị Chính phủ có cách thức phù hợp để phản hồi ý kiến nhân dân, bảo đảm công khai, minh bạch
Rà soát, hoàn thiện quy định về tiêu chí, trường hợp thực hiện đấu giá, đấu thầu, giao đất, cho thuê đất không đấu giá, đấu thầu, thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất, bảo đảm phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 18, đồng bộ với pháp luật về đầu tư và pháp luật khác có liên quan đến sử dụng đất.
Phân biệt rõ trường hợp Nhà nước thu hồi đất và trường hợp sử dụng đất thông qua hình thức nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư; thể chế hóa đầy đủ Nghị quyết số 18 về tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại...
Rà soát quy định về tài chính đất, giá đất, đánh giá đầy đủ tác động, nghiên cứu kỹ lưỡng, bảo đảm tính khả thi, có xét đến chi phí đất đai là chi phí đầu vào quan trọng của nền kinh tế.
Rà soát, bảo đảm sự thống nhất với quy định tại các luật có liên quan về ngân sách Nhà nước, thuế, giá, các trường hợp miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Rà soát các trường hợp miễn, giảm tiền sử dụng đất, bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các nhóm đối tượng, các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế.
Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy định về nguyên tắc, phương pháp định giá đất; áp dụng bảng giá đất; giá đất cụ thể; thành phần Hội đồng định giá, đảm bảo tính chuyên môn và tính độc lập giữa cơ quan tư vấn, thẩm định và quyết định giá đất...
UVTVQH đề nghị Chính phủ chỉ đạo hoàn thiện Hồ sơ dự thảo Luật chính thức trình Quốc hội trước ngày 24/5/2023, bảo đảm chất lượng theo yêu cầu để gửi Ủy ban Kinh tế, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội tiến hành thẩm tra, tham gia thẩm tra, kịp thời trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5.
Ủy ban Kinh tế chủ trì, phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội hoàn thiện báo cáo thẩm tra để trình Quốc hội.
Các cơ quan Quốc hội, Chính phủ nâng cao tinh thần trách nhiệm, phát huy tính năng động, sáng tạo, tích cực, kiên quyết chống tiêu cực, “lợi ích nhóm” trong công tác xây dựng pháp luật, đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 27 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XIII) về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.