Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 lần đầu tiên qui định về việc khi xét thấy cần thiết, Hội đồng xét xử có thể triệu tập Điều tra viên, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã thụ lý, giải quyết vụ án và những người khác đến phiên tòa để trình bày các vấn đề liên quan đến vụ án.
Việc triệu tập Điều tra viên đến phiên tòa hướng tới việc xét xử khách quan, công bằng, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người và trật tự pháp luật. Nội dung bài viết tập trung vào việc phân tích thực tiễn tham dự phiên tòa của Điều tra viên tại Tòa án nhân dân cấp cao (TANDCC) tại Hà Nội trên có sở đó kiến nghị, đề xuất những giải pháp nhằm tháo gỡ các vướng mắc nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp cao trong giải quyết các vụ án hình sự thuộc thâm quyền.
1.Đặt vấn đề
Để bảo đảm Tòa án thực hiện tốt quyền tư pháp, thống nhất với các quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, BLTTHS ( năm 2015) quy định cụ thể thẩm quyền của Tòa án trong việc: Phân tích tính hợp pháp của các hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên, người bào chữa trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; Tính hợp pháp của những chứng cứ, tài liệu do Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện kiểm sát, Kiểm sát viên thu thập, do luật sư, bị can, bị cáo, người tham gia tố tụng khác cung cấp (các điều 260, 326).
Để có căn cứ vững chắc trong việc phân tích tính hợp pháp của các hành vi, quyết định tố tụng của các chủ thể này, BLTTHS năm 2015 đã bổ sung quy định về việc Điều tra viên, Kiểm sát viên, người khác có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng trình bày ý kiến tại phiên tòa, theo đó khi xét thấy cần thiết, Tòa án tự mình hoặc theo yêu cầu của người tham gia tố tụng đề nghị Điều tra viên, Kiểm sát viên, người khác có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng trình bày ý kiến để làm rõ những quyết định, hành vi tố tụng đã ban hành hoặc thực hiện trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử (Điều 317).
Như vậy, việc Điều tra viên trình bày ý kiến tại phiên tòa vừa là trách nhiệm, đồng thời cũng là quyền của các Điều tra viên trong việc bảo vệ các quyết định tố tụng, hành vi tố tụng của mình trong phiên tòa công khai. Thực tiễn xét xử tại TANDCC tại Hà Nội cho đến thời điểm này cho thấy, tại các phiên tòa, khi có bị cáo thay đổi lời khai vì cho cho rằng bị ép cung, bức cung… hoặc có ý kiến cho rằng việc thu thập tài liệu, chứng cứ không hợp pháp… thì việc Điều tra viên có mặt tại phiên tòa công khai, lý giải, làm rõ và bảo vệ tính hợp pháp của hành vi tố tụng, quyết định tố tụng mà mình đã tiến hành đã “khuất phục” được bị cáo và thuyết phục dư luận.
2. Về các trường hợp cần triệu tập, thời điểm và thẩm quyền triệu tập Điều tra viên đến phiên tòa
Điều 296 BLTTHS năm 2015 qui định: “ Trong quá trình xét xử, khi xét thấy cần thiết, Hội đồng xét xử có thể triệu tập Điều tra viên, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã thụ lý, giải quyết vụ án và những người khác đến phiên tòa để trình bày các vấn đề liên quan đến vụ án.”. Cho đến thời điểm hiện nay chưa có hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền về các trường hợp “xét thấy cần thiết” là trường hợp cụ thể nào, dẫn đến có cách hiểu khác nhau, không thống nhất khi quyết định triệu tập Điều tra viên tham dự phiên tòa. Có trường hợp người bào chữa lợi dụng qui định này khi luôn đề nghị Hội đồng xét xử triệu tập Điều tra viên đến phiên tòa gây ảnh hưởng đến tiến độ xét xử vụ án và phần nào ảnh hưởng đến thời gian, công sức của các Điều tra viên.
Căn cứ qui định của BLTTHS và thực tiễn xét xử tại TANDCC tại Hà Nội, chúng tôi cho rằng chỉ khi đặt ra vấn đề cần xem xét, đánh giá tính hợp pháp của các hành vi tố tụng, quyết định tố tụng mà Điều tra viên đã thực hiện trong quá trình giải quyết vụ án, Hội đồng xét xử mới quyết định việc triệu tập và Điều tra viên có mặt tại phiên tòa nhằm mục đích bảo vệ tính có căn cứ, đúng pháp luật của các hành vi tố tụng, quyết định tố tụng mà mình đã thực hiện; Hội đồng xét xử không triệu tập Điều tra viên để trình bày, làm rõ về nội dung, quá trình điều tra vụ án hay bảo vệ quan điểm buộc tội nêu trong kết luận điều tra.
Cho đến thời điểm hiện nay, TANDCC tại Hà Nội chỉ triệu tập Điều tra viên chủ yếu trong một số trường hợp cụ thể sau: bị cáo khiếu nại về việc bị “ép cung”, “bức cung”, “nhục hình”; khiếu nại về việc Điều tra viên để giấy trắng rồi ghi thêm nội dung sau khi đã kết thúc việc hỏi cung; khiếu nại về việc khi hỏi cung không có luật sư hoặc kiểm sát viên tham gia nhưng biên bản lại thể hiện có những người này; biên bản phạm tội quả tang phản ánh không đúng sự thật khách quan; hoạt động đối chất không được thực hiện theo đúng qui định của pháp luật…
BLTTHS năm 2015 không qui định cho Tòa án nói chung hay Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa quyền triệu tập Điều tra viên mà qui định chỉ có Hội đồng xét xử, trong quá trình xét xử, khi thấy cần thiết thì quyết định việc triệu tập Điều tra viên. Qui định này là cần thiết nhằm đảm bảo sự thận trọng trong việc triệu tập Điều tra viên đến phiên tòa và cũng phù hợp với việc chỉ Hội đồng xét xử mới có thẩm quyền phân tích tính hợp pháp của các hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên (Điều 260, Điều 326); Tính hợp pháp của những chứng cứ, tài liệu do Cơ quan điều tra thu thập và việc phân tích đánh giá này chỉ được thực hiện theo trình tự thủ tục xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm. Tuy nhiên qui định này lại gây khó khăn khi thực hiện, bởi lẽ: trong quá trình xét xử, khi xét thấy cần thiết Hội đồng xét xử mới quyết định triệu tập Điều tra viên dẫn đến phải tạm ngừng, thậm chí hoãn phiên tòa vì Điều tra viên không thể có mặt ngay theo quyết định triệu tập của Hội đồng xét xử.
3. Về địa vị pháp lý (tư cách) và quyền, nghĩa vụ của Điều tra viên được triệu tập tại phiên tòa
BLTTHS năm 2015 không có qui định cụ thể, hơn nữa cũng chưa có hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền về vấn đề này nên hiện nay vẫn còn nhiều ý kiến tranh cãi, không thống nhất.
Có ý kiến cho rằng: Theo qui định tại Chương III BLTTHS năm 2015 qui định về Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thì Điều tra viên là người tiến hành tố tụng. Vì vậy, khi được triệu tập đến phiên tòa Điều tra viên tham gia phiên tòa với tư cách là người tiến hành tố tụng được triệu tập.
Một số người khác có quan điểm: Theo qui định tại Phần thứ tư của BLTTHS năm 2015 về xét xử vụ án hình sự và các văn bản hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán TANDTC như Nghị quyết 05/2017/NQ-HĐTP về việc Ban hành một số biểu mẫu trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự, xét lại bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật của BLTTHS thì tại phiên tòa người tiến hành tố tụng chỉ gồm: Các thành viên của Hội đồng xét xử, Thư ký và Kiểm sát viên- Đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử. Vì vậy, Điều tra viên được triệu tập phiên tòa với tư cách người tham gia tố tụng.
Căn cứ Điều 55 BLTTHS qui định người tham gia tố tụng gồm có: Người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố; Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp; Người bị bắt; Người bị tạm giữ; Bị can; Bị cáo; Bị hại; Nguyên đơn dân sự; Bị đơn dân sự; Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; Người làm chứng; Người chứng kiến; Người giám định; Người định giá tài sản; Người phiên dịch, người dịch thuật; Người bào chữa; Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự; Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố; Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân phạm tội, người đại diện khác theo quy định của Bộ luật này, nhiều Hội đồng xét xử xác định Điều tra viên được triệu tập đến phiên tòa tham gia tố tụng với tư cách người làm chứng hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án
Theo chúng tôi cả hai ý kiến vẫn còn tồn tại những điểm bất hợp lý chưa phản ánh đúng bản chất vị trí, vai trò của Điều tra viên tại phiên tòa, bởi lẽ:
Người tiến hành tố tụng gắn với từng giai đoạn tố tụng cụ thể, Điều tra viên là người tiến hành tố tụng, có nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm khi được phân công tiến hành hoạt động khởi tố, điều tra vụ án. Trong giai đoạn xét xử và nhất là tại phiên tòa, Điều tra viên không phải là người tiến hành tố tụng.
Tuy nhiên nếu xác định Điều tra viên được triệu tập đến phiên tòa là người tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng hoặc người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan cũng không phản ánh đúng, gây hiểu nhầm về vị trí, vai trò của Điều tra viên tại phiên tòa. Việc xác định Điều tra viên là người làm chứng hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan dẫn đến Điều tra viên cũng có các quyền và nghĩa vụ theo qui định tại Điều 65, Điều 66 BLTTHS là chưa chuẩn xác. Thực tế những phiên tòa xác định Điều tra viên là người làm chứng thì sau khi Hội đồng xét xử hỏi, các chủ thể khác là Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự có thể hỏi Điều tra viên với tư cách người làm chứng, điều này vô hình trung hạ thấp vị trí của Điều tra viên. Theo chúng tôi Điều tra viên chỉ có trách nhiệm trình bày để giải thích, làm rõ tính có căn cứ của quyết định tố tụng, hành vi tố tụng mà mình đã thực hiện trong quá trình điều tra theo yêu cầu của Hội đồng xét xử. BLTTHS năm 2015 không có qui định về việc hỏi Điều tra viên tại phiên tòa mà qui định rõ: “Khi xét thấy cần thiết, Hội đồng xét xử tự mình hoặc theo đề nghị của người tham gia tố tụng yêu cầu Điều tra viên… trình bày ý kiến để làm rõ những quyết định, hành vi tố tụng trong giai đoạn điều tra…”. Điều tra viên không có các quyền và nghĩa vụ của người làm chứng, cũng như người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, không phải cam đoan khai trung thực, cũng như không tham gia tranh luận…
Theo chúng tôi, mặc dù BLTTHS chưa có qui định cụ thể, song căn cứ vào các Điều 296, 317 có thể xác định, Điều tra viên được triệu tập đến phiên tòa trình bày ý kiến để làm rõ những quyết định, hành vi tố tụng trong giai đoạn điều tra không phải là người tiến hành tố tụng, cũng không phải là một trong 20 người tham gia tố tụng theo qui định tại Điều 55 BLHS. Điều tra viên tham gia phiên tòa có quyền và nghĩa vụ được BLTTHS qui định cụ thể là (1) có mặt theo quyết định triệu tập của Hội đồng xét xử; (2) trình bày ý kiến để làm rõ những quyết định, hành vi tố tụng trong giai đoạn điều tra. Như vậy, có thể khẳng định theo các qui định này, Điều tra viên hoàn toàn không có các quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng như người làm chứng hay người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan…
4. Một số đề xuất, kiến nghị
Từ những phân tích nêu trên, xuất phát từ thực tiễn xét xử của TANDCC tại Hà Nội, chúng tôi đề xuất, kiến nghị một số nội dung sau để việc tham gia phiên tòa của Điều tra viên đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp, hướng tới việc xét xử khách quan, công bằng, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người và trật tự pháp luật.
Thứ nhất, TANDTC, VKSNDTC, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cần ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn về việc tham dự phiên tòa của Điều tra viên. Thực tiễn cho thấy qui định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về việc tham dự phiên tòa của Điều tra viên còn chung chung, gây khó khăn cho việc thực hiện trên thực tế, cần phải được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung và trước mắt cần có hướng dẫn phù hợp của cấp có thẩm quyền.
Thứ hai, cần tăng cường tuyên truyền, quán triệt sâu sắc về mục đích, ý nghĩa của việc Điều tra viên tham dự phiên tòa theo quyết định triệu tập của Hội đồng xét xử là sự thể hiện sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về cải cách tư pháp, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của các Cơ quan tiến hành tố tụng, trong đó có Cơ quan điều tra.
Thứ ba, cần trao đổi để thống nhất nhận thức giữa các cơ quan tiến hành tố tụng về địa vị pháp lý, quyền và nghĩa vụ của Điều tra viên tại phiên tòa. Trong khi chờ hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền về địa vị pháp lý của Điều tra viên tại phiên tòa, chúng tôi đề xuất phương án nên xác định Điều tra viên là những người tham gia tố tụng khác được triệu tập, có quyền và nghĩa vụ được qui định tại Điều 296 và Điều 317 BLTTHS, không xác định Điều tra viên là Người làm chứng hoặc Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Thứ tư, nếu xác định Điều tra viên là những người tham gia tố tụng khác được triệu tập, cần thiết nghiên cứu sửa đổi Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC, ngày 28/7/2017 qui định về phòng xử án để bố trí chỗ ngồi cho Điều tra viên được triệu tập độc lập với những người tham gia tố tụng như người làm chứng, bị hại, nguyên đơn dân sự…
Thứ năm, để tránh việc hoãn, hoặc tạm ngừng phiên tòa vì lý do Điều tra viên không kịp thời có mặt theo quyết định triệu tập của Hội đồng xét xử, trước khi mở phiên tòa, Thẩm phán – chủ tọa phiên tòa nên có văn bản trao đổi trước với thủ trưởng cơ quan điều tra về dự kiến việc triệu tập Điều tra viên để Điều tra viên, Cơ quan điều tra chủ động bố trí sắp xếp công việc cũng như các tài liệu để có điều kiện bảo vệ quyết định tố tụng và hành vi tố tụng mà mình đã thực hiện trong quá trình điều tra.
Kết luận
Điều tra viên tham dự phiên tòa theo quyết định triệu tập của Hội đồng xét xử có ý nghĩa quan trọng đối với các vụ án phức tạp, có nhiều ý kiến về quá trình điều tra, thực tiễn xét xử tại TANDCC tại Hà Nội cho thấy tất cả các vụ án có triệu tập Điều tra viên, các Điều tra viên đều trình bày ý kiến, làm rõ và bảo vệ thành công quyết định tố tụng, hành vi tố tụng mà mình đã thực hiện trong quá trình điều tra, tăng thêm tính thuyết phục của phiên tòa.
Tuy nhiên nhận thức về các qui định của BLTTHS năm 2015 về việc tham dự phiên tòa của Điều tra viên còn chưa thống nhất vì các nguyên nhân chủ quan, khách quan. Vì vậy, cần thiết phải xây dựng văn bản hướng dẫn về việc tham dự phiên tòa của Điều tra viên nhằm thống nhất nhận thức, trên cơ sở đó nâng cao hiệu quả tham dự phiên tòa của Điều tra viên, góp phần nâng cao chất lượng xét xử các vụ án.
Theo tapchitoaan.vn
Nguồn bài viết: https://tapchitoaan.vn/bai-viet/nghien-cuu/thuc-tien-dieu-tra-vien-tham-du-phien-toa-mot-so-de-xuat-kien-nghi
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Tòa án nhân dân tối cao (2015), Báo cáo về một số vấn đề liên quan đến việc triển khai thi hành Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, Hà Nội.
2. Nguyễn Hòa Bình (chủ biên) (2016), Những nội dung mới trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
3. Trương Hòa Bình (2013), “Tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân, tương xứng với chức năng, nhiệm vụ “Tòa án là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp””, Tạp chỉ Tòa án nhân dân, (2), tr 20-27.
4. Nguyễn Ngọc Chí (2009), “Chức năng của Tòa án trong tố tụng hình sự trước yêu cầu cải cách tư pháp”, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, Luật học (25), tr.163-171.
5. Nguyễn Văn Du, Nguyễn Hải Bằng, “Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc xây dụng tổ chức bộ máy và hoạt động của Tòa án nhân dân cấp cao theo qui định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2014”. Đề tài khoa học cấp cơ sở, Tòa án nhân dân tối cao.
6. Trần Văn Độ (2015), “Về Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân”, Hiến pháp năm 2013 những điểm mới mang tính đột phá, sách chuyên khảo, Nxb Tư pháp.
7. Phạm Mạnh Hùng (2015) (chủ biên), Bình luận khoa học Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Nxb Lao động.
8. Quốc hội (2013), Hiến pháp, Hà Nội.
9. Tòa án nhân dân tối cao (2017), Tài liệu Hội nghị tổng kết phòng trào thi đua của Cụm thi đua số VII năm 2017, Hà Nội.
10. Tòa án nhân dân tối cao (2018), Báo cáo tổng hợp những hạn chế, thiếu sót trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ năm 2017 của các Tòa án thông qua công tác kiểm tra, Hà Nội.
11. Tòa án nhân dân tối cao (2018), Tài liệu triển khai công tác năm 2018, Hà Nội.
12. Trần Văn Tuân, Nguyễn Hải Bằng (2018), “Tăng cường phối hợp giữa TANDCC với các Tòa án địa phương để nâng cao chất lượng, số lượng giải quyết án giám đốc thẩm, tái thẩm”, Tạp chí Tòa án điện tử, ngày 29/3/2018.