Thực thi các chính sách hỗ trợ về thuế, phí: Quy định thiếu rõ ràng

16/06/2023 17:04

Hai hạn chế chính làm giảm hiệu quả của các chính sách được chỉ ra là không rõ ràng về đối tượng hưởng và không rõ ràng trong các hướng dẫn về việc thực hiện, gây rủi ro cho cả cơ quan thực thi và DN.

1-1686909819.jpg

Thực thi các chính sách hỗ trợ về thuế, phí vẫn còn nhiều tồn tại. (Nguồn: Vietnam+)

Từ năm 2020 đến nay, Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo triển khai 14 chính sách/gói hỗ trợ trong lĩnh vực thuế, phí và lệ phí cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, trong năm 2020, tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ khoảng 129.000 tỷ đồng (trong đó số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 97.500 tỷ đồng; số tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được miễn, giảm hơn 31.500 tỷ đồng).

Năm 2021, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các giải pháp hỗ trợ được tiếp tục triển khai ở mức cao hơn cả về nội dung và giá trị hỗ trợ với tổng quy mô khoảng 145.000 tỷ đồng (trong đó, số tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được miễn, giảm khoảng 25.000 tỷ đồng; số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 120.000 tỷ đồng).

Đối với năm 2022, thực hiện các giải pháp này, dự kiến sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân với giá trị tiền thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí là khoảng 233.000 tỷ đồng (trong đó: số tiền thuế, phí, lệ phí được miễn, giảm khoảng 98.000 tỷ đồng; số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 135.000 tỷ đồng).

Trong số bốn nhóm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với những tác động tiêu cực của dịch COVID-19 kể từ năm 2020, tổng số tiền đã thực hiện từ các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí chiếm khoảng 85,8% trong tổng số tiền hỗ trợ của cả ba nhóm chính sách có số liệu báo cáo (tài chính, thuế và lao động) và tương đương với trung bình 2,3% GDP hàng năm.

Chính sách hỗ trợ đặc thù theo ngành phù hợp với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp

Theo Báo cáo “Đánh giá hiệu quả của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19” do Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ thực hiện thông qua Dự án hỗ trợ kỹ thuật Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), trong 11 chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí được khảo sát, 3 chính sách có tỷ lệ doanh nghiệp trả lời "Có được hưởng lợi" hoặc "Đã nộp hồ sơ" cao nhất đều là những chính sách có đối tượng áp dụng rộng, cơ chế áp dụng tự động.

Cụ thể, 49,3% doanh nghiệp tiếp cận chính sách giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% năm 2022; 47% doanh nghiệp tiếp cận chính sách giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 và 2021; chính sách giảm giá bán điện (tiền điện) đạt tỷ lệ tiếp cận là 39,4% tổng số doanh nghiệp khảo sát.

Ngược lại, ở cuối bảng, tỷ lệ doanh nghiệp trả lời "Có được hưởng lợi" hoặc "Đã nộp hồ sơ" thấp nhất là các chính sách liên quan đến giảm tiền thuê đất.

Một điểm đáng ghi nhận trong việc thực thi của các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí là tỷ lệ doanh nghiệp xác nhận “có được hưởng lợi” trung bình đạt tới 72% trong tổng số các doanh nghiệp tiếp cận chính sách.

Kết quả đánh giá 294 doanh nghiệp biết hoặc đã từng tiếp cận những chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí cho thấy, 37,8% doanh nghiệp cho rằng những chính sách này là “Rất hiệu quả” và “Hiệu quả,” có tác động tích cực, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong thời gian dịch bệnh.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham), Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA),… doanh nghiệp có phản hồi tốt về chính sách giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8%, chính sách miễn các khoản chậm nộp, giảm tiền thuê đất, giảm tiền điện, gia hạn thời gian nộp tiền thuê đất, thuế giá trị gia tăng… đặc biệt là chính sách ưu đãi thuế, phí, lệ phí dành cho nhóm doanh nghiệp đặc thù với tỷ lệ hưởng ưu đãi cao.

Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết các doanh nghiệp du lịch đánh giá rất cao hai chính sách đặc thù cho ngành du lịch là giảm 80% tiền ký quỹ cho các doanh nghiệp lữ hành đến hết năm 2023 (theo Nghị định số 94/2021/NĐ-CP) và giảm 50% phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, lữ hành nội địa và phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch.

VITA khẳng định bên cạnh những chính sách hỗ trợ chung cho các doanh nghiệp, những chính sách hỗ trợ đặc thù theo ngành (đặc biệt là những ngành chịu tác động tiêu cực của dịch COVID-19) là rất cần thiết, có tính thực tiễn và phù hợp với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.

Phát hiện này phù hợp với kết quả khảo sát tại Báo cáo phục hồi từ dịch COVID-19 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (7/2022). Theo đó, trên 70% doanh nghiệp đánh giá cao về tính hữu ích của các chính sách giảm 2% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng, chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, tiền thuê đất và chính sách giảm tiền điện trong việc hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn từ dịch COVID-19.

Quy định thiếu rõ ràng làm giảm hiệu quả của chính sách

Đánh giá chung của LinkSME từ khảo sát doanh nghiệp và phân tích chính sách cho thấy, mặc dù có quy mô hỗ trợ lớn nhất, nhưng chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí lại chỉ nhận được 37,8% doanh nghiệp đánh giá mức độ hiệu quả cao.

2-1686909826.jpg

May hàng xuất khẩu tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn may Đức Giang, Long Biên, Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Theo EuroCham, những chính sách ít có hiệu quả nhất là giảm thuế giá trị gia tăng, giảm giá xăng dầu.

Ba nguyên nhân chính làm giảm hiệu quả của các chính sách là quy mô hỗ trợ không lớn (63,5% doanh nghiệp có ý kiến này), các giải pháp hỗ trợ không phù hợp (56,4% doanh nghiệp có ý kiến này) và thời hạn hỗ trợ không đủ dài (52,5% doanh nghiệp trả lời).

Báo cáo chỉ ra hai hạn chế chính làm giảm hiệu quả của các chính sách là không rõ ràng về đối tượng hưởng và không rõ ràng trong các hướng dẫn về việc thực hiện, gây rủi ro cho cả cơ quan thực thi và doanh nghiệp. Không chỉ doanh nghiệp mà cả cơ quan thuế đều gặp khó trong việc xác định danh mục/mã hàng hóa, dịch vụ thuộc diện được/không được giảm thuế, đặc biệt hàng hóa thuộc ngành điện tử.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, vấn đề xác định mã sản phẩm, dịch vụ được/không được giảm thuế suất giá trị gia tăng đặc biệt khó khăn với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ do không có bộ phận pháp chế và kế toán riêng, người đứng đầu doanh nghiệp chưa nắm vững kiến thức chuyên sâu về thuế, pháp luật.

Để chắc chắn về việc áp dụng đúng chính sách và tránh việc xử phạt sau này, tham vấn bằng văn bản (công văn) gửi đến cơ quan thuế là hình thức được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Tuy nhiên, hình thức này không phải hiệu quả với tất cả các trường hợp do thực tế sự lúng túng của các cơ quan thuế.

Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ sự đa dạng của các mặt hàng trên thực tế. Vướng mắc đó cũng kéo theo tình trạng áp dụng ưu đãi giảm thuế giá trị gia tăng không thống nhất giữa các địa phương.

Một số doanh nghiệp dệt may phản ánh, danh mục quy định chưa rõ ràng dẫn đến tình trạng cơ quan thuế tại địa phương có cách hiểu khác nhau và áp dụng chưa thống nhất về việc áp dụng mức thuế suất cho một số loại mặt hàng.

Đơn cử, nhiều doanh nghiệp phản ánh việc mua sợi trong nước để sản xuất tại một số địa phương được áp thuế suất 8% trong khi có địa phương vẫn áp mức thuế suất 10%.

Một vấn đề khác được nêu lên là bỏ sót các đối tượng thuê đất trong chính sách giảm tiền thuê đất. Theo quy định, việc giảm tiền thuê đất chỉ áp dụng cho trường hợp người thuê đất “được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo quyết định hoặc hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm” hoặc “đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo quyết định hoặc hợp đồng hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức thuê đất trả tiền hằng năm.”

Đại diện cơ quan thuế Hà Nội cho hay yêu cầu trên đã dẫn đến các trường hợp người thuê đất chưa có quyết định, hợp đồng thuê đất vẫn hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền thuê đất hàng năm do một số nguyên nhân khách quan mà không phải do lỗi từ phía người thuê đất.

Theo Cục Thuế Hà Nội, trong 10.000 điểm thuê đất, có 4.000 điểm (40%) thuộc đối tượng người thuê đất không có quyết định, hợp đồng và như vậy không được hưởng chính sách hỗ trợ về giảm tiền thuê đất.

Trong đó có nhiều trường hợp hợp đồng, quyết định thuê đất đã hết hạn từ lâu và đang chờ cơ quan có thẩm quyền gia hạn. Trong thời gian chờ gia hạn, những đơn vị thuê đất này vẫn thực hiện nộp tiền thuê đất đầy đủ.

Mức giảm tiền thuê đất còn thấp (15%-30%), trong khi nhiều địa phương tiền thuê đất tăng (gấp 2-3 lần) từ ngày 01/01/2020, trước thời điểm công bố dịch, theo chia sẻ của các doanh nghiệp gỗ ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, các doanh nghiệp ngành dệt may ở Thái Bình./.

Bạn đang đọc bài viết "Thực thi các chính sách hỗ trợ về thuế, phí: Quy định thiếu rõ ràng" tại chuyên mục Pháp lý và Kinh doanh. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin