Góp vốn bằng công sức của thành viên công ty - Những vấn đề pháp lý cần làm rõ

27/04/2024 13:16

Nghiên cứu thực tế cho thấy hiện nay tình trạng doanh nghiệp được thành lập với vốn điều lệ “ảo” xuất hiện ngày càng nhiều, điều này không chỉ mang lại rủi ro cho các đối tác, khách hàng khi giao dịch với các doanh nghiệp này mà còn là nguyên nhân dẫn đến nhiều tranh chấp giữa các thành viên công ty hoặc giữa các thành viên công ty và bên thứ ba khác trong các giao dịch chuyển nhượng vốn.

1-1698656774.png

Ảnh minh họa

Nghiên cứu từ một vụ tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng vốn góp

Gần đây, Tòa án nhân dân Cấp cao tại TP. HCM đã ban hành Bản án phúc thẩm số 09/2023/KDTM/-PT ngày 23/02/2023 (“Bản án”) về việc giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng vốn góp giữa nguyên đơn là Bà Lâm Vạn A (“Bà A”) và bị đơn là Ông Trần Phúc H (“Ông H”) và Bà Lê Ngọc Duyên A1 (vợ Ông H)[1].

Mặc dù Bản án đã có hiệu lực pháp luật, tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi sẽ trình bày một số vấn đề pháp lý còn tồn tại, những vấn đề pháp lý phức tạp chưa được giải đáp với hy vọng mang đến một cái nhìn rõ ràng và toàn diện hơn.

Theo nội dung Bản án, ngày 10/8/2016, Công ty TNHH Trò Chơi L (“Công ty L”) được thành lập với vốn điều lệ 10 tỷ đồng, bao gồm hai thành viên là Bà A (cam kết góp 07 tỷ đồng, chiếm 70% vốn điều lệ Công ty L) và Ông H (cam kết góp 03 tỷ đồng, chiếm 30% vốn điều lệ Công ty L). Ngày 30/8/2016, Công ty L tổ chức họp Hội đồng thành viên, sau đó lập Biên bản họp Hội đồng thành viên số 08/2016/BB với đầy đủ chữ ký của các thành viên Công ty L, trong đó có nội dung: “Ông H góp đủ 03 tỷ đồng (30%), bà Lâm Vạn A chưa góp 07 tỷ đồng (70%);Tiền góp vốn thuộc  quyền sở hữu của ông H và ông H là người được quyền định đoạt, quản lý số tiền 03 tỷ đồng này. Ông H được quyền chuyển nhượng phần vốn góp theo giá thỏa thuận cho thành viên còn lại hoặc cho người khác ngoài công ty; Ông H có nghĩa vụ lưu sổ sách, giấy tờ, con dấu ... báo cáo thuế hàng tháng, báo cáo tài chính năm ... công ty”. Cùng ngày 30/8/2016, Ông H với tư cách là người đại diện theo pháp luật của Công ty L đã lập Giấy chứng nhận phần vốn góp số 01/2016/GCN và Sổ đăng ký thành viên theo quy định của pháp luật, thể hiện Ông H đã góp vốn 03 tỷ đồng, Bà A chưa góp vốn.

Ngày 04/6/2018, Ông H và Bà A ký Hợp đồng chuyển nhượng vốn góp, theo đó, Ông H chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của mình tại Công ty L cho Bà A với giá trị là 02 tỷ đồng. Cũng trong ngày này, Công ty L có Biên bản họp Hội đồng thành viên với đầy đủ chữ ký của các thành viên, thể hiện nội dung: “Thực tế cho đến nay các thành viên là ông Trần Phúc H và bà Lâm Vạn A chưa góp vốn vào công ty, nhưng cùng ghi nhận việc thành lập và thay đổi công ty, giữ con dấu, giấy tờ, báo cáo thuế/ tài chính, tìm nguồn khách hàng, đối tác, các chi phí giao dịch, đặt trụ sở … trong thời gian qua là công sức và chi phí của ông H nên bà A thống nhất mua lại phần vốn góp của ông H với giá 2.000.000.000 đồng. Việc góp vốn, chuyển nhượng vốn, chuyển giao khách hàng … là do sự thỏa thuận tự nguyện …”.

 Ngày 08/6/2018, Bà A đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ghi nhận bà là Chủ sở hữu của Công ty L. Việc thanh toán Hợp đồng chuyển nhượng góp vốn cũng đã thực hiện xong, tuy nhiên, Bà A có đơn khởi kiện, yêu cầu Ông H thanh toán cho Bà A số tiền 03 tỷ đồng là tiền góp vốn vì cho rằng Ông H chưa góp vốn là vi phạm nghĩa vụ của thành viên, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà. Tòa án cấp sơ thẩm tuyên không chấp nhận yêu cầu này. Sau đó, Bà A đã kháng cáo và thay đổi yêu cầu, buộc Ông H phải bàn giao tài sản của Công ty L cho bà, là số tiền 03 tỷ đồng mà Ông H đã góp vào Công ty L theo Giấy chứng nhận phần vốn góp số 01/2016/GCN. Tuy nhiên, Tòa án cấp phúc thẩm cũng bác bỏ yêu cầu này, theo đó, giữ nguyên bản án sơ thẩm đã được tuyên.

Quan điểm của Tòa án trong vụ án này được thể hiện đồng nhất qua hai cấp xét xử, cụ thể, Tòa án nhận định rằng căn cứ vào nội dung thể hiện tại các Biên bản họp Hội đồng thành viên Công ty L và Hợp đồng chuyển nhượng vốn góp, thể hiện Ông H và Bà A đều biết rõ thực tế cả hai người đều chưa góp vốn vào Công ty L. Tòa án xác định việc Bà A nhận chuyển nhượng phần vốn góp của Ông H thực chất là nhận chuyển nhượng công sức của Ông H trong các chi phí giao dịch, tìm nguồn khách hàng, đối tác.  

2-1698656784.jpg

Ảnh minh họa

Những vấn đề pháp lý cần làm rõ

1. Cá nhân có được góp vốn vào công ty bằng công sức?

Trong vụ án trên, một trong những điểm quan trọng mà Tòa án chưa lý giải rõ ràng, đó là cá nhân có được góp vốn vào công ty bằng công sức? Ông H có được góp vốn bằng công sức vào Công ty L?

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp về loại tài sản dùng để góp vốn, các bên có quyền góp vốn bằng tài sản thuộc quyền sở hữu/sử dụng hợp pháp của mình đối với các loại tài sản là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam[2].

Có thể thấy, công sức không phải là loại tài sản được liệt kê trong số các tài sản có thể dùng để góp vốn, có chăng, người góp vốn sẽ lập luận rằng công sức có thể được xem là tài sản khác và có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam. Do đó, người góp vốn có thể cho rằng, công sức vẫn có thể là tài sản góp vốn hợp pháp vào doanh nghiệp.

Theo quan điểm của chúng tôi, bản chất việc góp vốn thành lập doanh nghiệp là sự thỏa thuận giữa các thành viên góp vốn, việc sử dụng bất kỳ tài sản nào hợp pháp, không trái quy định của Luật thì cần được ghi nhận, hơn nữa, giống như nhiều doanh nghiệp hiện nay vẫn đang thực hiện và lý giải, các công sức được các thành viên góp vốn đều có thể được họ định giá được bằng đồng Việt Nam. Do đó, công sức vẫn có thể là một loại tài sản góp vốn, tuy nhiên, việc góp vốn bằng công sức cần  phải có Biên bản giao nhận tài sản góp vốn và các nội dung nhằm định giá loại tài sản này, vì dẫu sao, đây cũng là một loại tài sản đặc biệt dùng để góp vốn.

Tuy nhiên, quay trở lại với vụ án đang phân tích, trong Biên bản họp Hội đồng thành viên số 08/2016/BB ngày 30/8/2016, các thành viên của Công ty L ghi nhận rằng “Ông H góp đủ 03 tỷ đồng (30%), bà Lâm Vạn A chưa góp 07 tỷ đồng (70%); Tiền góp vốn thuộc quyền sở hữu của ông H và ông H là người được quyền định đoạt, quản lý số tiền 03 tỷ đồng này”. Nội dung này không hề đề cập đến việc Ông H góp vốn bằng công sức vào Công ty L, thậm chí, nếu chỉ đọc riêng lẻ nội dung này, hoàn toàn có thể nhầm tưởng rằng Ông H đã góp vốn vào Công ty L bằng Đồng Việt Nam, bởi lẽ nội dung này có đề cập đến “Tiền góp vốn” và “số tiền 03 tỷ đồng này”. Tiếp đó, trong Biên bản họp Hội đồng thành viên ngày 04/6/2018, các thành viên Công ty L ghi nhận cả Ông H và Bà A đều chưa góp vốn vào Công ty L, nhưng cùng ghi nhận công sức của Ông H trong một số công việc phục vụ cho việc thành lập và hoạt động của Công ty L.

Cần lưu ý rằng, trong Biên bản họp này, các thành viên đều ghi nhận rằng Ông H và Bà L đều chưa góp vốn, do đó, sẽ không tồn tại việc góp vốn bằng công sức của Ông H vào Công ty L, ít nhất là trên phương diện tuân thủ các quy định mà Luật Doanh nghiệp đã đặt ra khi góp vốn bằng hình thức này, đó là phải có Biên bản giao nhận tài sản góp vốn. Đồng thời, việc ghi nhận công sức của Ông H trong một số công việc phục vụ cho việc thành lập và hoạt động của Công ty L cũng không có nghĩa rằng Biên bản họp này có giá trị như một Biên bản giao nhận tài sản góp vốn, vì không bảo đảm các nội dung được quy định trong Luật Doanh nghiệp[3]. Như vậy, có thể thấy, từ lúc bắt đầu thành lập Công ty L cho đến khi chuyển nhượng công sức cho Bà A và phát sinh tranh chấp, chưa có tài liệu nào thể hiện Ông H đã góp vốn bằng công sức vào Công ty L.

3-1698656784.jpg

Ảnh minh họa

2. Số phận pháp lý của công ty khi các thành viên đều không góp vốn thực

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, trường hợp thành viên không góp đủ số vốn đã cam kết trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, thành viên chưa góp vốn theo cam kết đương nhiên không còn là thành viên của công ty[4]. Như vậy, trường hợp này, nếu Tòa án xác định Ông H không góp vốn bằng tiền và các tài sản khác đồng thời cũng không góp vốn bằng công sức như đã phân tích ở trên thì có thể khẳng định Ông H không thực hiện nghĩa vụ góp vốn như đã cam kết, và do đó, Ông H không còn là thành viên của Công ty L.

Như vậy, rõ ràng việc chuyển nhượng vốn góp của Ông H cho Bà A là trái quy định pháp luật bởi lẽ Ông H không phải là thành viên của Công ty L nên không có quyền chuyển nhượng phần vốn góp với giá trị 03 tỷ đồng mà mình đã cam kết góp tại Công ty L[5]. Tuy nhiên, trong vụ án này, Tòa án đã không lập luận về việc Ông H không còn là thành viên của Công ty L, đồng thời cũng không xác định rõ việc Ông H chuyển nhượng công sức của mình cho Bà A được thực hiện dưới hình thức nào và vai trò của Ông H tại Công ty L là gì.

Cũng theo nội dung Bản án, Bà A chưa thực hiện góp vốn, như căn cứ đã nêu ở trên, Bà A đương nhiên không còn là thành viên của Công ty L. Đồng thời, vì Ông H cũng không thực hiện việc góp vốn như phân tích ở trên, do đó, cả hai thành viên của Công ty L (tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp) đều không còn là thành viên của Công ty L.

Luật Doanh nghiệp quy định một số trường hợp doanh nghiệp bị giải thể, trong đó bao gồm trường hợp “Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật Doanh nghiệp trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp[6] và công ty bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc theo quyết định của Tòa án[7].

Đối với trường hợp công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật Doanh nghiệp trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, rõ ràng có thể thấy Công ty L được thành lập với loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên với hai thành viên là Ông H và Bà A. Tuy nhiên, cả hai người đều không góp vốn vào Công ty L như đã cam kết và thời gian từ thời điểm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đến thời điểm phát sinh tranh chấp là hơn 06 tháng. Do đó, có thể xem Công ty L không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, việc giải thể công ty khi không có đủ thành viên lại phụ thuộc vào ý chí của các thành viên công ty, bởi các hồ sơ và quy trình của việc giải thể đều phải có sự tham gia họp và ra quyết định giải thể bởi các thành viên công ty[8]. Do đó, việc giải thể doanh nghiệp trong trường hợp này sẽ không phù hợp nếu áp dụng vào Công ty L, vì không còn thành viên nào đủ tư cách để có thể thực hiện thủ tục giải thể công ty theo quy định.

Xét trường hợp giải thể do công ty do bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc theo quyết định của Tòa án, cả Luật Doanh nghiệp 2014 và Luật Doanh nghiệp 2020 đều đề cập đến trường hợp này trong một điều khoản riêng, tách bạch so với các trường hợp giải thể còn lại. Tuy nhiên, cả hai văn bản luật đều không xác định rõ khi nào thì Tòa án ra quyết định giải thể doanh nghiệp và Tòa án căn cứ vào đâu để ra quyết định này. Riêng đối với trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp quy định doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong một số trường hợp nhất định, trong đó có trường hợp “Nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là giả mạo[9].

Trong vụ án nêu trên, Ông H và Bà A đều biết rõ Ông H chưa góp vốn vào Công ty L, đồng nghĩa với việc Ông H không phải là thành viên và không có quyền chuyển nhượng phần vốn góp tương ứng với 03 tỷ đồng đã cam kết góp, nhưng vẫn thực hiện Hợp đồng chuyển nhượng vốn góp, điều này là trái quy định của Luật Doanh nghiệp. Hay nói cách khác, trường hợp này Ông H và Bà A có hành vi kê khai giả mạo hồ sơ đăng ký doanh nghiệp để Công ty L được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi từ công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên sang công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Bà A làm chủ sở hữu, vì Bà A đã nhận chuyển nhượng phần vốn của Ông H. Có thể Sở Kế hoạch và Đầu tư  không xác thực thông tin này tại thời điểm xử lý hồ sơ, nhưng khi vụ án được xét xử tại Tòa án, Tòa án hoàn toàn biết được việc giả mạo này thông qua các tài liệu, chứng cứ được các bên cung cấp. Do đó, theo quy định của pháp luật doanh nghiệp hiện hành, Tòa án có quyền đề nghị Phòng Đăng ký kinh doanh thực hiện thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty L[10]. Tuy nhiên, trường hợp này, Tòa án đã không có động thái nào liên quan đến việc xác định tư cách pháp lý của Công ty L tại thời điểm giải quyết tranh chấp.

Mặc dù vậy, trong trường hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư sau khi xác minh việc giả mạo hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, thì doanh nghiệp vẫn phải triệu tập họp để ra quyết định giải thể[11]. Điều này thật sự không hợp lý đối với Công ty L, bởi lúc này cả Ông H và Bà A đều không có tư cách thành viên Công ty L, vậy việc triệu tập họp được thực hiện như thế nào.

Như vậy, một khi bản chất của vụ án là việc góp vốn bằng công sức của Ông L có phù hợp với pháp luật hiện hành hay không chưa được lý giải hợp lý thì số phận pháp lý của Công ty L không được Tòa án xác định rõ cũng là điều không quá khó hiểu. Do đó, có thể thấy, Bản án này không chỉ tồn tại những nội dung chưa rõ ràng và chưa được làm rõ bởi cơ quan tiến hành tố tụng mà còn chứa đựng nhiều vấn đề pháp lý phức tạp, đòi hỏi cơ quan có thẩm quyền phải rà soát toàn diện các quy định của pháp luật về doanh nghiệp để sớm có những hướng dẫn, điều chỉnh phù hợp, nhất là ghi nhận vấn đề góp vốn bằng công sức của thành viên công ty, một vấn đề pháp lý xảy ra khá thường xuyên trên thực tế.

 

[2] Điều 34 Luật Doanh nghiệp 2020, tương ứng với Điều 35 Luật Doanh nghiệp 2014.

[3] Các nội dung của Biên bản giao nhận tài sản góp vốn được quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 36 Luật Doanh nghiệp 2014, tương ứng với Khoản 2 Điều 35 Luật Doanh nghiệp 2020.

[4] Khoản 2, Điểm a Khoản 3 Điều 48 Luật Doanh nghiệp 2014, tương ứng với Khoản 2, Điểm a Khoản 3 Điều 47 Luật Doanh nghiệp 2020.

[5] Khoản 6 Điều 50, Khoản 1 Điều 53 Luật Doanh nghiệp 2014, tương ứng với Điểm e Khoản 1 Điều 49, Khoản 1 Điều 52 Luật Doanh nghiệp 2020.

[6] Điểm c Khoản 1 Điều 201 Luật Doanh nghiệp 2014, tương ứng với Điểm c Khoản 1 Điều 207 Luật Doanh nghiệp 2020.

[7] Điểm d Khoản 1 Điều 201, Điều 203 Luật Doanh nghiệp 2014, tương ứng với Điểm d Khoản 1 Điều 207, Điều 209 Luật Doanh nghiệp 2020.

[8] Khoản 1 Điều 202 Luật Doanh nghiệp 2014, tương ứng với Khoản 1 Điều 208 Luật Doanh nghiệp 2020.

[9] Điểm a Khoản 1 Điều 211 Luật Doanh nghiệp 2014, tương ứng với Điểm a Khoản 1 Điều 212 Luật Doanh nghiệp 2020.

[10] Khoản 1 Điều 74 Nghị định 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 về đăng ký doanh nghiệp.

[11] Khoản 2 Điều 203 Luật Doanh nghiệp 2014, tương ứng với Khoản 2 Điều 209 Luật Doanh nghiệp 2020.

Luật sư Nguyễn Văn Phúc, Luật sư Nguyễn Nhật Dương (Công Ty Luật TNHH HM&P )
Bạn đang đọc bài viết "Góp vốn bằng công sức của thành viên công ty - Những vấn đề pháp lý cần làm rõ" tại chuyên mục Pháp lý và Kinh doanh. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin