Ngày 29/2/2016, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 năm 2016.
Tại phiên họp, Chính phủ nghe và thảo luận về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016; tình hình triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và hai tháng đầu năm 2016 và một số nội dung quan trọng khác.
Các thành viên Chính phủ nhất trí cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2016 tiếp tục chuyển biến, đạt kết quả khả quan.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 02/2016 tăng 0,42% so với tháng trước. Xuất khẩu 2 tháng ước đạt 23,7 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ, xuất siêu khoảng 865 triệu USD. Thu hút vốn ODA, FDI tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, thu ngân sách nhà nước đến 15/2 ước đạt 15,8% dự toán năm, tăng 2,4% (thu nội địa tăng mạnh và tăng 12,8%).
[caption id="attachment_136192" align="aligncenter" width="410"]
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ vào ngày 29/2.[/caption]
Chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng khá, 2 tháng tăng 6,6%. Nông nghiệp mặc dù gặp nhiều khó khăn do diễn biến thời tiết kém thuận lợi nhưng vẫn phát triển khá ổn định, bảo đảm nguồn cung trong và sau Tết Nguyên đán.
Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 9,7%. Khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt khoảng 1,64 triệu lượt, tăng 16%.
Tuy nhiên, sự phục hồi chậm, tiềm ẩn nhiều rủi ro của kinh tế thế giới và khu vực; giá dầu ở mức thấp, chưa có hướng hồi phục; chính sách tài chính, tiền tệ diễn biến phức tạp của nhiều nước đã ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt của nền kinh tế nước ta, nhất là xuất nhập khẩu, thương mại, tỷ giá, thu chi ngân sách nhà nước...
Thời tiết có diễn biến phức tạp, khó lường, rét hại, rét đậm tại khu vực phía Bắc, hạn hán nghiêm trọng tại Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, xâm nhập mặn nghiêm trọng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long ảnh hưởng đến đời sống của người dân và sản xuất nông nghiệp.
Tình hình tai nạn giao thông vẫn còn diễn biến phức tạp, số vụ tai nạn nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng vẫn còn cao.
Phát biểu tại Phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, mặc dù tháng 2 có 9 ngày nghỉ Tết nhưng các Bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực triển khai tốt các chương trình, kết hoạch hành động về phát triển kinh tế xã hội. “Qua 2 tháng nhìn lại, tình hình kinh tế xã hội của đất nước tiếp tục chuyển biến tích cực trên hầu hết lĩnh vực”.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu yêu cầu các Bộ, ngành chỉ đạo quyết liệt, tăng cường phối hợp thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, phấn đấu thực hiện thắng lợi, đạt mức cao nhất các nhiệm vụ, chỉ tiêu của năm 2016.
Theo đó, tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu ổn định vĩ mô và tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.
Tiếp tục theo dõi sát tình hình, điều hành chủ động, linh hoạt kết hợp chặt chẽ giữa các công cụ chính sách tiền tệ, tài khoá, thương mại, đầu tư... để vừa ổn định vĩ mô vừa tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%; tạo nền tảng vĩ mô vững chắc cho tăng trưởng cao hơn cho những năm tiếp theo.
Tập trung triển khai các biện pháp phòng chống xâm nhập mặn và khô hạn tại các tỉnh phía Nam, nam Trung Bộ và Tây Nguyên; phòng chống rét ở các tỉnh phía Bắc. Kịp thời khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, sớm ổn định sản xuất và đời sống của người dân.
Đề xuất các giải pháp mang tính lâu dài nhằm phòng chống và giảm nhẹ ảnh hưởng của thiên tai đến hoạt động sản xuất và đời sống của người dân.
Tập trung đẩy mạnh sản xuất; thúc đẩy xuất khẩu. Phát huy những kết quả đạt được, thực hiện quyết liệt các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là cải cách thủ tục hành chính. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đầu tư, giải ngân các dự án, nhất là các công trình kết cấu hạ tầng, bảo đảm tiến độ.
Tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách người có công, an sinh xã hội, triển khai có hiệu quả các chương trình tạo việc làm, xuất khẩu lao động, giảm nghèo bền vững, hỗ trợ hộ cận nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Thủ tướng yêu cầu tăng cường quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia, đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ, tăng cường phòng chống tội phạm, tệ nạn, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Tăng cường phòng chống cháy nổ, nhất là tại các khu đông dân cư, khu công nghiệp, nhà xưởng...
Các ngành, các cấp chủ động cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội; các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; chỉ đạo điều hành của Chính phủ; các cam kết quốc tế trong các Hiệp định Thương mại tự do (cả những mặt thuận lợi, cơ hội lẫn khó khăn, thách thức khi tham gia).
Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan chuẩn bị, hoàn thiện các Báo cáo Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2016-2020; Kế hoạch tài chính và kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020, báo cáo bổ sung tình hình KTXH năm 2015 và triển khai Kế hoạch năm 2016, các dự án Luật,... để báo cáo Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và Quốc hội tại Kỳ họp tới.
Theo PhapluatPlus