Thấy gì từ những vụ kiện nổi tiếng về xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp trên thế giới?

16/09/2021 09:10

( PLBQ). Quyền sở hữu công nghiệp đang ngày càng bị xâm phạm một cách tinh vi và phức tạp hơn. Các quy định, chế tài giải quyết vấn đề này cũng được dần hoàn thiện để theo kịp thực tiễn.

81-1630375619.jpeg
 

Quyền sở hữu công nghiệp là gì? Thế nào là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp?

Theo quy định tại khoản 4 điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm thì: 

“Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh”.

Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp là các hành vi trái phép xâm phạm quyền và lợi ích của chủ thể sở hữu đối với những đối tượng thuộc quyền sở hữu công nghiệp do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.

Những vụ kiện nổi tiếng trên thế giới

Tranh chấp về quyền sở hữu công nghiệp giữa Apple và Samsung

Cuộc chiến pháp lý giữa Apple và Samsung nổ ra từ năm 2011 và trở thành một trong những vụ kiện bằng sáng chế phức tạp nhất lịch sử ngành công nghiệp công nghệ.

82-1630375730.jpeg
(Ảnh: thegioididong.com)

Năm 2011, Apple khởi kiện Samsung vì cho rằng công ty Hàn Quốc đã sao chép thiết kế của iPhone. Apple cho rằng Samsung đã sao chép thiết kế, cách đóng gói và giao diện người dùng của iPhone và iPad để dùng cho các smartphone và tablet của mình. Apple đã yêu cầu Samsung bồi thường 2,5 tỷ USD vì những vi phạm trên. 

Năm 2012, tòa đã xử Apple thắng kiện nhưng con số bồi thường được đưa ra từ phán quyết của tòa chỉ là 1 tỷ USD. Tuy nhiên 6 tháng sau, Samsung đã gửi đơn kháng cáo lên Tòa án tối cao. Sau đó đơn kiện được trả về tòa án cấp quận và vụ kiện bị kéo dài suốt 7 năm qua.

Các thẩm phán đưa ra phán quyết cho rằng Samsung đã vi phạm các sáng chế của Apple về thiết kế như các góc bo tròn, viền mặt trước của iPhone và bố cục sắp xếp ứng dụng dạng lưới trên màn hình chính hệ điều hành iOS.

Tòa án Mỹ cũng làm rõ và ra phán quyết buộc Samsung bồi thường cho Apple dựa trên doanh số bán điện thoại thông minh hoặc các thành phần linh kiện của Samsung vi phạm các bằng sáng chế của Apple.

Tháng 5/2015, một phán quyết của toà phúc thẩm giảm số tiền Samsung bồi thường xuống 548 triệu USD, vì cho rằng Apple không thể bảo hộ kiểu dáng sản phẩm thông qua thương hiệu iPhone đã đăng ký. Samsung đã thanh toán số tiền này vào tháng 12/2015 sau khi cả hai công ty đồng ý bãi bỏ các tranh chấp pháp lý bên ngoài Mỹ.

Có thể nói, không có bên nào dành được chiến thắng tuyệt đối trong vụ việc trên. Xét về mặt pháp lý, Apple đã thắng kiện và nhận được bồi thường từ Samsung, nhưng trên thực tế thời gian và tiền bạc bỏ ra để theo đuổi vụ việc kéo dài suốt bảy năm là không ít. Apple đã đòi được tiền bồi thường cho hành vi vi phạm quyền sở hữu công nghiệp nhưng Samsung đã khai thác và bán ra hàng triệu thiết bị như vậy để đem lại lợi nhuận gấp nhiều lần. Chưa kể, thông qua vụ kiện đình đám này Samsung đã PR thành công thương hiệu lên một mức mới. Còn với Samsung, ngoài khoản bồi thường, họ còn phải tăng giá thành sản phẩm đề bù lại cho khoản phí bản quyền mình đã vi phạm. 

Tranh chấp giữa Christian Louboutin và Yves Saint Laurent

Vào năm 2011, hãng giày cao cấp Christian Louboutin đã cáo buộc Yves Saint Laurent (YSL); vi phạm bản quyền thương hiệu giày đế đỏ của hãng.

83-1630375751.jpeg
(Ảnh: dep.com.vn)

Theo Louboutin, đế giày màu đỏ là dấu ấn thương hiệu mà bất cứ tín đồ thời trang nào cũng có thể nhận biết và hãng cũng đã đăng ký bản quyền thương hiệu giày đế đỏ. 

Sau 18 tháng, YSL rút lại mọi cáo buộc thương hiệu Christian Louboutin cạnh tranh không lành mạnh khi cho rằng bản quyền thương hiệu giày đế đỏ là của Louboutin. 

Tòa án tại New York đã đưa ra phán quyết Louboutin có quyền bảo hộ thương hiệu đế đỏ và các công ty khác bao gồm cả YSL chỉ có thể tiếp tục bán giày với đế màu đỏ nếu như toàn bộ đôi giày đều có màu đỏ. 

Kiểu dáng công nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định thành công của thương hiệu thời trang. Việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ vì vậy mà càng phải được chú trọng để đảm bảo cao nhất tính độc đáo và bản sắc riêng. 

Thực trạng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp ở Việt Nam và trên thế giới

Thực tế hiện nay cho thấy, các hành vi sản xuất, nhập khẩu, tiếp thị, mua bán các hàng hóa giả mạo, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp trên thế giới đang có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp. Các mặt hàng giả mạo, hàng hóa xâm phạm ngày càng đa dạng về chủng loại và tinh vi về hình thức. Trong khi nhận thức của người tiêu dùng chưa thật sự đầy đủ, nên việc phân biệt hàng thật – hàng giả đang trở nên khó khăn đối với người tiêu dùng. Hơn nữa, phương thức sản xuất, nhập khẩu, tiếp thị, mua bán các mặt hàng vi phạm về sở hữu công nghiệp ngày càng trở nên tinh vi, có tổ chức liên tỉnh, liên vùng, liên quốc gia và đa dạng, phong phú về hình thức, chủng loại nên rất khó phát hiện, xử lý đối với các cơ quan thực thi.

Với sự phát triển của công nghệ thì trong những năm gần đây, các đối tượng vi phạm có xu hướng chuyển dịch từ tiếp thị, phân phối theo phương thức truyền thống sang hình thức thương mại điện tử (thông qua các trang bán hàng trực tuyến, website bán hàng và đặc biệt là các trang mạng xã hội Facebook, Instagram,..). Do đó, việc phát hiện và xử lý các đối tượng vi phạm trở nên hết sức khó khăn.

Còn tại Việt Nam, theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ vào năm 2020, các tỉnh, thành phố đều có nhiều nỗ lực trong công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Theo đó, tính tổng số trên cả nước đã có 2445 vụ xử lý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp được thực hiện, trong đó chủ yếu là về nhãn hiệu với 2444 vụ, tổng số tiền phạt là 21.418.597.000 đồng với 203.198.069 sản phẩm bị xử lý. Số liệu nêu trên cho thấy số vụ vi phạm đã giảm 32% số vụ (năm 2019 là 3.293 vụ), giảm 23% tổng số tiền phạt (năm 2019 là 26.536.667.000 đồng) so với năm 2019.

Có được những thay đổi trên là nhờ sự thay đổi về nhận thức tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ trong cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc sụt giảm này còn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và hoạt động bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp nói riêng. Việc xử lý xâm phạm quyền SHCN ở các địa phương tập trung chủ yếu vào đối tượng hàng giả, hàng xâm phạm quyền về nhãn hiệu. Hình thức xử phạt được áp dụng chủ yếu là phạt cảnh cáo, phạt tiền và tịch thu hàng giả mạo về SHTT.

Pháp luật điều chỉnh và chế tài xử lý của Việt Nam so với thế giới đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp

Hầu như mọi quốc gia trên thế giới đều có pháp luật quy định chế tài xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Qua nhiều năm, hệ thống pháp luật của lĩnh vực này giữa các nước đã có sự hài hoà hoá đáng kể.

Trụ cột chính của hệ thống pháp luật điều chỉnh lĩnh vực này là Công ước Paris được thông qua vào các năm 1883. Tiếp đó, nhiều điều ước quốc tế khác cũng đã được thông qua nhằm bảo đảm rằng các quyền sở hữu công nghiệp được bảo hộ tối đa. Năm 1995, Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (gọi tắt là Hiệp định TRIPS) do WTO ban hành ra đời, trong đó thiết lập các tiêu chuẩn tối thiểu liên quan đến việc bảo hộ một số loại quyền sở hữu công nghiệp chính.

Pháp luật điều chỉnh và chế tài xử lý xâm phạm về quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam quy định chủ yếu tại Luật Sở hữu trí tuệ cùng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này, và các Luật khác có liên quan như Luật Khoa học và công nghệ, Luật Hải quan, Luật Chuyển giao công nghệ... Ngoài ra, các điều ước quốc tế đa phương quan trọng nhất như Hiệp định TRIPS, Công ước Berne, Công ước Paris, … cũng được ký kết và thực hiện.

Các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp thường được xử lý bằng chế tài hành chính như buộc chấm dứt hành vi xâm phạm và xử phạt hành chính, các biện pháp khắc phục hậu quả hoặc khởi kiện ra tòa để dùng chế tài dân sự nhằm yêu cầu người vi phạm bồi thường thiệt hại, ngừng hành vi vi phạm. Tùy mức độ nghiêm trọng cho xã hội, thoả mãn các yếu tố cấu thành tội phạm mà cơ quan chức năng mà hành vi xâm phạm đó có thể bị áp dụng chế tài hình sự.

Có thể khẳng định hệ thống pháp luật điều chỉnh về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp của Việt Nam được xây dựng và hoàn thiện với tốc độ nhanh chóng tương thích với chuẩn mực quốc tế nhưng chỉ ở mức cơ bản. Đối chiếu pháp luật Việt Nam với các nước phát triển như Mỹ, Liên minh châu Âu thì các chế tài và quy định còn có chưa thực sự bao quát, hiệu quả. Nhiều quy định còn thiếu vắng, chưa đầy đủ, chưa chi tiết, cụ thể, hoặc chưa thích ứng với xu hướng thay đổi của thế giới.

Các quy định pháp luật chưa đầy đủ cũng là một nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự thiếu hiệu quả trong giải quyết xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, ví dụ: thiếu các quy định cụ thể về các loại hành vi xâm phạm trực tiếp và gián tiếp, về xác định thiệt hại, về các loại chế tài đối với hành vi xâm phạm...

Khuyến cáo đối với doanh nghiệp

Thứ nhất, các doanh nghiệp cần đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp

Hiện nay, đa số các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp đều được xác lập bảo hộ dựa trên quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông qua việc xét và cấp văn bằng bảo hộ cho chủ sở hữu. Vì vậy, doanh nghiệp cần chủ động đăng ký bảo hộ đối với các đối tượng trên.

Việc đăng ký bảo hộ sẽ đảm bảo quyền sở hữu công nghiệp của các doanh nghiệp được pháp luật bảo vệ, hạn chế tối đa khả năng nhầm lẫn với các thương hiệu khác có cùng lĩnh vực với mình, việc quảng bá sản phẩm, dịch vụ tới khách hàng thuận lợi và nhanh chóng hơn, tránh được các vấn đề tranh chấp, phát sinh trong quá trình sử dụng thương hiệu và đặc biệt có quyền sở hữu độc quyền thương hiệu đó tại vùng lãnh thổ quốc gia đã được đăng ký để có quyền yêu cầu các chủ thể khác xâm phạm, sử dụng thương hiệu giống hoặc tương tự với mình đã được bảo hộ.

Thứ hai, tự bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình khi bị xâm phạm quyền lợi hợp pháp

Tự bảo vệ là việc người có quyền đối với sở hữu công nghiệp tự mình tiến hành các biện pháp trong khuôn khổ của pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình. Các biện pháp có thể áp dụng được quy định tại khoản 1 điều 194 Luật Sở hữu trí tuệ, bao gồm:

Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại; Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan; Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Thứ ba, yêu cầu cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp nhằm bảo vệ quyền lợi

Tuỳ theo tính chất và mức độ xâm phạm, hành vi xâm phạm mà chủ thể quyền sở hữu công nghiệp có thể yêu cầu xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự và theo quy định sau đây:

Biện pháp dân sự được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm theo yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp hoặc của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra, kể cả khi hành vi đó đã hoặc đang bị xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc biện pháp hình sự. Thủ tục yêu cầu áp dụng tuân theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Biện pháp hành chính được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 211 của Luật Sở hữu trí tuệ, theo yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra, tổ chức, cá nhân phát hiện hành vi xâm phạm hoặc do cơ quan có thẩm quyền chủ động phát hiện. Hình thức, mức phạt, thẩm quyền, thủ tục xử phạt hành vi xâm phạm và các biện pháp khắc phục hậu quả tuân theo quy định của Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp. Biện pháp hình sự được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm trong trường hợp hành vi đó có yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Thứ tư, cần nghiên cứu kỹ để phương án phù hợp, tránh sập “bẫy scandal” của đối thủ.

Thông qua các mẫu thuẫn, tranh chấp giữa hai bên hoặc của bên thứ ba, đối thủ có thể lợi dụng hạ thấp uy tín thương hiệu của doanh nghiệp hoặc lợi dụng scandal với đối thủ lớn để PR thương hiệu.

Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp là một trong những hành vi xâm phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến những sản phẩm trí tuệ mà các chủ sở hữu sáng tạo ra, không chỉ làm giảm giá trị thương hiệu mà còn làm mất niềm tin từ người tiêu dùng và các doanh nghiệp muốn đầu tư và phát triển tại thị trường.

Theo phapluatbanquyen.phaply.vn

Nguồn bài viết: https://phapluatbanquyen.phaply.vn/thay-gi-tu-nhung-vu-kien-noi-tieng-ve-xam-pham-quyen-so-huu-cong-nghiep-tren-the-gioi-bv539/

Bạn đang đọc bài viết "Thấy gì từ những vụ kiện nổi tiếng về xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp trên thế giới?" tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin