Thanh tra, xử lý vi phạm kịp thời đảm bảo tính nghiêm minh trong thực thi pháp luật về bảo hiểm y tế

16/05/2018 11:53

Công tác thanh tra là một hoạt động không thể thiếu để đảm bảo tính nghiêm minh trong thực thi pháp luật về BHYT, kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện Luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan, thực hiện mục tiêu công bằng và bình đẳng trước pháp luật. Luật sư Trần Đại Ngọc Cty TNHH Luật Trần Nguyễn giải đáp về các quy định của Luật BHYT liên quan đến thanh tra, khiếu nại, tố cáo, giải quyết tranh chấp và xử lý các vi phạm về BHYT.

[caption id="attachment_203071" align="aligncenter" width="410"]Lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang làm việc với đoàn kiểm tra liên ngành về theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh Lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang làm việc với đoàn kiểm tra liên ngành về theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh[/caption]

Người lao động hỏi: Cơ quan nào có chức năng thanh tra BHYT và nội dung khiếu nại, tố cáo về BHYT được thực hiện như thế nào?

Luật sư trả lời: Thanh tra y tế thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về BHYT (Điều 46 Luật BHYT).

Việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính về BHYT, việc tố cáo và giải quyết tố cáo vi phạm pháp luật về BHYT được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo (Điều 47 Luật BHYT).

Người lao động hỏi: Tranh chấp về BHYT là gì và cách thức giải quyết tranh chấp được quy định thế nào?

Luật sư trả lời: Tranh chấp về BHYT và giải quyết tranh chấp được quy định sau (Điều 48 Luật BHYT):

1. Tranh chấp về BHYT là tranh chấp liên quan đến quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm BHYT giữa các đối tượng sau:

– Người tham gia BHYT theo quy định, người đại diện của người tham gia BHYT;

– Tổ chức, cá nhân đóng BHYT theo quy định;

– Tổ chức bảo hiểm y tế (BHXH);

– Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT.

2. Tranh chấp về BHYT được giải quyết như sau:

– Các bên tranh chấp có trách nhiệm tự hòa giải về nội dung tranh chấp;

– Trường hợp hòa giải không thành thì các bên tranh chấp có quyền khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật.

Người lao động hỏi: Các vi phạm về BHYT được xử lý như thế nào?

Luật sư trả lời: Xử lý các vi phạm về BHYT quy định như sau (Điều 49 Luật BHYT):

1. Người nào có hành vi vi phạm các quy định của Luật BHYT và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến BHYT thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHYT mà không đóng hoặc đóng không đầy đủ theo quy định của pháp luật thì cùng với việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, còn phải nộp số tiền lãi trong thời gian chậm đóng theo mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích tiền từ tài khoản tiền gửi của người có trách nhiệm đóng BHYT để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của quỹ BHYT.

PV

Bạn đang đọc bài viết "Thanh tra, xử lý vi phạm kịp thời đảm bảo tính nghiêm minh trong thực thi pháp luật về bảo hiểm y tế" tại chuyên mục Chính sách mới. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin