Sau khi BHXH Việt Nam thực hiện thanh tra chuyên ngành về tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN, các đơn vị nợ đã có chuyển biến tích cực thu hồi 55% số tiền nợ BHXH. Kết thúc đợt thanh tra, các doanh nghiệp đã tự giác nộp hơn 300 tỷ đồng. Các đoàn thanh tra đã ban hành 492 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền xử phạt hơn 17,3 tỷ đồng. 8 tháng đầu năm, nợ BHXH, BHYT và BHTN toàn quốc hơn 6.700 tỷ đồng, chiếm 3,3%; giảm 30% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong tháng 8/2018, số người tham gia BHXH bắt buộc là 13,97 triệu người; BHXH tự nguyện là 241 nghìn người; BHTN là 11,93 triệu người; BHYT là 81,76 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 87,25% dân số. Toàn ngành đã giải quyết 9.135 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng; 69.193 người hưởng trợ cấp một lần; 889.200 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; 15,13 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT; Phối hợp với ngành LĐ - TB và XH giải quyết cho 90.200 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, 4.313 người hưởng kinh phí hỗ trợ học nghề.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, từ khi thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành BHXH, cũng như triển khai các quy định xử lý vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT theo Bộ luật Hình sự sửa đổi 2017 với chế tài răn đe, việc chấp hành chính sách pháp luật về BHXH, BHYT của doanh nghiệp đã được tăng cường.
Đến hết tháng 8/2018, tổng số đơn vị sử dụng lao động được thanh tra, kiểm tra là 11.756 đơn vị, qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện số lao động chưa đóng là hơn 21.000 người, số tiền truy đóng là hơn 53,4 tỷ đồng; đóng không đúng đối tượng, thừa thời gian là 637 lao động với số tiền phải thoái thu, hoàn trả hơn 2,4 tỷ đồng; số lao động thiếu so với quy định là hơn 30.000 lao động với truy đóng hơn 34,3 tỷ đồng. Số tiền các đơn vị này nợ BHXH trước khi có quyết định thanh tra là hơn 1.500 tỷ đồng nhưng khi triển khai thanh kiểm tra, các doanh nghiệp này đã nộp nợ BHXH hơn 519 tỷ đồng; kết thúc thanh tra nộp hơn 300 tỷ đồng. Các đoàn thanh tra đã ra 492 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền xử phạt hơn 17,3 tỷ đồng. 8 tháng đầu năm, nợ BHXH, BHYT và BHTN toàn quốc hơn 6.700 tỷ đồng, chiếm 3,3%; giảm 30% so với cùng kỳ năm 2017.
Qua thanh tra, kiểm tra trong 8 tháng đầu năm 2018, cơ quan BHXH phát hiện số tiền chi sai các chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp lên tới gần 100 tỉ đồng. Số tiền chi sai quy định về BHYT khoảng 92,57 tỉ đồng (chiếm hơn 90%), số tiền hưởng BHXH sai phải thu hồi về quỹ là 3,92 tỉ đồng, số tiền hưởng bảo hiểm thất nghiệp sai là 2,67 tỉ đồng.
Hiện nay, BHXH TP. Hồ Chí Minh là đơn vị đầu tiên trong ngành đề nghị điều tra xử lý hình sự Công ty TNHH Nam Phương (huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh) với hành vi nợ 26,8 tỷ đồng tiền BHXH, BHYT, BHTN của NLĐ theo quy định tại Bộ luật Hình sự sửa đổi 2017.
Trong thời gian tới, để tiếp tục giảm số nợ BHXH, BHYT, BHTN, BHXH Việt Nam sẽ triển khai quyết liệt các giải pháp, trong đó sẽ tăng cường thực hiện công tác thu nợ; tập trung triển khai công tác thanh tra, kiểm tra tại các đơn vị nợ BHXH với thời gian kéo dài, số nợ lớn; đẩy mạnh tuyên truyền về các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT được hình sự hoá tại Bộ luật Hình sự sửa đổi 2017…
Trao đổi về tình trạng thực hiện pháp luật về BHXH trong các doanh nghiệp hiện nay, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động Tổng LĐLĐVN cho biết: hiện nay số NLĐ thực tế nhận sổ BHXH chắc chắn không đạt tỷ lệ cao 97% theo ước tính của BHXH Việt Nam bởi nhiều BHXH tỉnh, thành phố đã không thực hiện đúng quy trình, thủ tục trao sổ tận tay cho NLĐ mà thông qua ủy quyền cho NSDLĐ. Ngoài ra, NLĐ cũng có tâm lý sợ mất sổ.
Bên cạnh đó, vấn đề nhiều lao động nghỉ việc hưởng trợ cấp một lần sau tuổi 35 là một hiện tượng xã hội cần tiếp tục được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm tháo gỡ. Bởi qua các cuộc khảo sát, Tổng LĐLĐ Việt Nam thực hiện tại các doanh nghiệp như dệt may, da giày, chế biến thủy sản, NSDLĐ cho rằng sau tuổi 35, hầu hết NLĐ không đủ kỹ năng và sức khỏe để có thể tăng ca, làm việc trong điều kiện làm việc đặc thù, với mức đóng BHXH cao. Một số doanh nghiệp còn tìm cách “thải loại” NLĐ bằng cách để NLĐ tự nguyện xin nghỉ việc. Khi NLĐ rời khỏi khu vực có quan hệ lao động, rất khó có thể quay trở lại… Điều này sẽ gây thiệt thòi về quyền lợi ảnh hưởng trực tiếp tới NLĐ.
Thành Chung