Tết Hà Nội bắt đầu từ sắc hoa

11/02/2024 14:45

Suốt cả tuổi thơ, tôi sống cùng ông bà ngoại ở 60 ngõ Phất Lộc, trong ngôi nhà được xây từ hồi cụ tôi còn sống. Một ngôi nhà gạch lớn, vuông vắn, với các bậc tam cấp và một bậu cửa bằng gỗ lim nơi tôi thường ngồi hàng giờ chỉ để mơ mộng.

Thời ấy, các ngôi nhà trong ngõ Phất Lộc xây chẳng theo một kiến trúc thống nhất nào. Nó lô xô, đa phần là mái ngói. Cửa ra vào các nhà thường là cửa gỗ nhỏ 2 cánh, bao giờ cũng chỉ mở hé một bên. Người đi ngang nhìn vào, sẽ thấy một chiếc phản gỗ lớn kê gần cửa, trên đó có một người bà với chiếc giỏ mây bên cạnh, đang ngồi khâu vá. Nhưng vào ngày Tết, nhà nào cũng vậy, hai cánh cửa gỗ sẽ được mở rộng. Đi từ đầu ngõ đến cuối ngõ, có thể nhìn thấy quang cảnh ngày Tết của từng nhà, bắt đầu từ những lọ hoa.

MANG TẾT VỀ

Những năm 1950 - 1960, những người dân sống trong ngõ Phất Lộc làm đủ thứ nghề để kiếm sống. Trong đền Tiên Hạ hồi đó có một ông làm đầu bếp cho Pháp, một ông làm thợ may lặt vặt, người nhỏ thó, cổ lúc nào cũng đeo chiếc thước dây. Giữa ngõ là nhà Phở Tý, có cửa hàng bán phở nổi tiếng ở phố Hàng Bạc. Nhà 66 là quán cà phê khá đông khách. Ngoài ra cũng còn vài nhà làm các nghề khác như trồng răng, dệt thảm…

Tết Hà Nội bắt đầu từ sắc hoa ảnh 1

Vẻ đẹp của những bông hoa thược dược luôn khiến cho tất cả mọi người phải say mê và cuốn hút

Cuộc sống khi đó của những người dân lao động không dễ dàng gì. Việc đón Tết có khi được chuẩn bị trước cả vài tháng. Càng gần về cuối năm, các bà các mẹ càng thường rủ nhau đi bộ ra chợ Đồng Xuân, mang về từ măng khô, bóng bì tới bó miến, lá dong. Tất nhiên, còn có cả bánh kẹo và vài bộ quần áo mới cho trẻ nhỏ, nhưng bao giờ cũng bị giấu đi kèm theo câu nói: “Để đến Tết”. Trôi theo câu nói “để đến Tết” đó, con ngõ Phất Lộc nhỏ lát đá như nhích dần về phía năm mới, theo bước chân các bà các cô mặc áo dài đi sắm Tết về. Tiếng nói cười dịu nhẹ, những tà áo nền nã, và trên tay là những sắc màu của Tết.

Một gói hoa cúng giá chỉ vài hào. Gấp tấm lá dong riềng khum khum, người bán bốc hoa như người ta bốc thang thuốc Bắc. Hoa theo mùa thường có 5-7 loại, chỉ cắt ngắn lấy đầu bông, được gói khẽ khàng trong chiếc lá dong, buộc cọng lạt hình chữ thập rồi lại xỏ một vòng nữa tết thành cái quai để xách.

Xong công cuộc chuẩn bị đồ ăn thức uống, những ngày 29, 30 sẽ được dành cho việc trang hoàng, bày trí nhà cửa. Lúc này, những đứa trẻ như tôi có thể được bà hay mẹ dắt tay “đi chợ hoa”. Trong ký ức của tôi, chợ hoa Cống Chéo Hàng Lược hồi ấy là nơi hò hẹn của những lứa đôi. Thấp thoáng bên những cành đào phai, đào bích là những người lính được về phép thăm nhà. Từ các làng hoa ven nội thành, thiếu nữ mang hoa tươi vườn nhà đi bán. Trong mưa phùn lâm thâm, những sắc đào hồng tươi, sắc mai trắng tinh, thược dược đủ màu, lay ơn quý phái… ngời lên những gương mặt không giấu nổi niềm vui.

Tết Hà Nội bắt đầu từ sắc hoa ảnh 2

Một bình hoa lay ơn trắng thể hiện cho sự thanh khiết, những khởi đầu mới đầy may mắn và hy vọng

Phố Hàng Lược xưa kia gọi là phố Sông Tô Lịch vì nằm dọc phía Bắc sông Tô Lịch cũ. Con phố tuy nhỏ nhưng lúc nào cũng tấp nập bóng những tiểu thư con quan, me tây, bà đầm, vì đây là nơi cung cấp gương lược cho cả Hà Nội. Có đủ loại từ lược ngà voi tinh xảo, lược sừng làng Thụy Ứng, lược gỗ làng Nhị Khê, lược bí làng Hoạch Trạch… Đầu thế kỷ XX thì chợ hoa Tết được chuyển ra Hàng Lược, chợ kéo dài từ khu vực đầu bốt nước Hàng Đậu cho đến hết phố Hàng Lược, vắt qua Hàng Chai, Hàng Mã, Hàng Đồng.

Trong lịch sử hơn 100 năm của mình, chợ hoa Hàng Lược chỉ có duy nhất một năm không họp, đó là Tết Đinh Hợi năm 1947. Khi đó chiến sự đang diễn ra trên phố phường Hà Nội giữa Trung đoàn Thủ đô và quân Pháp. Còn lại, kể cả trong những năm tháng Mỹ đánh phá Hà Nội, chợ hoa Tết vẫn họp, từ trước 23 tháng Chạp cho đến tận tối giao thừa. Khu vực bán đào, quất, mai trắng chiếm chỗ hơn cả, rồi đến ông bác già ngồi gọt những chậu thủy tiên, trong khi nhiều người bán chỉ đơn giản là đứng bên đường với bó hải đường đỏ trên tay. Trong ngõ Phất Lộc của tôi, ít nhà có đủ tiền để mạnh tay chơi đào, quất. Đa phần các mẹ, các chị dạo chợ ngắm là chính, rồi lúc về mang theo một bó hoa tươi.

Tết Hà Nội bắt đầu từ sắc hoa ảnh 3

Mẹ và cụ tôi đi lễ chùa cầu an sáng mùng Một Tết (1952)

Một bình hoa Tết “đúng chuẩn” thời đó thường có lay ơn đỏ, rồi đến thược dược các màu, đồng tiền đơn và cả kép, hoa bướm mỏng manh và không thể thiếu violet tím ngắt. Để mua được một lọ hoa như thế, phải qua nhiều hàng hoa. Cứ vừa đi vừa ngắm, rồi thỉnh thoảng sà vào một hàng, cả quãng dài mới được một ôm hoa, tay luôn phải giơ cao cho khỏi bị va quệt. Những đứa bé con như tôi khi ấy có thể ngày nào cũng đi theo bà ra chợ hoa mà không biết chán. Đôi mắt luôn mở to, chúng tôi say mê trước những sắc màu, âm thanh cười nói lao xao, và cả một thứ mùi rất đặc biệt mà chỉ chợ hoa mới có. Mùi thơm của hoa lá đúng độ xuân ngời…

ĐĨA HOA CÚNG CỦA BÀ

Đêm Giao thừa, tôi theo bà và mẹ đi lễ đền Ngọc Sơn. Xung quanh “bờ Hồ” lúc ấy dập dìu trai thanh gái lịch... “Thanh” vì sự trẻ trung. “Lịch” vì tuy không phải lụa là sang đẹp, nhưng phụ nữ đều mặc áo dài, nam giới mặc đồ Tây, mọi người đều từ tốn, nói năng nhẹ nhàng, đi đứng khoan thai. Trước Giao thừa, quanh Hồ Gươm không đông người lắm vì người Hà Nội có thói quen đón năm mới cùng gia đình. Sau Giao thừa, vợ chồng con cái mới cùng nhau ra đền Ngọc Sơn, vào chùa Bà Đá thắp hương, xin một cành lộc nhỏ rước về nhà lấy may.

Tết Hà Nội bắt đầu từ sắc hoa ảnh 4

Mẹ tôi chụp tại vườn đào Nhật Tân (Tết 1963)

Buổi sáng mùng Một Tết là thời điểm mà bất kỳ đứa trẻ nào cũng cảm thấy háo hức, khi ngủ dậy được nhận tiền lì xì của bố mẹ, ông bà. Những món ăn như bánh chưng, nem rán, hành muối, canh măng khô chỉ đến Tết mới xuất hiện trong bữa ăn của mọi nhà. Mặc áo bông chần mẹ tự may, tôi ngồi ở bậu cửa và giữ mãi hình ảnh của một Hà Nội vắng lặng, xác pháo nhuộm hồng ngõ Phất Lộc nhỏ xinh, mùi khen khét của pháo xen lẫn vào làn mưa phùn giăng giăng như tơ.

Tôi là một đứa trẻ nhạy cảm với mùi hương. Nhưng nói đến mùi của Tết, bấy nhiêu năm tôi vẫn loay hoay trong ký ức. Đó là mùi của chợ hoa Hàng Lược, mùi khói pháo, hay mùi hương trầm vấn vít từ đình Phất Lộc vọng sang? Còn có cả mùi đĩa hoa cúng của bà ngoại. Gói hoa thường được bà mua của một bà cụ lưng còng nhỏ nhắn ngồi ở góc phố Hàng Bè.

Tôi nhớ mãi hình ảnh bà ngoại trong chiếc áo dài lụa màu mỡ gà đang từ tốn mở gói hoa vào mỗi sáng mùng Một. Nào là hoa hoàng lan xanh như chiếc lá, hoa ngâu lấm tấm vàng, hoa mẫu đơn, hoa mồng gà đỏ rực, hoa móng rồng vàng tươi... điểm thêm những bông huệ trắng muốt. Mỗi loại một bông thôi mà thơm ngào ngạt tinh khiết vô cùng. Bà bày vào đĩa, kính cẩn dâng lên ban thờ. Cả ngôi nhà trong thoáng chốc tràn ngập mùi hương của các loài hoa quyện với mùi hương khói an yên. Bà bảo, người âm nhận tấm lòng của người dương qua mùi hương hoa chứ không phải là cỗ bàn. Thế nên, đĩa hoa cứ được bày như thế, cho đến khi khô, vẫn thoảng mùi hương như minh chứng cho tâm thành của con cháu.

Sau này khi trưởng thành, ăn những cái Tết xa ngõ Phất Lộc, tôi rất hay nằm mơ. Khi thì mơ về ngôi nhà số 60 yêu dấu, khoảng sân giữa lát gạch đỏ với bể nước nửa chìm nửa nổi và chiếc thau đồng để rửa mặt. Khi thì mơ đang ngồi ở ban công có lan can hoa sắt, kéo violon và ngửi mùi hoa dạ hương nhà hàng xóm vọng sang. Đương nhiên, có cả giấc mơ về những ngày Tết một thuở, các bà các cô mang bó hoa từ chợ hoa Hàng Lược về nhà, lọ hoa thược dược rực rỡ đặt ngay bàn phòng khách, bà ngoại đang khoan thai mở gói hoa… Hóa ra, ký ức lại nhiệm màu đến thế, có thể đưa người đàn ông tóc bạc trở lại tuổi xuân thì…

Bạn đang đọc bài viết "Tết Hà Nội bắt đầu từ sắc hoa" tại chuyên mục Đọc chuyên sâu. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin