Dường như tân Tổng thống Pháp đã bắt đầu có những tác động khiến cho khe nứt trong lòng EU có thể nở rộng ra....
The New York Times ngày 7/5 bình luận rằng: “Ông Emmanuel Macron giành được chiến thắng vang dội là nhờ được hưởng lợi từ một di sản văn hoá và lịch sử độc đáo của Pháp, nơi nhiều cử tri muốn có những thay đổi nhưng lại kinh hoàng trước sự giận dữ của dân chúng đã làm đảo lộn nền chính trị ở Anh và Mỹ”.
Theo tờ báo Mỹ, trong năm qua sự thất vọng của công chúng đối với giới chính trị truyền thống phương Tây đã biến thành một phong trào toàn cầu, với kết quả Brexit diễn ra vào tháng 6/2016 và tháng 11/2016 thì tỷ phú bất động sản Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ.
Trước bối cảnh đó, giới phân tích và dư luận đặt câu hỏi: Liệu bà Marine Le Pen – được xem là một Donald Trump của châu Âu - có thể khai thác lợi thế của trào lưu dân tuý để giành chiến thắng trong cuộc đua tranh chiếc ghế quyền lực tối cao của nước Pháp?
May mắn cho ông Macron là bà Le Pen đã không thành công trong việc khai thác lợi thế của mình, mà điều đó một phần do chiến lược có những sai lầm và chiến thuật chưa sắc sảo, phần khác là do cử tri Pháp vẫn chưa sẵn sàng trao quyền cho lực lượng chính trị cực hữu.
Cả châu Âu thở phào trước chiến thắng của nhà chính trị trẻ tuổi cấp tiến của nước Pháp, EU mừng vui với kết quả bầu tổng thống Pháp khi nguy cơ một Frexit đã có thể được ngăn chặn.
Tuy nhiên, theo The New York Times thì EU có thể vui nhưng chưa thể yên với sự đổi thay chính trị tại đất nước hình lục lăng.
Thứ nhất, chiến thắng của ông Macron phần lớn là nhờ bóng tối của nền chính trị Pháp đương đại. Lần đầu tiên trong gần 60 năm của nền Đệ ngũ Cộng hoà, không có bất cứ đại diện của một đảng chính trị truyền thống nào có mặt tại vòng nốc ao.
Đó không chỉ là một cú sốc lớn với chính trường Pháp, với giới chính trị truyền thống phương Pháp, mà còn có thể được xem là một cuộc cách mạng trong đời sống chính trị tại Pháp.
Chắc chắn những trụ cột của đời sống chính trị và đời sống xã hội Pháp trong hơn nửa thế kỷ qua sẽ được định hình lại sau chiến thắng của thủ lĩnh phong trào Tiến bước.
Có thể thấy, hậu quả của việc cử tri Pháp chọn đoạn tuyệt với lực lượng chính trị truyền thống Pháp mới là điều đáng lo nhất với EU và là hiệu ứng nguy hại nhất với nguyên tắc tự do - dân chủ truyền thống phương Tây mà EU đang theo đuổi và gìn giữ.
Bởi lẽ, khi lực lượng chính trị cấp tiến vượt qua bóng tối của nền chính trị Pháp đương đại, cho thấy một làn gió mới đã thực sự tác động mạnh mẽ vào đời sống chính trị và đời sống xã hội Pháp.
Sự đổi thay căn bản tại đất nước hình lục lăng chắc chắn sẽ tác động không nhỏ tới đời sống chính trị - xã hội trong Liên minh châu Âu.
Thứ hai, cương lĩnh chính trị của phong trào Tiến bước, quan điểm và chương trình hành động của tân Tổng thống Pháp là cải tổ EU, đặc biệt trong đó thúc đẩy Liên Minh Châu Âu phát triển theo khuynh hướng đa tốc độ.
Điều này sẽ phá vỡ nhiều nguyên tắc nền tảng tạo nên một EU thống nhất, mà cụ thể là một thị trường chung, một Eurozone.
Theo giới phân tích, có thể nhận diện đây là nguy cơ tạo ra sự phân rã sâu sắc trong EU, bởi EU hiện tại dù thống nhất nhưng chưa thể đồng nhất.
Đó là hệ quả của việc giới lãnh đạo EU xoá bỏ nhiều tiêu chí căn bản cho sự liên kết trong quá trình mở rộng EU về phía đông, thời hậu Chiến tranh Lạnh. Sự đồng nhất xây dựng trên những khác biệt đã tạo ra vết nứt nguy hiểm ngay trong lòng châu Âu và ngày càng đe doạ EU.
Theo giới phân tích thì khe nứt đông – tây nguy hiểm hơn rất nhiều so với Brexit, vì nó có thể khiến EU phân rã nhanh hơn, sớm hơn và mạnh mẽ hơn.
Và dường như tân Tổng thồng Pháp đã bắt đầu có những tác động khiến cho khe nứt trong lòng EU có thể nở rộng ra.
Reuters ngày 14/5 đưa tin, Ba Lan - nước có tiếng nói lớn nhất trong số các nước thành viên “EU Đông Âu”, lo ngại các nước láng giềng phương Tây giàu có muốn tăng cường hợp tác với nhau, từ đó phá vỡ thị trường chung, vốn là lợi ích lớn nhất của các thành viên “EU Đông Âu”.
"Những nhà chính trị, những nhà tư tưởng đang tìm kiếm các giải pháp, nhưng một bộ phận của EU sẽ là nạn nhân đầu tiên khi điều tệ hại nhất có thể xảy ra, đó là một thị trường đơn nhất sẽ không còn nữa", ông Konrad Szymanski, Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan, phát biểu tại Diễn đàn kinh tế ở Katowice.
Bộ trưởng Tài chính Ba Lan Mateusz Morawiecki thì cho rằng tân tổng thống Pháp có quan điểm kinh tế mang tính kỳ thị với các nền kinh tế như Ba Lan và điếu đó làm suy yếu các nguyên tắc của thị trường đơn nhất trong EU.
Ba Lan là nước hưởng lợi lớn nhất từ các quỹ của EU và sẽ nhận được 77,6 tỷ euro (84,4 tỷ USD) trong ngân sách EU giai đoạn 2014-2020 phục vụ cho các dự án cơ sở hạ tầng, cái thiện cuộc sống của các khu vực kém phát triển và nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế.
Như vậy là đã có những dư chấn có thề khiến cho khe nứt trong EU bị khoét rộng ra, sau khi có sự thay đổi trong đời sống chính trị tại Pháp.
Rõ ràng, Brussels chỉ có thể vui nhưng không thể yên, sau khi ông Macron vượt qua bóng tối đời sống chính trị tại đất nước hình lục lăng.
Theo Bao Datviet