Ba mục tiêu đối ngoại đầy tham vọng của ông Moon: Đối thoại với Triều Tiên, nâng cấp liên minh với Mỹ, xây dựng hợp tác đa phương với Đông Bắc Á.
Hàn Quốc ngày 10-5 đã có tổng thống mới sau hai tháng bà Park Geun-hye bị bãi chức vì vướng các cáo buộc hối lộ. Nhân vật tổng thống thứ 19 của Hàn Quốc là ông Moon Jae-in thuộc đảng ôn hòa Dân chủ. Với tình hình ghế tổng thống đang khuyết, ông Moon đã tuyên thệ nhậm chức và bắt đầu ngay nhiệm kỳ tổng thống năm năm của mình trong ngày 10-5 mà không có giai đoạn chuyển tiếp.
Theo hãng tin Yonhap (Hàn Quốc), Tổng thống Moon sẽ không có thời kỳ trăng mật khi nhậm chức trong bối cảnh Hàn Quốc đang đối mặt với quá nhiều thách thức ngoại giao. Ngay trong lễ nhậm chức ngày 10-5, ông Moon xác định “nếu cần thiết sẽ bay thẳng sang Mỹ”, “sẽ sang Trung Quốc (TQ), Nhật” và cũng không loại trừ khả năng sang cả Triều Tiên.
Chìa tay với Triều Tiên, TQ
Chiến thắng của ông Moon cũng có thể xem là tin vui cho Triều Tiên. Đêm trước ngày bầu cử, Triều Tiên kêu gọi người dân Hàn Quốc không bỏ phiếu cho các ứng viên bảo thủ.
Lúc tranh cử, ông Moon cam kết sẽ song song vận động giải trừ hạt nhân cũng như nối lại đối thoại với Triều Tiên, chấm dứt gần một thập niên đóng băng quan hệ dưới thời hai người tiền nhiệm bảo thủ của ông là Lee Myung-bak và Park Geun-hye. Từng là chánh văn phòng của Tổng thống Roh Moo-hyun, việc ông Moon theo đuổi chính sách của sếp cũ là Tổng thống Roh Moo-hyun, cải thiện quan hệ liên Triều cũng không có gì lạ. Tuy nhiên, tình hình bán đảo Triều Tiên thời điểm này nhiều thay đổi và phức tạp hơn so với thời ông Roh, khi các chương trình hạt nhân và tên lửa Triều Tiên phát triển mạnh.
Về phía láng giềng TQ, Chủ tịch Tập Cận Bình ngày 10-5 cũng đã chúc mừng ông Moon và khẳng định luôn đánh giá cao quan hệ Trung-Hàn. Ông Tập cũng không quên đề cập đến hệ thống tên lửa phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), hy vọng sẽ cải thiện quan hệ và giải quyết các bất đồng ngoại giao. Giải quyết mâu thuẫn với TQ quanh vụ hệ thống tên lửa THAAD sẽ là một trong những vấn đề đau đầu của ông Moon. Quan hệ Trung-Hàn thời gian qua đã rất xấu, kinh tế Hàn Quốc bị ảnh hưởng không ít vì TQ cản trở hoạt động các công ty Hàn Quốc, ra nhiều cấm đoán trong các lĩnh vực du lịch, mỹ phẩm…
Không buông tay Mỹ
Trước sau ông Moon vẫn thừa nhận liên minh với Mỹ là nền tảng quan trọng nhất của ngoại giao và an ninh Hàn Quốc. Viết trên mạng xã hội Facebook trước cuộc bầu cử, ông Moon nói nếu được bầu sẽ sắp xếp đi thăm Mỹ sớm bàn cách giải quyết “cuộc khủng hoảng an ninh” hiện tại và chương trình hạt nhân Triều Tiên. Về phần mình, Mỹ cũng lên tiếng mong muốn tiếp tục “hợp tác chặt chẽ, tích cực” với chính phủ mới của Hàn Quốc. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, quy mô liên minh Mỹ-Hàn đang phần nào bị đe dọa.
Dù không bác bỏ liên minh, ông Moon vẫn muốn Hàn Quốc phải có tiếng nói hơn trong các vấn đề liên quan đến hạt nhân Triều Tiên hay bán đảo Triều Tiên. Ông Moon cũng tuyên bố sẽ giành lại quyền kiểm soát quân đội thời chiến (OPCON - vốn do quân đội Mỹ đang giữ) cho quân đội Hàn Quốc. Thậm chí trong một cuốn sách xuất bản hồi tháng 1, ông Moon viết rằng Hàn Quốc cần học cách “nói không với Mỹ”.
Bản thân ông Moon cũng phản đối lắp đặt hệ thống THAAD ở Hàn Quốc. Ông từng nói rằng chuyện này phải để chính phủ của tân tổng thống quyết định. Nói với The Washington Post tuần trước, ông Moon chỉ trích Mỹ đã coi thường dân chủ ở Hàn Quốc khi không lấy ý kiến dân chúng về việc này. Nhiều chuyên gia cho rằng việc chính phủ tiền nhiệm và Mỹ quyết định gấp rút triển khai trước khi ông Moon nhậm chức là nhằm gây khó khăn cho ông trong việc thu hồi, bãi bỏ.
Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng chưa biết chắc chính phủ Trump sẽ đối phó với Triều Tiên như thế nào. Sau nhiều tháng hăm dọa Triều Tiên, thậm chí nhắc đến khả năng tấn công phủ đầu, ông Trump gần đây làm nhiều người khó hiểu khi nói muốn “vinh dự” gặp trực tiếp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Bước đi đầu tiên nên thế nào?
Nếu có bất kỳ mục tiêu nào trong ba mục tiêu đầy tham vọng - gắn kết Triều Tiên, nâng cấp liên minh với Mỹ, xây dựng hợp tác với các láng giềng Đông Bắc Á - không đạt được, năng lực ngoại giao và khả năng đối phó Triều Tiên của Hàn Quốc sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. “Mỗi một mục tiêu đều cần đến sự nỗ lực ngoại giao rất lớn, tuy nhiên không may là tất cả mục tiêu đều phải thực hiện cùng lúc” - cựu Đại sứ Hàn Quốc tại LHQ Oh Joon nói với Yonhap.
Bước đi đầu tiên và quan trọng nhất của Hàn Quốc để từ đó giải quyết mọi vấn đề khác theo ông Yun Duk-min, cựu Hiệu trưởng Học viện Ngoại giao quốc gia Hàn Quốc, là củng cố và tăng cường quan hệ với Mỹ. “Với tình hình điều kiện ngoại giao đang ở mức cực kỳ tồi tệ hiện tại, tăng cường quan hệ với Mỹ phải là bước bắt đầu để giải quyết mọi vấn đề khác. Dù chúng ta đang đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng, tất cả chúng đều tùy ở chỗ chúng ta duy trì và tăng cường liên minh với Mỹ như thế nào. Liên minh với Mỹ là cốt lõi, là bàn đạp giúp giải quyết mọi vấn đề khác” - ông Yun cho biết.
Nhà nghiên cứu cấp cao Cheong Seong-chang tại Viện nghiên cứu Sejong (Hàn Quốc) đồng tình cách tiếp cận này. Ông nhận định: “Tổng thống mới nên gửi một đặc phái viên về đối ngoại và an ninh quốc gia đến Mỹ và sau đó đến TQ để sắp xếp các cuộc gặp càng sớm càng tốt. Chúng ta cần chủ động đề xuất biện pháp giải quyết các bất đồng, trong đó có THAAD mà cả Mỹ và TQ có thể chấp nhận”.
Nhiều chuyên gia nhận định thời điểm này, việc ông Moon gặp ông Trump quan trọng hơn lúc nào hết. Ông cần tránh để Hàn Quốc bị cô lập ngoại giao hơn nữa trong lúc Mỹ và TQ đang tiến lại gần nhau. Một bằng chứng cho sự cô lập là mới đây ông Trump đã điện đàm với hai lãnh đạo TQ và Nhật về Triều Tiên mà bỏ qua Hàn Quốc. Đối thoại song phương với Mỹ càng cần thiết hơn khi ông Moon trong chiến dịch tranh cử đã nhiều lần thể hiện sự phản đối của mình với việc Mỹ triển khai hệ thống tên lửa THAAD trên đất Hàn Quốc, cũng như với việc ông Trump đòi Hàn Quốc phải trả 1 tỉ USD.
Newsweek nhận định việc ông Moon thắng cử là một bất lợi với ông Trump khi ông Moon với quan điểm muốn gắn kết Triều Tiên sẽ làm công việc kiềm chế Triều Tiên của ông Trump thêm phức tạp. Vì vậy, theo các chuyên gia, ông Moon cần đảm bảo với Mỹ rằng chính sách gắn kết với Triều Tiên của Hàn Quốc sẽ không mâu thuẫn với các lệnh trừng phạt quốc tế với Triều Tiên. Dù sao theo nhà nghiên cứu Cheong, cuộc khủng hoảng Hàn Quốc đang phải đối mặt hiện tại có thể biến thành một cơ hội để giải quyết rốt ráo vấn đề hạt nhân Triều Tiên khi chính phủ Mỹ lần đầu tiên trong rất nhiều năm thể hiện sự quan tâm tích cực đến vấn đề này.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in không hài lòng việc Mỹ triển khai hệ thống tên lửa THAAD, yêu cầu chính phủ Trump phải tôn trọng dân chủ của Hàn Quốc. Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đòi Hàn Quốc phải trả 1 tỉ USD cho hệ thống THAAD, ông Moon lên tiếng rằng Hàn Quốc không phải là thuộc địa của Mỹ mà hễ Mỹ ra lệnh là phải nộp tiền.
Tuy nhiên, thực tế hai ông Moon và Trump có không ít điểm giống nhau. Chính sách tranh cử của ông Moon là “Quyền lợi quốc gia đầu tiên”, không khác mấy chính sách “Nước Mỹ đầu tiên” của ông Trump.
Ông Trump mới đây nói rằng mình “vinh dự” gặp trực tiếp lãnh đạo Kim Jong-un của Triều Tiên. Trong khi đó, ông Moon cũng không bác bỏ khả năng gặp trực tiếp ông Kim để cải thiện quan hệ.
Theo PLO