Sửa Luật Đất đai giúp khơi thông nguồn lực thúc đẩy các tỉnh công nghiệp phát triển

TS. Trần Công Phàn kỳ vọng việc sửa đổi Luật Đất đai sẽ giúp tạo động lực thúc đẩy cho các địa phương, đặc biệt là các tỉnh công nghiệp phát triển.

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được coi là một trọng tâm trong công tác xây dựng pháp luật của cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, dự kiến tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV (tháng 5/2023) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần 2. Đến kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) sẽ trình Quốc hội thông qua Luật.

Các vấn đề nổi bật của dự án Luật Đất đai sửa đổi đang được lấy ý kiến như: Quyền của các chủ thể sử dụng đất và các mối quan hệ pháp lý; quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, vấn đề về tài chính, giá đất, giải phóng mặt bằng…

Một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp có vốn đầu tư tại các địa phương, đặc biệt là các địa phương có khu công nghiệp đó là làm sao dễ dàng tiếp cận đất đai? Về nội dung này, Người Đưa Tin (NĐT)  đã có cuộc trao đổi với TS. Trần Công Phàn, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam, ĐBQH Khóa XV.

NĐT: Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu và lấy ý kiến nhân dân rộng rãi, xin ông đánh giá về việc lấy kiến góp ý đối với dự thảo Luật đến thời điểm hiện tại?

TS. Trần Công Phàn: Các quy định của Luật Đất đai liên quan đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế, xã hội và quyền con người, quyền công dân nên việc sửa đổi Luật sẽ liên quan đến rất nhiều luật khác (theo thống kê liên quan đến 112 luật khác nhau).

Hội Luật gia Việt Nam là một tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp, có nhiệm vụ tham gia xây dựng và phản biện chính sách, pháp luật. Đồng thời, với vai trò là thành viên ban soạn thảo, ngay từ khi dự thảo Luật chưa trình Quốc hội cho đến khi trình lần đầu, chúng tôi đã tổ chức nhiều Hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tại các hội thảo cũng đã tập hợp được nhiều ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, luật gia, luật sư, chuyên gia pháp lý…

Thông qua đó, Hội Luật gia đã có những tập hợp, phản ánh trung thực ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia đến với Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền trong việc sửa đổi luật.

Chúng tôi đều mong muốn làm sao khi sửa đổi Luật Đất đai,những vấn đề vướng mắc, khó khăn qua tổng kết thực tiễn thi hành luật được khắc phục, phục vụ tốt hơn cho việc phát triển kinh tế - xã hội và đặc biệt là sửa đổi luật phải đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên tham gia, các chủ thể trong xã hội liên quan đến đất đai nói chung và quyền sử dụng đất nói riêng.

1-1684906172.jpg

TS. Trần Công Phàn, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam, ĐBQH Khóa XV trao đổi với PV

NĐT: Xin ông cho biết, việc sửa đổi Luật Đất đai sẽ giúp gỡ vướng như thế nào để các doanh nghiệp tại các tỉnh, nhất là các tỉnh có khu công nghiệp dễ dàng tiếp cận đất đai?

TS. Trần Công Phàn: Thực tiễn cho thấy, hành lang pháp lý liên quan đến việc thuê đất trong khu công nghiệp đã bộc lộ khá nhiều bất cập; các văn bản hướng dẫn triển khai các quy định trong Luật Đất đai năm 2013 và các luật liên quan còn chưa rõ ràng, thiếu sự thống nhất... Điều này dẫn tới việc áp dụng quy định không thống nhất tại các địa phương có khu công nghiệp, gây khó khăn trong việc tiếp cận đất đai cho cả chủ đầu tư lẫn bên thuê lại đất.

Vấn đề này, trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có quy định về trách nhiệm của chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp phải dành một tỉ lệ diện tích đất để Nhà nước thực hiện các chính sách về đất đai (Điều 168 dự thảo Luật Đất đai sửa đổi):

Việc quy định chủ đầu tư phải dành quỹ đất để UBND cấp tỉnh hoặc Chủ đầu tư dự án xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cơ sở di dời do ô nhiễm môi trường thuê đất hoặc áp dụng chính sách hỗ trợ khác là cần thiết.

Tuy nhiên, cần giao quyền chủ động cho địa phương để xác định phương thức hỗ trợ đối tượng này phù hợp với thực tế của từng địa phương. Đồng thời, cần quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chí, quy trình phù hợp, không rườm rà để các doanh nghiệp được tiếp cận quỹ đất này công khai, minh bạch, tránh cơ chế “xin-cho”.

2-1684906179.jpg

Hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức nhiều hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai

 (sửa đổi)

NĐT: Theo ông, việc sửa đổi Luật sẽ giúp tạo ra những động lực như thế nào để các tỉnh công nghiệp như: Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh… phát triển?

TS. Trần Công Phàn: Tôi cho rằng, việc sửa Luật Đất đai không chỉ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đang tồn tại thực tế, giảm rủi ro pháp lý cho các cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp mà còn góp phần khơi thông nguồn lực để phát triển, thúc đẩy các hoạt động đầu tư, kinh doanh. Qua đó, thúc đẩy tăng trưởng, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân trên địa bàn, nhất là các địa phương có khu công nghiệp, cụm công nghiệp như Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh…

NĐT: Nhìn vào tỉnh Thái Nguyên, tỉnh có lợi thế nằm trong Vùng Thủ đô, tốc độ đô thị hoá tăng nhanh, cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại, bất động sản Thái Nguyên được các nhà đầu tư đánh giá cao về tiềm năng sinh lời tốt, thanh khoản cao. Theo ông, cần phải làm gì để Thái Nguyên nói riêng và các tỉnh có cụm công nghiệp, khu công nghiệp nói chung ngày càng thu hút được các nhà đầu tư?

TS. Trần Công Phàn: Có nhiều việc phải làm, nhưng trước nhất vẫn là sửa đổi Luật Đất đai, để tạo ra được sự phát triển kinh tế, thúc đẩy hoạt động đầu tư, kinh doanh. Trong đó, việc sửa luật cần cân nhắc một số chế định quan trọng liên quan tới hoạt động của các doanh nghiệp. Chẳng hạn, nội dung chuyển từ thuê đất trả tiền một lần sang thuê đất trả tiền hàng nămcần đảm bảo sự ổn định và thuận lợi cho người kinh doanh. Bởi, theo quy định của Luật Đất đai hiện nay quyền của người sử dụng đất trả tiền hàng năm bị giới hạn hơn trả tiền một lần khá nhiều.Trên thực tế, tại một số địa phương cũng đã có những đợt tăng tiền thuê đất (giá đất thay đổi và biến động), ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp thuê đất trả tiền hàng năm.

Bên cạnh đó, nếu sửa đổi được những vấn đề căn bản như: Cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất… thì sẽ mở rộng cánh cửa cho các nhà đầu tư đến kinh doanh tại các địa phương. Như vậy, vừa tạo động lực phát triển kinh tế của địa phương, vừa đảm bảo công ăn việc làm cho người dân địa phương và vừa đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước.

Đồng thời, có nhiều các quy định của Luật Đất đai liên quan chặt chẽ với các luật kinh doanh khác như: Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Quy hoạch, Bộ luật Dân sự…  nên khi xây dựng, sửa đổi Luật Đất đai cần tính tới xem xét sửa đổi đồng bộ các luật có liên quan bảo đảm thống nhất, hạn chế tình trạng chồng chéo, gây cản trở, ách tắc hoạt động đầu tư kinh doanh.

Hiện nay, những luật như: Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đấu thầu đang được soạn thảo, lấy ý kiến về các nội dung sửa đổi, bổ sung. Đó là cơ hội để điều chỉnh những điểm còn vướng, mâu thuẫn giữa các luật bảo đảm sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật kinh doanh, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các dự án đầu tư của các doanh nghiệp.

3-1684906179.jpg

Sửa Luật Đất đai góp phần khơi thông nguồn lực thúc đẩy các tỉnh công nghiệp phát triển

NĐT: Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, có đặt mục tiêu: Thái Nguyên, Bắc Giang, Lào Cai, Sơn La, Lạng Sơn là cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế vùng. Vậy theo ông, các địa phương cần phải đặt những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn thế nào để trở thành cực tăng trưởng như Nghị quyết đề ra?

TS. Trần Công Phàn: Thông thường, để quyết định lựa chọn đầu tư tại quốc gia, địa phương nào đó thì các nhà đầu tư quan tâm nhiều đến cơ sở hạ tầng đồng bộ (khu công nghiệp và các dịch vụ đi kèm, điện, nước, giao thông vận tải, thông tin, logistics...); nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, công nhân có tay nghề; công nghiệp hỗ trợ, phụ trợ nội địa phát triển và tình hình an ninh trật tự của quốc gia, địa phương đó có ổn định hay không?

Như Thái Nguyên là một trong những tỉnh, thành phố thuộc Vùng Thủ đô, có một vị thế địa - kinh tế đặc biệt. Sở hữu lợi thế về mặt giao thông thuận lợi liên kết với các địa phương lân cận như: Hà Nội, Lạng Sơn, Bắc Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ… Vì thế, tỉnh có tiềm năng tạo sức hấp dẫn thu hút đầu tư mạnh mẽ.

Cùng với đó, điều kiện tự nhiên thuận lợi, ít thiên tai, tài nguyên phong phú giúp Thái Nguyên phát triển kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực…

Và để trở thành cực tăng trưởng như Nghị quyết đề ra, theo tôi Thái Nguyên nói riêng và các tỉnh như Bắc Giang, Lào Cai, Sơn La, Lạng Sơn… nói chung cần bám sát chủ trương, mục tiêu của Nghị quyết.

NĐT: Thái Nguyên là một trong 10 địa phương nằm trong Vùng Thủ đô, ông có kỳ vọng như thế nào trong việc để Thái Nguyên góp phần vào mục tiêu phát triển Vùng Thủ đô xứng tầm khu vực?

TS. Trần Công Phàn: Chính phủ đã có Quyết định số 222 ngày 14/3/2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Dưới góc nhìn của một ĐBQH, tôi nhận thấy môi trường đầu tư, chính sách của Việt Nam nói chung và của tỉnh Thái Nguyên nói riêng đang tạo ra sức hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Chính vì thế, đã có nhiều dự án FDI tăng vốn, mở rộng quy mô sản xuất, có nhiều nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là tại Thái Nguyên.

Với những lợi thế và tiềm năng, tôi kỳ vọng Thái Nguyên sẽ phát triển ngày càng mạnh mẽ, thu hút được đông đảo các nhà đầu tư tham gia; đồng thời quan tâm phát triển nguồn nhân lực địa phương, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao… và đạt được những mục tiêu như Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên đã đề ra.

NĐT: Xin cảm ơn ông.

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin