Sửa Luật Các tổ chức tín dụng: Cần khung pháp lý cho mô hình tập đoàn tài chính

19/06/2023 16:20

Trước những nguy cơ tiềm ẩn của mô hình ngân hàng - tập đoàn tài chính, không ít ý kiến cho rằng, nên bổ sung các quy định về tập đoàn tài chính ngay trong Dự thảo Luật Các tổ chức tín (sửa đổi)…

Theo đó, mô hình Ngân hàng - Tập đoàn tài chính đã phát triển từ lâu trên thế giới. Ở Việt Nam, những năm qua, nhiều ngân hàng cũng tuyên bố theo đuổi mô hình này. Trong mô hình đó, ngân hàng thương mại sẽ là hạt nhân, kết nối với một hệ sinh thái các công ty liên quan để bán chéo dịch vụ (gồm cả dịch vụ tài chính và phi tài chính), phục vụ gần như toàn bộ nhu cầu của khách hàng.

Mặc dù được đánh giá mang lại nhiều lợi ích cho cả ngân hàng và khách hàng, tuy nhiêu, mô hình này cũng đã và đang cho thấy những nguy cơ tiềm ẩn. Đặc biệt là tình trạng “sân sau”, sở hữu chéo xuất phát từ cơ cấu sở hữu phức tạp, thiếu minh bạch. Và khi có sự tác động, chi phối bởi cổ đông hoặc nhóm nào đó đổ vốn vào những lĩnh vực có rủi ro rất cao như: bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp… có thể làm xáo trộn các thị trường.

sua-luat-cac-to-chuc-tin-dung-2381-1686823343.jpg

Mặc dù được đánh giá mang lại nhiều lợi ích cho cả ngân hàng và khách hàng, tuy nhiêu, mô hình ngân hàng - Tập đoàn tài chính cũng đã và đang cho thấy những nguy cơ tiềm ẩn - Ảnh minh họa: ITN

Thực tế đã cho thấy, thị trường tài chính - ngân hàng Việt Nam đã trải qua không ít “rúng động” khi vụ “bầu Kiên” (Nguyễn Đức Kiên) thao túng ngân hàng liên quan đến Ngân hàng ACB. Và bản án 30 năm tù cho hành vi đã nêu có thể xem như một lời tuyên chiến mạnh mẽ với lợi ích nhóm đang lũng đoạn trong hệ thống ngân hàng suốt một thời gian dài.

Thế nhưng sau vụ việc này, tưởng chừng vấn đề lợi ích nhóm, sở hữu chéo ngân hàng sẽ phải chìm xuống bởi các quy định pháp lý được đặt ra chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm, đây vẫn là bài toán khó với các cơ quan quản lý, thậm chí, các hành vi vi phạm đang ngày càng biến tướng phức tạp hơn. Nguy cơ rủi ro từ sở chéo trong hệ thống tài chính ngân hàng lại bùng lên, vụ việc của Vạn Thịnh Phát - SCB nổ ra hồi đầu tháng 10/2022 vừa qua được cho là một trong những ví dụ điển hình cho thấy tình trạng cơ sở pháp lý chưa đủ mạnh để khắc chế.

Tình trạng sở hữu chéo, thao túng, lợi ích nhóm, cho vay sân sau... trong lĩnh vực ngân hàng vẫn đang diễn biến phức tạp và đáng lo ngại. Trong khi đó, Luật Các tổ chức tín dụng chưa có biện pháp phòng ngừa. Đây cũng chính là vấn đề đã làm nóng nghị trường khi Quốc hội bàn về Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa qua.

sua-luat-cac-to-chuc-tin-dung-2382-1686823361.jpg

Nhiều ý kiến cho rằng, nên bổ sung các quy định về Tập đoàn tài chính ngay trong Dự thảo Luật Các tổ chức tín (sửa đổi) - Ảnh minh họa: ITN

Theo đại biểu Lê Hoàng Anh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai, tại Việt Nam, các nhóm công ty hình thành và hoạt động trên thị trường tài chính theo mô hình công ty mẹ - con, có công ty mẹ là ngân hàng thương mại, hoặc là công ty sở hữu tài chính, hoặc công ty không hoạt động trong lĩnh vực tài chính; loại này ngày càng nhiều và đa dạng, có thể thấy: Tập đoàn tài chính có công ty mẹ là ngân hàng thương mại như: Agribank, VCB, Vietinbank, BIDV, Techcombank, MB; Tập đoàn tài chính có công ty mẹ là công ty sở hữu tài chính như: Tập đoàn Bảo Việt; Tập đoàn tài chính có công ty mẹ không hoạt động trong lĩnh vực tài chính như nhóm CTCP Uniben…

Tuy nhiên, chúng ta hầu như chưa có quy định pháp luật đối với các Tập đoàn tài chính mà Tập đoàn tài chính vẫn hoạt động chung nhất theo Luật Doanh nghiệp. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho chính các tập đoàn đó, cho cả thị trường tài chính và nền kinh tế bởi mức độ nhạy cảm và tác động lớn, cũng như mức độ lan truyền rủi ro của các định chế tài chính trong Tập đoàn tài chính.

Cũng theo đại biểu Lê Hoàng Anh, kinh nghiệm thế giới cho thấy, các quốc gia đều có các quy định về công nhận và hoạt động của Tập đoàn tài chính trong các luật chuyên ngành về ngân hàng thương mại, chứng khoán hoặc bảo hiểm; một số ít, khoảng khoảng 11 quốc gia/vùng lãnh thổ có luật về Tập đoàn tài chính.

Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến 2030, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra nhiệm vụ và giải pháp là “Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xác định trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong việc thanh tra, giám sát các tập đoàn tài chính dưới hình thức công ty mẹ - con, trong đó công ty mẹ là tổ chức tín dụng; đầu mối, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho Chính phủ xây dựng khuôn khổ pháp lý về tập đoàn tài chính”.

“Vì vậy, tôi đề nghị Chính phủ và Ban soạn thảo bổ sung Tập đoàn tài chính vào phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và thiết kế một Chương riêng quy định về Tập đoàn tài chính trong Dự thảo Luật này”, đại biểu Lê Hoàng Anh bày tỏ.

Xoay quanh vấn đề này, không ít đại biểu tại Nghị trường cũng đề nghị, Ngân hàng Nhà nước nên bổ sung các quy định về tập đoàn tài chính ngay trong Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng đang được đưa ra lấy ý sửa đổi lần này.

Liên quan đến thực trạng lũng đoạn thông qua mạng lưới chằng chịt công ty con, mô hình Ngân hàng - Tập đoàn tài chính, thông tin với báo chí, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cũng cho rằng, Việt Nam hiện chưa có khung pháp lý với mô hình ngân hàng đầu tư, hay Tập đoàn tài chính, đã đến lúc Ngân hàng Nhà nước cần phải tính đến vấn đề này.

Bạn đang đọc bài viết "Sửa Luật Các tổ chức tín dụng: Cần khung pháp lý cho mô hình tập đoàn tài chính" tại chuyên mục Pháp lý và Kinh doanh. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin