(Pháp lý) - Thị trường chứng khoán non trẻ của Việt Nam sau một thời gian hoạt động đã bộc lộ những thủ đoạn trục lợi bất chính cần được ngăn chặn. Trong đó, thao túng thị trường, thao túng giá là những hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự…
Thị trường may rủi
Tham gia thị trường chứng khoán có lẽ là loại hình kinh doanh may rủi nhất ở nước ta hiện nay. Có người hốt bạc nhưng nhiều người trắng tay. Bà Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa và người thân nắm giữ tại Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang tổng cộng 11,8 triệu cổ phiếu, chiếm 34,12% vốn điều lệ doanh nghiệp này, tương đương 684 tỷ đồng, trong đó riêng bà Thoa xấp xỉ 100 tỉ đồng. Như vậy là thương vụ của gia đình bà Thoa thắng lớn, lãi gấp 5- 6 lần vốn đầu tư ban đầu. Công ty này chính thức niêm yết cổ phiếu tại sàn giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh với mã chứng khoán là DQC năm 2008.
Ngược lại, nhiều nhà đầu tư mua cổ phiếu của Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) mức giá 30.000 - 40.000 đồng/cp rồi phải bán ở mức giá 8.000 đồng, thậm chí 6.000 đồng/cp. Như vậy, tổng thiệt hại của cổ đông lên tới hàng ngàn tỷ đồng.
Kinh doanh thì lời hay lỗ lẽ ra là thường tình, theo qui luật của thị trường, nhưng riêng thị trường chứng khoán thì khác, nó bị tác động bởi những người có khả năng chi phối để những dòng tiền của cổ đông chảy vào nơi họ muốn. Đơn cử như thủ đoạn thâu tóm trong cổ phần hoá doanh nghiệp và thiếu minh bạch trong sở hữu cổ phiếu. Đây là hành vi trục lợi bất chính, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và cho nhà đầu tư nên phải có chế tài xử lý nghiêm minh. Doanh nghiệp Nhà nước nào cổ phần hoá mà không đưa vào giao dịch thì có thể bị xử phạt rất nặng, quá 12 tháng không đăng ký, mức phạt sẽ lên tới 300-400 triệu đồng.
Tuy nhiên, những trường hợp quan chức lợi dụng vị thế để có lượng cổ phiếu lớn, thì chỉ những người sở hữu từ 5% cổ phiếu trở lên mới phải công bố thông tin và Ủy ban Chứng khóan nhà nước mới quản lý. Vì vậy, chuyển cổ phiếu cho người nhà để giữ ở mức dưới 5% là chiêu lách luật khá dễ dàng.
Xử lý hình sự còn hạn chế
Thao túng giá chứng khoán thực chất là thủ đoạn của một số người tham gia giao dịch mua bán chứng khoán đã thống nhất với nhau trong việc mua đi bán lại với nhau nhưng thực chất chỉ là mua bán giả nhằm tạo ra cung cầu giả tạo trên thị trường chứng khoán để trục lợi. Đây là hành vi phạm tội được qui định trong Bộ luật Hình sự, và vụ thao túng giá chứng khoán đầu tiên bị khởi tố hình sự là vụ Lê Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dược phẩm Viễn Đông (DVD) cùng các đối tượng đồng phạm. Các đối tượng này đã bị kết án.
Lê Văn Dũng đứng ra thành lập Công ty DVD, làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc rồi chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HoSE). Để giữ và nâng giá, cũng như tăng tính thanh khoản giả cho cổ phiếu DVD, Lê Văn Dũng đã trực tiếp mở tài khoản và mượn tư cách pháp nhân và danh nghĩa của một số tổ chức, cá nhân là người nhà, người thân và bạn của Dũng mở 12 tài khoản tại các Công ty chứng khoán để tiến hành nhiều phiên giao dịch mua bán cổ phiếu DVD, trong đó có 119 phiên với 1.725 lần giao dịch khớp chéo giữa các tài khoản trong nhóm với nhau với số tiền tổng cộng là 221.571.200.000 đồng...
Ngoài ra Lê Văn Dũng cùng đồng bọn còn đề ra mục tiêu thâu tóm, sáp nhập một số Công ty Dược phẩm vào Công ty DVD. Trong đó có Công ty Dược phẩm Hà Tây (DHT) vì Công ty này có hệ thống sản xuất, bán hàng tốt và có nhiều bất động sản. Để đạt được mục tiêu này, ngoài việc sử dụng tới 11 tài khoản khác, cũng như mượn danh nghĩa cá nhân của người thân gồm vợ, em vợ, em trai...
Gần đây, có nhiều vụ thao túng chứng khoán bị xử phạt, có vụ phạt tới 705 tỉ đồng, tuy nhiên, trong nhiều năm qua, số vụ thao túng chứng khoán bị khởi tố điều tra khá ít ỏi, chưa tương xứng với mức độ phức tạp của loại tội phạm này. Theo quy định tại Điều 211 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội thao túng thị trường chứng khoán đã qui định hình phạt tiền cao nhất đến 4 tỉ đồng hoặc phạt tù đến 7 năm.
Trách nhiệm người quản lý
Về trường hợp thua lỗ của những nhà đầu tư cổ phiếu TTF, nguyên nhân lại do những sai phạm của người quản lý doanh nghiệp, cụ thể là ông Võ Trường Thành, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc TTF và ông Võ Diệp Văn Tuấn (con trai ông Thành), nguyên là thành viên HĐQT và Phó Tổng Giám đốc. Số tiền thiệt hại đến cả ngàn tỉ đồng. Để được bãi nại, ông Thành và ông Tuấn đã đề xuất lấy tài sản cá nhân ra để khắc phục hậu quả. Các tài sản khắc phục của cha con ông Võ Trường Thành bao gồm hơn 15 triệu cổ phần TTF và khoảng 57 tỷ đồng vốn góp tại các doanh nghiệp khác. Ngoài ra còn có các tài sản khác như nhà đất có thể bán hay chuyển đổi... tổng giá trị tài sản để khắc phục khoảng 160 tỷ đồng.
Tuy nhiên, dẫu bỏ 160 tỉ đồng để khắc phục thì cũng chỉ là phần nhỏ so với tổng thiệt hại mà nhà đầu tư phải gánh chịu.
Trước đó, hồi 2015, ông Trầm Bê khi đó là Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank cũng đã tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu cổ phần Sacombank và cam kết ủy quyền không hủy ngang, vô thời hạn cho NHNN hoặc tổ chức, cá nhân do NHNN chỉ định thực hiện đầy đủ các quyền của cổ đông theo quy định của pháp luật đối với toàn bộ số cổ phần tại Sacombank, SouthernBank và ngân hàng sau sáp nhập thuộc quyền sở hữu của ông Trầm Bê và các bên có liên quan.
Ông Trầm Bê cam kết trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của ngân hàng sau sáp nhập, nếu giá trị tài sản đảm bảo cho các nghĩa vụ nợ của ông Trầm Bê và những người có liên quan không đủ sẽ bổ sung thêm các tài sản khác thuộc sở hữu của ông Trầm Bê.
Cam kết lấy tài sản cá nhân để khắc phục hậu quả được xem là một giải pháp giúp bù đắp thiệt hại cho DN và cổ đông. Đổi lại sẽ được xem xét miễn, giảm trách nhiệm pháp lý liên quan đến hậu quả gây ra.
Tuy nhiên, có nhiều người chưa hẳn đã đồng thuận với các giải pháp như vậy vì thiệt hại họ phải gánh chịu.
Do đó, nhà đầu tư ngoài những bài học kinh nghiệm về đầu tư chứng khoán, đang trông đợi ở pháp luật, mong sao có hành lang pháp lý minh bạch và đủ sức ngăn chặn những hành vi gian dối, trục lợi chứng khoán.
Sẽ bổ sung một số tội danh liên quan tới lĩnh vực chứng khoán trong BLHS?
Trong cuộc họp báo chiều ngày 9/3, đại diện Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, tới đây, các hành vi mua bán, thao túng lĩnh vực chứng khoán sẽ phải chịu mức phạt cao nhất lên tới 400-500 triệu đồng.
Trước câu hỏi về một số vụ thâu tóm trong lĩnh vực chứng khoán thời gian qua, đại diện của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết: “Nhiều lúc, chúng tôi cùng với công an, viện kiểm sát ngồi bàn mà cứ vò đầu bứt tai không biết xử phạt thế nào vì ngay cả việc thao túng trong lĩnh vực chứng khoán nhiều khi đem lại lợi nhuận cho cả các nhà đầu tư khác. Chúng tôi đã tính đến việc sắp tới, trong Luật hình sự sửa đổi sẽ bổ sung quy định với hành vi thao túng cổ phiếu. Nếu thu lời bất chính từ 500 triệu đồng trở lên sẽ bị xem xét xử lý hình sự”, vị đại diện này cho biết.
Liên quan đến những cổ phiếu có giao dịch bất thường, vị đại diện cũng khẳng định: UBCKNN đang giám sát chặt chẽ, tất cả những vụ việc báo chí phản ánh hay nhà đầu tư xôn xao chúng tôi đều tiến hành kiểm tra. Vụ việc nào cần xác minh sẽ chuyển cho cơ quan công an.
Vị đại diện cũng cho biết thêm, UBCKNN vừa chuyển sang cơ quan cảnh sát điều tra nhiều vụ việc do Uỷ ban không có thẩm quyền điều tra dòng tiền. “UBCKNN đang phối hợp với công an để làm rõ ai, tổ chức nào đứng đằng sau các vụ thao túng giá. Vụ việc nào có dấu hiệu hình sự chúng tôi đề nghị khởi tố; vụ nào xử lý hành chính thì mức phạt với tổ chức cao nhất là 1,2 tỷ đồng”.
Trước những thông tin về tình trạng thâu tóm trong cổ phần hoá và thiếu minh bạch trong sở hữu cổ phiếu nổi lên trong năm 2016, đại diện UBCKNN khẳng định: Vấn đề thâu tóm trong cổ phần hoá các doanh nghiệp Nhà nước, chúng tôi đã có chế tài để xử lý. Doanh nghiệp Nhà nước nào cổ phần hoá mà không đưa vào giao dịch thì có thể bị xử phạt rất nặng, quá 12 tháng không đăng ký, mức phạt sẽ lên tới 300-400 triệu đồng.
Câu chuyện xử phạt hoặc quy trách nhiệm cá nhân liên quan tới vi phạm trong sở hữu cổ phiếu sẽ rất nghiêm khắc: “Sắp tới, trong Bộ luật Hình sự, chúng tôi đề xuất đưa 4 tội danh liên quan tới làm giả hồ sơ niêm yết trong lĩnh vực chứng khoán”.
Thái Đăng