(Pháp lý) - Sai phạm của Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Phan Thị Mỹ Thanh, của Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa hay chuyện sẽ khởi tố Tập đoàn Mường Thanh do có nhiều sai phạm trong xây dựng... đối với dư luận đều không bất ngờ. Các vụ việc này đều đã được cảnh báo trước, nhưng sai phạm vẫn tiếp tục xảy ra cho đến khi có quyết định xử lý… Vì sao đã biết có sai phạm nhưng không ngăn chặn được hay không được ngăn chặn?
Dân biết nhưng lãnh đạo không biết?
Bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai vừa nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo do mắc nhiều sai phạm.
Hành vi lợi dụng quyền lực để vun vén, tạo nguồn lợi cho Công ty do chính chồng mình làm Chủ tịch HĐTV của bà Mỹ Thanh khiến dân Đồng Nai mấy người không biết, thậm chí bức xúc đã phải gửi đơn tố cáo (ông Bùi Thanh Trúc, Chủ tịch Liên minh HTX DV nông nghiệp Tổng hợp Đồng Nai đã gửi đơn tố cáo).
Sai phạm cùa bà Thanh có thể nói là kéo dài, lộ liễu, nhưng mới đây, trả lời báo chí về những sai phạm của Phó Bí thư Tỉnh ủy Phan Thị Mỹ Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Phú Cường cho biết: “Bà Thanh thuộc diện Ban Bí thư quản lý, các sai phạm của bà Thanh xảy ra từ nhiều năm trước, tuy nhiên địa phương không nắm được. Đến khi có đơn tố cáo, Ban Bí thư giao cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác minh thì tỉnh mới biết được vụ việc", ông Cường nói.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã có kết luận về những sai phạm của bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương và kết luận bà Thoa đã có nhiều sai phạm trong giai đoạn giữ các chức vụ Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Bóng đèn Điện Quang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang (tháng 1/2004 – 5/2010) như: Vi phạm trình tự, thủ tục trong việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp; Thực hiện không đúng, không đầy đủ các thủ tục theo quy định, quyết định của Nhà nước về quản lý đất đai; Mua cổ phần vượt mức quy định; chuyển nhượng cổ phần không đúng quy định của Điều lệ của Công ty. Việc chuyển nhượng phần vốn góp của Nhà nước vào Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Điện Quang không báo cáo, xin ý kiến chủ sở hữu là vi phạm quy định về quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Trước khi có kết luận của Ủy ban kiểm tra Trung ương, trả lời báo chí và dư luận về tài sản khủng của gia đình bà Thoa, Bộ Công thương và bà Thoa đều cho biết, hàng năm bà Thoa đều kê khai tài sản đúng quy trình ?!.
Trao đổi với báo chí, Cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) Phạm Trọng Đạt cho biết, Thanh tra Chính phủ sẽ cử người sang phối hợp với UBKTTƯ để làm rõ những việc kết luận đã nêu đối với những vi phạm, khuyết điểm của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa trong mua cổ phần, kê khai tài sản, thu nhập.
Theo ông Phạm Trọng Đạt, để xảy ra tình trạng trên một phần cũng là do trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan đã lơ là, buông lỏng quản lý. “Phải xem xét trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, cấp uỷ của cơ quan Nhà nước trong việc kiểm tra, giám sát, tổ chức thực hiện, đôn đốc. Cụ thể, nếu việc giám sát kê khai không được tốt trong thời gian dài, kê khai không đủ thì đó là trách nhiệm của bản thân người kê khai và người đứng đầu cũng phải có trách nhiệm”, ông Đạt nhận xét.
Về giải pháp khắc phục, ông Đạt cho rằng cần chấn chỉnh, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong giám sát, kiểm tra, thanh tra. Có giám sát mới phát hiện, phát hiện mới xử lý được. Bên cạnh đó, cần nâng cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong thực hiện các quy định của Đảng.
Ý kiến của ông Phạm Trọng Đạt rất đúng với trường hợp Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, rất đúng với trường hợp Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Phan Thị Mỹ Thanh và các trường hợp quan chức sai phạm khác, đó là cấp trên đã lơ là, buông lỏng quản lý. Và người dân có quyền nghi ngờ có sự bao che, bè cánh hay lợi ích nhóm trong những vụ việc sai phạm kéo dài này?
Mường Thanh sai phạm triền miên, ở khắp ba miền
Tập đoàn Mường Thanh khá nổi trên báo chí những năm qua, nổi vì sai phạm triền miên hết dự án này đến dự án khác, và sai phạm ở bất cứ địa phương nào mà doanh nghiệp này có dự án.
Mới đây, trong cuộc họp HĐND TP. Hà Nội, Tướng Đoàn Duy Khương – Giám đốc Công an TP. Hà Nội, nói rằng “chờ ý kiến Bộ Công an sẽ khởi tố Tập đoàn Mường Thanh”. Chỉ riêng ở Hà Nội, theo lời Tướng Khương, đã có tới 12 dự án xây dựng của Tập đoàn Mường Thanh bị cho là mắc nhiều sai phạm.
Thanh tra Chính phủ cũng đã tổ chức thanh tra vi phạm tại các dự án của Mường Thanh ở 21 tỉnh, thành trên cả nước và gửi kết luận sang Bộ Công an. Thanh tra Chính phủ vạch ra hàng loạt sai phạm của chủ đầu tư tại dự án chung cư Đại Thanh ở Thanh Trì, Hà Nội (do liên danh tập đoàn Mường Thanh và Công ty CP Đầu tư Hải Phát làm chủ đầu tư). Đó là xây dựng khi chưa có quyết định giao đất; Chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, chuyển nhượng bất hợp pháp, chưa nộp tiền sử dụng đất; Xây dựng quá chiều cao quy định; Xây cả vào khu không được phép xây như các vị trí quy hoạch dải cây xanh; Các tiêu chuẩn về PCCC không đủ, dân chưa được cấp sổ đỏ....
Xét riêng các công trình dự án khách sạn của Mường Thanh, có thể thấy mức độ vi phạm pháp luật của chủ đầu tư đã gần như phủ nhiều tỉnh thành cả nước. Đơn cử, khách sạn Mường Thanh Quảng Ninh (tiêu chuẩn 5 sao, địa chỉ khu 2, phường Bãi Cháy). Năm 2013, khách sạn Mường Thanh Quảng Ninh đưa vào sử dụng nhưng 2 năm sau (tháng 2/2015) mới được cấp GPXD (?) Ở dự án này, Tập đoàn Mường Thanh là đối tác xây dựng.
Năm 2013, là dấu ấn sai phạm tại dự án khách sạn Mường Thanh Thanh Hóa xây dựng công trình khách sạn không có GPXD. Tương tự, dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Coco Mũi Né (TP.Phan Thiết, Bình Thuận) cũng bị đình chỉ thi công vì xây vượt gấp 3 lần diện tích được cấp phép (!)...Tháng 9/2016, Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa ra quyết định thu hồi GPXD dự án khách sạn Mường Thanh Khánh Hòa với lý do chủ đầu tư vi phạm Luật Xây dựng; không chấp hành chỉ đạo của UBND tỉnh Khánh Hòa...
Những sai phạm có tính hệ thống, xảy ra trong một thời gian dài như vậy mà bây giờ mới đặt ra việc khởi tố là điều đáng để suy nghĩ đối với việc áp dụng pháp luật và sự liêm chính của hệ thống công quyền. Ai cũng biết rằng đội ngũ công chức theo dõi trật tự xây dựng có mặt từ cấp phường trở lên nên không trường hợp nào xây dựng mà không biết, ngay cả những vụ xây dựng nhỏ hay dân cơi nới, sửa chữa nhà có sai phạm cũng nhanh chóng bị xử lý, nhưng sai phạm triền miên, qui mô sai phạm cực lớn lại được dung túng, dẫn đến sai phạm chồng sai phạm… Có báo che, có “bảo kê” không? Sao cả bộ máy Thanh tra xây dựng không kịp thời ngăn chặn sai phạm? Dân chúng không thể không đặt những câu hỏi như vậy.
Kết mở
Vụ kỷ luật cảnh cáo bà Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Phan Thị Mỹ Thanh, xem xét kỷ luật bà Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, xem xét khởi tố sai phạm của Tập đoàn Mường Thanh đều có điểm chung, là căn nguyên của những sai phạm được dung dưỡng, đó là sự lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm trong quản lý từ trên xuống dưới, nhìn rộng hơn là sự bất lực trong từng giai đoạn và mức độ khác nhau của hệ thống pháp luật.
Pháp luật có nhiều lỗ hổng, rào cản hay pháp luật đã có đủ qui định để ngăn chặn, xử lý những sai phạm nhưng pháp luật đã bị vô hiệu trong tay những người có thẩm quyền, đã giúp không ít đối tượng tự tung tự tác kéo dài? Lần này, Trung ương đã quan tâm chỉ đạo, dư luận cả nước rất chú ý, nếu những vụ việc đó không được xử lý nghiêm thì lòng tin của người dân vào công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực sẽ sa sút khó có thể vãn hồi.
Thái Đăng