Quyền sở hữu – góc nhìn từ pháp luật về xử lý vi phạm hành chính

Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung bình luận những quy định về tịch thu tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong mối liên hệ với các quy định của pháp luật dân sự để từ đó thấy được, quyền sở hữu là một trong những quyền năng quan trọng nhất của một cá nhân nhưng không phải là một thứ quyền “tuyệt đối” và quyền sở hữu của công dân luôn gắn liền với một chế độ sở hữu nhất định, trong một khuôn khổ pháp luật nhất định.

Quyền sở hữu là một quyền Hiến định . Đây luôn là một trong những vấn đề trọng tâm của pháp luật luật dân sự nói riêng và của cả hệ thống pháp luật nói chung, trong đó có pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Ở khía cạnh quyền sở hữu, các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính chủ yếu tập trung đề cập đến vấn đề chấm dứt quyền sở hữu. Có thể kể đến một số căn cứ chấm dứt quyền sở hữu được quy định trong pháp luật về xử lý vi phạm hành chính như: Tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, sung vào ngân sách nhà nước; tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tiêu hủy do bị áp dụng hình thức xử phạt tịch thu (và xử lý sau tịch thu) hoặc do bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy hoặc do đối tượng vi phạm hành chính chủ động thực hiện để xóa dấu vết (tẩu tán, tiêu hủy tang vật, phương tiện vi phạm)…

1. Xử lý trường hợp phương tiện giao thông được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính đã được mua, bán nhưng người mua chưa làm thủ tục đăng ký sang tên

Theo quy định tại khoản 2 Điều 106 Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS), “Quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là động sản không phải đăng ký, trừ trường hợp pháp luật về đăng ký tài sản có quy định khác”.

Khoản 1 Điều 161 BLDS cũng quy định về thời điểm xác lập quyền sở hữu đối với tài sản, theo đó, “Thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản thực hiện theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan; trường hợp luật không có quy định thì thực hiện theo thỏa thuận của các bên; trường hợp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận thì thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là thời điểm tài sản được chuyển giao”. Căn cứ các quy định trên đây, đối với động sản thuộc trường hợp pháp luật có quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì chủ sở hữu tài sản có nghĩa vụ đăng ký quyền sở hữu tại cơ quan có thẩm quyền và việc chuyển quyền sở hữu đối với động sản có hiệu lực kể từ thì điểm đăng ký.

Đối với trường hợp động sản là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (xe ô tô), khoản 3 Điều 53 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cũng quy định về việc chủ phương tiện có nghĩa vụ phải đăng ký quyền sở hữu tại cơ quan có thẩm quyền: “Xe cơ giới phải đăng ký và gắn biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp”[1]. Để cụ thể hóa quy định về đăng ký sở hữu phương tiện giao thông đường bộ, Bộ Công an cũng đã ban hành Thông tư số 15/2014/TT-BCA ngày 04/4/2014 quy định về đăng ký xe (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 64/2017/TT-BCA ngày 28/12/2017). Theo đó, chủ xe có trách nhiệm chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về đăng ký xe; khi bán xe, chủ xe phải thông báo bằng văn bản đến cơ quan đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký xe đó để theo dõi; trường hợp chủ xe không thông báo thì tiếp tục phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về chiếc xe đó đến khi người mua xe làm thủ tục đăng ký sang tên (khoản 1 và khoản 2 Điều 6 Thông tư số 15/2014/TT-BCA). Đối với người mua xe, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm chứng từ chuyển quyền sở hữu xe, người mua xe phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục đăng ký sang tên (khoản 3 Điều 6 Thông tư số 15/2014/TT-BCA).

Như vậy, tùy từng vụ việc cụ thể, cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt có thể căn cứ quy định tại Thông tư số 15/2014/TT-BCA để xác định tư cách chủ sở hữu phương tiện. Trường hợp chủ sở hữu hợp pháp đã bán phương tiện cho người khác nhưng các bên không làm thủ tục mua bán và người mua cũng không tiến hành thủ tục để đăng ký sang tên, đổi chủ theo quy định pháp luật, thì về phương diện pháp lý, người mua phương tiện chưa được coi là chủ sở hữu hợp pháp. Vấn đề đặt ra ở đây là, người có thẩm quyền xử phạt có thể tịch thu phương tiện vi phạm hành chính trong trường hợp này được không?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 441 BLDS thì “Đối với hợp đồng mua bán tài sản mà pháp luật quy định tài sản đó phải đăng ký quyền sở hữu thì bên bán chịu rủi ro cho đến khi hoàn thành thủ tục đăng ký, bên mua chịu rủi ro kể từ thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký, trừ trường hợp có thoả thuận khác”. Nếu căn cứ quy định này của BLDS thì người có thẩm quyền xử phạt hoàn toàn có thể ra quyết định tịch thu phương tiện vi phạm hành chính. Theo đó, về mặt pháp lý, người bán phải chịu rủi ro (tài sản là đối tượng của hợp đồng mua bán bị tịch thu)[2].

Tuy nhiên, nếu căn cứ vào các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hiện hành thì người có thẩm quyền xử phạt rất khó có thể đưa ra quyết định tịch thu hay không tịch thu đối với tài sản là phương tiện vi phạm hành chính đang trong “tình trạng pháp lý” không rõ ràng như vậy.

Đa số ý kiến cho rằng, trong trường hợp này, cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt không ra quyết định tịch thu phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính mà phải trả lại phương tiện cho người đứng tên chủ sở hữu phương tiện. Điều này cũng phù hợp với quy định của BLDS về thời điểm chịu rủi ro đối với tài sản tại khoản 2 Điều 441: “Đối với hợp đồng mua bán tài sản mà pháp luật quy định tài sản đó phải đăng ký quyền sở hữu thì bên bán chịu rủi ro cho đến khi hoàn thành thủ tục đăng ký, bên mua chịu rủi ro kể từ thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký, trừ trường hợp có thoả thuận khác”. Việc xử lý đối với người mua phương tiện đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định tại đoạn 2 khoản 1 Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (Luật XLVPHC): “Đối với tang vật, phương tiện đang bị tạm giữ do bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu thì trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp. Trong trường hợp này, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm vào ngân sách nhà nước”. Theo đó, người mua phương tiện và sử dụng phương tiện để thực hiện hành vi vi phạm hành chính phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính vào ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, đối với hành vi không thực hiện thủ tục đăng ký sang tên phương tiện, người mua phương tiện còn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm l khoản 7 Điều 30 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Một số ý kiến khác cho rằng, không thể áp dụng quy định tại đoạn 2 khoản 1 Điều 126 Luật XLVPHC để tịch thu phương tiện vi phạm hành chính, vì quy định này chỉ áp dụng khi phương tiện “bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính”. Trường hợp này, người mua không sử dụng trái phép, lại càng không chiếm đoạt trái phép phương tiện để vi phạm hành chính, bởi theo quy định của khoản 1 Điều 161 BLDS thì “Thời điểm tài sản được chuyển giao là thời điểm bên có quyền hoặc người đại diện hợp pháp của họ chiếm hữu tài sản”. Lỗi của họ chỉ là chưa hoàn tất thủ tục để đăng ký sang tên sở hữu phương tiện cho mình mà thôi, không thể coi việc chiếm hữu và sử dụng phương tiện đã mua (đã được bên bán chuyển giao) là bất hợp pháp.

Có thể nói, đây là vấn đề mà cả BLDS và Luật XLVPHC đều đang bỏ ngỏ, chưa có câu trả lời thỏa đáng. Thiết nghĩ, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nêu trên, cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về dân sự và xử lý vi phạm hành chính theo hướng: Tịch thu phương tiện vi phạm hành chính đối với trường hợp người mua phương tiện nhưng chưa tiến hành đăng ký sang tên sở hữu cho mình, nếu hành vi vi phạm hành chính được xác định do lỗi của người này. Nếu mang phương tiện vi phạm hành chính “trả lại” cho chủ sở hữu trong trường hợp này thì sẽ phát sinh thêm các thủ tục liên quan như xác minh, mời chủ sở hữu đến để nhận lại phương tiện mà họ đã bán. Việc này không hề đơn giản trong trường hợp phương tiện vi phạm hành chính đã được mua bán qua nhiều đời chủ (tình trạng khá phổ biến hiện nay).

2. Về việc xử lý vi phạm hành chính trong trường hợp người vi phạm hành chính là “chủ hàng” thực hiện việc từ bỏ quyền sở hữu đối với hàng hóa là tang vật vi phạm hành chính

Khoản 4 Điều 126 Luật XLVPHC quy định việc xử lý đối với tang vật vi phạm hành chính trong trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm hành chính: “Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính quá thời hạn tạm giữ nếu người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng hoặc trường hợp không xác định được người vi phạm thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ; trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo, niêm yết công khai, nếu người vi phạm không đến nhận thì người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để xử lý theo quy định tại Điều 82 của Luật này”.

Điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 65 Luật XLVPHC quy định một trong những trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng vẫn ra quyết định tịch thu tang vật vi phạm hành chính, đó là: “Không xác định được đối tượng vi phạm hành chính”.

Trên thực tế, có một số trường hợp, đối tượng thực hiện hành vi vi phạm hành chính đã thừa nhận quyền sở hữu của mình đối với hàng hoá có sai phạm (hàng không nhãn mác, hàng cấm…) nhưng sau đó làm “giấy từ bỏ quyền sở hữu” đối với số hàng hóa vi phạm; cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt tiến hành giải quyết vụ việc theo hướng hàng hoá không xác định được chủ sở hữu, từ đó không xác định được đối tượng vi phạm hành chính và áp dụng quy định tại khoản 4 Điều 126, điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 65 Luật XLVPHC để ra quyết định tịch thu tang vật không xác định được chủ sở hữu đó.

Vấn đề đặt ra, cách giải quyết này có phù hợp với các quy định của BLDS về quyền sở hữu tài sản không?

Theo quy định tại Điều 192 BLDS, thì “quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng hoặc tiêu hủy tài sản”. Điều 194 BLDS cũng quy định cụ thể các hình thức biểu hiện quyền định đoạt của chủ sở hữu, theo đó, “chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng, tiêu hủy hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản”.

Tuy nhiên, không phải lúc nào, trong trường hợp nào, chủ sở hữu cũng được thực hiện quyền định đoạt. Trong một số trường hợp nhất định, việc thực hiện quyền sở hữu nói chung và quyền định đoạt nói riêng phải tuân theo pháp luật quy định. Chính vì vậy, khoản 2 Điều 206 BLDS đã quy định nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc tôn trọng, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, theo đó, khi chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu riêng, chủ sở hữu “không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”.

Điều 239 BLDS cũng quy định rõ: “Đối với tài sản mà việc từ bỏ tài sản đó có thể gây hại đến trật tự, an toàn xã hội, ô nhiễm môi trường thì việc từ bỏ quyền sở hữu phải tuân theo quy định của pháp luật”.

Điều 65 Luật XLVPHC quy định cụ thể các trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng không bao gồm trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm từ bỏ quyền sở hữu.

Do vậy, việc đối tượng thực hiện hành vi vi phạm đã thừa nhận quyền sở hữu của mình đối với hàng hoá có sai phạm (hàng không nhãn mác, hàng cấm…) nhưng sau đó làm “giấy từ bỏ quyền sở hữu” đối với số hàng hóa vi phạm và cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt tiến hành giải quyết vụ việc theo hướng hàng hoá không xác định được chủ sở hữu, từ đó mặc nhiên coi đây là trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm là không đúng quy định của pháp luật bởi các lý do sau:

Thứ nhất, việc đối tượng vi phạm từ bỏ quyền sở hữu đối với tài sản để trốn tránh việc bị xử phạt vi phạm hành chính là không phù hợp với quy định của BLDS, vì theo quy định chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình đối với tài sản, nhưng không được làm thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, kể cả trong trường hợp từ bỏ quyền sở hữu tài sản (quyền định đoạt). Việc sở hữu hàng hoá không nhãn mác, hàng cấm,… là hành vi vi phạm nghiêm trọng trật tự quản lý nhà nước. Do vậy, việc thực hiện quyền sở hữu tài sản cũng không tách rời việc thực hiện nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc bảo đảm trật tự, an toàn xã hội theo quy định tại Điều 206 và Điều 239 BLDS.

Thứ hai, đây là trường hợp đã xác định được đối tượng thực hiện hành vi vi phạm nên không thể coi việc đối tượng vi phạm từ bỏ quyền sở hữu đối với tài sản tương tự như trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm hành chính để áp dụng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 65 Luật XLVPHC xác định vụ việc thuộc trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Trong trường hợp này, cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vẫn phải lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với đối tượng thực hiện hành vi vi phạm, không được tiến hành xử lý vụ việc theo hướng hàng hóa không xác định được chủ sở hữu, không xác định được đối tượng vi phạm.

3. Việc xử lý phương tiện vi phạm hành chính trong trường hợp phương tiện là tài sản chung vợ chồng

Khoản 6 Điều 12 Luật XLVPHC quy định một trong những hành vi bị nghiêm cấm trong xử lý vi phạm hành chính, đó là: “Áp dụng hình thức xử phạt,… không đầy đủ đối với hành vi vi phạm hành chính”.

Điều 7a Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017) quy định về áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, theo đó: “Hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính chỉ được áp dụng khi nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước có quy định hình thức xử phạt này đối với hành vi vi phạm hành chính cụ thể”.

Trong thực tế, có nhiều vụ việc vi phạm hành chính mà trong đó, hành vi vi phạm thuộc trường hợp phải tịch thu phương tiện (ví dụ: Vận chuyển hàng hóa để kinh doanh nhưng lại thực hiện hành vi phạm hành chính khi điều khiển phương tiện). Phương tiện do một trong hai người, vợ hoặc chồng trực tiếp điều khiển, thực hiện hành vi vi phạm hành chính. Căn cứ quy định tại khoản 6 Điều 12 Luật XLVPHC và Điều 7a Nghị định số 81/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 97/2017/NĐ-CP) nêu trên, người có thẩm quyền xử phạt ra quyết định tịch thu phương tiện vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, khi quyết định xử phạt có áp dụng hình thức xử phạt tịch thu phương tiện vi phạm hành chính bị khởi kiện, Tòa án nhân dân một số địa phương đã tuyên hủy toàn bộ hoặc một phần quyết định xử phạt vi phạm hành chính (đối với nội dung liên quan đến áp hình thức xử phạt tịch thu phương tiện vi phạm hành chính) với lý do: Phương tiện đó lại là tài sản chung của vợ chồng, hình thành trong thời kỳ hôn nhân; người vợ hoặc chồng (không điều khiển phương tiện) không biết việc người kia sử dụng phương tiện vào việc vi phạm hành chính nên không có lỗi trong việc thực hiện hành vi vi phạm hành chính; việc áp dụng hình thức xử phạt tịch thu phương tiện là ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người vợ hoặc chồng (không điều khiển phương tiện).

Vấn đề đặt ra, việc cơ quan Tòa án tuyên hủy quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp nêu trên có đúng quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, dân sự, hôn nhân và gia đình không?

Khoản 2 Điều 34 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Trong trường hợp giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản chỉ ghi tên một bên vợ hoặc chồng thì giao dịch liên quan đến tài sản này được thực hiện theo quy định tại Điều 26 của Luật này”.

Theo quy định tại Điều 24, Điều 25, Điều 26 và Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình, trong trường hợp vợ, chồng kinh doanh chung thì vợ, chồng trực tiếp tham gia quan hệ kinh doanh là người đại diện hợp pháp của nhau trong quan hệ kinh doanh đó. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 30 hoặc giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện tại các điều 24, 25 và 26 của Luật này.

Điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình quy định nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng. Theo đó, vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:

“1. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;

Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;

Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;

Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;

Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;

Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan”.

Ngoài ra, Điều 13 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình cũng quy định:

“1. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận. Trong trường hợp vợ hoặc chồng xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì được coi là có sự đồng ý của bên kia, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 35 của Luật hôn nhân và gia đình[3].

Trong trường hợp vợ hoặc chồng định đoạt tài sản chung vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 35 của Luật hôn nhân và gia đình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu và giải quyết hậu quả pháp lý của giao dịch vô hiệu”.

Căn cứ các quy định pháp luật nêu trên, tác giả cho rằng, trong trường hợp này, chiếc xe ô tô là tài sản chung của vợ, chồng, cả hai cùng thống nhất sử dụng để kinh doanh, phục vụ nhu cầu thiết yếu của gia đình. Việc người vợ hoặc chồng trực tiếp sử dụng chiếc xe ô tô thực hiện giao dịch vận chuyển hàng hóa để kinh doanh, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình được coi là có sự đồng ý của người kia. Do vậy, người vợ hoặc chồng (không điều khiển phương tiện) cũng phải có trách nhiệm, nghĩa vụ liên đới khi cơ quan, người có thẩm quyền xử lý chiếc xe ô tô là phương tiện vi phạm hành chính theo quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Người có thẩm quyền xử phạt không thực hiện việc tịch thu phương tiện vi phạm hành chính có thể bị xem xét, xử lý kỷ luật theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật XLVPHC[4] và Nghị định số 19/2020/NĐ-CP ngày 12/02/2020 của Chính phủ về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Theo tapchitoaan.vn

Nguồn bài viết: https://tapchitoaan.vn/bai-viet/nghien-cuu/quyen-so-huu-goc-nhin-tu-phap-luat-ve-xu-ly-vi-pham-hanh-chinh

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin