“Quyền im lặng” và phán quyết của tòa

Nếu bị cáo không khai báo, đến khi HĐXX nghị án, liệu tòa án có tuyên buộc tội được không? Phán quyết của tòa trong trường hợp này có phù hợp quy định pháp luật không?...

Hai hôm nay, từ khóa "Quyền im lặng" tràn ngập trên các trang báo, mạng xã hội khi cựu hoa hậu Trương Hồ Phương Nga nhất quyết không trả lời các câu hỏi của đại diện VKSND TP HCM giữ quyền công tố tại phiên tòa và HĐXX đặt ra trong quá trình xét xử.

Hiểu về quyền im lặng như thế nào cho đúng?

Thuật ngữ "Quyền im lặng" bắt nguồn từ Hoa Kỳ. Có nhiều sự diễn giải về nguyên tắc này, nhưng tựu trung lại bằng một câu "Không người nào bị bắt buộc phải làm chứng chống lại mình". Theo nguyên tắc này, người bị bắt giữ, trước khi thẩm vấn, phải được cho biết rõ ràng rằng người ấy có quyền giữ im lặng; bất cứ điều gì người ấy nói sẽ được dùng để chống lại người ấy ở tòa án. Người bị buộc tội chỉ có thể khai báo khi có mặt của luật sư. Quyền có luật sư bào chữa và Quyền im lặng là 2 trong số các quyền cơ bản của con người.

Ở Việt Nam, quyền con người, quyền công dân đã được hiến định khá đầy đủ trong Hiến pháp 2013. Bộ Luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) Việt Nam năm 2015 đã cụ thể hóa một số nguyên tắc cơ bản thực thi quyền con người, quyền công dân của Hiến pháp 2013 như nguyên tắc "Suy đoán vô tội" (điều 13), "Xác định sự thật của vụ án" (điều 15), "Bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự" (điều 16), "Tranh tụng trong xét xử được bảo đảm" (điều 26).

"Quyền im lặng" có được quy định trong BLTTHS 2015 không? Thực ra, trong BLTTHS 2015, không có khái niệm về "Quyền im lặng", mà chỉ có nội dung chứa nội hàm về "Quyền im lặng" được quy định về quyền của người bị buộc tội tại các điều 59 đến 62 BLTTHS. Quyền này của người bị buộc tội được thể hiện như sau: "Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội". Quyền này được thể hiện xuyên suốt từ khi bị bắt, bị khởi tố cho đến khi xét xử. Đây chính là tinh thần cốt lõi của "Quyền im lặng" được thể hiện trong BLTTHS 2015 (BLTTHS 2003, tại điều 49 và 50 (quy định về quyền của bị can, bị cáo), không có nội dung này).

 Ngày xét xử thứ hai (23-6), cựu hoa hậu tiếp tục sử dụng "Quyền im lặng" tại tòa (ảnh: Phạm Dũng)
Ngày xét xử thứ hai (23-6), cựu hoa hậu tiếp tục sử dụng "Quyền im lặng" tại tòa (ảnh: Phạm Dũng))

Vụ án Trương Hồ Phương Nga bị VKSND TP HCM truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" khái niệm "Quyền im lặng" được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Trong quá trình điều tra và phiên tòa xét xử vào năm 2016, cựu hoa hậu này đã thực hiện tốt "Quyền im lặng" của mình. Tại phiên tòa này, Phương Nga tiếp tục thực hiện "Quyền im lặng". Tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp, người bị buộc tội sử dụng "Quyền im lặng" là tốt. Việc sử dụng "Quyền im lặng" vào lúc nào, khi nào thì người bị buộc tội cũng cần cân nhắc. Sử dụng đúng lúc, đúng chỗ để tự bào chữa, bảo vệ cho mình sẽ phát huy hiệu quả nhưng nếu từ đầu đến cuối đều "im lặng" thì không phải lúc nào cũng tốt. Có những lúc cần phải "không im lặng" để thực hiện quyền trình bày của mình, miễn sao lời trình bày ấy "không chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội".

Bị cáo im lặng, tòa có kết tội được không?

Vấn đề đặt ra là nếu bị cáo thực hiện "Quyền im lặng", không khai báo thì tòa có tuyên án theo hướng buộc tội được không? Theo quy định của BLTTHS 2003 và BLTTHS 2015, tòa án hoàn toàn có thể tuyên một bản án buộc tội bị cáo, nếu có đủ chứng cứ.

Bởi lẽ, trách nhiệm chứng minh tội phạm, xác định sự thật khách quan của vụ án thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng (CQTHTT) theo Điều 10 BLTTHS 2003 (tương ứng điều 15 BLTTHS - 2015) quy định về nguyên tắc xác định sự thật khách quan của vụ án: "Cơ quan điều tra, VKS và Toà án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo. Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các CQTHTT. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội".

Quá trình điều tra, truy tố, xét xử, để chứng minh bị cáo có tội hay không có tội, các CQTHTT không chỉ dựa vào lời khai của bị can, bị cáo mà phải xem xét tất cả các chứng cứ, tài liệu có liên quan một cách khách quan, toàn diện. Các CQTHTT "Không được dùng lời khai nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội bị can, bị cáo" được quy định tại khoản 2 điều 72 BLTTHS 2003 và khoản 2 điều 98 BLTTHS 2015.

Do vậy, kể cả trường hợp bị can, bị cáo có khai báo thế nào đi nữa nhưng nếu lời khai của họ không phù hợp với các chứng cứ khác thì không được coi là chứng cứ của vụ án và không được dùng lời khai này để buộc tội họ. Trường hợp, bị can, bị cáo từ chối khai báo nhưng nếu các cơ quan tiến hành tố tụng sử dụng các chứng cứ khác được thu thập hợp pháp, khách quan, đúng sự thật trong quá trình giải quyết vụ án thì vẫn buộc tội được bị can, bị cáo.

Bản án dựa trên kết quả tranh tụng

Theo khoản 5 điều 103 Hiến pháp 2013 và điều 26 BLTTHS 2015, tòa án phải thực thi nghiêm túc "Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được đảm bảo", nhằm đảm bảo mọi chứng cứ, tài liệu buộc tội, gỡ tội phải được xem xét thấu đáo, khách quan, toàn diện tại phiên tòa. Bản án của tòa án tuyên phải dựa trên kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Quan trọng là các CQTHTT và người tiến hành tố tụng có đủ năng lực để tìm ra sự thật của vụ án hay không. Có nhiều vụ án, bị can, bị cáo không khai, hoặc khai báo không đúng sự thật nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn xác định được sự thật vụ án để buộc tội một cách tâm phục khẩu phục.

Theo NLD

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin