Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đã nêu vấn đề như vậy tại phiên làm việc sáng nay (14-9) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về nội dung xem xét dự án luật quản lý ngoại thương.
Trình bày tờ trình về dự luật, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú trình bày cho hay đang có quá nhiều các văn bản quy phạm pháp luật cùng quy định quản lý nhà nước về hoạt động ngoại thương dẫn đến tản mát, thiếu minh bạch và gây rủi ro cho tổ chức, cá nhân trong áp dụng chính sách quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu.
Cũng theo ông Tú, dự án luật đưa ra một loạt biện pháp hành chính hạn chế xuất nhập khẩu như hạn ngạch thuế quan, chỉ định thương nhân xuất nhập khẩu, danh mục hàng cấm xuất nhập khẩu…
[caption id="attachment_149278" align="aligncenter" width="410"] Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình.[/caption]
Đa số ý kiến trong UBTVQH tán thành với tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành luật nhằm góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ điều chỉnh hoạt động ngoại thương, đồng thời tăng cường công cụ quản lý nhà nước về ngoại thương, đảm bảo minh bạch, hiệu quả, phù hợp với các cam kết quốc tế; nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng...
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cần phải làm rõ cơ chế giám sát quyền lực của cơ quan quản lý cũng như đưa ra được môi trường cạnh tranh công bằng.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng nhận định: “Nhìn vào luật còn thấy nặng nề, nào giấy phép rồi thậm chí quyền lực của đồng chí bộ trưởng Bộ Công Thương rất lớn, từ hạn ngạch, áp dụng cho anh nào đi, cho anh nào ở...”.
Theo đó, ông Bình đặt câu hỏi: “Ở đây sự giám sát, minh bạch, công bằng vấn đề ngoại thương thể hiện ở khoản, điểm nào. Hạn ngạch là vấn đề rất khó trong xuất nhập khẩu thì các đồng chí minh bạch hóa, công bằng hóa những quyền lực của Bộ Công Thương trên những điều khoản nào?”.
Ông Bình cũng nêu ra hạn chế của dự luật là mới chỉ đưa ra quy định phòng vệ khi doanh nghiệp (DN) nước ngoài vào Việt Nam, chèn ép DN trong nước. Còn DN Việt ra nước ngoài bị chèn ép thì được bảo vệ ở đâu trong dự luật này thì vẫn chưa rõ. Bởi khi Việt Nam ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA), tham gia FTA thế hệ mới, nhìn bề ngoài có vẻ bình đẳng nhưng thực chất các nước có hệ thống phòng vệ rất mạnh, chặt chẽ.
[caption id="attachment_149277" align="aligncenter" width="410"]
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt.[/caption]
Đồng quan điểm với ông Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cũng đề nghị dự luật cần quan tâm điều chỉnh, cải cách để các thủ tục xuất nhập khẩu minh bạch, công bằng, bớt rườm rà.
“Các nước thủ tục ít nhưng chặt trong khi ta thủ tục vừa nhiều, rườm rà nhưng hở, dễ lợi dụng. Do đó mục tiêu của luật này phải làm sao để chất lượng hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam không bị thua thiệt” - ông Việt nói.
Ông Việt cũng lưu ý xuất nhập khẩu lâu nay còn phụ thuộc vào Trung Quốc, vì vậy dự luật cần mở ra phạm vi rộng hơn để các DN trong nước đa dạng hóa thị trường, đỡ phụ thuộc vào thị trường đơn nhất.
“Bảo đảm xuất khẩu, nhập khẩu làm sao không thua thiệt. Thực tế như ở biên giới với Trung Quốc đúng là DN bị thua thiệt rất lớn, có thời kỳ cửa khẩu hàng hóa ách tắc, rất khổ cho DN. Làm thế nào đảm bảo cân băng hài hòa cung cầu và tính pháp lý cao trong luật” - ông Việt nói.
Theo PLO